Người Việt Khắp Nơi

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích làm sáng tỏ Chân-Diện-Mục tập thơ “Lưu Hương Ký” của Hồ Xuân Hương

Thursday, 03/03/2011 - 07:15:42

WESTMINSTER -  Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích vừa từ miền Đông sang miền Tây Hoa Kỳ, để thuyết trình và làm sáng tỏ tác phẩm Lưu Hương Ký của nữ ...

Thanh Phong/Viễn Đông

gs-Nguyen-Ngoc-Bich-thuyet-.jpg

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích thuyết trình tại Viện Việt Học về Chân-Diện-Mục tập thơ Lưu Hương Ký của nữ sĩ Hồ Xuân Hương – ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông.


WESTMINSTER -  Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích vừa từ miền Đông sang miền Tây Hoa Kỳ, để thuyết trình và làm sáng tỏ tác phẩm Lưu Hương Ký của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Buổi thuyết trình tổ chức tại Viện Việt Học 15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, từ 2 giờ đến 4 giờ 30 chiều Chủ Nhật 27-2-2011.
Trong thời buổi hiện nay, nói về một tác phẩm chữ Hán hay chữ Nôm, thường không thu hút được bao nhiêu người đến nghe. Thế nhưng, buổi tìm Chân-Diện-Mục Tập Thơ Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương, có đến gần 40 người tham dự. Với số lượng người như trên, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cho rằng: “Thế là tốt lắm rồi!”. Qua sự giới thiệu rất “chu đáo” của cô Lê Kim Ngân (Ban Điều Hành Viện Việt Học), giáo sư Nguyễn Ngọc Bích chào thăm mọi người và cho biết, tập Lưu Hương Ký mà ông sắp nói đến, là một tài liệu vô cùng quý giá về phương diện văn học, quý ở chỗ chỉ duy nhất có một bản, và Lưu Hương Ký là tài liệu có thể cho ta thấy được: Thơ chữ Hán của bà chúa thơ Nôm - Những cuộc tình của một nhà thơ đa tình nhưng cũng đa truân - Những liên hệ giữa chữ Hán và chữ Nôm trong thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Đặc biệt, sự liên hệ giữa Hồ Xuân Hương, tác giả Lưu Hương Ký, và những Hồ Xuân Hương khác như Hồ Xuân Hương vợ Tổng Cóc và ông Phủ Vĩnh Tường cùng nhiều Hồ Xuân Hương khác nữa.
Giáo sư Bích cho rằng, đây là đề tài rất lý thú và sẽ còn làm cho ta tốn nhiều giấy mực để tìm ra sự thật. Đó là chưa kể, nếu cuốn Lưu Hương Ký mới tìm được và hiện giữ ở Thư Viện Viện Văn Học Hà Nội, nếu đúng là bản gốc, thì ta có thể nói đây là bản thảo đã được viết từ năm 1814, dưới thời Gia Long (1802-1820), cổ hơn cả bản thảo Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du.
Sau khi kể lai lịch tìm ra cuốn Lưu Hương Ký do ông Đào Thái Tôn hoàn trả cho Viện Văn Học ở Hà Nội ngày 27-10-2008, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích trưng ra nhiều dẫn chứng, để nghi ngờ đây chưa chắc phải là bản gốc do cụ cử Nguyễn Văn Tú tặng cho tòa báo Văn Sử-Địa vào năm 1957, sau được đưa sang thư viện của Viện Văn Học, và được ông Trần Thanh Mại nghiên cứu và công bố kết quả vào năm 1963-1964 không? Và nếu đúng thì mặt mũi nó ra làm sao? (Chân-Diện-Mục thế nào?).
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đã dùng khả năng Hán học và chữ Nôm của mình, cũng như tham khảo nhiều tài liệu, để phân tích rất kỹ về tác phẩm Lưu Hương Ký và cuối cùng ông cũng chưa quả quyết đích xác tập Lưu Hương Ký có phải là bản gốc do chính Hồ Xuân Hương viết, hay đã bị đánh tráo bởi ông Đào Thái Tôn?
Lưu Hương Ký là một tập thơ mà giáo sư Nguyễn Ngọc Bích khẳng định:
“Ông Trần Thanh Mại cũng như cụ Hoàng Xuân Hãn cũng không nghĩ khác, tức là trong 31 bài thơ thì 10 bài đầu là 10 bài xướng của Hồ Xuân Hương. 11 bài sau là 11 bài họa của Tốn Phong thị, 10 bài cuối là 10 bài họa một lần nữa; và ông kết luận: “Tóm lại, 31 bài này là sự ghi lại một kỷ niệm, một giai đoạn đầy cảm xúc giữa hai người, Hồ Xuân Hương và Tốn Phong thị. Cả hai đều mừng rỡ gặp lại nhau sau một thời gian dài, sau khi người đàn ông ‘phải bôn ba vào Nam ra Bắc, không thể cùng nhau sớm hôm xướng họa’(Lưu Hương Ký tự). Sang mùa Xuân năm Giáp Tuất, ‘tôi tìm đến chỗ ở cũ của cô’, Tốn Phong thị viết tiếp, ‘hai bên vừa mừng vừa tủi’”. Nếu giả thuyết trên đây của tôi là đúng, một giả thuyết mô phỏng theo giáo sư Lê Trí Viễn và tôi nghĩ có lẽ cũng được ông Mại và cụ Hãn chia sẻ, thì chắc chắn trong 31 bài kia, 10 bài đầu phải coi là của Hồ Xuân Hương”.
Buổi thuyết trình chấm dứt vào lúc 4 giờ 30 cùng ngày.

© ViễnĐôngDailynews

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT