Thể Thao

Giải bóng tròn Phi Châu 2015

Tuesday, 20/01/2015 - 06:22:41

Chẳng hạn như trong riêng trận đầu tiên vào ngày thứ Hai thì đã có tên một cầu thủ thuộc đội Paris Saint Germains bên Pháp, một người thuộc đội bóng bên Bỉ, một người thuộc đội bóng Palermo bên Ý và một người thuộc một đội bóng tại Hoa Kỳ.

Bài THANH NGUYỄN

Kể từ ngày thứ Bảy vừa qua giải bóng tròn Phi Châu “Orange, Africa Cup of Nations”, trong khuôn khổ của Liên Hiệp Hội Bóng Đá Phi Châu (Confederation Africaine de Football) đã khai mạc với trận mở đầu giữa đội của nước đứng ra tổ chức là Equatorial Guinea với đội Congo tại thành phố cảng Bata. Sở dĩ có chữ “Orange” ở tên gọi của giải kỳ này là vì nó được công ty viễn thông Orange của Pháp - trụ sở tại Paris- đứng ra bảo trợ.

Moussa Sow của Senegal mừng cú đá lọt lưới Ghana tại vô địch Phi Châu ngày thứ Hai, 19 tháng Một, 2015. (Mohamed Hossam/Anadolu Agency/Getty Images)



Equatorial Guinea là cựu thuộc địa của Tây Ban Nha; nằm trên đường xích đạo, 28,000 cây số vuông, dân số trên 650,000, là nước duy nhất tại Phi Châu với ngôn ngữ chính thức là tiếng Tây Ban Nha; và tuy là một trong những nước giàu có do sản xuất dầu mỏ nhưng đối với Liên Hiệp Quốc thì lại là một trong những nước có nhiều “vấn đề” nhất về mặt nhân quyền, nhân sinh, với mức sống của người dân hết sức bất quân bình.
Nước này cũng khá lạ đời ở chỗ đất đai của nó, mảng chính theo hình chữ nhật, mặt phía Tây giáp Đại Tây Dương, nhưng phần đất còn lại là một hải đảo nằm chếch lên hướng Tây Bắc ngoài khơi, với thủ đô Malabo ở đấy! Nó khác với hai nước Phi Châu mang tên tương tự nằm chếch lên hướng Tây Bắc là Cộng Hòa Guinea -thuộc địa Pháp khi xưa- và Guinea Bissau, cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha.
Giải bóng tròn Phi Châu khác với những giải Á Châu và Nam Mỹ ở chỗ nó định kỳ hai năm được tổ chức một lần. Các đợt tranh giải khởi sự từ năm 1957. Ban đầu có sự tham gia của Nam Phi, sau đó Nam Phi - vẫn còn dưới thời “Apartheid” do dân da trắng cai trị - không chịu gửi một đội với thành phần khác màu da tham dự cho nên không được tổ chức CAF chấp thuận cho tham gia. Mãi đến năm 1996, sau khi chế độ “Apartheid” kết thúc vào năm 1990, đội bóng Nam Phi mới trở lại tham gia giải này và chính Nam Phi năm đó là nước đứng ra tổ chức.
Mở màn vào ngày 17 tháng Một năm nay như đã nêu, ngày cuối của vòng loại gồm 16 đội để vào Tứ Kết là ngày 28 tháng Một. Vòng Tứ Kết sẽ bắt đầu vào đúng cuối tháng. Vòng Bán Kết sẽ bắt đầu ngày 4 tháng Hai. Tranh giải ba sẽ là ngày 7 tháng Hai; và trận chung kế sẽ rơi vào ngày 8 tháng Hai.
Người hâm mộ bóng đá tại Nam Cali này mà muốn theo dõi các trận đấu của giải Phi Châu 2015 thì dứt khoát phải có có truyền hình “Cable” chứ còn những kênh truyền hình thông thường chẳng mấy khi tiếp vận. Mà nếu yêu thích bóng đá nhưng không được xem tận mắt qua truyền hình những trận đấu bóng trong một giải như thế này tại Phi Châu thì quả là một sự mất mát lớn.
Trong kỳ có giải World Cup năm 2014 vừa rồi, những đội bóng Cameroon, Ivory Coast, Nigeria, Ghana, Algeria chẳng từng khiến những đội nổi tiếng Tây Phương cũng như Mỹ, Nam Mỹ phải vất vả mới thắng được chứ đâu có phải chuyện dễ? Điều đáng kể hơn nữa là cứ xem vào đội hình các đội tham gia giải Phi Châu kỳ này thì ta thấy ngay những gương mặt quen thuộc, những tên tuổi quen thuộc trong những câu lạc bộ bóng đá tên tuổi ở Âu Châu, Mỹ và Nam Mỹ.
Chẳng hạn như trong riêng trận đầu tiên vào ngày thứ Hai thì đã có tên một cầu thủ thuộc đội Paris Saint Germains bên Pháp, một người thuộc đội bóng bên Bỉ, một người thuộc đội bóng Palermo bên Ý và một người thuộc một đội bóng tại Hoa Kỳ.
Xin mô tả một trận ban tiêu vào ngày 19 tháng Một, tức trận đầu giữa Ghana với Senegal ; còn trận thứ nhì là giữa Algerie với Nam Phi, nhưng vì khuôn khổ bài báo nên chỉ trận đầu được đề cập.
Giờ giấc tại xứ Equatorial Guinea đi trước giờ California vào mùa này là 9 tiếng. Trận giữa Senegal với Ghana diễn ra vào lúc 5g chiều, giờ địa phương, được tiếp vận qua kênh truyền hình “beIN Sports” vào lúc 8g sáng. Đôi bên giao đấu tại sân vận động Mongomo ở thành phố mang cùng tên, nằm ngay sát biên giới phía Đông.
Đội bóng Ghana mặc quần áo trắng. Đội Senegal mặc đồng phục xanh lá chuối; mà sân cỏ thì cũng đã màu xanh của cỏ cho nên màn hình TV phải tương đối rộng thì mới dễ thấy cầu thủ Senegal di chuyển rên sân. Huấn luyện viên của đội Ghana là Avraham Grant, 59 tuổi, gốc Do Thái. Huấn luyện viên của đội Senegal là Alain Giresse, 62 tuổi, người Pháp.
Là một trong những nước giàu có nhờ sản xuất dầu hỏa, thế nhưng xem hình thù cái sân vận động Mongomo nói trên, người viết ở đây thấy nó chẳng mấy khác sân bóng trong khu “Cercle Sportif Saigonais” khi xưa ngay cạnh “Vườn Ông Thượng” ở Saigon với những hang ghế gỗ, không mái, trừ phía khán đài chính dành cho các “nhân vật tai mắt.” Nhìn ra bốn phía xung quanh là các rặng cây với những đọt dừa nhô lên cao. Trận đấu suốt 93 phút có phần nhạc phụ họa nghe rất hấp dẫn với dàn trompette vang lên trầm bổng theo tiếng trống phụ họa. (Gì chứ còn tiếng trống ở Châu Phi thì không thể thiếu).
Cầu thủ của Senegal và Ghana đều có vóc dáng thon thả, rắn chắc như nhau, nhưng phía Senegal rõ ràng có tầm vóc cao hơn. Đôi bên giao đấu hết sức ngoạn mục, với cách chơi gắn bó, giao banh gần, giao banh xa đều chính xác chả khác gì cách chơi của những đội nổi tiếng Tây Phương, Bắc hay Nam Mỹ.
Phút thứ 13, một cầu thủ của Ghana đưa banh đến sát khung thành Senegal. Thủ môn Senegal hoảng vía chạy vội ra để vồ lấy bóng nhưng vồ luôn cặp giò của cầu thủ Ghana khiến anh này lăn quay ra sân! Thủ môn Senegal lãnh cái thẻ vàng và toàn đội lãnh cú “penalty” do Andre Ayew đá lọt lưới. Bấy giờ thì Ghana cố đá thật cẩn thận để duy trì bàn thắng, còn phía Senegal thì cố đá ráo riết để trước mắt là gỡ hòa.
Phút thứ 59, một pha ngoạn mục! Banh của Senegal trước khung thành Ghana. Cầu thủ Diouf của Senegal đánh đầu. Quả banh trúng vào cột khung thành, bật ra; Diouf đánh đầu lần thứ hai. Lọt lưới! Senegal gỡ hòa!
Phút thứ 79: Đáng lẽ Senegal đã thắng thêm một quả “trông thấy rõ” khi chỉ một cầu thủ Senegal đối đầu với thủ môn Ghana nhưng luýnh quýnh thế nào lại đá vọt ra ngoài khung thành. Người tường thuật trận đấu bằng tiếng Anh kêu lên là “không thể chấp nhận được” (unacceptable)!
Và đôi bên cứ đấu cù cưa với nhau, tâm trạng vừa muốn công để có thể thắng, mà cũng vừa muốn thủ để ít ra mỗi bên còn được 1 điểm. Thế rồi chuyện hết sức hãn hữu –tuy ly kỳ ở chỗ là vẫn... thường diễn ra trong các trận đấu bóng- đã diễn ra ! Hết 90 phút, trọng tài gia ân cho thêm 3 phút. Vậy thì phút thứ 93, banh của Senegal được đưa về hướng khung thành của Ghana. Theo thông lệ, trọng tài vẫn để cho phía trên đà có thể làm bàn tiếp tục chạy. Phút thứ 94 : Moussa Sow của Senegal đá lọt lưới Ghana, kế thúc trận đấu với Senegal 2, Ghana 1. Có nghĩa là Senegal 3 điểm và Ghana 0 điểm trong Bảng C, tức là hết hy vọng vào Tứ Kết!
Trận thứ nhì trong ngày giữa Algeria với Nam Phi cũng ngoạn mục không kém, vào lúc 8 giờ tối, giờ địa phương, vẫn tại sân Mongomo; tuy phần nhạc phụ họa suốt trận đấu không còn hấp dẫn như trận trước. Chỉ còn độc một loại kèn gì đấy, độc âm, chả khác gì loại kèn “Vuvuzella” kỳ World Cup 2010 ở Nam Phi; tuy tiếng kèn ở Equatorial Guinea này nghe trầm hơn !
Kết thúc trận đấu: Algerie 3, Nam Phi 1; tuy Nam Phi được coi như đội có triển vọng thắng! (tn)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT