Hoa Kỳ

Hai ngôi nhà ở Hawaii bị dung nham thiêu hủy

Friday, 04/05/2018 - 11:37:56

Nhà chức trách Hawaii khuyến cáo, gió có thể làm bụi núi lửa lan rộng, và khí độc sulfur dioxide có khả năng gây tử vong. Một số vụ nổ khí methane cũng có thể làm văng những khối đá lớn tới các khu vực lân cận.


Núi lửa hoạt động tại Hawaii
Trong hình do cơ quan Khảo Sát Địa Chất Hoa Kỳ cung cấp, người ta có thể thấy tro bụi phun ra từ miệng núi lửa Puu Oo tại Kilauea ở tiểu bang Hawaii vào ngày thứ Năm, 3 tháng Năm. Miệng núi lửa này nằm trong công viên quốc gia Hawaii Volcanoes National Park. Sự hoạt động của núi lửa đã gây ra những cơn động đất lớn trên 5 chấm, khiến thống đốc phải ban lệnh báo động khẩn cấp chung quanh khu vực, đưa đến việc 1,800 người dân phải di tản trong hai ngày qua. (U.S. Geological Survey / Getty Images)

BIG ISLAND - Hai ngôi nhà trên đảo Big Island của Hawaii đã bị thiêu hủy bởi dung nham từ ngọn núi lửa phun trào từ ngày thứ Năm. Ông Harry Kim, thị trưởng Hawaii County, xác nhận thiệt hại vào sáng thứ Sáu. Ngoài ra, dung nham cũng làm hư hại một con đường nhỏ và một số khu đất tư nhân có nhiều cây cối.
Có ít nhất 1,800 người đã được lệnh di tản. Ông Kim cho biết hôm thứ Sáu rằng, mọi vị trí phun trào dung nham cho tới nay đều tập trung ở khu vực phía nam.
Thống Đốc Hawaii David Ige nói ông đã điều động lực lượng Vệ Binh Quốc Gia tiểu bang “để hỗ trợ các lực lượng khẩn cấp trong việc di tản và giữ an ninh.” Ông Ige cũng ký một sắc lệnh khẩn cấp, để cung cấp tiền dùng cho các chương trình khắc phục hậu quả thiên tai. Núi lửa Kilauea bắt đầu phun trào vào 4 giờ 45 chiều thứ Năm giờ địa phương, theo cơ quan địa chất Hoa Kỳ USGS. Nhà chức trách Hawaii khuyến cáo, gió có thể làm bụi núi lửa lan rộng, và khí độc sulfur dioxide có khả năng gây tử vong. Một số vụ nổ khí methane cũng có thể làm văng những khối đá lớn tới các khu vực lân cận.
Ngoài ra, cũng vào thứ Sáu, một trận động đất 6.9 độ đã xảy ra gần núi lửa, chỉ 1 giờ sau khi một chấn động 5.4 độ xuất hiện trong cùng khu vực. Nhà chức trách cho biết chấn động này không đủ mạnh để gây ra sóng thần.

Trường học bị chỉ trích vì tranh vẽ đầu tổng thống
SAN DIEGO – Một trường bán công ở San Diego đang đối mặt với nhiều luồng dư luận trái chiều, sau khi một bức tranh vẽ trên dãy tường dài của trường có cảnh một chiến binh Aztec cầm ngọn giáo, đâm xuyên qua chiếc đầu bị cắt rời và đầy máu của Tổng Thống Donald Trump. Bức tranh được vẽ trên tường của trường MAAC tại Chula Vista. Trường bán công này được quản lý bởi Học khu Sweetwater.
Một số phụ huynh và cư dân cho rằng bức tranh này là không phù hợp, nhất là khi nó được vẽ trên tường của trường học. “Điều này không phù hợp với tổng thống của chúng ta. Tôi biết nhiều người không đồng ý với ông ấy, nhưng chúng ta cần tôn trọng các lãnh đạo quốc gia,” một cư dân nói. Sau khi truyền thông địa phương đưa tin về tính chất bạo lực và thô tục của bức tranh, ban quản lý trường đã phủ bạt che lên tường, và cho một xe bus đậu chắn vào chỗ này.
“Chúng tôi biết rằng một bức tranh được vẽ trong một sự kiện vào cuối tuần qua là không phù hợp với quy định của trường về yêu cầu không có yếu tố bạo lực,” Giám đốc học khu Tommy Ramirez nói. “Chúng tôi đã liên lạc với họa sĩ để yêu cầu người này chỉnh sửa bức tranh cho phù hợp với nguyên tắc của trường.” Tuy nhiên, một phụ nữ, người tự nhận là họa sĩ đã vẽ bức tranh, khẳng định cô không có ý muốn chỉnh sửa điều mà cô gọi là “tác phẩm nghệ thuật” này.

Các hãng xưởng ngừng mở rộng vì thuế thép, nhôm
HOA THỊNH ĐỐN - Khi Tổng Thống Donald Trump ban hành luật cải tổ thuế vào cuối năm 2017, những người ủng hộ cho rằng hiệu quả của đạo luật sẽ thể hiện trong năm nay, bằng làn sóng thuê mướn thêm nhân viên và tăng đầu tư. Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế Hoa Kỳ gần đây lại cho thấy, chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump đang khiến một số lãnh đạo ngành sản xuất trở nên thận trọng, đồng thời tạm hoãn các kế hoạch đầu tư và thuê nhân viên. Các hãng sản xuất than phiền rằng, lệnh đánh thuế nhôm và thép, cùng các xung đột thương mại với Trung Quốc, đang làm mất đi lợi ích từ việc cải tổ thuế đem lại.
Ông Trump đã đề nghị đánh thuế nhập cảng 25% đối với khoảng 1,300 sản phẩm từ Trung Cộng, nhằm buộc Bắc Kinh thay đổi chính sách về tài sản trí tuệ. Nếu lệnh đánh thuế này có hiệu lực, nguồn nguyên liệu Trung Quốc của nhiều hãng xưởng Hoa Kỳ sẽ tăng giá. Tổng thống cho rằng, lệnh đánh thuế sẽ bảo vệ ngành luyện kim nội địa, giúp duy trì và gia tăng lượng sản xuất kim loại trong nước. Trên thực tế, lệnh đánh thuế tuy có làm tăng nhu cầu nhôm và thép nội địa, nhưng các hãng luyện kim Hoa Kỳ hiện vẫn chưa thể đáp ứng được mọi nhu cầu của các hãng sản xuất. Trước việc thiếu thốn nguyên liệu, nhiều hãng sản xuất đã quyết định đồng ý trả thuế và mua kim loại từ nước ngoài. Việc này khiến nhiều sản phẩm “Made in America” bị tăng giá và giảm sức cạnh tranh. Theo một nghiên cứu vào tháng 3, tổ chức Trade Partnership Worldwide ước tính, lệnh đánh thuế nhôm và thép sẽ khiến Hoa Kỳ mất gần 470,000 việc làm.

Bộ Nội An kết thúc bảo vệ di dân Honduras
WASHINGTON DC – Gần 90,000 người Honduras, những người đã sống tại Hoa Kỳ ít nhất 2 thập niên, có thể sẽ bị buộc quay về quê hương, sau khi chính phủ Trump vào thứ Sáu quyết định chấm dứt chương trình Bảo vệ tạm thời TPS, được ban hành vào thập niên 90. Quyết định này nâng tổng số di dân bị chính phủ chấm dứt diện TPS tính từ năm ngoái đến nay lên hơn 425,000 người, theo dữ liệu từ Sở di trú.
Chương trình bảo vệ tạm thời đối với người Honduras được ban hành vào năm 1998, khi cơn bão Mitch tàn phá nước này. Có khoảng 86,000 người Honduras đang sống tại Hoa Kỳ theo diện TPS, theo thống kê của Sở di trú vào cuối tháng 10 năm ngoái. Những người này có 18 tháng để rời Hoa Kỳ hoặc xin định cư theo diện khác. Chính phủ Trump đã quyết định chấm dứt gần như mọi chương trình TPS hiện có trong năm nay, bao gồm gần 60,000 người Haiti, hơn 250,000 người từ El Salvador, khoảng 5,000 người Nicaragua, và gần 15,000 người Nepal.
Chương trình TPS thường được ban hành dựa trên lý do nhân đạo, áp dụng cho các quốc gia đang đối mặt với thiên tai, chiến tranh, hoặc dịch bệnh. Chương trình này sau đó sẽ được gia hạn cho tới khi tình hình tại quốc gia nước ngoài được cải thiện đủ để cư dân của họ trở về sinh sống an toàn. Chính phủ Trump cho rằng, chương trình TPS chỉ có thể gia hạn nếu cuộc khủng hoảng ban đầu vẫn còn tiếp diễn. Trong trường hợp của Hondura, tuy nước này vẫn còn chìm trong nghèo khó và nạn băng đảng, Bộ Nội An khẳng định cơ quan này phải chấm dứt chương trình TPS, do Honduras đã vượt qua các ảnh hưởng của cơn bão Mitch từ lâu.

Wells Fargo đồng ý trả $480 triệu vụ kiện của cổ đông
SAN FRANCISCO – Hãng Wells Fargo hôm thứ Sáu cho biết, hãng này đồng ý trả $480 Mỹ kim để dàn xếp vụ kiện chung của các cổ đông - những người cáo buộc rằng ngân hàng này đã che giấu cách làm việc của các nhân viên kinh doanh. Hãng Wells Fargo, có trụ sở tại San Francisco, nói rằng văn bản thỏa thuận vẫn còn cần được tòa án phê chuẩn.
Wells Fargo bác bỏ các cáo buộc trong đơn kiện, nói rằng hãng này quyết định dàn xếp chỉ vì muốn tránh chi phí và các vụ kiện tụng xa hơn. Vào năm 2016, ngân hàng này đã đồng ý trả $185 triệu Mỹ kim tiền phạt cho tiểu bang và liên bang, sau khi bị phát hiện đã tự ý mở nhiều triệu trương mục mà không có sự đồng ý của khách hàng, trong thời gian từ năm 2009 đến 2016.

Ba căn cứ sẽ nhận oanh tạc cơ mới B-21
Ngũ Giác Đài mới đây đã chọn ba căn cứ Không quân gồm Dyess thuộc tiểu bang Texas, Ellsworth thuộc South Dakota, và Whiteman ở Missouri làm các địa điểm điều động luân phiên dòng oanh tạc cơ tàng hình mới nhất B-21. Bộ Trưởng Không Quân Heather Wilson cho biết, việc tận dụng những căn cứ có sẵn cho B-21 là hoàn toàn phù hợp, giúp giảm chi phí vận hành và ảnh hưởng của dòng máy bay này đến cuộc sống của người dân. Nghị Sĩ Mike Rounds của South Dakota cho rằng, Ellsworth nhiều khả năng sẽ là căn cứ đầu tiên tiếp nhận oanh tạc cơ tàng hình B-21.
B-21 Raider là mẫu oanh tạc cơ tàng hình thế hệ 5 đang được Hoa Kỳ phát triển, với thiết kế cánh bay không có cánh đuôi, giống với oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit ra đời cách đây 21 năm. Dù năng lực chưa được tiết lộ nhiều, B-21 chắc chắn sẽ được trang bị công nghệ tàng hình tối tân, khả năng hoạt động tầm xa, mang theo nhiều vũ khí, và có thể sẽ có năng lực tự động hóa. Ngoài việc mang nhiều bom đạn, nó được cho là oanh tạc cơ thông minh với các bộ cảm biến, mạng kết nối, và năng lực hợp nhất dữ liệu cùng khả năng phát động chiến tranh điện tử và trinh sát.
B-21 có chi phí phát triển là $23.5 tỷ Mỹ kim. Không quân dự kiến mua 100 chiếc B-21 từ nhà thầu Northrop Grumman, với giá mỗi chiếc khoảng $564 triệu, để thay thế cho oanh tạc cơ B-52 và một phần oanh tạc cơ B-1.

Xác định địa điểm cho cuộc gặp Trump - Kim
Tổng Thống Donald Trump hôm thứ Sáu cho biết, thời gian và nơi chốn cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã được quyết định và sẽ được thông báo sớm. "Chúng ta đã có ngày, chúng ta cũng đã có địa điểm,” ông Trump nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc khi đang trên đường lên trực thăng Marine One. Dù vậy, ông Trump không tiết lộ thời gian và địa điểm của cuộc gặp. Tổng thống cũng tin tưởng rằng, 3 công dân Hoa Kỳ đang bị Bắc Hàn giam giữ sẽ sớm được thả.
Vào tuần trước, truyền thông đưa tin rằng Mông Cổ và Singapore nằm trong danh sách cuối cùng để lựa chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp được toàn thế giới trông đợi. Tuy nhiên, sau khi cuộc gặp tại Bàn Môn Điếm giữa ông Kim và Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae In diễn ra thành công, Tổng Thống Trump đã gợi ý rằng cuộc gặp của ông với ông Kim cũng có thể diễn ra ở ngôi làng đình chiến này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT