Người Việt Khắp Nơi

Giỗ nhà cách mạng Phan Châu Trinh

Friday, 27/03/2015 - 02:02:06

“Theo truyền thống, hàng năm, ngay cả trước năm 1975, trường đều có làm lễ Tưởng Niệm nhà cách mạng Phan Châu Trinh. Sau khi ra hải ngoại và thành lập được Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh thì năm nào chúng tôi cũng tổ chức lễ giỗ cụ.

Bài THANH PHONG

GARDEN GROVE - Hàng năm Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng đều tổ chức lễ giỗ nhà cách mạng Phan Châu Trinh mà trường được vinh dự mang tên ngài. Buổi lễ giỗ năm nay được tổ chức vào trưa Chủ Nhật, ngày 22 tháng Ba, 2015, tại Diamond Seafood Restaurant thuộc thành phố Garden Grove.

Trước bàn thờ cụ Phan Châu Trinh trong lễ giỗ năm 2015. (Thanh Phong/Viễn Đông)



Trước giờ khai mạc, chúng tôi được tiếp xúc với chị Lê Phương Lan, Trưởng Ban Tổ Chức. Chị nói với Viễn Đông, “Tôi là cựu học sinh Phan Châu Trinh niên khóa 1963 – 1970. Trường tôi được thành lập năm 1952 có Đệ Nhất và Đệ Nhị Cấp. Lúc tôi học thì thầy Trần Vinh Anh là Hiệu Trưởng. Sau khi bị một biến cố làm thầy qua đời, kế đến là Thầy Thái Doãn Ngà làm Hiệu Trưởng.
“Theo truyền thống, hàng năm, ngay cả trước năm 1975, trường đều có làm lễ Tưởng Niệm nhà cách mạng Phan Châu Trinh. Sau khi ra hải ngoại và thành lập được Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh thì năm nào chúng tôi cũng tổ chức lễ giỗ cụ.
“Vào tháng Bảy năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức Đại Hội Phan Châu Trinh toàn thế giới kỳ 3. Tôi hy vọng vào thời điểm đó, chúng tôi sẽ được gặp lại quý Thầy, Cô và bạn cũ. Còn hôm nay tôi được gặp thầy Trần Gia Phụng và thầy Mai là các giáo sư đã dạy tôi mấy chục năm về trước.
“Khi gặp lại các thầy, cô, tôi rất xúc động nhưng vui mừng vì các thầy cô nay đã 80 hay hơn 80 rồi nhưng vẫn còn đến với học trò của mình được. Đó là điều làm Hội chúng tôi rất cảm kích.”
Chị Lê Phương Lan cũng nói với chúng tôi, ngày đó, lớp của chị toàn là nữ sinh và lại là lớp học giỏi nhất và đa số đều rất dễ thương nên được các thầy, cô rất thương yêu.
Được hỏi, chị biết gì về nhà cách mạng Phan Châu Trinh, chị Lê Phương Lan nói rất thông suốt, “Cụ Phan Châu Trinh là một người nồng nàn yêu nước. Trong thời gian nước nhà bị Pháp cai trị thì cụ là người đứng ra hô hào phải Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí và Hậu Dân Sinh, nghĩa là dân của mình cần phải thay đổi cách suy nghĩ và phải vùng lên đánh đuổi ách nô lệ của thực dân Pháp. Không những cụ là nhà cách mạng lo cho dân, cho nước, cụ còn là một nhà văn, một nhà thơ. Cụ dùng văn chương, thơ phú để kêu gọi lòng ái quốc của toàn dân nên đó là điều chúng tôi rất hãnh diện được học dưới mái trường mang tên Cụ.”
Buổi lễ giỗ cụ Phan Châu Trinh có sự tham dự của một số giáo sư trường Phan Châu Trinh: Thầy Thái Doãn Ngà (Hiệu Trưởng), Thầy Trần Hữu Duân (Tổng Giám Thị) và các giáo sư Phạm Tạo, Nguyễn Thị Hoàng Anh, Tạ Quốc Bảo, Phan Thị Hiền Viên, Trần Gia Phụng, Lữ Bá Diệp và Trần Xuân Mai.
Quan khách có ông Nguyễn Mai (Tổng Thư Ký Hội Liên Trường), ông Phan Thanh Thằng (hậu duệ của nhà cách mạng Phan Châu Trinh và hiện là Bí Thư Đảng Vụ VNQDĐ); ông Đoàn Ngọc Đa (Hội Trưởng Hội Quảng Nam Đà Nẵng), ông Phạm Văn Thuận (Hội Trưởng Hội BĐQ Nam Cali), ông Trần Văn Căn (Hội Trưởng trường Trần Quý Cáp Hội An và phái đoàn), và các cơ quan truyền thông.
Quan khách, giáo sư và cựu học sinh trường Phan đã nghiêm chỉnh làm lễ chào quốc kỳ VNCH và Hoa Kỳ, đồng thời dành một phút tưởng niệm anh linh Quân, Dân, Cán, Chính VNCH đã hy sinh vì lý tưởng tự do, tưởng niệm các Thầy, Cô và học sinh trường Phan Châu Trinh đã quá vãng. Sau đó ban hợp ca trình bày nhạc phẩm “Phan Châu Trinh Hành Khúc” do giáo sư Hoàng Bích Sơn sáng tác.
Chị Lê Phương Lan lên ngỏ lời chào quý Thầy, Cô, quan khách, thân hữu và trình bày sơ lược công đức của nhà cách mạng Phan Châu Trinh, và khẳng định những tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh luôn là kim chỉ nam cho công cuộc đấu tranh đòi độc lập, tự do, dân chủ cho quê hương chúng ta.
Tiếp theo, Thầy cựu Hiệu Trưởng, Thầy Tổng Giám Thị, ông Hội Trưởng Hội Ái Hữu Phan Châu Trinh Đà Nẵng, niên trưởng Phan Bá Sáu, ông Huỳnh Tuấn, ông Nguyễn Đăng Nam và chị Lê Phương Lan lên dâng hương trước bàn thờ chí sĩ Phan Châu Trinh. Trong lúc dâng hương, nhà văn Võ Ý cựu học sinh Phan Châu Trinh đọc bài Văn Tế, lời lẽ xúc động, ý nghĩa sâu sắc, ghi nhớ công đức của nhà ái quốc Phan Châu Trinh.
Giáo sư Trần Gia Phụng, một nhà nghiên cứu lịch sử được mời lên trình bày về hoàn cảnh lịch sử, địa dư của tỉnh Quảng Nam, trong đó có ngôi trường mang tên cụ Phan Châu Trinh. Nhà văn Trần Gia Phụng nêu bật những tư tưởng ái quốc và sự tranh đấu của cụ Phan và kết luận, cụ Phan Châu Trinh chính là nhà vận động dân quyền và nhân quyền đầu tiên ở Việt Nam.
Sau lời phát biểu ngắn gọn của Thầy Hiệu Trưởng Thái Doãn Ngà, buổi tiệc bắt đầu và kèm theo là chương trình văn nghệ, mở đầu với bài “Phan Châu Trinh, Đường Chúng Ta Đi” của nhạc sĩ Nhật Ngân. Sau đó nhiều tiết mục đặc sắc khác được liên tục trình bày và kết thúc với nhạc phẩm “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang và ông Vũ Đình Huân (Hội Trưởng) đại diện ban tổ chức lên cám ơn và tuyên bố bế mạc, hẹn tái ngộ trong dịp Đại Hội Phan Châu Trinh toàn cầu sắp tới.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT