Người Việt Khắp Nơi

Góp ý sôi nổi trong buổi ra mắt mắt sách Nguồn Gốc Dân Tộc Việt

Thanh Phong/Viễn Đông Monday, 01/04/2013 - 08:26:53

Nhà thơ Vũ Xuân Chung và bà Đào Bích Ty phụ trách điều hợp chương trình. Sau nghi thức chào cờ, mặc niệm, giáo sư Tiến Sĩ Cao Văn Hở lên giới thiệu tác phẩm “Nguồn Gốc Dân Tộc Việt.”


Đọc thấy thấm thía, tăng thêm lòng yêu nước nồng nàn
Bài và hình: Thanh Phong/Viễn Đông

GARDEN GROVE - Vào chiều Chủ Nhật, ngày 31-3-2013 nhà báo Đỗ Tiến Đức, ông Hoa Thế Nhân, ông Nguyễn Tấn Lạc, nhà thơ Vũ Lang và nhà thơ Xuân Chung đã tổ chức ra mắt sách “Lược Sử Việt Nam” (biên khảo) và “Nguồn Gốc Dân Tộc Việt (tái bản) của nhà biên khảo lịch sử Phạm Trần Anh tại Thư Viện Việt Nam nằm trên đường Westminster, thành phố Garden Grove.


Tác giả Phạm Trần Anh tâm tình cùng khán giả dự buổi ra mắt sách.


Hơn 100 đồng hương tham dự trong đó có giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, ông Vũ Văn Tùng (Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại) và phu nhân, Mục sư David Huỳnh (Tổng Giám Đốc Nha Tuyên Úy Hoa Kỳ), Chánh án Nguyễn Trọng Nho, Đốc Sự Lê Ngọc Diệp (Chủ Tịch Ủy Ban Giám Sát Trung Ương Liên Minh Dân Chủ Việt Nam) và phu nhân, giáo sư Phan Đa Văn, ông Trần Đức Hân (Phó Chủ Tịch Văn Bút Trung Tâm Tây Nam Hoa Kỳ), ông Bùi Đức Uyển (Hội Trưởng Bưởi - Chu Văn An), một số đồng môn Quốc Gia Hành Chánh và đại diện một số hội đồng hương cũng như các cơ quan truyền thông và một số đông thân hữu của tác giả.
Nhà thơ Vũ Xuân Chung và bà Đào Bích Ty phụ trách điều hợp chương trình. Sau nghi thức chào cờ, mặc niệm, giáo sư Tiến Sĩ Cao Văn Hở lên giới thiệu tác phẩm “Nguồn Gốc Dân Tộc Việt.”
Khi trình bày ý kiến của mình, ông Hở nêu một quan điểm xem có vẻ mâu thuẫn khi ông tuyên bố ông không chống Đại Hán, nhưng ngay sau đó ông tuyên bố người Đại Hán có máu xâm lược, không để Việt Tộc chúng ta sống còn và tồn tại trên bản đồ thế giới.
Diễn giả cho rằng ông và nhà biên khảo Phạm Trần Anh có điểm tương đồng, cả hai cùng được học đại học, nhưng “trường đại học của chúng tôi rất là thảnh thơi, cái trường đại học đó là trường đại học ở Tây Phương, nhưng cái đại học của nhà biên khảo Phạm Trần Anh đó là một đại học máu bởi anh bị cộng sản cùm, tra tấn và tôi cho rằng cái đại học của anh nhiều khi còn quý giá hơn cái đại học thực sự ở ngoài đời mà tôi đã nhận được.”
Tiến Sĩ Cao Văn Hở cũng ca ngợi những người “đã đi vào trong những đại học máu đó, đi vào cái lò luyện thép để mà sáng tạo, chính cái lò luyện thép đã tạo cho Phạm Trần Anh một sự siêu việt về tinh thần.” Ông Hở kết luận, “Nguồn Gốc Dân Tộc Việt của nhà biên khảo Phạm Trần Anh là quyển sách tôi tâm đắc nhất. Khi tôi đọc, tôi thấy thấm thía và tăng thêm lòng yêu nước nồng nàn..”
Kế tiếp, nhà báo Đỗ Tiến Đức cũng là một cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh được mời lên giới thiệu tác giả. Nhà báo Đỗ Tiến Đức đã trình bày thêm về một từ ngữ mà giáo sư Cao Văn Hở đã nhắc đến trước đó. Ông Tiến nói, “Chúng tôi bị cộng sản bắt đi tù chứ không có chuyện học tập gì cả, chúng tôi không bao giờ chấp nhận bốn chữ Học Tập Cải Tạo.”
Ông Tiến cũng không đồng ý quan điểm của giáo sư Hở rằng nhờ “lò luyện thép” của Việt Cộng mà ông Phạm Trần Anh có cơ hội sáng tạo! Theo nhà báo Đỗ Tiến Đức, các cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Việt Nam Cộng Hòa được đào tạo để trở thành những nhà lãnh đạo đất nước, nhưng tiếc rằng, sau khi được đào tạo thì không còn đất nước để lãnh đạo, và những người như Phạm Trần Anh là rất hiếm trong hàng ngũ Quốc Gia Hành Chánh.
Sau 1975, ông Phạm Trần Anh ở lại và cùng một số người lập tổ chức chống cộng. Ông bị bắt tù nhiều năm, bị trói tay ra sau lưng, chỉ nằm ngửa, có lúc bị đem ra sân cỏ hù bắn, nhưng ông vẫn không chịu khai báo. Sau khi ở tù về, ông may mắn được sống tại Sài Gòn. Ông đã đến các thư viện tìm tòi, nghiên cứu để viết sách.
Sau khi nói qua về tác giả, nhà báo Đỗ Tiến Đức mời ông Phạm Trần Anh lên chia sẻ tâm tình. Ông Anh cho biết ông bất đắc dĩ trở thành nhà biên khảo lịch sử bởi nhiều nguyên do, nhưng nguyên do chính là tấm lòng yêu nước trong con người ông, thôi thúc ông phải làm. Nhà biên khảo Phạm Trần Anh đã làm mọi người say mê theo dõi những điều ông trình bày, những tư tưởng và quan điểm, niềm hy vọng vào tương lai của một dân tộc có Tổ Hùng Vương, có cội nguồn và chỉ có dân tộc Việt mới có hai chữ “đồng bào,” vì chúng ta cùng một bào thai do Mẹ Âu Cơ đẻ ra, mà các dân tộc khác không có.
Nhà biên khảo Phạm Trần Anh ngỏ lời cám ơn quý thân hữu, đồng môn và mọi người đã đến với ông trong một buổi ra mắt sách cuối tuần nhiều bận rộn, nhất là trùng vào ngày Lễ Phục Sinh.
Ngoài hai diễn giả chính và tác giả, chương trình có phần phụ diễn văn nghệ của một số nghệ sĩ thuộc Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ như Xuân Thanh, Lan Hương và MC Ngọc Đăng. Có giọng ngâm truyền cảm của nhà thơ Hà Phương, Bích Ty và tiếng sáo thánh thót của nghệ sĩ Ngọc Nôi.
“Nguồn Gốc Dân Tộc Việt” được cố đại lão Hòa Thượng Thích Đức Nhuận khen ngợi : “Là một tác phẩm giá trị với những khám phá mới lạ mà từ trước tới nay, những sử gia chưa ai đề cập tới”.
Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Thứ Trưởng Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa viết: “Tác phẩm rất xứng đáng có một chỗ đứng quan trọng trong tủ sách của người Việt Nam, nhất là cho các thế hệ sau này.”
Nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh: “Tác giả có kiến thức về văn học và sử học Việt Nam và hơn thế nữa, tác giả là người yêu quê hương và tự hào về dân tộc Việt Nam, tác giả là người tâm giao với tôi và cuốn sách này cần có trong các tủ sách gia đình.”
Tiến Sĩ Nguyễn Anh Tuấn (Khoa Học Chính Trị) nói, “Xin cám ơn sử gia Phạm Trần Anh đã dầy công nghiên cứu để hôm nay chúng ta có một bộ sử đầy đủ nhất, hữu ích nhất cho thế hệ con em Việt Nam chúng ta. Ông Lê Mộng Nguyên, Viện Sĩ Hàn Lâm Viện Pháp Quốc xác định: Đây là một tác phẩm cực kỳ giá trị và hết sức vĩ đại.”
Sách dầy 450 trang với nhiều hình ảnh có giá trị lịch sử.
Cần mua sách xin liên lạc: quocvietaanhpham@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT