Đời Sống Việt

Giải pháp nào cho luật thuế và lao động trong nghề nail

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 16/09/2012 - 10:13:03

Được biết theo luật hiện hành, các khoản tiền phạt từ cơ quan lao động và thuế vụ sẽ là món nợ được xác định bởi án lệnh của tòa, và tất cả tài sản cá nhân của người bị phạt sẽ trở thành thế chấp cho khoản tiền phạt phải trả.

Nghề nail của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 3)

Băng Huyền/Viễn Đông


Trong vài năm gần đây, rất nhiều chủ tiệm nail người Việt ở Mỹ bắt đầu quan tâm và lo lắng, về việc có rất nhiều tiệm nail đã bị cơ quan lao động, cơ quan thuế vụ kiểm tra và phạt nặng, do những vi phạm về luật thuế vụ và lao động trong vấn đề sử dụng, thuê mướn người thợ làm việc trong tiệm, với hình thức form thuế 1099 của một người làm việc độc lập (independent contractor), thay cho form thuế W-2 là một nhân viên (employee) của tiệm.
Như bài viết kỳ trước đã nêu ra, tùy theo thời gian đã hoạt động của tiệm nail, nơi nào khi toán thanh tra đã buộc tội vi phạm luật thuế vụ và lao động, thì sẽ bị những khoản phạt rất lớn và không có mức giới hạn. Trong trường hợp này, người thợ nail cũng sẽ bị cơ quan thuế vụ kiểm toán. Được biết theo luật hiện hành, các khoản tiền phạt từ cơ quan lao động và thuế vụ sẽ là món nợ được xác định bởi án lệnh của tòa, và tất cả tài sản cá nhân của người bị phạt sẽ trở thành thế chấp cho khoản tiền phạt phải trả.

Đi tìm giải pháp
Vậy có giải pháp nào cho các chủ tiệm nail tránh được chuyện bị phạt vạ, khi mà họ vẫn trả thuế cho nhân viên theo form 1099 hay không? Vì nếu trả cho nhân viên theo form W-2, mà theo truyền thống trong ngành nail của người Việt từ bấy lâu nay hoạt động theo lối ăn chia, thợ 60 phần trăm, chủ 40 phần trăm, thì người chủ sau khi trừ đi mọi chi phí, đóng thuế cho nhân viên, mua bảo hiểm lao động… họ còn lại chưa đến 20 phần trăm.
Trước sự quan tâm của cả chủ và thợ nail về vấn đề thuế vụ, vào tuần qua, công ty Money Management System (MMS) đã tổ chức hội thảo “Hãy làm đúng luật khi trả lương bằng Form 1099 trong nghề nail” ở Westminster. Đến dự hội thảo này, bà Ly Ly Nguyễn, là chủ nhân của một tiệm nail tại Lake Forest cho phóng viên Viễn Đông biết, sau khi bà nghe chuyên gia hoạch định tài chánh và thuế vụ Jonathan Tôn, phân định về “Nhân viên (employee) và nhà thầu độc lập (independent contractor) dưới khía cạnh thuế vụ và Workers Compensation (bảo hiểm lao động)”, và Luật Sư Anthony Nguyễn giải thích về 16 điều nhằm xác định thế nào là một nhà thầu độc lập theo qui định của Sở Thuế Liên Bang IRS và Bộ Lao Động Hoa Kỳ, thì bà mới hiểu rõ vấn đề hơn.
Bà Ly Ly kể rằng trước khi trở thành chủ tiệm có 5 thợ khoảng hơn 3 năm, thì bà cũng là một người thợ làm trong nghề nail, tóc khoảng trên 10 năm. Bà luôn luôn trả thuế theo mẫu đơn 1099, có thời gian làm cho chủ người Mỹ, họ cũng trả cho bà theo kiểu trên và cũng được chia 6/4. Chỉ có một lần duy nhất bà làm tại một tiệm khoảng 1 năm, được trả W-2, nhưng sau khi nghỉ việc ở đây, bà nhanh chóng kiếm được nơi làm mới, nên cũng không nghĩ đến việc đi xin trợ cấp thất nghiệp. Chính vì không hiểu luật, bà cứ tưởng rằng cả hai hình thức trên đều hợp pháp. Nay bà rất muốn trả lương cho thợ theo Form W-2, nhưng bà nhận thấy thật khó khăn vô cùng. Vì nếu chỉ có người chủ chịu trả W-2, mà thợ không hợp tác trong việc “ăn chia”, thay vì 6/4, sẽ còn là 5/5, thì sẽ rất khó cho người chủ. Hơn nữa, nếu những người chủ khác không chịu đồng lòng cùng nhau trả W-2 và đổi cách chia 6/4, lại thành 5/5, thì những người thợ của tiệm nào chia cách 5/5, sẽ đồng loạt nghỉ việc, đi tìm tiệm khác theo cách trả truyền thống. Hoặc sẽ có trường hợp những người thợ làm tại tiệm được trả W-2, khoảng 6 tháng, rồi nghỉ việc và đi xin tiền thất nghiệp, đồng thời sẽ nhận làm tại những tiệm trả tiền mặt, hoặc công việc khác để nhận tiền mặt… thì đó lại càng làm khó thêm cho chính phủ thôi.
Vì theo bà, bây giờ kinh tế rất khó khăn, so với thời kinh tế thịnh vượng, lợi tức của nghề nail bị giảm rất nhiều. Nếu thợ nail nghĩ rằng nên đi xin tiền thất nghiệp, vì có lúc còn được chính phủ cho đến 2 năm, thì người thợ chỉ cần làm 6 tháng rồi nghỉ việc, và xin trợ cấp thất nghiệp. Theo bà, thà có người đi làm đóng thuế, dù là ít, vẫn hơn là chính phủ phải nuôi nhiều người xin trợ cấp xã hội hay trợ cấp thất nghiệp.
Còn ông Đông Nông, cùng với vợ đã mở tiệm nail và spa có 15 thợ, tại Santa Clarita, khoảng hơn 7 năm nay, cho biết ngay từ lúc mới mở tiệm, vợ chồng ông đã trả cho thợ theo Form W-2 khoảng 4 năm. Ông cho biết: “Nhưng vì theo cách chia 6/4, nên cuối cùng, tính lại, chúng tôi không còn được bao nhiêu mà mình lại phải gánh quá nhiều trách nhiệm. Thu nhập lại của mình không xứng với công sức mình bỏ ra. Sau đó, tôi bèn chuyển sang trả Form 1099. Thời gian gần đây, tôi có nghe nhiều người chủ đã bị phạt, nên tôi cũng rất ưu tư. Hiện giờ theo truyền thống đã là 6/4, mà mình đi chia 5/5 để trả W-2, thì rất khó, vì mỗi tiệm đều có luật riêng, đâu có hợp tác đồng lòng với nhau, ngay cả việc cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá, cũng là một vấn nạn của ngành nail hiện nay rồi”.
Ông Đông nói thêm: “Tôi thấy rõ ràng là nếu trả 1099 thì có lợi cho chủ, nhưng rắc rối là quan hệ chủ-thợ vốn từ xưa nay đã phức tạp rồi, vì người thợ luôn luôn muốn có những quyền lợi tối đa cho bản thân mình, nhưng khi nói đến trách nhiệm thì không ai chịu cùng với chủ. Khi mình là chủ, mình đáp ứng hết những nhu cầu cho thợ, thì mình sẽ bị thiệt thòi nhiều. Vì tôi nghĩ, thợ và chủ, ai cũng cần phải sống hết.
“Nếu mình không đáp ứng được cho thợ, thì thợ sẽ bỏ đi. Ngành nail rất khó kiếm được một người thợ vừa giỏi nghề, vừa làm việc cộng tác đắc lực với chủ và có trách nhiệm với công việc cũng như với chủ. Người thợ rất bất cần, khi mất quyền lợi, họ sẵn sàng dọn đồ nghề đi tìm tiệm nail khác. Nếu một tiệm có thợ nghỉ và mình phải tìm thợ mới liên tục, thì sẽ mất khách”.

Chủ tiệm nail trở thành người chủ đất cho thuê station
Ông Mai Phi Long, là đại diện của công ty MMS cho phóng viên Viễn Đông biết, những năm cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, khi kinh tế ở Hoa Kỳ thịnh vượng, ngành nail còn sung túc, người ta chưa phổ biến nhiều cách trả tiền bằng thẻ tín dụng, nên việc kiểm soát thuế trong ngành nail của Sở Thuế Vụ Hoa Kỳ cũng dễ dàng hơn. Khi đó, hình thức trả một nửa chi phiếu và một nửa tiền mặt của các chủ nail dành cho thợ của mình theo Form 1099, hoặc W-2, ngay cả tiền “tip” cũng không được tính vào phần phải đóng thuế, cũng dễ dàng hơn. Nhưng khoảng cuối thập niên 1990, tại các tiệm nail đã bắt đầu phổ biến hình thức trả bằng thẻ tín dụng, việc “né thuế” bắt đầu khó khăn hơn một chút. Và những năm gần đây, nhất là khi kinh tế đi xuống, người ta có khuynh hướng trả bằng thẻ tín dụng, xài trước, trả sau càng nhiều hơn. Vì vậy, người chủ tiệm nail càng gặp nhiều trở ngại hơn khi trả cho nhân viên theo Form 1099, họ rất dễ bị phạt khi Sở Thuế và Sở Lao Động đến kiểm soát tiệm mình.
Để đưa ra giải pháp cho các chủ tiệm nail khỏi bị phạt từ Sở Thuế và Sở Lao Động, ngay tại buổi hội thảo, ông Long, đại diện công ty MMS, đưa ra giải pháp là các chủ tiệm nail hãy từ bỏ chức vụ chủ tiệm của mình đi, mà trở thành chủ cho thuê “station” (bàn làm nail trong tiệm) thực thụ, để những người thợ nail của mình trở thành những người làm việc độc lập (independent contractor), thay vì là một nhân viên (employee) như hiện nay. Do vậy, những người thợ này sẽ trả thuế theo Form 1099 là đúng luật, và người chủ không còn sợ Sở Thuế và Sở Lao Động phạt mình nữa. Ông Long có đưa ra ví dụ, một người thợ trung bình lãnh lương 2.000 Mỹ kim một tháng. Như vậy, họ phải kiếm khoảng 3.300 Mỹ kim một tháng. Tiền phải trả về cho chủ là 1.300 Mỹ kim. Nếu chủ tiệm theo giải pháp mà công ty MMS đưa ra, thì chủ tiệm cho mướn “station” đó khoảng 1.200 Mỹ kim đến 1.300 Mỹ kim một tháng. Nếu theo cách tính hiện nay là chia 6/4, thì thu nhập theo cách cho thuê này có không khác gì khi người đó làm chủ tiệm mà còn cộng với quá nhiều trách nhiệm. Khi người thợ là chủ nhân của chính họ, thì chủ tiệm không cần phải lo lắng những nghĩa vụ của một người chủ nữa, không cần phải trả bảo hiểm lao động cho thợ, không cần đóng bảo hiểm thất nghiệp... và khỏi lo âu bị phạt vạ nặng...

Giải pháp có thể ứng dụng được không?

Nghe về giải pháp từ công ty MMS, bà Ly Ly Nguyễn cho rằng: “Giải pháp này không dễ dàng chút nào. Có nhiều vấn đề rất phức tạp, trên hình thức thì có vẻ đơn giản, nhưng vào thực tế thì rất khó khăn. Vì nếu mình đi thuê chỗ để làm trong tiệm, thì bản thân người thợ đó phải đem khách đến tiệm. Chứ còn khách vãng lai khi bước vào tiệm, thì mình không được nhận khách đó cho mình, mà người chủ cho mình mướn chỗ, có sẵn thợ của tiệm sẽ làm những khách vãng lai đó. Mình không được giành vị khách đó, vì đó là khách của tiệm rồi. Việc này đã thành luật từ xưa nay, ngay hồi tôi đi mướn chỗ của chủ người Mỹ cũng vậy”.
Đồng tình với bà Ly Ly Nguyễn, ông Đông Nông nói rằng dù giải pháp của công ty MMS có lợi cho chủ tiệm, nhưng rắc rối là “khi lượng khách vãng lai vào tiệm, thì ai sẽ đứng ra điều hành thợ nào làm, nếu các thợ đều giành giật khách, cho rằng tôi nhìn thấy người khách này trước, thì người đó là khách của tôi, chắc chắn tiệm đó sẽ không bao giờ có khách đến lần nữa. Ngoài ra, khi một người khách vào tiệm, họ làm nhiều dịch vụ do nhiều người thợ trong tiệm đó phục vụ, nhưng khi trả tiền họ chỉ muốn trả một lần, chứ không muốn bị chia ra lắt nhắt và phải cà thẻ tín dụng nhiều lần trong một tiệm. Dù ban tổ chức hội thảo có giải pháp cụ thể cho việc trả tiền này, nhưng sẽ rất rắc rối trong việc chia tiền từ hệ thống này, vì có thể mình hay những thợ nail khác cũng không tin được nó có bị sai sót gì không...”.
Theo ông Đông Nông, rất cần có thêm những hội thảo dành cho các thợ nail đến nghe, để họ hiểu hơn những khó khăn của chủ tiệm, để cùng nhau hợp tác tốt hơn trong vấn đề này.
Rõ ràng để tìm ra giải pháp tốt nhất cho mối quan tâm hiện nay của các tiệm nail về những vi phạm bị Sở Thuế và Sở Lao Động phạt vạ, vẫn là câu hỏi khó và chưa tìm ra lời giải đáp nào để “vẹn cả đôi đường”. Tương lai nghề nail của người Việt tại Hoa Kỳ nói chung, riêng tại California quả thật đang đi vào một khúc quanh rất quan trọng, đòi hỏi những ai còn muốn tiếp tục theo đuổi nghề này cần phải có một cái nhìn mới và thực tế trong vấn đề thuế vụ và luật lệ lao động, áp dụng cho ngành nghề của mình. Chưa kể đến những lần kiểm tra càng ngày càng gắt gao từ phía hội đồng cấp bằng hành nghề State Board đối với các tiệm nail, cũng là một điều làm cho các chủ tiệm nail phải đau đầu, bởi mức phạt vạ rất cao, ảnh hưởng nặng về tài chánh, rồi tiệm còn bị đóng cửa một thời gian nếu vi phạm nhiều lần. Xin được đề cập đến những vấn đề này trong một bài viết khác. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT