Tiêu Thụ

Giao dịch tài chánh trên mạng có an toàn không?

Friday, 24/06/2011 - 07:46:12

Tin tức về các cơ sở tài chánh lớn như Citigroup, Sony, Lockheed Martin, Michael’s Stores bị kẻ gian xâm nhập, lấy cắp lý lịch của nhiều khách hàng, khiến ...

Eric Trần/Viễn Đông


Tin tức về các cơ sở tài chánh lớn như Citigroup, Sony, Lockheed Martin, Michael’s Stores bị kẻ gian xâm nhập, lấy cắp lý lịch của nhiều khách hàng, khiến dân chúng rất lo lắng. Trong thời buổi Tin Học, với chi tiết lý lịch đánh cắp được của người khác, kẻ gian có thể mạo danh để gây ra nhiều tai hại cho xã hội, và để lại tiếng xấu cho nạn nhân. Việc giải oan thường đòi hỏi rất nhiều công sức, và có khi cả tiền bạc.
Và, người ta băn khoăn tự hỏi: Như vậy thì làm sao để bảo vệ mình? Có nên tiếp tục giao dịch qua mạng Internet nữa hay không?

Câu trả lời, theo nhiều chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng, là một tiếng nói ngắn gọn và cương quyết, “Có!” Hãy tiếp tục giao dịch qua mạng Internet, hãy tiếp tục mua hàng, bán hàng, trả hóa đơn và kiểm tra trương mục ngân hàng “online” của mình.

Bởi vì, các chuyên gia cho biết:
1. Nếu so sánh các vụ trộm cắp và gian lận giữa 2 không gian – không gian mạng và không gian vật chất thì giao dịch trên mạng an toàn bằng hoặc an toàn hơn, miễn là khách hàng biết áp dụng một số qui tắc đề phòng. Thật vậy, kết quả thống kê cho thấy những trường hợp đột nhập để ăn cắp lý lịch trong năm 2010 thực đã ít hơn so với năm trước đó. Theo bà Julie Conroy McNelley, chuyên viên phân tích rủi ro và gian lận tại tổ hợp nghiên cứu Aite Group thì sự tiến bộ này sở dĩ có được là vì các ngân hàng chính là nơi áp dụng các biện pháp an ninh tân kỳ nhất của khoa học.
2. Điều thứ hai là bánh xe tiến bộ không còn có thể quay ngược lại được. Từ một nền kinh tế trao đổi hiện vật người ta tiến tới việc sử dụng đồng tiền làm trung gian, nhờ đó xã hội đã tiến được một bước xa. Rồi thì ngân hàng xuất hiện và tờ giấy bạc trở thành không còn cần thiết, vì người ta chỉ cần hạ một nét bút là đã chuyển được những số tiền lớn có thể chất đầy cả mấy chục chiếc xe vận tải. Và bây giờ, trên xa lộ thông tin thế kỷ 21, chúng ta chỉ cần ngồi trong góc nhà trước một màn hình vi tính nhỏ, không cần ký một tờ ngân phiếu nào, mà sự giao dịch có thể vươn đến tất cả mọi nơi, không loại trừ góc cạnh nào của thế giới, chuyển đi cả ngàn tỉ đồng cũng dễ dàng như chuyển đi 1 đồng…. Đã được nếm thử những tiện nghi ấy, thử hỏi chúng ta có thể đẩy ngược bánh xe phát triển để trở về với quá khứ hay không?
3. Và sau cùng, đa số những sự xâm phạm lớn xảy ra là do bọn gian phi đột nhập vào trong kho dữ liệu của ngân hàng. Vấn đề là ở chỗ đó, chứ không phải ở cái cung cách giới tiêu thụ đã giao dịch tài chánh như thế nào, có an toàn hay không ở trên mạng.
Vả lại, bảo vệ an ninh trên mạng là điều vượt quá tầm tay của giới tiêu thụ. Ông Geoff Webb, giám đốc công ty bảo vệ dữ liệu Gredant Technologies có ý kiến, “Khó biết được mức độ an toàn mà các ngân hàng xử lý hồ sơ khách hàng là đến đâu”. Bởi lẽ, các nhà băng không tiết lộ nhiều về các biện pháp bảo vệ của họ, sợ rằng kẻ gian biết được rồi sẽ tìm cách hóa giải. Nhưng dù có tiết lộ hay không, thì chúng ta cũng có lý do để tin rằng tất cả chi tiết hồ sơ đều được mã hóa, và đặt riêng từng bộ phận – hồ sơ khách hàng tín dụng không ở cùng với các loại hồ sơ khác…. Đồng thời, họ cũng phải làm hết cách để tin tức trong các đơn từ nộp qua mạng được bảo toàn một cách xứng đáng. Thêm vào đó, ngân hàng nào cũng có chương trình huấn luyện nhân viên thường xuyên về trách nhiệm và về an ninh.
Về phía luật pháp, chính quyền đang càng lúc càng quan tâm hơn đến các biện pháp an toàn mà nhà băng cần phải thực thi. Chẳng hạn, Bộ Thương Mại gần đây đã yêu cầu các công ty hoạt động mạng phải có biện pháp tăng cường an ninh. Bản thân Tổng Thống Obama trong tháng Năm 2011 cũng đã đưa ra một dự luật về an ninh trong giao dịch mạng. Về phía lập pháp, Thượng Nghị Sĩ Webb kêu gọi mọi người hãy vận động giới dân cử thông qua các đạo luật về an ninh giao dịch mạng một cách nghiêm ngặt hơn.

Về phần mình, giới tiêu thụ cần hiểu biết thêm về “luật chơi trong giang hồ” nghĩa là các mánh khóe mà bọn gian có thể dùng để ăn cắp chi tiết lý lịch hoặc chi tiết tài chánh của chúng ta.
Trước hết là những người dùng mạng phải có một chương trình chống Virus và Spyware thật hiệu quả và được tự động cập nhật mỗi ngày. Xin biết cho rằng xa lộ thông tin (Internet) là một chợ trời thế giới, trong đó có nhiều người tốt mà cũng có vô vàn kẻ xấu chực rình Nên, một chương trình Anti-Virus hữu hiệu là cực kỳ cần thiết cho những người thường sinh hoạt trên mạng.
Ngoài ra, cần phải lưu ý những điều tưởng chừng “tầm thường” sau đây:
- Không trả lời các email lạ, không tiết lộ chi tiết về địa chỉ, ngày tháng năm sinh của mình trong email gửi đến người lạ;
- Không nên mở những thư đính kèm (attachment) do một người lạ gửi đến;
- Không nên vô trương mục ngân hàng của mình bằng một đường “link” gài sẵn trong email, mà hãy trực tiếp lên mạng của ngân hàng rồi từ đó mới tiết lộ “username” và “password” để vào trương mục;
- Phải kiểm soát tiền ra, tiền vô trong trương mục tài chánh của mình thường xuyên, và nếu phát giác điều khả nghi thì báo cáo ngay với ngân hàng của mình;
- Không nên dùng thẻ nhà băng (debit card) để trả tiền khi mua hàng trên mạng, thay vào đó hãy sử dụng thẻ tín dụng (credit card), vì sự bảo vệ của thẻ tín dụng luôn luôn cao hơn thẻ nhà băng.

Erictran15751@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT