Thể Thao

Giải International Champions Cup và đề tài đá luân lưu

Monday, 20/07/2015 - 09:02:58

Cúp Vô Địch Quốc Tế. Nguyên nghĩa của nó là cái “cúp” dành cho các đội thuộc hàng vô địch quốc tế. Nó là một thứ giải mang tính”quốc tế” đấy, thế nhưng lại là thuộc diện “quốc tế cục bộ.”

Thủ môn Keylor Navas của Real Madrid bay để chận quả banh ở vòng đá luân lưu trong trận Roma thắng Real 7-6. (Getty Images)


Giải International Champions Cup và đề tài đá luân lưu

Bài THANH NGUYỄN

Cúp Vô Địch Quốc Tế. Nguyên nghĩa của nó là cái “cúp” dành cho các đội thuộc hàng vô địch quốc tế. Nó là một thứ giải mang tính”quốc tế” đấy, thế nhưng lại là thuộc diện “quốc tế cục bộ.” Bởi với sáu nước tham dự là Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Mexico thì không có các đội tuyển của Nam Mỹ như Chile, Argentina, Brazil, Uruguay, v.v.. Còn “thuộc hàng vô địch” là bởi các trận đấu tuy diễn ra tại bốn nước Úc, Bắc Mỹ, Anh , Ý và Trung Quốc nhưng không có đội nào của Trung Quốc vì bóng đá Trung Quốc chưa được xem như thuộc hàng “quốc tế” cỡ như Arsenal, Manchester City, Paris Saint Germain, Real Madrid, Barcelona, Roma, v.v..

Từ hôm 11/7 đến nay đã có tất cả bốn trận ở Bắc Mỹ và Âu Châu, và một trận bên Úc. Trận đầu tiên bên Trung Quốc ở sân tại Thiên Tân sẽ vào ngày 25/7 giữa hai đội Ý Milan và Inter Milan. Hai trận tại California sẽ vào ngày 21/7 giữa Barcelona với LA Galaxy ở thành phố Carson, Nam Cali., và ngày 25/7 trong vùng Santa Clara trên San Jose, Bắc Cali, cũng giữa Barcelona nhưng với Manchester United. Chung kết, sau một lô trận khác nữa, sẽ rơi vào đầu tháng Tám.

Câu chuyện vòng đá luân lưu. Cái vụ “Penalty shoot-out” trong tiếng Anh mà người Pháp gọi dông dài hơn là “Épreuve des tirs au but” thì ta quen gọi là “Vòng đá luân lưu.” Giữa những trận thuộc loại tầm cỡ quốc tế với hai đối thủ đồng cân đồng lạng thì qua sàng lọc, đến chặng tứ kết, bán kết rồi chung kết thì mức độ ngang ngửa giữa đôi bên lại càng nổi bật, do đó mà sau 90 phút cộng thêm 30 phút phụ trội nếu đôi bên vẫn cứ hòa với nhau thì rốt cuộc phải nhờ đến vòng đá tối hậu đó để giải quyết vấn đề. Và người ta đã chứng kiến không biết bao nhiêu giải quốc tế kết thúc bằng giải pháp này, từ giải World Cup trở xuống. Ở một loạt các trận với giải quốc tế như Copa America gần đây nhất, và Gold Cup đang chuẩn bị vào bán kết, thì cái vụ “đá luân lưu” đó cũng đã như là chuyện “cơm bữa.” Vừa mới rồi thì Panama lọt vào được bán kết cũng do thắng Trinidad & Tobago 6-5 ở vòng “penalty shoot-out.”

Và trở lại với giải “Internatonal Champions Cup” đang tiếp tục trên các Sân Úc, Bắc Mỹ, Âu Châu - chủ yếu là Anh với Ý, và Trung Quốc thì chuyện đáng được nêu ra làm ví dụ tiêu biểu là trận ngày thứ Bảy 18/7 tại sân Melbourne Cricket Ground bên Úc giữa Real Madrid của Tây Ban nha với Roma của Ý.

Real Madrid đứng hạng nhì bên TBN trong khi Roma cũng đứng hạng nhì bên Ý. Bởi thế mà sau 120 phút giao đấu với tỷ số 0-0 giữa đôi bên thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cho lắm. Đã bảo là “đồng cân đồng lạng” đấu đá với nhau! Vì thế đôi bên mới phải theo nhau ra sân sau ít phút xả hơi cũng như sắp xếp người sẽ đứng sau quả banh mà sút. Và kết quả là đội Real Madrid, lần đầu tiên ra quân dưới sự dìu dắt của tân huấn luyện viên Rafael Benitez, đã thua Roma 6-7!

Thắng thua ở vòng đá lưu là chuyện thường tình, bởi trước sau gì thì cũng phải có kẻ thắng người thua là cái chắc, chứ không còn cái màn “cù nhầy” với nhau trong thời gian giao đấu theo quy định. Nhưng điều cần được xem xét là ở khoản này:

Real Madrid có 3 tiền đạo –mà tiếng Anh, ngoài từ “forward”, còn có thêm từ “striker”, tức là cầu thủ có nhiệm vụ tấn công để sút vào lưới địch sau khi nhận được banh của đám trung vệ. Ba tiền đạo chủ chốt của Real Madrid là Gareth Bale, Cristiano Ronaldo và Karim Benzema. Vậy thì ở vòng đá luân lưu, Bale và Ronaldo đều không đứng ra sút mà chỉ có mỗi mình Benzema sút vào lượt thứ 5 là lượt cuối cùng của 5 lượt sút theo như thông thường được quy định vì người ta cứ trù tính là với 5 lần sút thì cũng đã có một bên thua. Nhưng vừa rồi thì mãi đền lượt sút thứ 7, sau khi Vasquez của R.M. sút nhưng thủ môn của Roma bắt được banh, rồi Keita của Roma sút thành công thì Roma thắng!

Câu hỏi được đặt ra là lý do tại làm sao Real Madrid không để cho hai tiền đạo kia ra sút “penalty”? Một lý do là Ronaldo không đá hiệp 2. Còn lý do thứ hai là chuyện này có liên quan đến mặt tinh thần, tâm lý của vấn đề! Chả cần phải giàu tưởng tượng thì cũng có thể hình dung ra “sức ép” về mặt tinh thần của cầu thủ đứng sau trái banh, một đối một với thủ môn của phe địch. Bao nhiêu con mắt của giới hâm mộ màu cờ sắc áo đội mình, nước mình, đều đổ dồn vào đấy. Sút thành công hay không là có thể quyết định “vận mệnh” của trận đấu!

Không có yếu tố tinh thần đó nó đè nặng lên vai, nó đeo nặng nơi chân thì cỡ như Michel Platini khi xưa hoặc Messi và Ronaldo thời nay đã chẳng từng sút những cú phạt đền chả có ra làm sao hết. Banh không bay bổng lên mây xanh thì cũng chệch ra khỏi cột khung thành cả thước. Trong giải Á Châu cách đây không lâu thì những kiện tướng hàng đầu của đội Nhật như Shenji Kagawa và Keisuke Honda đều sút quả banh chệch ra khỏi khung thành trong lượt đá luân lưu với United Arab Emirates ở tứ kết và thua 4-5!

Ai trong giới hâm mộ bóng đá mà khi bực tức vì cầu thủ đội mình hâm mộ nó đá trật lất rồi mình điên tiết lên mà nói: “Cứ thử để cho tôi đứng vào đấy mà sút cho biết chân nhau” thì cứ việc chở đấy rồi “thử”!

Đến vòng đá luân lưu, vì biết yếu tố tinh thần đó là hệ trọng cở nào cho nên huấn luyện viên thường coi xem ai sẵn sàng tình nguyện đứng ra nhận chịu trách nhiệm cái đã. Rồi nếu như có gì trục trặc, lấn cấn về mặt đó thì huấn luyện viên mới “đề nghị,” chứ còn “chỉ định” là rất nguy hiểm. Và sau khi đã có danh sách “cảm tử viên” rồi thì mới đến phần chiến thuật. Nên cho người đáng tin cậy ra sút trước để có kết quả khích lệ tinh thần mấy người sau hay để các nhân vật chủ chốt đó sút vào các lượt cuối, vì hai lượt đầu chẳng hạn thì còn cứu vãn được nhưng đến các sút về cuối thì vô phương nếu như cầu thủ của mình sơ xẩy?

Nhưng nhìn chung thì chả có giải pháp nào là “lý tưởng”! Bởi thế giới bình luận bóng đá khi đến cái màn đá luân lưu vẫn thường gọi đó là đến “màn xổ số”! Real Madrid chọn pháp để Karim Benzema sút vào lượt thứ 5 là rất có thể vì ông Benitez trù tính mượn chân người “striker” nổi tiếng của phe mình giúp dứt điểm ở chặng đó. Benzema sút lọt lưới, thế nhưng rồi cầu thủ Iturbe của đội Roma cũng sút lọt lưới R.M. Vì thế đến lượt thứ 7 thì cú sút của Vasquez bị thủ môn Bogdan Lobon bắt được và rồi thua liền ngay sau đấy khi Keita sút lọi lưới mà thủ môn Keylor Navas không bắt được.

Từ đây cho đến kết thúc giải Gold Cup và giải International Cup thì rồi những vòng đá luân lưu cũng sẽ cứ thế mà diễn ra dài dài. Và từng ấy vấn nạn cũng cứ thế mà đè lên vai, đeo đẳng nơi đôi chân của mỗi cầu thủ khi phải một mình đứng sau quả banh trước khung thành và anh thủ môn của đội phe kia

Vì không hể kết luận đơn giản là sút không thành công vì cầu thủ “kém”- cỡ như Messi, Ronaldo, Honda, Kagawa, v.v. thì sao gọi là “kém”?- rốt cuộc giải pháp tinh thần tốt nhất cho người theo rõi những giây phút căng thẳng đó là cứ coi như một “màn xổ số”, tuy không có lồng vào đấy bài hát khi xưa do Trần Văn Trạch vẫn hát ở mỗi kỳ xổ số Quốc Gia là “... giúp đồng bào ta xây đắp cửa nhà giàu sang mấy hồi”!

Chỉ có cầu thủ các đội thắng trận thì mới dễ giàu có vì sau đó càng “có giá”! (tn)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT