Thể Thao

Giải Asian Cup 2015: Sonaldo của Nam Hàn làm bàn 2 lần hạ Uzbekistan; Hill của Úc cũng vậy, thắng Trung Quốc

Thursday, 22/01/2015 - 10:08:47

Không cần phải đếm đầu người theo sắc dân ta cũng biết là trận giữa Úc với Trung Quốc thì đương nhiên khán giả địa phương người Úc là đông đảo hơn cả. Bao nhiêu triệu người Trung Hoa dán mắt vào màn hình TV để theo rõi trận đấu với màu cờ sắc nước của phe mình thì chưa có số liệu cụ thể.

Bài THANH NGUYỄN

BRISBANE - Trận tứ kết giữa Nam Hàn với Uzbekistan và giữa Úc với Trung Quốc diễn ra cùng lúc vào đêm thứ Năm tại Úc.
Úc thắng Trung Quốc 2 bàn trắng trong hiệp 2, và Nam Hàn thắng Uzbekistan cũng 2 bàn trắng, mỗi bàn trong mỗi hiệp 15 phút phụ trội sau khi đôi bên kết thúc 90 phút đầu tiên với tỷ số 0-0.
Ban tổ chức giải Á Châu kỳ này cho biết là sau 26 trận đấu, kể cả hai trận vừa nêu, tổng số khán giả đi xem là 465,381 người; tức trung bình trên dưới 18,000 người cho mỗi trận. Trận tứ kết Úc-Trung Quốc tại sân ở Brisbane đã có trên 46,000 người xem. Trận giữa Nam Hàn với Uzbekistan có hơn 23,000 người xem.
Không cần phải đếm đầu người theo sắc dân ta cũng biết là trận giữa Úc với Trung Quốc thì đương nhiên khán giả địa phương người Úc là đông đảo hơn cả. Bao nhiêu triệu người Trung Hoa dán mắt vào màn hình TV để theo rõi trận đấu với màu cờ sắc nước của phe mình thì chưa có số liệu cụ thể.

“Sonaldo” Son Heung Min của Nam Hàn đang dẫn banh trong trận thắng Uzbekistan đêm thứ Năm. (Getty Images)



Trận Nam Hàn - Uzbekistan

Hiện tượng “danh bất hư truyền” đã diễn ra xuyên suốt trận đấu đối với càu thủ tiền đạo Son Heung Min, năm nay 22 tuổi. Cậu ta là cầu thủ trong vai tiền đạo thường xuyên đấu cho đội Bayer Leverkusen thuộc Liên Đội Bóng Đá hàng đầu Bundesliga của Đức.
Một đội banh có tiếng của Đức mà phải cậy đến một tiền đạo người Nam Hàn thì riêng việc đó thôi cũng nói lên tài nghề của anh thanh niên này. Đồng đội gán cho Son Heung Min cái biệt danh là “Sonaldo.” Ai biết tài nghề của (Cristiano) Ronaldo ra sao thì sẽ hiểu ngay giá trị cái biệt danh mà Son Heung được đồng đội gán cho như thế. Hai chữ “tiền đạo” trong thuật ngữ bóng đá Việt Nam hoặc hai chữ “avant centre” trước kia người Pháp quen dùng (bấy nay thêm những từ như “avant de pointe,” “buteur,” “tireur”) không có nghĩa đơn giản và rõ rệt như trong tiếng Anh với cái nghĩa là “nhân vật chủ chốt để làm bàn.”
Mà Son Heung Min thì giữ vai trò đó cả trong đội hình của Bayer Leverkusen lẫn đội tuyển quốc gia. Và xuyên suốt trận tứ kết vừa rồi, cậu ta đúng là “tung hoành” trên sân, gây kinh hoàng cho đội ngũ Uzbekistan, và nhất là thủ môn Ignatiy Nesterov. Nếu như Uzbekistan không có anh thủ môn này thì còn thua đậm nữa! Đã có lúc mà sau những cú cứu banh chớp nhoáng và liên tục của Nesterov, phóng viên tường thuật trận đấu trên TV đã kêu lên: “This is a one man show.” (Đây là màn biểu diễn của một cá nhân.)
Vây thì trận dấu trong thời gian quy định 90 phút cộng thêm ít phút đã bất phân thắng bại. Vẫn theo quy định đối với những trận tranh giải ở dạng này, đôi bên phải đấu thêm hai hiệp, mỗi hiệp 15 phút! Phe nào lúc đó cũng đã mệt lả, thế nhưng không thắng thì làm sao vào được bán kết?
Về mặt thể lực thì trông phe Uzbekistan “to con” và cao hơn phe Nam Hàn. Người Uzbek người ta ăn thịt cừu, bánh mì, có cả mì sợi, và rau cỏ này kia. Người Nam Hàn cũng ăn thịt, cá, mì sợi,... Kim Chi nên xem chừng cũng “dinh dưỡng” chả kém, nhưng vẫn nhỏ con hơn đám cầu thủ Uzbek !
Rốt cuộc: Phút thứ 104 của trận đấu, tiền đạo Son Heung Min - còn ai khác vào đấy? - nhận quả banh vòng cầu, ngắn, của một đồng đội và đánh đầu vào khung thành Uzbekistan. Thủ môn Nesterov nhào ra ngay thềm khung thành để lấy cả người lẫn cánh tay của mình ngăn chận. Banh trúng vào cánh tay của Nesterov nhưng vẫn theo sức mạnh của cú đánh đầu mà lăn tù từ vào bên trong khung thành.
Đội ngũ Nam Hàn nhảy cỡn như một đám choi choi để reo mừng. Vào giờ phút đó mà thắng 1 bàn trắng thì kể như vòng bán kết đã ló dạng ở ... chân trời xứ Úc!
Nhưng nào đã xong! Chỉ còn một phút nữa thì dứt số 15 phút phụ trội của hiệp phụ lần thứ hai, đám cầu thủ Nam Hàn chạy thục mạng theo quả banh trong chân phe mình về phía khung thành Uzbekistan. Son Heung Min chạy vọt vào khoảng giữa, hờm sẵn, một cầu thủ bạn chuyển vòng cung quả banh vào, và Son Heung Min sút thẳng vào góc trái phía trên khung thành. Nesterov nhào theo để bắt nhưng không kịp!
Đội ngũ Nam Hàn ca khúc khải hoàn. Riêng người hùng Son Heung Min, biệt danh “Sonaldo” của suốt trận đấu thì kiệt sức, với “thương tích cùng mình” do va chạm với cầu thủ đối phương cho nên được người ta tải ra khỏi sân trên một cái cáng!

Trận Úc - Trung Quốc

Châu Úc có hai con vật tiêu biểu: Con Koala mà thuở ban đầu thiên hạ ở Úc cũng như người đặt chân qua đấy làm ăn hay du ngoại vẫn quen gọi là con “Koala Bear” tuy con vật trông thật hiền lành dễ thương này chả có họ hàng gì với giống gấu. Xứ này cũng có con vật tiêu biểu hơn nữa là con Kangaroo ( tiếng Pháp gọi là Kangourou). Vậy thì đội bóng quốc gia của Úc bấy được mênh danh là đội “Socceroos.” Biệt danh này xưa kia là do một nhà báo từ Sydney theo đội bóng Úc qua Việt Nam Cộng Hòa trong chuyến “viếng thăm thiện chí” (goodwill tour) rồi gọi đội banh xứ mình là đám cầu thủ “Socceroos;” mượn chút danh của con Kangaroo. Liện Hiệp Hội Bóng Đá của Úc sau đấy thấy danh xưng đó nghe “có lý” thế nào đấy cho nên từ bấy đên nay chính thức gọi đội banh xứ mình là “Socceroos.”
Trận tứ kết giữa Socceroos với Trung Quốc (chưa thấy người Trung Hoa hay Tây phương gọi nó, ví dụ, là “Đội Panda Kung Fu”) diễn ra cũng bi hùng, gay cấn, quyết liệt chả thua gì trận kia. Phe TQ đấu với tâm lý “ta từ nước lớn nhất và giàu mạnh nhất hoàn cầu;” còn Úc thì đấu với tâm lý “Ta là chủ nhà đứng ra tổ chức cái giải này; thua thì khó coi lắm.”
Nhưng nếu có hơn nhau chăng thì cũng không do ai khác hơn là: huấn luyện viên, cầu thủ và nhấ là cái anh thủ môn.

Tim Cahill của Úc đang giành banh với Zhang Chengdong của Trung Quốc tại Brisbane đêm thứ Năm. (Getty Images)


Nếu như Nam Hàn có “Sonaldo” Son Heung Min thì đội “Socceroos” có Tim Cahill, tuy trong làng bóng đá thì chàng ta đã “gần quá lứa” vì nay đã 35 tuổi, và thường xuyên đấu cho một đội trong tổ chức bóng đá MLS ( Major League Soccer ) của Hoa Kỳ. Cahill là cầu thủ xưa giờ làm bàn nhiều nhất cho đội bóng quốc gia Úc. Và cũng lại thêm một trường hợp “danh bất hư truyền” thứ hai trong ngày !
Phút thứ 48: Cahill làm được điều mà cả Messi lẫn Ronaldo suốt mấy năm gần đây không làm được: Cong người để đá ngược quả banh khỏi đầu cho lọt lưới vào khung thành địch. Mà thủ môn của đội TQ thì chắc chắn không thuộc loại xoàng!
Thừa thắng xông lên, phút thứ 64, từ một quả banh do đồng đội Davidson truyền qua, Cahill đánh đầu lọt lưới quả thứ 2!
Sau đó thì “Úc ta” lo phòng thủ cho chặt để giữ lấy vốn, còn “địch của đám Socceroos,” tức TQ, chỉ còn có nước áp dụng chiến thuật “nhất chín nhì bù” để công hãm phía “Socceroos.” Chẳng ăn thua! Đội TQ nghỉ mệt xong xuôi đâu đấy sau trân đấu thì phải tính ngay đến chuyện thu xếp vali, mua vé “One Way” leo máy bay về nước!
Huấn luyện viên người Pháp Alain Perrin của đội TQ than thở với báo chí sau trận đấu: “Đội chúng tôi thiếu tập trung cho nên thua. Chỉ cần sơ hở trong nháy mắt là phải trả cái giá đắt.”
Perrin ơi hỡi Perrin! Vậy chứ bóng đá từ xưa đến giờ không là như vậy thì còn như cái gì nữa?
Chả biết về mặt “thống kê học” thì người ta phân loai ra sao cái vụ hai đội banh vào tứ kết cùng ngày, mỗi đội có một cầu thủ duy nhất thắng hai bàn thắng cho đội mình để vào Bán Kết?
Ngày thứ Sáu 23/1 đến phiên Nhật đấu tứ kết với nước dầu hỏa Arab Emirates, và Iran với Iraq. Cũng lại cực kỳ hấp dẫn. (tn)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT