Văn Nghệ

Giáo Sư Tiến Sĩ Tahara và mối duyên với tiếng Việt

Friday, 22/02/2019 - 08:44:26

Để lấy bằng tiến sĩ ngôn ngữ học về xã hội, ông học ở Đại Học tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Việt. Tiếng Anh ông học 5 năm, tiếng Pháp học 3 năm và tiếng Việt là hơn 20 năm, nên tiếng Việt thông thạo nhất so với tiếng Pháp và tiếng Anh.

GS Tahara hát Qua Cầu Gió Bay chung với MC Thụy Vy, Hậu Nguyễn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bài BĂNG HUYỀN

Cũng giống như đa số những sinh viên Nhật Bản khác, Giáo Sư Tiến Sĩ (GS.TS) Hiroki Tahara bắt đầu chọn học tiếng Việt tại Đại Học Ngoại Ngữ Tokyo, Nhật Bản năm 1991, vì ông thấy tiếng Việt thuộc bộ chữ Latinh, nên “có vẻ dễ học.” Nhưng đến khi dấn thân vào học rồi, ông mới thấy phát âm tiếng Việt quá khó. Tuy vậy, ông đã lỡ yêu tiếng Việt, lỡ yêu thanh âm lên bổng xuống trầm, lúc nhấn mạnh, lúc kéo dài cứ như đang hát một bản nhạc, nghe như tiếng chim hót líu lo.


GS Tahara và GS. TS Trần Quang Hải trong buổi ra mắt sách và vinh danh GS.TS Trần Quang Hải. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Tình yêu tiếng Việt của GS. TS Tahara càng thêm bền chặt hơn, sau khi tốt nghiệp đại học, ông kết hôn với người bạn học chung lớp của mình tại Đại Học Ngoại Ngữ Tokyo, cô Hana. Hana trong tiếng Nhật, có nghĩa là bông hoa. Cô là một hoa khôi của trường. Cô có mẹ là người Sài Gòn từng sống ở Nhà Bè trước năm 1975. Ba của Hana là người Nhật, từng là phóng viên của Thông Tấn Xã Tokyo thời chiến trước 1975. Hai ông bà lập gia đình tại Sài Gòn vào năm 1972, sau đó rời Việt Nam qua Nhật.

Mỉm cười hạnh phúc, Thầy Tahara nói, “Bà xả của tôi có 50 phần trăm là người Việt. Chúng tôi có một con gái 7 tuổi, tên là Minami, trong tiếng Nhật có nghĩa là Phương Nam. Con gái tôi có 25 phần trăm là người Việt, còn tôi thì zero phần trăm người Việt Nam, nhưng tôi rất yêu tiếng Việt.”

Không chỉ yêu tiếng Việt, GS.TS Tahara còn rất thích nghe nhạc Việt, đặc biệt là rất thích nghe nhạc Bolero, thích nghe những ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương.


GS Tahara và vợ con (hình cung cấp)

Ông kể, “Năm 2015 tôi đi nhà sách Fahasa ở Sài Gòn, tình cờ thấy một đĩa nhạc CD nhạc Bolero do ca sĩ Hà Vân hát. Nghe qua một lần là tôi mê luôn nhạc Bolero. Vì nhạc Bolero có giai điệu và ca từ ngọt ngào, tình cảm vô cùng, để lại rất nhiều cảm xúc cho tôi mỗi khi nghe, nghe hoài mà không biết chán.”
Trong buổi ra mắt sách và vinh danh GS.TS Trần Quang Hải tại Đại Học Cal State Long Beach (CSULB) do nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian tổ chức và Phân Khoa Nghiên Cứu Về Người Á Châu Và Người Mỹ Gốc Á Châu bảo trợ, GS.TS Tahara đã hát chung với MC Thụy Vy và Hậu Nguyễn bài hát “Qua Cầu Gió Bay.”

Trong lúc hát, nhiều đoạn MC Thụy Vy và Hậu Nguyễn đã nhường để Tahara khoe giọng và Tahara đã nhận được những tràng pháo tay khen tặng của khán giả. Vì ông hát rất tình, rất nhịp nhàng và rõ lời.
GS. TS Hiroki Tahara hiện là Phó Giám Đốc Trung Tâm Giáo Dục Ngôn Ngữ Học tại Đại Học Ritsumeikan Asia Pacific University (Đại Học APU) Nhật Bản. Là Ủy Viên Hội Đồng Quản Trị của Đại Học APU. Ông từng theo học Đại Học Ngoại Ngữ Tokyo từ năm 1991, sinh viên khoa tiếng Việt của trường. Trong thời gian học cử nhân tiếng Việt ở Đại Học, ông đã qua du học tự túc học tiếng Việt một năm tại Sài Gòn (niên học 1992- 1993) ở Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam và Đông Nam Á, tiền thân của Khoa Việt Nam học của Đại Học Tổng Hợp nay là Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG.

Sau một năm du học, ông về lại Nhật, học tiếp cử nhân tiếng Việt tại Đại Học Ngoại Ngữ Tokyo. Sau khi ra trường, ông thi vào làm tùy viên Đại Sứ Quán Nhật tại Hà Nội, làm việc tại Đại Sứ Quán Nhật ở Hà Nội từ năm 1996-1999. Sau đó ông đi Hawaii nửa năm, làm nghiên cứu về tiếng Việt tại đại học ở Hawaii. Tháng 3 năm 2000 ông làm giảng viên dạy tiếng Việt và làm nghiên cứu ở Đại Học APU khi trường vừa thành lập và tiếp tục dạy tại trường đó đến nay.

GS Tahara và GS Quyên Di tại Đại Học Cal State Long Beach. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



GS.TS Tahara cho biết, “Trong những năm qua, trường đã đào tạo khoảng 750 sinh viên học tiếng Việt. Các sinh viên không chỉ là người Nhật mà còn đến từ các nước khác trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Mexico. Trong số sinh viên này, khoảng 100 người đã về Khoa Việt Nam học của Trường ĐH KHXH&NV thực tập tiếng Việt theo chương trình liên kết giữa hai trường. Có khoảng 20 sinh viên đã xin nghỉ học ở bên Nhật để qua Việt Nam học một, hai năm. Ngoài ra, trường chúng tôi đã đào tạo gần 2,000 sinh viên Việt Nam hệ cử nhân, thông dịch, chuyên phiên dịch các tài liệu, thông tin và những gì liên hệ tới ngoại giao đoàn và Bộ Ngoại Giao Nhật ở Hà Nội và Tokyo.

“Hiện nay tôi dạy tiếng Việt có 50- 70 học trò học tiếng Việt gồm có ba lớp nhập môn. Ngoài ra còn dạy 2 lớp sơ cấp, 1 lớp trung cấp, 1 lớp cao cấp. Tổng cộng hơn 100 học trò. Cùng dạy với tôi còn có hai giáo viên từ Việt Nam sang dạy thỉnh giảng nhiệm kỳ 3 năm. Trường có 6,000 sinh viên, đây là trường tư, trong đó có 3,000 sinh viên Nhật, 3,000 sinh viên du học sinh. Sinh viên Trung Quốc là đông nhất, thứ nhì là sinh viên Việt Nam (khoảng 500 sinh viên) theo học những chuyên ngành Quản Trị Kinh Doanh, Xã Hội Nhân Văn.”

Kỷ niệm học tiếng Việt

Kể lại cơ duyên học tiếng Việt, GS. TS kể, “Hồi tôi học khoa ngoại ngữ ở trung học, ban đầu tôi định chọn học tiếng Đại Hàn. Nhưng sau đó tôi thi rớt đại học và ôn luyện một năm để thi tiếp, tôi đã xem lại một loạt những ngôn ngữ ít người biết tới và chưa được phổ biến ở Nhật. Vì tôi nghĩ, nếu mình chăm chỉ thì sẽ dễ dàng trở thành người giỏi nhất, vì là ngôn ngữ ít người Nhật học, sẽ ít cạnh tranh. Trong số ba thứ tiếng ít ai học, có tiếng Việt, Thái và Miến Điện, tôi chọn tiếng Việt bởi tiếng Việt có chữ La Tinh dễ học hơn hai thứ chữ kia. Thầy giáo dạy tiếng Việt cho tôi tại Đại Học Ngoại Ngữ Tokyo là người Sài Gòn, thầy được mời sang thỉnh giảng. Học với thầy tôi khoảng sáu tháng, nên quyết định qua Việt Nam du học, chọn học ở Sài Gòn thay vì là Hà Nội. Qua du học vì muốn nâng cao tiếng Việt tốt hơn và biết thực tế đời sống tại Việt Nam. Học ngoại ngữ mà qua sách vở thôi, thì không thể nào giỏi được.”

Nhắc lại những kỷ niệm học tiếng Việt tại Sài Gòn, GS.TS Tahara kể, “Tôi sang Sài Gòn học tiếng Việt từ tháng 8 năm 1992 ở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á Đại Học Tổng Hợp. Số người Nhật ở Sài Gòn lúc bấy giờ còn rất ít, chỉ khoảng 100 người. So với hiện nay là gần 10,000 người Nhật đang sinh sống ở Sài Gòn. Hồi đó, số sinh viên nước ngoài còn rất ít, nếu tôi nhớ không nhầm thì không quá 50 sinh viên. Trong đó, 10 người là sinh viên Nhật Bản. Quan hệ hai nước Nhật - Việt cũng chưa được phát triển như hôm nay.

“Tuy còn rất non trẻ nhưng đội ngũ giáo viên của trung tâm đã sở đắc tri kiến uyên thâm. Mọi người đều nhiệt tình và chuyên nghiệp trong việc dạy tiếng Việt. Điều này làm cho sinh viên nước ngoài, trong đó có tôi, càng say mê học tiếng Việt hơn nữa. Tôi còn nhớ lúc ấy, tôi được học theo chế độ một thầy một trò. Sinh viên có thể đặt câu hỏi bất cứ lúc nào, về chủ đề hay lĩnh vực nào đều được thầy cô sẵn lòng trả lời và cung cấp các tài liệu hữu quan cho sinh viên. Vì trong lớp có một mình nên tôi không cúp cua được. Tôi không có quyền nói em chưa ôn bài, em chưa thuộc bài. Đã học bài nào thì phải nhớ bài nấy.

“Bài giảng thỉnh thoảng khó, tôi làm bài như ăn bún bò Huế cực cay nhưng lại rất bổ. Dù 27 năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ những nội dung chính của bài giảng và các câu nói mà thầy cô thường nói với tôi: Lại quên rồi hả?, Sao em không chịu ôn bài?... Học tiếng Việt thật là hay. Với kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp được học tại Khoa Việt Nam học, tôi đã làm việc ở ngành ngoại giao với vai trò là Tùy Viên Đại Sứ Quán Nhật Bản tại Việt Nam. Rồi trở về ngành giáo dục, tôi vẫn kiếm cơm được.

“Tôi cùng học trò của mình đi lên Tây nguyên làm từ thiện, đóng góp nho nhỏ trong việc học tiếng Việt của các em học sinh dân tộc thiểu số. Nhờ có tiếng Việt, tôi đã kết bạn bốn phương, đặc biệt là quý anh chị em gốc Việt tại miền Nam California. Tiếng Việt là một phần máu thịt của tôi. Và tôi chắc chắn không chỉ riêng mình, đối với những ai từng học ở đây, tiếng Việt đều trở thành một phần máu thịt của họ.

“Về năng lực tiếng Việt của tôi, trong những năm qua cũng tiến bộ khá nhiều. Hồi mới sang học, dù tôi đã hết sức cố gắng nói thật chuẩn nhưng vẫn bị nhiều người hỏi lại là Em nói tiếng Việt, được không? hoặc là Tôi không biết tiếng Nhật. Điều này có nghĩa là tiếng Việt của tôi lúc ấy quá tệ nên người ta cứ tưởng tôi đang nói tiếng Nhật, chứ không phải là tiếng Việt. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhờ sự dìu dắt và chỉ bảo tận tình của Thầy Cô, tôi hoàn toàn tự tin và cảm thấy thoải mái khi giao tiếp bằng tiếng Việt. Tôi còn rất thích nói đùa, nói kiểu dí dỏm với bạn bè Việt Nam.”

GS.TS Tahara nói, nhiều người ngạc nhiên khi thấy ông học ở Sài Gòn một năm, làm việc ở tòa đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội ba năm nhưng mà vẫn giữ giọng nói miền Nam, chứ không bị lai giọng Bắc. Ông giải thích, “Có lẽ vì tôi yêu miền Nam, thích Sài Gòn. Mẹ vợ tôi là người Sài Gòn, Nhà Bè. Vợ tôi biết nói tiếng Việt cũng rất giỏi. Vì mẹ vợ và vợ tôi nói tiếng Việt với nhau. Giữa hai vợ chồng chúng tôi thì nói tiếng Việt và tiếng Nhật. Nhiều khi không muốn con gái nghe, thì nói tiếng Việt với nhau. Nhưng mà từ từ con gái cũng hiểu, vì con gái đang học tiếng Việt. Trong thời kỳ làm việc ở tòa Đại Sứ Nhật Bản tại Hà Nội, đi phiên dịch cho ông đại sứ, tôi thường gặp lãnh đạo Việt Nam toàn là người miền Trung, nên tôi có thể nghe và hiểu được từ ngữ, cách nói của người miền Trung. Còn miền Tây thì tôi có nhiều bạn từ Cà Mau, Long Xuyên, Châu Đốc, nên cũng nghe được những tiếng địa phương của người miền Tây. Dù sao tôi cũng là nhà ngôn ngữ học, nên nghe và nhái lại cũng dễ.”

Tình bạn với người Mỹ gốc Việt

GS.TS Tahara cho biết chuyến đi đến Nam California lần này là lần thứ sáu ông đã sang Mỹ, và những lần trước ông đều đến Nam California. Ông qua với tư cách cá nhân, vì có nhiều bạn bè người quen là người Mỹ gốc Việt, như GS Quyên Di. Ông qua lần này từ ngày 6 tháng 2, 2019 và 15 tháng 2, 2019 về lại Nhật. Ông được GS Quyên Di mời dự lớp dạy của GS tại Đại Học UCLA, Cal State Long Beach. Ông phát biểu ngắn với sinh viên gốc Việt bằng tiếng Việt. Về các chuyên đề, chính tả tiếng Việt. Người Nhật học tiếng Việt như thế nào. Khái quát về người Việt tại Nhật Bản. Sau đó sẽ dành thời gian để thảo luận với các sinh viên.

Để lấy bằng tiến sĩ ngôn ngữ học về xã hội, ông học ở Đại Học tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Việt. Tiếng Anh ông học 5 năm, tiếng Pháp học 3 năm và tiếng Việt là hơn 20 năm, nên tiếng Việt thông thạo nhất so với tiếng Pháp và tiếng Anh.

GS. TS Tahara quen với GS Quyên Di tại Hội Thảo Quốc Tế Ngôn Ngữ Học và Dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài tổ chức tại Phan Rang vào năm 2006. Sau đó thỉnh thoảng ông và thầy Quyên Di trao đổi với nhau bằng email, viết bằng tiếng Việt. Thầy Quyên Di có giới thiệu qua về Little Saigon tại Nam Cali cho ông.
Năm 2012, cả nhà ông đi chơi ở Hawaii, ông thấy tại Hawaii có bảy, tám ngàn người Việt sống, mà ăn phở ở đây ngon, có không khí của người Việt, có nhà thờ, có chùa nên ông rất muốn đến Little Saigon ở Nam Cali nơi đông người Việt hơn. Vì ở đây có cộng đồng người Việt mạnh, ông muốn biết cộng đồng người Việt tại đây sống ra sao.

“Tôi muốn tìm hiểu Giáo dục tiếng Việt thế nào, văn hóa của người Việt ở hải ngoại thế nào.”
Vì vậy năm 2013 ông đến Little Saigon Nam Cali vào thời gian trước Lễ Tạ Ơn, đi 10 ngày, được Thầy Quyên Di hướng dẫn đi nơi này nơi kia. Năm 2014, 2015 tiếp tục đi qua đây một mình, cũng khoảng 10 ngày. Đến 2016 cả nhà ông qua đây khoảng 15 ngày. Vợ và con gái của ông rất thích.

GS.TS Tahara cùng với hai GS tại Việt Nam biên soạn chung quyển Từ Điển Việt Nhật, đã phát hành tại Nhật. Quyển Từ Điển này được biên soạn trong 5 năm, từ 2012 đến 2017 đã phát hành. GS Quyên Di là người đã giúp GS.TS Tahara rất tận tình trong thời gian biên soạn quyển từ điển này. Trong từ điển này có giải thích tiếng Việt trước 1975, tiếng Việt sau 1975. Phần này nhờ thầy Quyên Di giúp ông rất nhiều.
GS.TS Tahara chia sẻ, “Tôi hay nói là tiếng Việt hải ngoại là tiếng Việt vàng, tiếng Việt trong nước là tiếng Việt đỏ. Khác nhau nhiều lắm. Tôi học tiếng Việt tại Sài Gòn năm 1992- 1993, vẫn còn một số từ vựng trước 1975. Ví dụ như bệnh viện thì người dân vẫn có người nói là nhà thương. Vẫn còn nhiều người nói ghi danh thay vì đăng ký. Sau khi làm quen với bà xả, mẹ vợ chỉ cho tôi tránh dùng những từ tiếng Việt sau 1975 đang dùng trong nước. Mẹ vợ tôi nói cách nói như vậy không hay, vì đó là những chữ của cộng sản. Ví dụ như trong nước dùng chữ hộ chiếu, mẹ vợ tôi chỉ tôi dùng là giấy thông hành. Chứng minh nhân dân thì phải dùng là thẻ căn cước.”

GS.TS Tahara cho biết, “Tiếng Việt có 50- 60 phần trăm từ gốc Hán, trong tiếng Nhật cũng có từ 40 đến 50 phần trăm từ gốc Hán, nên có thể dễ tiếp cận. Nhưng ngược lại cũng có những ảnh hưởng không tốt. Chữ Hán thì giống, nhưng sắc thái thì hơi khác. Ví dụ trong tiếng Việt, ý nghĩa của tâm sự, nhiều người nói Tâm là trái tim, Sự là sự kiện. Trong tiếng Nhật thì không có chữ nào nghĩa là tâm sự. Còn chữ Chú Ý. Trong tiếng Nhật là Chu Y, nghe giống nhau (không có dấu sắc). Nhưng trong tiếng Nhật nó là danh từ, còn tiếng Việt cũng đọc lên tương tự, lại là động từ. Ví dụ, trong tiếng Việt, em phải chú ý là động từ. Còn tiếng Nhật, Thầy giáo chu y học sinh, có nghĩa là thầy giáo la hoặc mắng học sinh. Âm giống nào, chữ Hán giống nhau, nhưng mà sắc thái hơi khác.

“Về mặt ngôn ngữ học, tiếng Việt và tiếng Nhật đều là ngôn ngữ Đề Thuyết. Nghĩa là tôi tên là Tahara, chứ không phải tên tôi là Tahara. Hôm nay trời đẹp, tiếng Nhật và tiếng Việt đều nói như nhau, trong khi tiếng Anh phải nói là tên của tôi là Tahara, trời của hôm nay là đẹp. Cách cơ cấu chủ ngữ, đề thuyết, thì tiếng Việt và tiếng Nhật có nhiều điểm giống, dù không giống nhau hoàn toàn.”

Với câu hỏi người Việt Nam trong nước và người Việt Nam ở hải ngoại, mà cụ thể là người Việt tại vùng Little Sai Gon khác nhau ra sao?

GS. TS Tahara trả lời, “Tôi thấy người Việt ở hải ngoại cố gắng duy trì văn hóa cổ truyền Việt Nam nhiều hơn. Ở xa nên mới quý, mới biết giá trị. Cả cộng đồng hết sức cố gắng duy trì, phát triển và phát huy truyền thống tốt đẹp. Tôi không có ý nói là người Việt trong nước không gìn giữ, mà bên này rất cố gắng, vì ở xa Việt Nam. Ở Mỹ, xung quanh người Mỹ, nên người Việt ở đây phải cố gắng hết sức mới duy trì được. Tôi không thôi hy vọng cộng đồng người Việt ở đây có truyền thống coi trọng giáo dục, dân tộc, nên tôi hy vọng cộng đồng người Việt tại đây sẽ duy trì được nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam tại đây qua nhiều thế hệ người Việt trong tương lai.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT