Người Việt Khắp Nơi

Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng xuất bản hồi ký Thác Lũ Mưa Nguồn

Sunday, 07/11/2021 - 05:36:12

Muốn biết rõ thời cuộc diễn biến thế nào trên quê hương Việt Nam suốt từ 1945 đến 1975 hãy tìm đọc Hồi Ký Thác Lũ Mưa Nguồn của giáo sư Nguyễn Lý Tưởng.


Hồi Ký Thác Lũ Mưa Nguồn quyển 1 và 2. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - Giáo Sư Trung Học, cựu Dân Biểu VNCH (1967-1971) và Tổng Ủy Viên Thông Tin Báo Chí Ban Chấp Hành Trung Ương Đại Việt Cách Mạng Đảng (1970-1975), viết văn, làm thơ, viết báo từ 1957 và chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo Da Vàng tại Saigon năm 1970. Định cư tại Nam California, Hoa Kỳ, Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng đã viết và xuất bản bốn truyện ngắn, ba tập thơ và 4, 5 bài nghiên cứu lịch sử. Năm 2016 ông xuất bản cuốn hồi ký Thác Lũ Mưa Nguồn (Quyển 1). Năm 2021 ông tái bản quyển 1 và xuất bản quyển hồi ký thứ 2 cùng mang tên Thác Lũ Mưa Nguồn.

Hai quyển hồi ký rất đồ sộ, mỗi quyển dầy 600 trang in trên giấy trắng, khổ chữ vừa đọc và trình bày thật trang nhã. Trong tâm thư gửi bà con và thân hữu, GS Nguyễn Lý Tưởng cho biết, ông viết hồi ký này với mục đích để lại cho gia đình và bạn bè cùng chia sẻ với ông cuộc đời tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là tự do tôn giáo mà ông là nhân chứng qua các biến cố lịch sử của đất nước.

 


GS Nguyễn Lý Tưởng khi vừa đặt chân đến Hoa Kỳ tỵ nạn sau 14 năm trong lao tù Việt Cộng. (Ảnh tác giả cung cấp)

 

Ông sinh năm Kỷ Mão (1939) trong một gia đình nông dân, cha mẹ sống nghề làm ruộng tại làng Dương Lộc, Tổng An Giạ, Phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tuy sống ở vùng quê nghèo khó, đất cày lên sỏi đá, mùa Đông thiếu áo, mùa Hè thiếu cơm, thiên tai bão lụt liên miên nhưng chính trong nỗi cơ cực đó, những người có chí khí, có quyết tâm vươn lên như ông Nguyễn Lý Tưởng đều đã thành công.

Thi đậu bằng Tiểu Học khi mới tròn 11 tuổi, ông là cựu học sinh trường Pellerin và Providence (Thiên Hựu), Huế sau đó là sinh viên Hán Học, Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Huế. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, ông được bổ nhiệm làm giáo sư trường Duy Tân, Phan Rang rồi biệt phái về Văn Phòng Công Cán Ủy Viên Đặc Trách Thanh Niên Bộ Giáo Dục VNCH.

Đắc cử Dân Biểu VNCH nhiệm kỳ 1967 -1971 khi mới tròn 30 tuổi, được cử làm phát ngôn viên của phái đoàn Dân Biểu Hạ Nghị Viện VNCH sang yết kiến Đức Giáo Hoàng Phaolo VI tại Vatican ngày 18.3.1970 để vận động cho miền Nam Việt Nam một nền hòa bình công chính, không bị nô lệ Cộng Sản Bắc Việt.

Ngoài nhiệm vụ một Dân Biểu, ông còn là một thành viên cốt cán trong Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Đại Việt Cách Mạng từ năm 1970 đến 1975 nên sau khi miền Nam bị Cộng Sản Bắc Việt xâm lược, ông đã bị đưa vào các trại tù từ Nam ra Bắc và chịu cảnh lao động khổ sai suốt 13 năm trong đó ba lần bị cùm một chân trong nhà kỷ luật.

Cũng trong bức Tâm Thư gửi bà con và thân hữu, ông cho biết, ông đã đi khắp các tỉnh, thành phố miền Nam Việt Nam, đã chứng kiến những biến chuyển của lịch sử Việt Nam, nên với tư cách là một chứng nhân, ông đã viết Hồi Ký. Trong đó, cuốn 1 ông trình bày những biến cố xảy ra mà ông chứng kiến hoặc nghe kể lại từ 1945 đến 1972 là năm tỉnh Quảng Trị bị quân Cộng Sản Bắc Việt chiếm, khiến ông phải rời bỏ quê hương vào các tỉnh miền Nam. Những biến cố đó có liên quan đến cá nhân, gia đình và quê hương đất nước.

Quyển thứ 2, trình bày hoàn cảnh của ông và những người đã phục vụ dưới chính thể VNCH đã bị đối xử trong các trại tập trung cải tạo ra sao. Những chứng nhân mà ông đã gặp trong nhà tù Cộng Sản kể lại các biến cố lịch sử từ 1945 đến 1975. Đặc biệt, ngày 6 tháng 7 năm 1992, sau khi ra khỏi nhà tù Cộng Sản tại miền Bắc được 4 năm, ông đã bị bắt lại và bị buộc tội “Hoạt động lật đổ chính quyền.”

Ông đã trải qua 13 tháng bị biệt giam tại số 4 Phan Đăng Lưu, Gia Định. Nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại Gia Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền khắp thế giới, ngày 4 tháng 7 năm 1993 ông đã được trả tự do. Tổng cộng hai lần tù 14 năm.

Ngày 25.7.1994 ông và gia đình đã được định cư tại Orange County. Từ đây, ông quyết định dành tất cả thì giờ còn lại để tiếp tục tranh đấu cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, với hy vọng sẽ có ngày được thấy chế độ Cộng Sản độc tài không còn ngự trị trên quê hương đất nước và đồng bào của mình sẽ được hưởng cuộc sống tự do, ấm no hạnh phúc.

Trong cả hai cuốn hồi ký, ngoài những bài viết giá trị còn có một số hình ảnh tư liệu lịch sử quý hiếm mà tác giả đã dày công sưu tập hoặc cất giữ qua bao biến chuyển của thời thế.

Nhiều người sống cùng thời với ông, khi đọc Thác Lũ Mưa Nguồn đều công nhận, GS Nguyễn Lý Tưởng viết rất trung thực trình bày chi tiết một cách xác thực không thêm mắm dặm muối. Nhiều người còn quả quyết Thác Lũ Mưa Nguồn không chỉ là một cuốn hồi ký bình thường mà còn là một cuốn sử liệu đáng quý cần lưu giữ.

Độc giả muốn biết rõ thời cuộc diễn biến thế nào trên quê hương Việt Nam suốt từ 1945 đến 1975 hãy tìm đọc Hồi Ký Thác Lũ Mưa Nguồn của giáo sư, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Lý Tưởng.

Liên lạc về địa chỉ: 8952 Champion Ave, Westminster, CA 92683.

Điện thoại 714-897-8187, số Cell (714) 653-5125.

Email: lytuongnguyen@yahoo.com.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT