Hoa Kỳ

Habemus Papam!”: “Chúng ta đã có tân Giáo Hoàng!”

Wednesday, 13/03/2013 - 08:09:18

“Acceptasne electionem canonicam in Summum pontificem de te factam?” (Ngài có nhận việc tuyển chọn ngài theo đúng luật lệ của Hội Thánh, làm Giáo Hoàng không?)

VATICAN - Vào lúc hơn 7 giờ (giờ địa phương) chiều Thứ Ba, ngày 13-03-2013, một ngọn khói trắng bay lên từ ống khói của đền thờ Sixtina, tức thì trên 10.000 người hiện diện ở công trường thánh Phêrô, không ai bảo ai mà bỗng như đồng loạt mừng reo lên câu nói quen thuộc bằng tiếng Latin: “Habemus Papam!” -“Chúng ta đã có tân Giáo Hoàng!” Tất cả chuông nhà thờ không chỉ ở Giáo Đô Vatican mà cả trên toàn thể nước Ý đều réo vang những âm thanh chúc tụng thánh thót.

Đúng vậy, màu khói trắng báo tin sự đồng thuận của 115 Hồng Y: Một vị tân Giáo Hoàng đã được tuyển cử. Vị này sau khi được tín nhiệm với tuyệt đại đa số phiếu, vẫn được Hồng Y niên trưởng hỏi bằng tiếng Latin:
“Acceptasne electionem canonicam in Summum pontificem de te factam?” (Ngài có nhận việc tuyển chọn ngài theo đúng luật lệ của Hội Thánh, làm Giáo Hoàng không?)
Hội nghị - tức toàn thể cử tri Hồng Y - được giải tán sau khi có câu trả lời xác quyết:
“Accepto” (Tôi nhận).
Sau đó, ngài được hỏi danh hiệu Giáo Hoàng mà ngài muốn chọn. Tất cả những lời lẽ vừa kể đều được vị trưởng nghi lễ thuộc viện Giáo Hoàng và nhân chứng cũng như hai vị phụ tá viết vào biên bản.
Cùng lúc, dưới bầu trời nặng trĩu cơn mưa và trong bầu không khí giá lạnh của một đêm cuối Đông, công trường thánh Phêrô vẫn tiếp tục sôi động niềm hân hoan. Mọi người hồi hộp mong đợi được biết danh tính và xuất xứ của vị tân Giáo Hoàng này.
Trong lúc đó, vị tân Giáo Hoàng được hướng dẫn vào “Phòng Nước Mắt” (ý nghĩa chỉ chức vị Giáo Hoàng không phải là một sự chiến thắng vinh quang nhưng đầy những khó khăn, nhọc nhằn và thương đau), nơi đây ngài được một người thợ may của công ty Gamarelli tu chỉnh một trong những bộ y phục Giáo Hoàng vốn được xét là vừa vặn hơn cả. Tại đây đã treo sẵn 3 bộ y phục với các kích thước khác nhau: Nhỏ, trung bình và rộng. Rồi ngài được mặc chiếc áo chùng trắng (kiểu riêng của Giáo Hoàng); ngài nhận đôi giầy màu đỏ, mũ chỏm trên đỉnh đầu màu trắng và một dây đeo Thánh Giá cổ xưa. Sau đó, ngài được hướng dẫn trở lại nguyện đường Sixtina; tại đây ngài nhận chiếc nhẫn Ngư Phủ (thánh Phêrô).
Tất cả Hồng Y, từng vị một, lần lượt đến hôn nhẫn của ngài - như một biểu hiệu sự tôn kính và vâng phục đối với người đứng đầu Hội Thánh.

Tân Giáo Hoàng: “Xin cầu nguyện cho tôi!”
Khoảng 8:15 tối, tân Giáo Hoàng được hướng dẫn ra ban-công ở bên trên cửa ra vào chính của nhà thờ thánh Phêrô. Tại đây, Hồng Y Pháp Jean-Louis Tauran chính thức loan báo việc Giáo Hội đã có một tân Giáo Hoàng: “Habemus Papam!” rồi xướng tên thật của ngài: Jorge Mario Bergolio, Hồng Y Tổng Giám Mục của giáo phận Buenos Aires, thủ đô Argentina (Á Căn Đình). Ngài chọn thánh hiệu: Francis Đệ Nhất với ý nguyện noi theo gương thánh Francis of Assisi (tiếng Việt: Thánh Phanxicô Savie khó nghèo - tiếng Tây Ban Nha/Á Căn Đình: Francisco).
Đây là lần đầu tiên sau 600 năm một vị tân Giáo Hoàng được tuyển cử trong khi vị tiền nhiệm còn sống.
Tân Giáo Hoàng Francis I mở đầu bằng lời chào đám đông: “Good Evening!” để rồi nhận lại những tiếng reo mừng của hàng chục ngàn người hiện diện. Ngài tiếp: “Thưa quí anh chị. Như quí anh chị đã biết, bổn phận của Hội Nghị (Hồng Y) là bổ nhiệm một Giám Mục của Roma, và xem như các chư huynh Hồng Y của tôi đã chọn một kẻ đến từ phương trời xa xôi. Vâng, tôi đây!”
Ngược lại với các vị tiền nhiệm, đức tân Giáo Hoàng 76 tuổi, người Argentina này, đã phát biểu nhiều hơn trong lần xuất hiện đầu tiên ở ban-công: “Tôi mong ước được cám ơn tất cả quí vị về lòng ưu ái của quí vị. Tôi cũng muốn cám ơn Giáo Hội Công Giáo La Mã và các vị Giám Mục. Trước hơn cả, tôi ước ao cám ơn vị Giám Mục danh dự của chúng ta, đức Benedict XVI. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho ngài để ngài được Thiên Chúa chúc lành. Chúng ta hãy cùng khởi sự du hành chung; cuộc du hành này là của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Đây là một cuộc du hành trong tình bằng hữu, tình yêu thương, trong sự tín nhiệm và trong niềm tin. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thế giới. Chúng ta hãy kết hợp thành mối huynh đệ vĩ đại”.
Tân Giáo Hoàng đã kết thúc bằng lời cảm tạ sự hiện diện của mọi người và ban phúc lành: “Tôi muốn dâng hiến quí vị việc ban phúc lành của tôi, tuy nhiên tôi ước muốn xin quí anh chị trước một sự phục vụ. Tôi nguyện ước Thiên Chúa nghe lời cầu khẩn của dân chúng mà chúc lành cho tân Giáo Hoàng này. Trong thinh lặng, xin quí anh, chị hãy cầu nguyện cho tôi!”

Giáo Hoàng đầu tiên không phải “dân” Âu Châu
Đức Jorge Mario Bergolio chào đời năm 1936 tại Buenos Aires, Argentina, trong một gia đình 5 người con. Cha của ngài là người gốc Ý, làm công nhân hỏa xa, và mẹ là người Argentina. Khi ngài khởi sự học ngành Kỹ Nghệ Hóa Học thì được Ơn Kêu Gọi để học tại tu viện Villa Devoto. Năm 1958 ngài vào dòng Tên (Jesuit) để rồi 11 năm sau thì được phong chức Linh Mục. Tiếp theo, ngài làm Bề Trên Tu Tập Viện đồng thời làm Giáo Sư môn Thần Học. Từ năm 1980 đến 1986, ngài giữ chức Giám Đốc của viện Colegio Máximo de San Miguel, nơi gồm các phân khoa Triết và Thần Học.
Năm 1992, ngài được đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm phụ tá Giám Mục ở Buenos Aires. Cùng năm này ngài được chính thức trở thành Giám Mục để đến năm 1998 tiếp nhận chức vị Tổng Giám Mục.
3 năm sau - năm 2001 - đức Bergolio được bổ nhiệm làm Hồng Y. Trong dịp Giáo Hoàng Gioan Phaolô II băng hà năm 2005, ngài đã tham dự Hội Nghị cùng với 115 vị Hồng Y đồng nhiệm - dưới 80 tuổi - vốn có quyền bỏ phiếu. Tuy không phải là một “favorite”, nhưng Hồng Y Jorge Mario Bergolio của Argentina vẫn được “đánh giá” là một ứng viên Giáo Hoàng khả thể.
Vì luật bảo mật nghiêm ngặt nên “bên ngoài” không thể nói chắc chắn bao nhiêu Hồng Y đã bỏ phiếu cho vị đồng nhiệm Jorge Mario Bergolio. Ngược trở lại dĩ vãng, ngày 23-09-2005, tạp chí uy tín Ý, Limes, đã viết là đức Hồng Y Bergolio mỗi lần trong cả thảy 4 vòng bỏ phiếu, đều “về” hạng nhì với số phiếu chỉ thua cựu Hồng Y Benedict XVI. Trong lần bỏ phiếu thứ nhất, ngài nhận được 10 phiếu bầu và trong lần thứ ba thì tổng cộng số phiếu dồn cho ngài đã lên tới 40. Vẫn theo báo Limes, thời đó đức Bergolio đã xin những vị đồng nhiệm ủng hộ ngài thì đừng bỏ phiếu cho ngài nữa. Tuy thế, lần bỏ phiếu thứ tư và cũng là lần quyết định, số phiếu vẫn dành cho ngài là 26. Các chi tiết vừa kể xuất phát từ nguồn một cuốn nhật ký của một Hồng Y “non-identified” (không được nhận biết/vô danh).
Theo dư luận, trong lần bầu cử tân Giáo Hoàng lần này, tên của Hồng Y Argentina, Jorge Mario Bergolio, nằm ở dưới xa trong danh sách những vị “favorite” có thể trở thành Giáo Hoàng. Những tên tuổi được nhắc đến nhiều hơn cả là Angelo Scola, Hồng Y của Milano, Ý, là Odilo Scherer, Hồng Y của Ba Tây... Vậy mà chỉ hơn một ngày sau, đức Hồng Y Bergolio của Argentina đã được sự ủng hộ của đại đa số Hồng Y khác.
Giáo Sư Công Giáo Jane Haaland Matlary vốn dự đoán ứng viên Scola sẽ đắc cử và cuộc bỏ phiếu sẽ kéo dài tối thiểu 4 ngày, nhưng trước kết quả kể trên, bà phát biểu: “Tôi nghĩ đây là một điều rất tốt đẹp, bởi vì ngài (tân Giáo Hoàng) là một nhà quản trị thành thạo, một năng lượng thông minh tuyệt vời”. Bà cho biết đã từng gặp ngài trong một hội nghị cách nay vài năm.
Kết quả cuộc bầu cử xẩy đến nhanh chóng, gây ngạc nhiên. Đa số nhà quan sát chính trị và hiểu biết về Vatican vẫn dự kiến công việc sẽ diễn ra lâu dài. Trong số những nguyên nhân điển hình là tình trạng các Hồng Y chia rẽ và Vatican đang gặp những khó khăn nội bộ. Vậy mà - lời nữ Giáo Sư Matlary - “xem ra là các vị ấy đã tuyển cử được Giáo Hoàng ở vòng thứ 5, và điều này có nghĩa là đã có một tình cảnh tốt đẹp giữa các Hồng Y ấy. Cá nhân tôi, tôi xem đây chính là một dấu chỉ là Chúa Thánh Thần vẫn hướng dẫn chúng tôi và điều hành Giáo Hội”.

Vị Giáo Hoàng của người nghèo
Đức Jorge Mario Bergolio là vị Giáo Hoàng đầu tiên xuất xứ từ Châu Mỹ Latin, là tu sĩ dòng Tên đầu tiên lên ngôi Giáo Hoàng và là vị đầu tiên lấy danh hiệu Giáo Hoàng là Francis. Ngài cũng sẽ là Giáo Hoàng của người nghèo.
Khi Argentina năm 2010 thảo luận một đạo luật vốn sẽ cho phép việc kết hôn giữa những người đồng tính thì Tổng Giám Mục-Hồng Y Bergolio đã lên tiếng phản đối rất mạnh mẽ. Ngài gọi đây là một “đạo luật của quỉ dữ” đồng thời công khai tranh cãi với Tổng Thống Néstor Kirchner và người kế vị (và cũng là vợ, sau là góa phụ) Cristina Fernández. Ngài lý luận rằng trẻ con có quyền được giáo dục bởi một người cha và một người mẹ. Bà Fernández gọi quan điểm của ngài là “thuộc thời trung cổ”.
Trong khi đó, nhiều nhà mệnh danh là “thoái hóa” đã nói Giáo Hội Công Giáo ở Argentina vẫn quá bảo thủ. Họ cho rằng các Giám Mục bận tâm về nạn phá thai và đồng tính luyến ái hơn là bảo vệ dân chủ.
Thế nhưng, dưới chế độ quân phiệt độc tài ở Argentina, ngài tuy được biết là bảo thủ, nhưng ngài đã nổi bật trong những cuộc tranh đấu cho người nghèo, và ngài được mến mộ trong giới tu sĩ trẻ ở Argentina và trong phần đông dân chúng.

Hôn chân các bệnh nhân AIDS
Theo nhật báo The Guardian, đức Hồng Y Bergolio vốn đã có chiều hướng nghiêng về biện pháp ngừa thai nhằm ngăn chận các chứng bệnh hoa liễu, va ngài mở rộng việc đối thoại với các tôn giáo khác.
Vị tân Giáo Hoàng Nam Mỹ này được mô tả là một nhà trí thức vẫn di chuyển bằng xe buýt và dấn thân vào các công việc giúp đỡ những người nghèo trên thế giới. Ngài còn được biết đến việc đã rửa chân và hôn chân cho 12 bệnh nhân AIDS trong một bệnh viện.
Còn nhớ là năm 2001, khi được bổ nhiệm làm Hồng Y, đức Bergolio đã thuyết phục hàng trăm đồng hương Argentina không nên đến Roma để mừng ngài. Thay vào đấy, họ nên dùng tiền vé máy bay để giúp những người nghèo.
Tín hữu Công Giáo nói riêng, phần đông dư luận toàn cầu nói chung, tin tưởng rằng đức tân Giáo Hoàng Francis I sẽ khai mở một kỷ nguyên mới cho Giáo Hội Công Giáo vào một thời đại đầy những thử thách về mọi phương diện. - (HM)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT