Đời Sống Việt

Gõ cửa nhà Chúa

Wednesday, 20/07/2016 - 10:56:24

Bây giờ, sau hai tuần lễ đưa cái ngực cho mấy ông bác sĩ moi quả tim ra “tân trang” lại dây nhợ, ngồi viết những chuyện vui buồn của một chuyến đi gõ cửa nhà Chúa gửi đến bạn hữu và những người thân quen.

TRƯƠNG PHÚ THỨ

Tôi ăn ít, không bao giờ ăn no và không thích ăn nhậu. Vui bạn nể bè lắm thì cũng quá nửa chai bia là hết cỡ. Ngày còn ở Việt Nam cũng như những năm tháng trên đất Mỹ, cái dưa quả cà lúc nào cũng là tiêu chuẩn của những bữa ăn hàng ngày. Nắm xôi đậu phộng buổi sáng, bát canh rau buổi chiều. Ăn uống kiêng khem nhẹ nhàng như vậy, thế mà tôi lại bị “thằng cholesterol” đánh cho một trận gần chết.

Bây giờ, sau hai tuần lễ đưa cái ngực cho mấy ông bác sĩ moi quả tim ra “tân trang” lại dây nhợ, ngồi viết những chuyện vui buồn của một chuyến đi gõ cửa nhà Chúa gửi đến bạn hữu và những người thân quen.

Tình anh em chúng ta

Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa người ta sẽ đưa mình lên bàn mổ. Nằm lơ mơ dưới ánh sáng vàng vọt của căn phòng trong bệnh viện, nghĩ đến những điện thư mới đọc hồi chiều mà như ôm cả một trời yêu thương vào lòng với biết bao nhiêu an ủi dấu yêu. Bác Du Béo mắng rằng, “Mỗi bữa anh nhắm ba cái lưỡi heo rồi tráng miệng bằng một cái NewYork steak thế mà chẳng bệnh tật gì. Chú chỉ có xôi đậu phộng thôi mà sao đến nỗi thế này.” Giọng lề khề của anh Hoàng Hippy, “Anh giao em cho ông thánh Jude rồi, mọi chuyện sẽ OK thôi.” Tiếng kinh cầu của anh chị Phan sao mà đầm ấm yêu thương đến như vậy. Bạn bè khắp nơi ai cũng thương cũng quí, vậy thì “đi” sao đành.

Người ta đẩy mình vào phòng mổ, thân xác trần truồng được phủ bằng một cái áo nhà thương. Hai tay trống trơn găm đầy những kim tiêm chằng chịt. Bàn tay trái không có lấy một đồng để đón chuyến xe buổi chiều. Bàn tay phải cũng chẳng có lấy một xu để uống ly nước giữa buổi trưa nắng gắt. Hai bàn tay tôi ôm chặt hình ảnh và những lời thăm hỏi an ủi của bằng hữu. Thiết tha và đầm ấm biết bao! Tôi còn muốn và đòi gì nữa. Tôi đã có tất cả rồi. Cả một trời yêu thương.

Tôi đã chết đi mười hai giờ đồng hồ. Ngủ một giấc không mộng mị, tỉnh dậy cũng chẳng biết người ta cưa xẻ thân xác mình ở chỗ nào, to nhỏ ra sao. Mắt tôi nhìn những chữ ABGCF... xếp rất đẹp mắt trên trần nhà chẳng biết tự đâu hay của người từ hành tinh nào. Tai tôi nghe những bài thánh ca tiếng Việt, những cung điệu do các cô y tá người Mỹ hát, một cách rất rõ ràng từng lời từng chữ “con trở về nhà Cha sau bao năm lưu lạc, Cha đón con trong vòng tay yêu thương vô bờ...” Tôi chuyện trò vui cười với đám đông trước cửa “Nhà Chúa”. Tôi hỏi đi hỏi lại một cụ già mặc áo dài đen đầu đội khăn xếp rằng, “Chúa đi đâu mà không mở cửa cho chúng ta vào?” thì được trả lời rằng, “Chúa đi giúp một gia đình sửa lại cái nóc nhà.” Ngày còn nơi dương thế, Chúa làm nghề thợ mộc để sinh sống nên câu trả lời được cả đám đông chấp nhận. Cụ già mặc áo dài đen chắc là hình ảnh của cha tôi bởi vì bức chân dung cha tôi treo ở phòng khách cũng có trang phục như vậy. Tôi đang sống trên dương thế hay đang chập chững trước cửa nhà Chúa. Bây giờ mới biết là những chữ viết trên trần nhà và những bài hát tiếng Việt nghe từ các cô y tá người Mỹ chỉ là những ảo giác từ các viên ma túy có tác dụng làm giảm đau.

Thiên đàng và hỏa ngục

Đạo giáo nào cũng dậy rằng thiên đàng hay tây phương cực lạc là chỗ ân thưởng cho những người hiền lành tử tế, hỏa ngục hay a tì địa ngục là chỗ để giam cầm đầy đọa bọn cướp của giết người. Thiên đàng như thế nào và hỏa ngục như thế nào chẳng có đến một người biết. Chưa hề có một người nào lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục vài ba ngày rồi trở lại dương thế kể chuyện cho bàn dân thiên hạ nghe ra làm sao. Hình ảnh về thiên đàng hay hỏa ngục đều là những tưởng tượng rất hạn chế của loài người. Trong một chương trình OPRAH, người điều khiển chương trình hỏi chín người đã chết có y chứng, sau đó sống lại trong những trạng huống khác nhau. Tất cả những người này đều tỏ vẻ không được vui và thật sự tiếc nuối phải sống lại. Họ đều có một tiếng nói giống nhau là khi chết thì họ đi vào một vùng ánh sáng chan hòa rất vui vẻ và hạnh phúc mà ngôn ngữ loài người không diễn tả được. Ở đó, họ đã gặp những người thân yêu trong gia đình, bà con họ hàng đã quá vãng. Tất cả mọi người hàn huyên chuyện trò nói cười vui vẻ lắm. Bà Betty J. Eadie là người hàng xóm của tôi ở vùng Bắc Seattle cũng đã đi vào cõi chết. Bà đã sống lại và viết quyển Embraced By The Light diễn tả những gì “mắt thấy tai nghe” trong những giờ chết. Quyển sách này được giới y khoa cũng như các tôn giáo coi như là những tự thuật nghiêm túc rất giá trị. Quyển sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và bán được hơn ba chục triệu bản. Bà Eadie cũng có những tự thuật như chín người trên chương trình OPRAH. Viết một quyển sách nhỏ, bà không ngờ được đón nhận một cách nồng nhiệt và bà đã trở nên giầu có. Gia đình bà đã chuyển sang tiểu bang Florida sinh sống.

Cách đây hơn hai chục năm, ông chú ruột tôi sang Mỹ đoàn tụ với các con. Mấy tháng sau thì chú tôi ngã bệnh, vào một nhà thương ở Houston (Texas), các bác sĩ mổ lấy cái bao tử đã nát như cám và khuyên nên đưa về nhà chờ chết. Chừng độ mười lăm phút trước khi chú tôi chết thì thím tôi hỏi, “Ông có sợ chết không?” Chú tôi thều thào trả lời, “ Họ hàng nội ngoại đang cả đây vui vẻ quá sức mà sợ gì.” Mấy giờ đồng hồ trước khi ông Ngô Đình Cẩn bị hành quyết, luật sư Võ Văn Quan vào khám Chí Hòa giã biệt và an ủi thân chủ. Luật sư Quan viết lại trong một hồi ký là ông Cẩn rất bình thản nói những lời sau cùng, “Luật sư đừng buồn cho tôi. Tôi đi gặp các ông anh tôi thôi.” Ông chú tôi và ông Ngô Đình Cẩn đã có cùng một ngôn ngữ với chín người đã chết và sống lại được phỏng vấn trong chương trình OPRAH.

Hai người y tá đẩy tôi qua những hành lang u tịch đến phòng mổ. Lúc đó tôi lại không hề có một ý nghĩ gì về sự sống và sự chết, mặc dù tôi đã chân trong chân ngoài chiếc quan tài để đâu đó trong bệnh viện. Tôi luôn tin tưởng và trông cậy vào Lòng Thương Xót Chúa và có thể vì sự tin tưởng mãnh liệt như vậy nên tôi đã không sợ hãi gì cả. Tôi không chờ đợi giây phút được vào Nước Chúa nhưng tôi cũng không hoảng sợ với cái chết gần kề. Tôi đã rất bình an ngay từ hơi thở nhịp tim.

Tôi đã đọc bài viết nhan đề “Nỗi Sợ Vẩn Vơ” của giáo sư Nguyễn Hữu Chi. Tác giả viết rằng anh lái xe ra ngoài đường có thể gây tai nạn hoặc không, buôn bán thì có lời có lỗ, đi thi có đậu có rớt... nhưng có một chuyện chắc chắn là giây phút nào anh cũng đi gần đến cái chết. Chắc chắn như vậy rồi thì có gì mà sợ. Sợ thì ông thần chết cũng vẫn đến chứ ông ấy có tha đâu. Vậy thì tại sao phải sợ. Vấn đề là mình phải làm sao đi đến nơi chốn đó trong an vui và bình yên. Tôi giữ đạo Chúa nhưng lại rất “tâm đắc” với cách sống từ bỏ Tham Sân Si của đạo Phật. Thoát ra khỏi cái vòng tục lụy đó chắc hẳn mình sẽ có một cuộc sống thảnh thơi. Tất cả chỉ là hư vô. Anh có nhiều tiền lắm bạc, bằng cấp chức tước đầy người nhưng anh cũng chỉ giữ được mấy chục năm mà thôi chứ có lâu dài gì. Rồi một ngày nào đó anh cũng sẽ ra đi với hai bàn tay trắng. Ông làm to làm lớn, hậu thế xây dựng đền đài lăng tẩm nhớ đến ông. Nhưng chưa chắc là tất cả những người nhớ đến ông trong thương tiếc và kính trọng. Không ít thì nhiều cũng có những người ra rả mang tên ông ra chửi bới lăng nhục đến thối mả. Gã ăn xin đầu đường xó chợ chết đi không một nấm mồ và cũng chẳng ai ân oán gì mà nhắc đến tên. Gã đi vào cõi ngàn thu thật bình an, thênh thang với trời đất. Vậy thì ai hơn ai? Mấy chục năm nhung lụa kẻ hầu người hạ hay mấy chục năm rách rưới đói khát đã qua đi như một giấc mơ.

Gần kề hay đối diện với sự chết thì con người chỉ còn một cái phao duy nhất là bám víu vào niềm tin tôn giáo. Người theo đạo Chúa thì bám vào áo Chúa để được lên thiên đàng. Con Phật thì níu chân Phật để được về miền tây phương cực lạc. Ai cũng muốn có một đời sống vĩnh cửu trong hoan lạc. Vài người nói đùa rằng khi chết thì lại muốn xuống địa ngục để vui chơi với em Marilyn Monroe. Mấy ông cố nội này có biết cụ cố Marilyn ở đâu mà chỉ tán ra cho có chuyện để đùa cợt mà thôi. Thiên đàng ở chỗ nào, hỏa ngục ở nơi mô, nào ai biết. Niềm tin vào một sự giải thoát của tôn giáo chính là cái phao, là sự an ủi vô bờ bến.

Con mắt của người trần thế cũng chỉ mới nhìn thấy “một vùng ánh sáng chan hòa hạnh phúc” của thế giới bên kia chứ chưa từng có một hình ảnh nào về thiên đàng và hỏa ngục. Các vị “thánh tử đạo” Hồi giáo ôm bom tự sát vì vững tin rằng khi chết sẽ được lên thiên đàng mà ở đó “ông thánh” sẽ được cấp cho một tòa lâu đài xây cất bằng hồng ngọc và nhất là còn được bẩy mươi hai trinh nữ ngày đêm phục dịch. Chẳng biết các bà thánh” sẽ có bao nhiêu trai tráng hầu hạ.

Dưỡng bệnh

Trước khi rời bệnh viện về nhà, tôi đã được các cô y tá chỉ dẫn cách “ăn ngủ, tắm giặt, nghe đài”. Mỗi bước đi, từng cử động của hai bàn tay đều có ảnh hưởng đến vết mổ dài gần gang tay ngay giữa lồng ngực. Bà xã tôi xin nghỉ hai tháng ở nhà để săn sóc cục nợ”. Những người thân và bạn bè mang đồ ăn đến cho để đầy bếp. Món quà mà tôi thích nhất là bó rau dền của anh Nguyễn Kim Chi. Anh Chi mang đến cho đủ thứ, giò chả và bánh cuốn bánh bột lọc nhưng bó rau dền lại là món “hẩu” nhất mà tôi vẫn thích từ xưa. Rau dền luộc mà chấm với nước mắm chanh ớt là kể như “hết ý”.

Nằm nhà, ăn rồi ngủ, lâu lâu lên mạng xem có ai mắng mỏ gì không. Bốn tuần lễ qua đi gần cán cái thời hạn “dưỡng bệnh” sáu tuần của bệnh viện. Hỏi mấy người đã qua cái đèo khổ ải cả chục năm rồi ai cũng cười hề hề mà rằng: quên đi và cứ tiếp tục cuộc sống như mình vẫn sống. Vài ba ống nước trong nhà lâu năm bị bụi bặm đóng cặn làm vòi nước chẩy yếu đi, đôi khi hoàn toàn tắc nghẽn. Thay cái ống mới thì tất nhiên nước chẩy mạnh hơn và nước cũng sạch hơn. Chuyện thay vài ba cái động mạch tim thì cũng vậy thôi. Có gì mà sợ hãi. Chuyện nhỏ mà!

Bình phục

Trước khi từ bệnh viện về nhà, bà bác sĩ trực cầm tay tôi nói như hát, “ Sáu tuần lễ nữa thì ông sẽ hoàn toàn bình phục”. Sau sáu tuần lễ tôi đã lái xe chạy trên xa lộ, ai sao tôi vậy, người ta chạy đến 60 thì tôi cũng 58, 59 chứ nào có thua. Ngày hôm qua tôi đã chạy thật ngọt một vòng hồ Greenlake năm cây số. Trời lạnh dưới 40 độ F mà khi cán mức cái áo lót của tôi cũng đã ướt át không phải vì mưa Seattle mà vì “mồ hôi của sức lao động”. Thường thì những người đến tuổi tôi rất hay bị tiểu đường và cao máu, nhiều người bị cả hai. Tôi may mắn không bị cả hai thứ này nên giai đoạn bình phục cũng qua đi êm ả.

Cách đây mấy ngày tôi trở lại bệnh viện để tái khám. Bà bác sĩ cười nói có câu hỏi hay đề nghị gì không? Tôi bèn hỏi rằng khi giải phẫu thì người ta bơm vào cơ thể tôi máu của người Mỹ trắng hay Mỹ đen? Chị tu bíp này trố mắt có vẻ ngạc nhiên. Tôi phải giải thích rằng ở Mỹ lâu năm rồi mà tôi chưa hề thích xem football, thế mà sau khi giải phẫu rồi thì đột nhiên tôi lại thích xem football. Bởi vậy tôi nghĩ là người ta đã bơm vào cơ thể tôi máu của một ông Mỹ đen. Bà bác sĩ ôm bụng cười ngặt nghẽo, ngó vào màn hình computer một hồi rồi nói, “Chịu, không biết trắng hay đen.”

Chuyện mổ tim của tôi cũng đã hơn bốn năm. Bà bác sĩ chuyên khoa tim với kinh nghiệm và tay nghề chuyên môn đầy người đã an ủi tôi ngay ngưỡng cửa phòng mổ “ông sẽ khỏe hơn và sống lâu hơn”. Nào ai biết mình sẽ chết vào ngày giờ nào và chết cách nào. Cách đây đã lâu tôi đọc bản tin trên báo viết về cái chết của một người Việt Nam về quê nhà thăm gia đình. Anh ta đến thăm người em họ và bị một cái vung nồi từ hàng xóm bay qua chọc thủng mái nhà lợp tôn đập vào đầu chết tại chỗ. Người ta chết vì bệnh tật, vì súng đạn hay tai nạn xe cộ. Nhưng anh này lại từ Mỹ về Việt Nam thăm bà con họ hang và chết vì cái vung nồi! Thật chẳng có chữ nghĩa nào mà lý giải cho được.

Lần đầu tiên tôi đọc báo Viễn Đông Daily trên mạng, cách đây cũng chỉ mấy tháng và rất thích thú với bài viết của nữ sĩ Phượng Vũ về chuyến đi thăm thú Mexico City với mục đích chính là kính viếng Đức Mẹ Guadalupe. Tôi lên mạng và mua một chuyến đi Mexico City mà không cần biết đến bất kỳ một hơn kém nào. Tôi đến Mexico City vào lúc bốn giờ sáng. Về đến khách sạn thì cũng gần năm giờ và trời đã sáng. Sau khi nghỉ ngơi một lúc, xuống phòng ăn của khách sạn nhìn hàng chữ viết 100 pesos cho bữa ăn sáng, và ăn mệt nghỉ. Chỉ với gần 6 dollars Mỹ mà quá nhiều đồ ăn thức uống, trái cây ê hề. Tôi không mặn mà gì với chuyện ăn uống nhưng nhìn thôi cũng thấy “đã”. Món ăn Mễ không phải là chỉ có Taco hay Burrito như chúng ta thấy ở các tiệm fast food mà có những món ăn nấu nướng cầu kỳ công phu rất ngon miệng. Các ông Việt Nam nhất định sẽ mê mệt với món súp lòng bò. Ngon ơi là ngon. Ăn xong, ra cửa khách sạn hỏi anh chàng đóng mở cửa kêu xe taxi đi kính viếng Đức Mẹ Guadalupe. Tiếng Mễ của tôi thuộc loại ăn đong nhưng miệng nói tay múa một lúc thì anh chàng này cũng hiểu. Anh ta nói như trúng số “ Ah! Basilica”. Người Mễ quen gọi đền thánh Guadalupe là Basilica để phân biệt với nhà thờ chánh tòa Cathedral dưới downtown. Ngày hôm sau tôi thuê một chiếc xe du lịch với giá 70 USD, đi cả ngày và muốn đi đâu cũng được. Người lái xe đã có một thời gian dài làm ăn sinh sống ở California và có cô vợ người Mỹ. Bây giờ đã ly dị và anh ta trở về Mễ sống vui và thoải mái hơn. Tôi nói với người lái xe cho đi xem Pyramid cách trung tâm thành phố khoảng 40 phút xe. Pyramid này có cái lớn tên gọi là Mặt Trời và cái nhỏ gọi là Mặt Trăng. Khách du lịch rất thưa thớt. Lúc leo đến lưng chừng Mặt Trời thì tự nhiên tôi bị ngất xỉu ngã đập mặt xuống những hón đá sắc như lưỡi dao. Tôi đã chết đi vài ba giây. Tôi đã đi vào cõi chết rất bình an và đã gặp hai ông chú tôi quá vãng đã lâu. Người nào cũng cười nói vui vẻ. Nhưng một bàn tay phụ nữ đã kéo tôi đứng dậy và lạ lùng thay là ngã đập mặt xuống những hòn đá nhọn sắc như vậy mà tôi không hề bị xây xước gì cả. Lần thứ hai trong đời tôi đã Gõ Cửa Nhà Chúa. Kể chuyện này cho vài người nghe thì ai cũng quả quyết là bàn tay Đức Mẹ đã đỡ tôi khi ngã nên không hề bị thương tích dù chỉ là trầy da hay sứt mẻ nhỏ và đã kéo tôi đứng dậy.

Nằm nhà, bên cạnh chiếc computer xách tay và trước mặt cái TV. Mỗi một giây phút qua đi là biết bao nhiêu chuyện to nhỏ vui buồn của thiên hạ. Đạo Công giáo tin có ngày tận thế. Đức Phật không nói rõ ràng về một ngày tận thế nhưng một lần đứng bên bờ sông, Ngài đã than “Chẳng lẽ dòng nước cứ chẩy như thế này mãi sao”. Thôi thì hãy sống vui sống khỏe ngày hôm nay mà nhìn về tương lai và đừng bao giờ quay mặt lại quá khứ. Hãy luôn “Vui mừng và hy vọng”.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT