Mẹo Vặt

Giấy thơm hay Fabric Softeners?

Friday, 25/07/2014 - 05:36:52

 

Vũ Hằng



Quần áo phơi trên dây thường cứng còng, nhăn nhúm, cần phải ủi ra mới mặc được.



Bounce là loại fabric softener phổ thông, giúp làm mềm và thơm quần áo




Còn trái banh này cũng làm mềm quần áo trong lúc sấy mà có thể xài đi xài lại nhiều lần



Một thương hiệu Fabric Softener ở dạng nước

Một trong những vật dụng được sử dụng thường xuyên trong phòng giặt là những miếng giấy thơm, cho vào máy sấy để làm thơm quần áo. Thực ra, đó không phải là mục đích chính của sản phẩm này. Tên của chúng là Fabric Softeners, được chế ra để phục vụ phòng giặt với nhiều công dụng khác nhau.

Các loại Fabric Softeners

Thông thường nhất là loại giấy có tên Bounce, được cho vào sấy cùng quần áo. Bên cạnh loại giấy phổ thông đó, thị trường còn bán Fabric Softerners dưới dạng nước thêm vào trong lúc đang giặt. Những thứ này, nước hay giấy, dùng hết rồi là phải mua thêm. Nhưng thị trường bây giờ lại có một sản phẩm rất “độc” dùng hoài không hết, người mua chỉ phải bỏ tiền ra một lần rồi xài mãi, dưới dạng trái banh hoặc miếng vải để lẫn vào trong quần áo trong lúc sấy, gọi là dryer ball hoặc dryer cloth. Có lẽ đa số chúng ta chưa dùng tới những sản phẩm “độc” này. Và cũng có người chủ trương không nên dùng một thứ Fabric Softener nào hết. Họ bảo rằng, “Chỉ bày đặt cho tốn kém, chứ ngày xưa ở Việt nam có xài nó bao giờ mà cũng chết ai đâu!”

Ngày xưa, con bé này vẫn ở tuổi cà nhổng, ăn chưa no lo chưa tới, nên không biết có ai chết vì không chịu dùng … fabric softener không. Nhưng bây giờ hiểu ra rồi, em tin chắc Fabric Softener không phải chỉ là chuyện bày đặt, nó làm được nhiều việc có ích cho chúng ta lắm.

Công dụng của Fabric Softener

Trước tiên, Fabric Softener làm cho vải vóc mềm mại trở lại, bớt nhăn nhúm sau khi giặt sấy, giúp cho việc là ủi dễ dàng hơn. Bạn có để ý thấy rằng quần áo ngày xưa mẹ mình phơi ngoài dây lúc mới mang vào thường cứng còng, nhăn nhúm làm mình phải mất khá nhiều thời giờ để ủi cho phẳng ra mới mặc được hay không? Còn bây giờ, đôi khi mình vẫn ủi, nhưng chuyện đó không thực sự cần thiết, có bỏ qua cũng không ai trách mình ăn mặc chểnh mảng. Công lao đó là do Fabric Softener góp vào một phần lớn.

Đồng thời Fabric Softener còn làm giảm bớt tĩnh điện, là sức hút khiến cho quần áo dính lấy nhau hoặc dính vào da gây ngứa ngáy khó chịu cho người mặc. Cũng nhờ khả năng hạn chế tĩnh điện mà những những cái khăn tắm, chăn mền… vẫn duy trì được độ xốp mềm, thấm nước và bông xù lên sau khi giặt và sấy khô. Nếu không có Fabric Softener, những món đồ này sẽ dần dần quắt queo, cứng còng, không còn êm mềm như lúc mới mua nữa.

Đó là những công dụng của Fabric Softerner, đưa đến cái tên chính thức của nó như vậy. Còn cái mùi thơm dễ chịu, khiến nhiều người gọi nó là “giấy thơm” chẳng qua chỉ là để làm vui lỗ mũi chúng ta thôi. Nhưng đôi khi cái mùi thơm phụ thuộc này lại là nguyên nhân gây ngứa hoặc làm một số người dị ứng.

Loại nào tốt hơn?

Nhưng cái “mẹo vặt ích lớn” Hằng muốn chia sẻ với bạn hôm nay là loại Fabric Softener nào hiệu nghiệm hơn: Giấy? Nước? Trái bóng? Miếng vải? hay một loại thuốc giặt có pha sẵn chất làm mềm quần áo luôn trong đó?

Nói lòng ngay, kinh nghiệm này không phải tự em đúc kết được mà do học khôn từ cô em, một giáo sư sinh vật học ngày trước. Cô bảo rằng theo tài liệu được các kỹ sư thuộc Consumers Report phổ biến, Fabric Softener dạng NƯỚC là tốt hơn cả. Dùng nước thì mình phải thêm vào trong lúc giặt. Nên xem kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để biết nên pha vào lúc nào: Hòa chung với xà bông ngay từ đầu? hay chờ đến khi chu kỳ giặt đã sang đến giai đoạn “Rinse” (xả bằng nước sạch) mới đổ vào?

Tài liệu Consumers Report cho biết, họ đã thử qua 12 loại nước, 8 loại giấy, 1 trái banh, và 1 miếng vải trước khi đi đến kết luận rằng, Fabric Softener loại nước thương hiệu Ultra Gain Joyful Expressions là tốt hơn cả trong khả năng làm mềm vải. Còn những thương hiệu trái banh, hay miếng vải có thể dùng đi dùng lại nhiều lần, như Dryer Max Dryer Balls và Method Softener Infused Dryer Cloth… thì kém xa.

Nhiều nhà sản xuất tuyên bố nước giặt của mình có luôn Fabric Softener, khỏi cần pha chế thêm, tốn kém và mất công. Nhưng các kỹ sư Consumers Reports cũng cho biết, dùng riêng 2 thứ xem ra có hiệu quả hơn.

Trở về với sản phẩm được bình chọn là tốt nhất, như bạn thấy cái bình Ultra Gain Joyful Expressions nhìn đã thấy mê, nước bên trong chắc hẳn là tốt. Nhưng dùng xong rồi, cái bình cũng chẳng được việc gì, liệng bỏ thì tiếc. Mà thế nào cái tiền công làm bình chẳng đập vào túi khách hàng, chứ tránh sao được. Vì thế, cô giáo của em đã khuyên là nên tự chế lấy Fabric Softener để xài. Cách làm rất đơn giản, đỡ tốn kém hơn nhiều so với việc phải bỏ tiền ra mua những cái bình thật đẹp về để… liệng đi. Đối với những người dễ dị ứng với hóa chất, sản phẩm Fabric Softener chế tại nhà lại càng lành, không bao giờ gây ngứa ngáy hoặc sẩn da. Hẹn bạn lần sau nhé.
Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT