Bình Luận

Giết Abu Bakr al-Baghdadi khẳng định khả năng đánh biệt kích của Mỹ

Friday, 01/11/2019 - 07:30:12

Dù chỉ tính những chiến tích mang giá trị chiến lược và chính trị, thì ít nhất cuộc đột kích tại xã Barisha, tỉnh Idlib -Syria-

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Dù chỉ tính những chiến tích mang giá trị chiến lược và chính trị, thì ít nhất cuộc đột kích tại xã Barisha, tỉnh Idlib -Syria- cũng là chiến thắng thứ nhì tạo ảnh hưởng lớn trong cuộc chiến tranh chống khủng bố, dài đã 19 năm của Mỹ.
Cuộc chiến đó Tổng Thống Trump không muốn Mỹ tham dự nữa.
Quan trọng hơn mọi yếu tố khác của chiến tranh, biệt kích là chiến thuật duy nhất giúp Mỹ chủ động tấn công trong một cuộc chiến tranh chống du kích, mà quân Mỹ và đồng minh của Mỹ thường xuyên bị động trong vai trò phòng thủ, như họ đã phòng thủ Nam Việt trong suốt 9 năm dài, rồi chán ngán ký hòa ước với địch (mà họ gọi là North VN để phân biệt với Vi Xi), để rút quân.
Barisha là một ngôi làng nhỏ trong vùng Tây Bắc Syria, ngoài những cao ốc còn trơ sườn, những ngôi nhà nhỏ trong làng cũng là nhà xây, chứng tỏ dân Syria -trước khi lâm vào cảnh chiến tranh- đã từng có một mức sống khá cao.
Giáo chủ Hồi Giáo, nhánh Shia, al-Baghdadi, sống trong một căn nhà đổ nát đó.


Giáo chủ Hồi Giáo, nhánh Shia, al-Baghdadi, sống trong một căn nhà đổ nát đó

Bình luận gia chiến tranh nêu lên hai ưu điểm quân sự khiến Mỹ thành công lần thứ nhì trong khó khăn tìm giết một lãnh tụ khủng bố. Ưu điểm thứ nhất là một màng lưới tình báo tinh vi, với thật nhiều mật báo viên, quan sát viên, nhiều đến mức FBI hoặc CIA không đủ ngân khoản để trả lương.
Chỗ trốn của bin Laden bị lộ cũng chỉ vì anh bếp nói hớ một câu về khẩu vị của ông ta; cũng như căn nhà al-Baghdadi ẩn trú bị tiết lộ vì bà vợ góa của một anh IS sống trong trại giam lỏng của thân binh Kurd, nói chuyện với một phụ nữ khác cùng sống trong trại giam, về một món quà bà ta nhận được từ Thánh Địa Hồi Giáo.

Một thân binh Kurd dựa trên câu chuyện bâng quơ và vụn vặt giữa hai người đàn bà, để ý tìm kiếm, rồi cuối cùng tìm ra, rồi mật báo cho 'cố vấn Mỹ' biết chỗ trốn của một cấp lớn ISIS mà chính anh ta cũng không biết chắc là ai.
Viên chức tình báo Mỹ ngạc nhiên về việc al-Baghdadi sống quá gần vùng họ kiểm soát đến như vậy; họ bố trí tình báo viên người Kurd quanh khu Barisha để quan sát mọi động tịnh, trong lúc tình báo Mỹ sử dụng vệ tinh và không ảnh khai thác tin tình báo bâng quơ đó, để rồi cuối cùng đưa đến cuộc đột kích đêm thứ Bảy 26 tháng Mười 2019.

Đột kích là một hành động quân sự tấn công thật mạnh, đánh thật nhanh trong một khoảng thời gian chớp nhoáng, khiến địch không kịp chống cự hay trốn chạy; do đó đột kích cần được thiết kế tỉ mỉ, trên những tin tức vô cùng chính xác.
Người thân binh Kurd là nguồn tin sơ khởi mà tình báo Mỹ khai thác; nguồn tin đó có thể không còn nữa, vì trước khi rút quân, bỏ mặc người Kurd cho kẻ tử thù người Thổ (Turkey) muốn chém, muốn bắn cách nào tùy thích, ông Trump đã nặng lời mạt sát người Kurd là lính đánh thuê, vì tham Mỹ kim mà chấp nhận chết thay lính Mỹ.
Mạt sát người khác là thích thú của Trump; ông đặt cho mỗi người ông không ưa một cái hỗn danh, như Crooked Hillary, Little Marco (Nghị Sĩ Marco Rubio), Lyin Ted (Nghị Sĩ Ted Cruz), ... cái biệt tài đó của ông đem áp dụng với người thân binh Kurd có thể bị coi là nhỏ mọn và làm quân đội Mỹ mất thế đồng minh với nhiều quốc gia khác.

Trump không coi trọng tin tức tình báo, có lẽ vì ông không có cảm tình với FBI và CIA, qua những nhân vật như James Comey, whistleblower, ...
Ông Richard Haass, chủ tịch Hội Đồng Ngoại Giao, nhận định, "Chuyện trớ trêu là cuộc đột kích giết al-Baghdadi lại thành công trong lúc tổng tư lệnh Trump chống lại cả hai yếu tố thành công của một cuộc đột kích: một là tin tình báo chính xác, hai là có sẵn lực lượng quân sự.”
Trump vừa rút lực lượng quân sự Mỹ ra khỏi vùng Bắc Syria, và bỏ rơi lực lượng Kurd, những người đã cung cấp tin tình báo cho cố vấn Mỹ.
Hass nói, "Cái may đã giúp Trump lần này, nhưng sợ lần sau không còn may mắn nữa."
Trump không nghĩ như vậy; ông quả quyết việc giết al-Baghdadi chứng minh là chiến lược rút quân ra khỏi mọi chiến trường ngoại biên là đúng; ông mệnh danh cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo là “endless wars” abroad (những trận chiến tranh bất tận ở ngoại biên).

Trump và những người bênh vực ông đang vạch ra thái độ bất công của dư luận đối với hai cuộc đột kích vô cùng giống nhau -cuộc đột kích thứ nhất diễn ra năm 2011 giết chết Osama bin Laden, lãnh tụ Al Qaeda thủ phạm vụ không tặc tấn công Mỹ vào ngày 11 tháng Chín năm 2001, với cuộc đột kích thứ nhì vừa xảy ra giết giáo chủ Abu Bakr al-Baghdadi.
Họ đặt câu hỏi lý do nào khiến dư luận ca tụng cuộc đột kích của ông Obama, trong lúc tiếp tục bôi nhọ ông Trump qua những cuộc điều trần của nhiều chính khách và viên chức chính phủ nhằm truất phế ông.
Trump chỉ trích Obama bằng câu "He was the founder" (ông ta chính là nhà sáng lập), sáng lập ra cái tai họa ISIS; ý Trump buộc tội Obama rút quân ra khỏi Iraq quá sớm đã tạo điều kiện cho sự hình thành của lực lượng ISIS.

Trump không viết ra câu 'bất chiến tự nhiên thành', câu đó là nhận xét của người Hoa về những cuộc chiến tranh triền miên xảy ra trên đất nước họ; Trump chỉ thừa hưởng một chiến thắng biệt kích mà chính tay ông ta phá bỏ cả hai yếu tố cấu tạo ra chiến thắng, là sự hiện diện của quân Mỹ tại chỗ, hoặc gần chỗ cần đánh đột kích, và tin tình báo giúp tạo ra những điều kiện để có thể đánh đột kích.
'Có phước, có phần' là câu trả lời cho những trường hợp không có lối nào khác để giải thích chiến thắng.


Al-Baghdadi giật nổ áo bom để tự sát khi bị bao vây bởi lực lượng biệt kích Hoa Kỳ. (Ahmet Weys/ Anadolu via Getty Images)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT