Thế Giới

Giám đốc tài chính Huawei điều trần tại Canada

Friday, 07/12/2018 - 08:28:08

Các công tố viên Hoa Kỳ muốn dẫn độ bà Mạnh, để đối mặt với cáo buộc rằng bà đã che giấu quan hệ của Huawei với một công ty có làm ăn tại Iran, bất chấp các lệnh cấm vận của Washington.

VANCOUVER – Trong phiên điều trần tại tòa án ở Vancouver vào ngày thứ Sáu, các công tố viên Hoa Kỳ muốn giám đốc tài chính của hãng Huawei, hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, phải đối mặt với các cáo trạng gian lận tài chính để tránh lệnh trừng phạt Iran.
Bà Mạnh Vãn Chu, 46 tuổi, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt tại Canada vào ngày 1 tháng 12 theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Các công tố viên Hoa Kỳ muốn dẫn độ bà Mạnh, để đối mặt với cáo buộc rằng bà đã che giấu quan hệ của Huawei với một công ty có làm ăn tại Iran, bất chấp các lệnh cấm vận của Washington.
Tin tức về việc bắt giữ bà Mạnh đã khiến thị trường chứng khoán sụt giảm, do lo ngại sự việc sẽ làm tăng cao chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hoa Kỳ có 60 ngày để đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức, và quan tòa Canada sẽ cân nhắc xem liệu các bằng chứng chống lại bà Mạnh có vững chắc hay không.
Sau đó, Bộ Tư Pháp Canada sẽ quyết định về việc dẫn độ. Nếu bị chuyển về Hoa Kỳ, bà Mạnh sẽ phải đối mặt với cáo trạng thông đồng để gian lận tại nhiều tổ chức tài chính, với hình phạt tối đang là 30 năm tù cho mỗi tội danh.
Phiên tòa hôm thứ Sáu là nhằm quyết định xem bà Mạnh có được cho đóng tiền tại ngoại hay không. Luật sư của bà nói rằng bà Mạnh có liên hệ tại Canada và không có ý định tìm cách rời khỏi đất nước này. Thẩm phán, sau khi nghe các tranh luận của luật sư và công tố viên, vẫn chưa có quyết định về việc tại ngoại. Phiên điều trần kế tiếp sẽ diễn ra vào ngày thứ Hai.

Nhật cấm cơ quan dùng thiết bị của Huawei, ZTE
TOKYO - Chính phủ Nhật Bản vào đầu tuần tới dự kiến sẽ sửa đổi các quy định nội bộ về việc mua thiết bị công nghệ từ Trung Quốc, theo truyền thông Nhật dẫn nguồn tin từ chính phủ cho biết hôm thứ Sáu. Theo đó, các cơ quan chính phủ Nhật sẽ bị cấm mua các thiết bị viễn thông từ 2 tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc là Huawei và ZTE. Quyết định của Tokyo được cho là do lo ngại về nguy cơ rò rỉ thông tin tình báo và tấn công mạng từ các thiết bị này. Hoạt động của Huawei và ZTE tại nước ngoài gặp nhiều khó khăn, do 2 hãng này bị nghi ngờ có liên hệ thân thiết với chính phủ và quân đội Trung Quốc.
Hồi tháng 8, chính phủ Nhật cũng có kế hoạch không cho phép Huawei và ZTE tham gia đấu thầu hợp đồng xây dựng hệ thống thông tin công cộng, nhằm ngăn chặn nguy cơ tấn công mạng, rò rỉ thông tin mật. Tổng Thống Donald Trump trước đó cũng ký lệnh cấm chính phủ Hoa Kỳ mua thiết bị của Huawei. Úc và New Zealand cũng cấm các hãng viễn thông nội địa sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G. Tập đoàn BT của Anh hôm thứ Tư cho biết họ đã loại bỏ thiết bị của Huawei ra khỏi mạng 3G, 4G và sẽ không dùng thiết bị của hãng này trong các phần chính của mạng kế tiếp. 

Dịch Ebola lớn thứ 2 trong lịch sử lan ra thành phố
BUTEMBO – Dịch Ebola lớn thứ 2 trong lịch sử đã lan tới một thành phố lớn của châu Phi. Butembo, thành phố với dân số khoảng 1 triệu người tại phía đông Cộng Hòa Dân Chủ Congo, đang chứng kiến các ca nhiễm Ebola đang càng lúc càng tăng. Trong 3 tuần qua, tổng cộng 25 ca nhiễm bệnh được xác nhận đã được báo cáo cho nhà chức trách. Butembo là trung tâm vận chuyển và thương mại, kết nối với nhiều thành phố lớn khác tại Congo và nước láng giềng Uganda. Bộ Y Tế Congo cho biết, dân số đông đúc và di chuyển nhiều nơi của Butembo đang gây thách thức lớn cho nỗ lực khống chế dịch bệnh.
Kể từ khi dịch Ebola được thông báo vào ngày 1 tháng 8, đến nay đã có 471 người có dấu hiệu bị sốt xuất huyết tại các tỉnh North Kivu và Ituri ở phía đông quốc gia, nơi có biên giới chung với Rwanda và Uganda. Trong những người này, có 423 người được xác nhận dương tính với virus Ebola. Hiện đã có 273 người chết, với 225 người thuộc nhóm được xác nhận nhiễm Ebola. Đợt dịch Ebola hiện nay là một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất thế giới, chỉ xếp sau đợt dịch 2014-2016 tại nhiều nước Tây Phi, lây nhiễm cho 28,652 người và giết chết 11,325 người, theo dữ liệu của Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC.
Tổ chức Y tế thế giới WHO đã được phê chuẩn để sử dụng thuốc vaccine Ebola thử nghiệm, và đã cho chích ngừa tại khu vực xung quanh nguồn bệnh. Hơn 40,000, bao gồm nhân viên y tế và trẻ em, đã được chích ngừa tại khu vực xuất hiện bệnh, từ ngày 8 tháng 8 tới nay. Thuốc vaccine, được phát triển bởi hãng dược Hoa Kỳ Merck, đã tỏ ra có hiệu quả chống lại Ebola. Số người nhiễm Ebola có thể đã vượt trên 10,000 người nếu không có các đợt chích ngừa này.

Các nước sản xuất dầu cắt giảm sản lượng
VIENNA – Giá dầu đã tăng đáng kể vào ngày thứ Sáu, sau khi các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới, bao gồm cả nhóm OPEC, đồng ý cắt giảm sản lượng xuống còn 1.2 triệu thùng 1 ngày để giảm tình trạng dư thừa. Sau 2 ngày thảo luận, tổ chức các nước xuất cảng dầu OPEC, bao gồm cả Ả Rập Saudi và Iraq, cho biết sẽ giảm bớt 800,000 thùng dầu 1 ngày trong 6 tháng, tính từ tháng 1. Tuy nhiên, một số nước như Iran, vốn đang đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, sẽ được miễn trừ. Số lượng dầu giảm bớt còn lại sẽ đến từ Nga và các nước ngoài OPEC. Hoa Kỳ, một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, không tham gia thỏa thuận này.
Các nước sản xuất dầu đã bị áp lực phải giảm sản lượng, sau khi giá dầu xuống thấp trong vài tháng qua. Sau thông báo của OPEC và các đối tác, giá dầu thô Brent – giá dầu tiêu chuẩn quốc tế - đã tăng thêm $2.79 Mỹ kim một thùng, lên $62.85 Mỹ kim. Theo giới phân tích, việc cắt giảm sản lượng sẽ “thắt chặt” thị trường dầu thế giới vào quý 3 của năm tới, và giúp nâng giá dầu Brent lên trên mức $70 Mỹ kim một thùng. Việc OPEC phải dựa vào các nước không phải là thành viên như Nga cho thấy tổ chức này không còn ảnh hưởng nhiều tại thị trường dầu thế giới. Liên minh OPEC – Nga hình thành vào năm 2016, để cạnh tranh với ngành khai thác dầu của Hoa Kỳ.

Nga bị nghi đưa tàu ngầm đến eo biển Kerch
MOSCOW – Truyền thông Anh vào ngày thứ Năm dẫn một số nguồn tin cho biết, tàu ngầm lớp Kilo Black Hole (Hố đen) của Hải quân Nga đã rời cảng Sevastopol ở Biển Đen, và được cho là hướng đến eo biển Kerch. Giới chuyên gia cho rằng, Nga đang đưa tàu ngầm đến eo biển Kerch – trung tâm căng thẳng với Ukraine - để sẵn sàng đối phó trong trường hợp Hoa Kỳ hoặc các thành viên khác của NATO đưa tàu quân sự tới đây. Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh quan hệ Nga-Ukraine căng thẳng sau khi Moscow bắt giữ 3 tàu hải quân và 24 thủy thủ Ukraine, bị cáo buộc vi phạm lãnh hải của Nga ở eo biển Kerch. Truyền thông Hoa Kỳ trong tuần này dẫn lời các viên chức cho biết, Washington đã bắt đầu những bước chuẩn bị cần thiết để đưa một chiến hạm đến Biển Đen.

Phi sẽ mua trực thăng của Hoa Kỳ
MANILA – Vào ngày thứ Sáu, Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân Delfin Lorenzana thông báo, nước này sẽ mua 16 trực thăng Black Hawk từ nhà sản xuất trực thăng Sikorsky của Hoa Kỳ, bỏ qua các thiết bị rẻ hơn từ Nga, do ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào hàng xuất cảng quân sự của Moscow.
Ban đầu, Phi Luật Tân định mua 16 trực thăng Bell 412 từ Canada nhưng thỏa thuận này bị hủy hồi tháng 2, sau khi Ottawa bày tỏ lo ngại rằng số trực thăng này có thể được sử dụng trong cuộc chiến chống phiến quân. Sau đó, Phi Luật Tân cân nhắc mua một số trực thăng khác, trong đó có S-70 Black Hawk của tập đoàn Sikorsky (Hoa Kỳ), Mi-171 của Nga, và AW139 của Nam Hàn.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Lorenzana cho biết, Không quân Phi Luật Tân sẽ ký hợp đồng mua 16 trực thăng Black Hawk vào đầu năm sau, mặc dù phía Nga đưa ra giá thấp hơn. Lên tiếng trước truyền thông, ông Lorenzana nói, “Rất khó để chi trả cho Nga do ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.” Ngoài ra, Không quân Phi Luật Tân cũng tìm cách mua tới 10 trực thăng tấn công vào năm sau.
Hiện Phi Luật Tân đang dự định chi 300 tỷ peso ($5.6 tỷ Mỹ kim) trong vòng 5 năm tới để nâng cấp khả năng phòng vệ, thay mới các tàu chiến từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, và các chiến đấu cơ và trực thăng từ thời Chiến tranh Việt Nam. Thời gian qua, Phi Luật Tân đã mua 12 chiến đấu cơ hạng nhẹ từ Nam Hàn, tàu hậu cần từ Indonesia, các thiết giáp và hỏa tiễn từ Israel.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT