Người Việt Khắp Nơi

Giáo dân Việt, Mễ mừng đại lễ Đức Mẹ Guadalupe

Wednesday, 13/12/2017 - 08:24:00

Tiến sĩ Orozco tuyên bố, “Chiếc áo Tilma gốc đã được trưng bày ngoài trời trong gần 116 năn, hấp thụ tất cả những tia hồng ngoại và tia cực tím phát ra từ hàng chục ngàn ngọn nến gần đó mà không hề bị ảnh hưởng. Thật tuyệt vời!”

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Ngày 12 tháng 12 hàng năm Giáo Hội Công Giáo nói chung và giáo dân người Mễ Tây Cơ nói riêng tổ chức long trọng lễ kính Đức Mẹ Maria mang tước hiệu Guadalupe. Tại các giáo xứ trong giáo phận Orange, các giáo dân Mễ Tây Cơ làm tuần chín ngày, rước kiệu Đức Mẹ Guadalupe, tham dự thánh lễ và sau đó dự tiệc mừng cùng với chương trình văn nghệ đặc biệt.

Tại giáo xứ Saint Barbara, bức ảnh Đức Mẹ Guadalupe được cộng đồng Mexico trang trí với hoa đèn rực rỡ từ nửa tháng nay. Vào lúc 7 giờ tối thứ Ba, 12 tháng 12, 2017, hàng ngàn giáo dân Mexico đã đến thánh đường tham dự thánh lễ một cách sốt sắng. Trước thánh lễ, có trình diễn hoạt cảnh kể lại sự tích Đức Mẹ Guadalupe.

Trong thánh lễ, linh mục Ramon Cineros, Phó xứ Saint Barbara cử hành. Trong bài giảng, cha Ramon khuyên nhủ giáo dân hãy siêng năng lần hạt Mân Côi và luôn tìm đến với Mẹ Guadalupe, nhờ Mẹ che chở và bầu cử cùng Thiên Chúa ban cho mình, cho gia đình được êm ấm, thuận hòa, cho đất nước và thế giới được sống trong hòa bình, thịnh vượng.

Trước đó, vào lúc 5 giờ chiều, Linh mục Josep Nguyễn Thái, cha Phó Giáo Xứ Saint Barbara cũng cử hành thánh lễ kính Đức Mẹ Guadalupe cho giáo dân Việt Nam. Trong bài giảng, Cha Nguyễn Thái cho biết, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa có nhiều tước hiệu khác nhau, Đức Mẹ hiện ra ở nhiều nơi như Lộ Đức (Pháp), Fatima (Bồ Đào Nha), La Vang (Việt Nam) Guadalupe (Mexico) nên người ta gọi Đức Mẹ là Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ La Vang hay Đức Mẹ Guadalupe nhưng cũng chỉ là một Đức Mẹ Maria duy nhất.

Đức Mẹ đã hiện ra với một nông dân tên là Juan Diego, và tấm áo choàng Tima được gọi bằng tiếng Tây Ban Nha là Guadalupe.Chỉ trong 7 năm đầu bức ảnh Đức Mẹ Guadalupe xuất hiện đã có tác động đên hàng triệu người và có 7000 người chuyển sang theo đạo Công Giáo.

Về Đức Mẹ Guadalupe, Linh Mục Nguyễn Thái cho biết, cha đã đến tận nơi Đức Mẹ hiện ra, và nay là Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe tại Mexico. Đây là địa điểm hành hương thu hút nhiều người nhất trong thế giới Công Giáo. Linh mục Nguyễn Thái cho biết, không có đủ thì giờ kể lại toàn bộ lịch sử câu chuyện Đức Mẹ Guadalupe, cha chỉ nêu một số điểm nổi bật, lạ lùng rất đỗi kinh ngạc mà các nhà khoa học trên thế giới chưa lý giải được:

Bức ảnh Đức Mẹ Guadalupe được đặt trên cung thánh trong nhà thờ Saint Barbara để giáo dân kính viếng và cầu nguyện. (Thanh Phong/ Viễn Đông)



Điểm thứ nhất là chất liệu và màu sắc đặc biệt của bức ảnh mà loài người không thể tái tạo được. Chiếc áo Tilma làm bằng sợi cây xương rồng, thô và ráp, rất khó mặc và khó giữ được hình ảnh trên đó, nhưng hình ảnh Đức Mẹ trên tấm áo Tilma đến nay vẫn còn nguyên vẹn, và khi người ta chạm tay vào bề mặt tấm vải có hình Đức Mẹ thì mềm như lụa, trong khi các phần khác của áo Tilma thô và ráp.

Các chuyên gia hồng ngoại sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng đã kết luận rằng trên chiếc Tilma hoàn toàn không có một nét cọ nào. Tiến sĩ Sinh Lý Học và Côn Trùng Học, ông Phillip Callahan tại Đại Học Florida phát hiện ra rằng, khi đưa bức ảnh ra xa một chút thì diện mạo của Đức Mẹ thay đổi, kết cấu và màu da như của người đang sống mà bàn tay con người không thể làm được.


Ban Văn nghệ Mexico trong tiệc mừng ngày đại lễ Đức Mẹ Guadalupe. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Ngoài ra, tấm ảnh Đức Mẹ còn thay đổi về màu sắc tùy góc nhìn của người xem khiến nhiều khoa học gia chưa tìm ra được lời giải đáp. Tiến sĩ, bác sĩ nhãn khoa Jose Aste Tonsmann trong một cuốn sách do ông viết, ông xác nhận, “Trong bức ảnh nguyên thủy không có bản vẽ dưới, không có bản phác thảo hay bất kỳ một nét cọ nào.”

Điểm thứ hai, bức ảnh Đức Mẹ Guadalupe nguyên thủy không ai có thể tái tạo và giữ được lâu bền: Từ trước đến nay, mỗi khi có ai muốn tạo ra một bản vẽ khác thay thế bản gốc thì kết quả là chỉ một thời gian ngắn, bức ảnh đó bị phai mờ. Họa sĩ Miguel Cabrera lừng danh của thế kỷ 18 đã vẽ một số bức ảnh Đức Mẹ Guadalupe nhưng cuối cùng ông phải công nhận, “Dù một họa sĩ tài ba đến đâu nếu anh ta sao chép bức ảnh thánh thiêng này trên tấm vải có chất lượng kém như chiếc áo Tima gốc thì cuối cùng cũng phải chấp nhận thất bại.”


Hàng ngàn giáo dân Mexico sốt sắng tham dự thánh lễ tại thánh đường Saint Barbara tối 12 tháng 12, 2017. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Tiến sĩ Orozco tuyên bố, “Chiếc áo Tilma gốc đã được trưng bày ngoài trời trong gần 116 năn, hấp thụ tất cả những tia hồng ngoại và tia cực tím phát ra từ hàng chục ngàn ngọn nến gần đó mà không hề bị ảnh hưởng. Thật tuyệt vời!”

Điểm thứ ba, cái mí mắt của Đức Mẹ là mí mắt của người sống, chớp mắt và có đồng tử đàng hoàng .
Điểm thứ tư, Đức Mẹ đang chắp tay và mang thai Chúa Giêsu, các bác sĩ đã đo được nhịp tim đập của trẻ thơ trong tấm ảnh. Điều nữa là cái áo Tilma này luôn giữ được nhiệt độ không thay đổi là 36.6 đến 37 độ C là nhiệt độ của con người. Trên tấm áo của Đức Mẹ có rất nhiều ngôi sao phù hợp với Giải Ngân Hà trên bầu trời thế nào thì in xuống áo Đức Mẹ y như vậy, và còn rất nhiều điều lạ lùng khác.

Hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe được phổ biến trong văn hóa Mexico với tên gọi “Nữ Vương Mexico.” Ngày 25 tháng 5, 1754 Tòa Thánh Vatican dưới triều Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIV đã công nhận phép lạ Đức Mẹ Guadalupe. Năm 1910, Đức Giáo Hoàng Pio XI công bố Đức Mẹ Guadalupe là Bổn Mạng của toàn thể châu Mỹ La Tinh và sau đó, vào năm 1935 là Philippines. Năm 1999 Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo Đệ II đã công bố Đức Maria là Bổn Mạng toàn châu Mỹ, và truyền trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo mừng kính Đức Mẹ Guadalupe vào ngày 12 tháng 12 hàng năm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT