Đạo và Đời

Giá phải trả khi chọn theo Chúa Giêsu

Wednesday, 28/08/2019 - 05:48:03

Hình ảnh của Chúa Giêsu được chính Ngài mô tả trong bài Tin Mừng ngày hôm nay có thể gây chấn động cho nhiều người.


Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG

Hình ảnh của Chúa Giêsu được chính Ngài mô tả trong bài Tin Mừng ngày hôm nay có thể gây chấn động cho nhiều người. Khi Hài Nhi Giêsu được sinh ra, các thiên thần hát mừng Ngài là bình an dưới thế cho loài người thiện tâm. Điều này đã đượcTiên Tri Isaia tiên đoán Ngài là Ông Vua của thái bình, nhưng hôm nay chúng ta nhìn thấy một hình ảnh hoàn toàn trái ngược: Ngài đến để đem lửa xuống thế gian; Ngài sẽ chịu một phép rửa; và Ngài sẽ gây chia rẽ con người ngay từ trong gia đình của họ. Đây chính là ba điểm mà chúng ta cần tìm hiểu xem thực sự Chúa muốn nói gì, và lời Ngài nói mang ý như thế nào trong cuộc sống của chúng ta.

Trước hết là lửa từ trời. Đây không phải là lửa mà các môn đệ của Ngài xin để thiêu hủy thành Samaritanô khi người dân nơi đây không đón tiếp Ngài, và cũng không là lửa trong Cựu Ước đã thiêu hủy hai thành Gômôra và Sôđôma, nhưng Chúa muốn nói đến lửa của sự tôi luyện. Giáo huấn của Ngài sẽ tôi luyện lòng người để gạn lọc: loại bỏ đi những gì nhơ bẩn và thuộc về gian ác để cho sự thánh thiện và công chính được chiếu tỏ. Hàng ngày chúng ta đọc Lời Chúa và suy gẫm những giáo huấn Ngài truyền dạy là để tôi luyện con người của chính mình, để có thể biến đổi tâm hồn trở nên trinh trong hơn. Đó chính là lửa mà Chúa muốn được cháy lên trong ta và trong lòng nhân loại.

Hình ảnh thứ hai Chúa Giêsu nhắc đến, đó là phép rửa Ngài phải trải qua, và Ngài khắc khoải trong lo âu cho đến khi hoàn tất. Những ngôn từ được dùng để diễn tả phép rửa của Ngài giúp chúng ta hiểu dễ dàng, đây là sự thương khó và sự chết Ngài phải trải qua. Mặc dù phép rửa này gây ra sự buồn sầu, nhưng Ngài vẫn vui lòng chấp nhận trải qua vì nó đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Ngày xưa trong các nghi lễ của người Do Thái, họ thường hiến tế những lễ vật, mong làm nguôi lòng Thiên Chúa, xin Ngài đối xử với họ khoan dung hơn. Cũng thể theo hình thức đó, Chúa Giêsu đã tự hiến tế chính mình để đền bù tội lỗi cho nhân loại, và hiến tế của Ngài một lần thay cho tất cả mọi hiến tế của con người. Thánh Lễ chúng ta cử hành hàng ngày không những nhắc nhở chúng ta “làm việc này mà nhớ đến Người,” mà còn mời gọi chúng ta mạnh dạn thông phần trong cùng một phép rửa với Người.

Điểm sau cùng và cũng là điểm gây nhiều hoang mang, đó là lời Chúa Giêsu tuyên bố Ngài đến để gây chia rẽ ngay chính những người trong cùng một gia đình. Điều này hoàn toàn đúng sự thật. Chúa Giêsu là Ông Vua Thái Bình, nhưng những điều Ngài truyền dạy luôn là những thách đố cho mọi thời đại và xoáy sâu vào tâm hồn mỗi con người. Lời Ngài giảng dạy đòi buộc những ai chọn theo Ngài phải từ bỏ những sai lầm và dễ dãi của xã hội để trung thành với chỉ một mình Ngài. Ngài không kêu gọi cắt đứt mọi mối tương quan, nhưng Ngài muốn phải chọn Ngài trên hết mọi sự. Do đó những ai theo Ngài phải bỏ lại đằng sau mọi mối liên hệ với những người đang sống với những trào lưu sai lầm và với những niềm tin sai lạc. Những ai bước theo Chúa Giêsu, thường phải chấp nhận bị gia đình ruồng bỏ, xã hội khinh chê, và trong nhiều trường hợp phải hy sinh cả mạng sống mình.

​Biết rằng theo Chúa phải trả một giá quá đắt, ngoài sức tưởng tượng của con người, nhưng tại sao vẫn có nhiều người chọn theo Chúa, và Giáo Hội Ngài mỗi ngày mỗi lan rộng? Lý do đơn giản như Thánh Phêrô đã từng tuyên tín: “Bỏ Thầy con biết theo ai? Thầy có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6:68). Ngoài Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài, không niềm tin nào có thể thỏa mãn được khát vọng của con người đi tìm chân lý. Do đó, đối với những ai chọn theo Chúa, phần thưởng có được sự sống đời đời là vô giá. Cho dù có phải bị ruồng bỏ, khinh chê, hay tử hình tủi nhục cũng không ngăn cản được quyết tâm theo Chúa bởi vì đó là chọn lựa khôn ngoan nhất để bước vào sự sống đời đời.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT