Tiêu Thụ

Giải quyết tiền nợ thẻ tín dụng: Giải pháp Settlement

Eric Trần/Viễn Đông Saturday, 05/05/2012 - 10:08:24

Trái lại nếu họ nhận thấy con nợ có khả năng, hoặc có một người khác nữa cùng đứng tên trên hồ sơ mượn nợ thì rất có thể họ sẽ kiện, và nếu họ thắng thì con nợ không những phải trả lại những gì đã vay, và cả những chi phí chủ nợ đã bỏ ra để tiến hành vụ kiện.

Eric Trần/Viễn Đông

Nếu bị thiếu nợ mà không trả được, chúng ta có thể phải đối diện với nhiều hậu quả. Bài lần trước đã lược kể ra một số trường hợp, trong đó bị mang ra trước tòa là biện pháp cuối cùng, mạnh nhất của chủ nợ, có thể để lại cho con nợ những hậu quả tai hại lâu dài. Hôm nay chúng ta sẽ nói thêm chi tiết về những gì sẽ xảy ra cũng như những gì người tiêu thụ cần làm trong 2 thời điểm: Trước khi bị kiện và trong khi bị kiện.
Trong đa số trường hợp, các chủ nợ - tức là những công ty tín dụng hoặc những công ty được mướn để đòi nợ - hay dọa là sẽ kiện nếu bạn không có nỗ lực trả nợ. Tuy nhiên, ít khi họ dùng đến biện pháp đó, vì nó mất nhiều công phu, thời giờ và tốn kém, mà kết quả sau cùng là có thể nắm được… một anh trọc đầu. Chúng tôi dùng từ ngữ này dựa vào câu tục ngữ Việt Nam, “Nắm người có tóc chứ không ai nắm kẻ trọc đầu”: Có tóc đây là có tiền, và dĩ nhiên trọc đầu là người sắp… phá sản! Nếu quả thực như vậy thì chủ nợ chẳng những không đòi được nợ cũ mà bao nhiêu phí tổn mới bỏ ra cũng mất luôn. Trái lại nếu họ nhận thấy con nợ có khả năng, hoặc có một người khác nữa cùng đứng tên trên hồ sơ mượn nợ thì rất có thể họ sẽ kiện, và nếu họ thắng thì con nợ không những phải trả lại những gì đã vay, và cả những chi phí chủ nợ đã bỏ ra để tiến hành vụ kiện.

Settlement là gì?
Tuy nhiên, trước khi phải dùng đến cái đòn mạnh bạo và tốn kém đó, chủ nợ sẽ cố gắng tận dụng tất cả những biện pháp khác đơn giản và đỡ tốn kém hơn. Sau một thời gian lâu dài gọi điện thoại, gửi thư để nhắc nhở và đòi nợ không thành công, chủ nợ thường có khuynh hướng nhân nhượng. Đó là cho bạn hưởng “settlement”. Với một ý nghĩa đặc biệt, settlement ở đây có nghĩa “biện pháp khoan hồng”, chẳng hạn như miễn giảm phần nào trên tổng số tiền nợ nếu con nợ có cơ hội trả hết một lần, hoặc cho trả góp mà không tính một phân lời nào cả… Cái giải pháp settlement này có thể là sáng kiến của chủ nợ, nhưng nhiều khi là kết quả một sự vận động tích cực từ phía con nợ.
Nếu là con nợ và đang ở trong một tình trạng quẫn bách, bạn nên nghĩ đến giải pháp “settlement” này, và hãy đưa tay ra nắm lấy nếu được đề nghị một giải pháp khả thi. Thay vì trốn tránh chủ nợ, bạn nên tiếp điện thoại của họ, hoặc thậm chí gọi cho họ để thương lượng một giải pháp. Thông thường, những đề nghị settlement giảm bớt 50% số nợ nguyên thủy là điều dễ xảy ra. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể được miễn tới 70% hoặc 80% số nợ. Nếu không tự mình thương lượng được, bạn có thể nhờ một đệ tam nhân, tức là một công ty thương lượng giảm nợ, thường được biết dưới tên “debt settlement”. Dĩ nhiên, dùng dịch vụ này, bạn phải trả một lệ phí khá lớn. Xét cho cùng thì tiền đó cũng là tiền của chủ nợ trừ bớt cho bạn, nhưng thay vì bạn được hưởng cả thì phải chia phần cho họ. Nhưng phải ghi nhận một điều là các công ty này, nếu làm việc nghiêm chỉnh, cũng giúp được một việc lớn đối với những người không thể nói tiếng Anh. Trong cộng đồng Việt nam hiện nay không thiếu những văn phòng lo việc này. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận có những kẻ thừa nước đục thả câu, lợi dụng lúc “giậu đổ bìm leo” để lường gạt lấy tiền của bạn mà không làm gì cả. Nếu cần phải nhờ một văn phòng thương lượng trả nợ, bạn nên dò hỏi kỹ càng về uy tín của họ trước. Nếu có thể nói tiếng Anh ít nhiều, bạn nên tự mình thương lượng, bởi vì chủ nợ thường có khuynh hướng cởi mở hơn trong giai đoạn này.
Sau nữa, cũng cần phải biết rằng số tiền mà chủ nợ miễn giảm cho bạn sẽ được tính như “income”, tức là lợi tức bạn thâu thập được trong năm. Đến cuối năm, chủ nợ sẽ gửi cho bạn một bản báo cáo (Form 1099) ghi lại số nợ bạn được “tha” là bao nhiêu. Con số này đã được báo cáo cho sở thuế rồi. Vì thế, bạn phải nhớ bao gồm số tiền đó trong phần lợi tức (Income) của mình khi khai thuế, đừng để sở thuế hỏi đến sau này sẽ phiền phức hơn. Với số lợi tức tăng lên này, có thể bạn sẽ phải đóng thuế tăng lên phần nào cho chính phủ, hoặc sẽ làm giảm bớt số tiền được trả lại cho bạn.

Khi chủ nợ gọi điện thoại

Một biện pháp khác thường được giới chủ nợ áp dụng là chuyển hồ sơ nợ tiền của bạn qua một tổ chức chuyên đòi nợ, gọi là Collection Agency. Cái chữ Collection khá quen thuộc trong cộng đồng chúng ta, với một ý nghĩa đầy… đe dọa. Có nhiều người vô tình nhận được điện thoại Collection gọi tới thì rất hoang mang, nhưng tự nghĩ mình là “cây ngay không sợ chết đứng” nên chẳng thèm trả lời. Rốt cuộc, chuyện “xù nợ” bị đưa vào lý lịch của mình một cách oan ức mà không có cơ hội giải tỏa. Thực ra, khi collection gọi tới thì dù mình có nợ tiền hay không bạn vẫn cần phải trả lời: Bị oan thì trả lời để minh oan. Đúng là mình thì lại càng cần phải trả lời.
Nhưng trả lời như thế nào cho xứng hợp, đó là một vấn đề cần thảo luận. Chúng ta sẽ nói tiếp vấn đề này trong bài lần tới.

Erictran15751@gmail.com

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT