Hoa Kỳ

Giới học thuật cố giúp người Việt ở Little Saigon về bệnh tâm thần

Monday, 04/04/2016 - 12:06:22

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhất, ngay từ năm 1975, rất ngại khi phải trình bày họ bị trầm uất, lo lắng, hay các bệnh tâm thần khác ở Mỹ, do một thói quen lâu đời là cho rằng nói ra căn bệnh này là điều “không tốt đẹp gì.”

Chúng ta nên nói rõ với bác sĩ những điều băn khoăn về sức khỏe của mình.

 

CALIFORNIA - Người Việt Nam có truyền thống văn hóa kỵ 'người điên', cho rằng đó là một dạng bệnh nguy hiểm, làm họ sợ hãi. Vì thế, nếu có người thân hay bản thân họ bị nhẹ, họ càng ra sức che dấu hàng xóm láng giềng, cho đấy là “điều cấm kỵ, điều xấu hổ.”

Cho đến khi bỏ xứ sang Hoa Kỳ, suy nghĩ này vẫn còn như cũ, dù đây là quốc gia tiên tiến nhất về khoa học và càng không có thành kiến xã hội như người Việt. Bốn thập niên đã qua, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhất, ngay từ năm 1975, rất ngại khi phải trình bày họ bị trầm uất, lo lắng, hay các bệnh tâm thần khác ở Mỹ, do một thói quen lâu đời là cho rằng nói ra căn bệnh này là điều “không tốt đẹp gì.”

Nhưng các nhà nghiên cứu của trường Cal State Fullerton, khi thực hiện cuộc phỏng vấn 30 bệnh nhân người Việt, lại muốn giúp đỡ cộng đồng Việt vì theo họ, bức tường e ngại vô hình nêu trên cần phải được phá đổ.
Vi Phạm, người đã lớn lên ở Little Saigon và đang hướng dẫn công trình này, cho hay: “Cộng đồng Việt né tránh nói về bệnh tâm thần, vì cứ nghĩ nói cho người lạ biết chuyện 'xấu hổ' trong gia đình là điều không nên.”

Theo Phạm, chướng ngại này rất to lớn ở Little Saigon và giáo dục là con đường duy nhất giúp vượt qua nó. So với các sắc dân khác, người gốc Việt hay che dấu bệnh tâm thần của bản thân hay thành viên trong gia đình nhiều hơn.

Phạm sắp phỏng vấn những bậc cao niên trong cộng đồng người Việt bằng tiếng Việt, với những câu hỏi rất thẳng thắn, và sau đó giáo sư Yuying Tsong sẽ phân tích các câu trả lời.

Chương trình này được một ngân quỹ lên đến $30,000 Mỹ kim yểm trợ. Giáo sư Tsong cho hay: “Khi có được thông tin cần thiết, chúng tôi sẽ tìm cách giúp đỡ cộng đồng gốc Việt theo cách phù hợp với truyền thống văn hóa của họ hơn.”

Ông Tsong thừa nhận người gốc Việt thường khư khư bảo là, “không thể thay đổi được chuyện tâm trí.”
Quả thật có rất nhiều người Việt đã mang theo chấn thương tâm lý từ cuộc chiến chống Cộng, nhiều người mòn mỏi trong các trại học tập cải tạo của Cộng Sản, nhiều người bị dập vùi trên biển trong các chuyến đi tìm tự do kinh hoàng.

Các chuyên gia nhìn nhận việc chữa lành các “vết thương” loại này rất khó khăn, càng khó hơn khi chính bệnh nhân cứ nhất định nói “có gì đâu mà ầm ĩ,” hay “làm sao mà chữa khỏi được.” Do đó, các chuyên gia nói rằng, người Việt tại Little Sài Gòn vẫn còn một con đường rất dài, trước khi có thể thoải mái kể hết ra những điều “cấm kỵ” đã đè nặng lên đời họ.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT