Người Việt Khắp Nơi

Giáo Hội Công Giáo cử hành Tam Nhật Thánh trong cơn đại dịch Covid 19

Thursday, 09/04/2020 - 05:39:36

Giáo Hội Công Giáo toàn cầu đang ở trong Tuần Thánh, tuần lễ quan trọng nhất trong phụng vụ và ba ngày Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy

Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân giảng trong Thánh Lễ Tiệc Ly trực tuyến thứ Năm, ngày 9 tháng 4, 2020. (VietCatholich News)

 

 

Bài THANH PHONG

Giáo Hội Công Giáo toàn cầu đang ở trong Tuần Thánh, tuần lễ quan trọng nhất trong phụng vụ và ba ngày Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy trong Tuần Thánh được gọi là Tam Nhật Thánh để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và sự Phục Sinh vinh hiển của Người.
Tuân thủ lệnh của chính quyền, mặc dù giáo dân không thể đến tham dự các nghi thức và thánh lễ tại thánh đường nhưng các Giám Mục, Linh Mục vẫn cử hành các nghi thức và dâng thánh lễ hàng ngày, giáo dân được phép của giáo quyền tham dự thánh lễ trực tuyến qua màn ảnh truyền hình.
Năm 2020, sau Lễ Lá cử hành vào ngày Chủ Nhật 5 tháng 4, Giáo Hội bước vào Tuần Thánh. Trong Tuần Thánh, các Đức Giám Mục Giáo Phận chọn một ngày thuận tiện để cử hành Lễ Truyền Dầu. Tất cả các linh mục, trừ những vị đau ốm còn tất cả phải đến tham dự thánh lễ và lập lại “Lời Hứa” khi nhận chức Linh Mục. (Năm nay Đức Giám Mục cho phép các linh mục ở nhà hiệp thông với ngài qua lễ Truyền Dầu và tự lập lại lời tuyên hứa.)


Đức Giám Mục Kevin Vann, Giám Mục Giáo Phận Orange cử hành Lễ Truyền Dầu năm 2019. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

Vào ngày Thứ Năm, ngày đầu của Tam Nhật Thánh, Giáo Hội cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly, kỷ niệm ngày Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể, truyền chức Linh Mục và dạy môn đệ bài học yêu thương bằng việc Người hạ mình xuống, lấy nước rửa chân cho các môn đệ. Ngày Thứ Sáu, tưởng niệm ngày Chúa bị khổ hình, vác Thập Giá lên đồi Golgotha và bị đóng đinh, chịu chết bên cạnh hai tên trộm cướp. Ngày Thứ Bảy, Giáo Hội cử hành đại lễ Vọng Phục Sinh mừng Chúa sống lại từ cõi chết, và ngày Chúa Nhật là ngày đại lễ Phục Sinh.
Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh (9.4.2020), trước khi LM Giuse Trần Ngọc Tân,SSS cử hành thánh lễ trực tuyến do VietCatholic News phát sóng, một đại diện giáo dân đọc lời gợi ý như sau: “Thánh lễ hôm nay được gọi là Thánh Lễ Tình Yêu. Thật vậy, vào chiều hôm nay cách đây hơn hai ngàn năm, trong bữa Tiệc Ly trước khi lìa xa các môn đệ để thi hành tôn ý Chúa Cha mà cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ hết sức ngỡ ngàng là Người chỗi dậy khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài, lấy khăn thắt lưng, đem chậu nước đến rửa chân cho các môn đệ. Cử chỉ rửa chân là bài học yêu thương và khiêm nhường Chúa dạy các ông bài học này trước khi lập Bí Tích Thánh Thể, bí tích Tình Yêu.


Linh mục Joseph Nguyễn Văn Luân, cha xứ giáo xứ Đức Mẹ La Vang, rửa chân cho giáo dân trong Thứ Năm Tuần Thánh năm 2019. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 


“Vì muốn yêu đến cùng nên Người dạy môn đệ bài học yêu thương bằng việc rửa chân để mọi người biết yêu nhau. Vì yêu đến cùng nên Người lập bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể để hiện diện với nhân loại mãi mãi qua thừa tác vụ của các Linh Mục. Để tưởng niệm bữa Tiệc Ly này cho xứng đáng, chúng ta cùng thành tâm thống hối để hiệp dâng thánh lễ với linh mục chủ tế.”
Sau khi làm dấu Thánh Giá; Linh Mục Giuse Trần Ngọc Tân, SSS mở đầu thánh lễ, nói, “Kính thưa ông bà và anh chị em thân mến, với hoàn cảnh chúng ta đang phải đối mặt với những đau khổ, thử thách của bệnh hoạn, tật nguyền. Do anh chị em không hiện diện ở đây trong thánh lễ chiều nay nhưng Hội Thánh và các linh mục vẫn dâng lễ bình thường để anh chị em được thông hiệp vào mầu nhiệm đau khổ của Đức Kitô rồi sau đó, chúng ta mới có thể được thông phần vào vinh quang Phục Sinh của Ngài. Với chiều Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, chúng ta bước vào Tam Nhật Thánh, ba ngày trọng đại, Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến trong thế gian.

“Sau khi dạy dỗ chúng ta bước đi trên con đường của Chúa, hôm nay Ngài dắt chúng ta đi vào chính cuộc khổ nạn của Ngài để trong thánh lễ hôm nay, Chúa dạy chúng ta bài học Yêu Thương Phục Vụ, bài học Con Thiên Chúa xuống thế làm người và cũng là người thực hiện trước noi gương cho chúng ta.
“Xin cho mỗi người chúng ta khi dâng lễ hôm nay, chúng ta học được bài học yêu thương phục vụ ấy để chúng ta cũng ra đi thi hành như Đức Giêsu đã dạy; nhờ vậy, chúng ta được hiệp thông với Ngài trong đau khổ và sẽ được hiệp thông với Ngài trong Phục Sinh vinh quang. Giờ đây chúng ta hãy thành tâm ăn năn thống hối, xin Chúa thương tha thứ những lỗi lầm thiếu sót để chúng ta xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.”
Sau các bài đọc và Bài Tin Mừng của Thánh Gioan, trong bài giảng, có đoạn Linh Mục Giuse Trần Ngọc Tân nói, “Chiêm ngắm Chúa rửa chân, một bối cảnh tuyệt vời có một không hai khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, tôi hiểu rằng, thánh lễ không kết thúc ở nhà thờ mà còn phải tiếp tục trong cuộc sống mỗi ngày từng giây phút. Câu chúc lành cuối lễ của linh mục Chúc anh chị em đi bình an nhằm gởi gắm một lệnh truyền mà Chúa Giêsu đã dạy Anh em hãy đi truyền giáo, thi hành điều mà anh chị em đã nghe từ bàn thờ này để phục vụ anh chị em chúng ta trong bình an.


Giáo xứ Westminster diễn lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2019. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 


“Thánh lễ ngoài đời cũng quan trọng không kém gì thánh lễ trong nhà thờ nên cũng phải cử hành một cách kính cẩn, nghiêm trang khi anh chị em phục vụ lẫn nhau. Lễ vật trên bàn thờ còn thiếu sót nếu tôi chưa dâng lễ vật đền thờ thân xác con người mỗi ngày; đó là yêu mến, phục vụ anh chị em , chồng, vợ, con cái, ông bà với nhau trong gia đình. Việc kết hiệp với Chúa trong bí tích Thánh Thể không thể nói được là trọn vẹn nếu tôi không kết hợp với anh chị em trong tình yêu thương được biểu lộ qua phục vụ; nhưng mà phục vụ theo kiểu Chúa Giêsu; đó là phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường.
“Việc giữ đạo sẽ khập khiễng nếu tôi chỉ tạo được mối liên hệ tốt với Thiên Chúa như tôi mới nói với anh chị em; đó mới chỉ là một thanh dọc của cây Thánh Giá. Nó chỉ được gọi là Thánh Giá nơi đó sẽ trổ hoa, sinh trái tốt đẹp yêu thương đó là khi anh chị em phục vụ giữa con người với nhau. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta chiều nay học được bài học mà Chúa đã phải đổ máu ra để dạy chúng ta. Chúa phải bỏ ngai Trời xuống thế để chính Ngài là người làm gương phục vụ đi trước cử hành để chúng ta mỗi ngày noi theo Người mà phục vụ lẫn nhau.
“Thưa anh chị em, Trong bối cảnh cả thế giới đang run sợ, đang tránh xa nhau, đang không dám đến gần nhau bởi sợ bị lây cái bệnh chết người, thì hôm nay Chúa lại dạy chúng ta phải đến với nhau để phục vụ. Thưa anh chị em, chúng ta không thể phục vụ bằng cách đến mà rửa chân cho nhau như lát nữa đây tôi cũng không dám cúi xuống mà rửa chân cho anh chị em bởi còn luật của xã hội và luật của con người, chúng ta biết rằng Chúa không buộc chúng ta hôm nay quỳ xuống để rửa chân rồi hôn lên chân nhau. Chúng ta có thể làm điều đó, nhưng có lẽ Chúa không muốn chúng ta hiểu nghĩa đen như thế mà Chúa muốn chúng ta phục vụ yêu thương bằng cách khác.


Giáo xứ Saint Barbrara rước kiệu Chúa Phục Sinh trong Đêm Vọng Phục Sinh năm 2019 (Thanh Phong/ Viễn Đông)


“Dâng lễ chiều nay, anh chị em con người chúng ta ở đây nhưng lát nữa chúng ta sẽ hướng về thế giới, hướng về con người khắp nơi để chúng ta phục vụ nhau trong yêu thương bằng việc cầu nguyện cho họ, gần gũi với họ bằng việc anh chị em dâng những nỗi khổ của mọi người lên với Chúa. Đó cũng là cách chúng ta thực hành bài học yêu thương, luật mới của Chúa trong thánh lễ chiều nay, thánh lễ chiều tiệc ly, gọi là thánh lễ Chúa dạy bài học yêu thương. Amen”.
Trong hoàn cảnh hiện nay, các tín hữu không thể đến nhà thờ tham dự các nghi thức Tam Nhật Thánh, Viễn Đông mời qúy tín hữu nhìn lại một số hình ảnh Tam Nhật Thánh năm vừa qua để cùng suy niệm mầu nhiệm khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, để cùng hiệp thông nỗi thống khổ của Chúa qua những lo lắng, đau buồn trong cơn đại dịch coronavirus mà nhân loại đang phải gánh chịu, trong đó có nhiều gia đình đang có người lâm bệnh và nhiều người đã ra đi.
Trong Tam Nhật Thánh, Đức Thánh Cha Phanxico và hàng giáo phẩm của Giáo Hội kêu gọi các tín hữu toàn cầu sốt sắng tham dự các thánh lễ trực tuyến, cầu nguyện cho đại dịch Covid-19 sớm chấm dứt.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT