Người Việt Khắp Nơi

Hai tác phẩm mới của người Canada gốc Việt: Bị Ở Lại VN Vì Quá Nhỏ và Một Hạt Cơm

Sunday, 11/11/2018 - 09:50:58

“Những người bộ đội miền Bắc đã lấy mọi thứ của chúng tôi... Với trận lụt này, ai biết chúng tôi có còn gì để ăn hay không.” Qua cuốn chuyện đó, nhiều độc giả đã hỏi bà Marsha Skrypuch, người đã giúp Tuấn kể lại câu chuyện trong sách, rằng, “Chuyện gì đã xảy ra với đứa bé nhỏ tuổi nhất?”



Trong hơn bốn thập niên lưu vong tại Bắc Mỹ, cộng đồng người Việt tỵ nạn đã cống hiến nhiều tác phẩm văn chương cũng như nghệ thuật vào dòng chính của người Mỹ và Canada. Phần lớn những sáng tác của người gốc Việt đã dựa trên những câu chuyện có thật của những gia đình, những con người phải lìa bỏ quê hương đầy khổ đau, phải phấn đấu để tạo dựng một cuộc sống mới đầy xa lạ ở quê người.

Mới nhất là hai tác phẩm dành cho lứa tuổi thiếu niên, Too Young to Escape: A Vietnamese Girl Waits to be Reunited with Her Family (Bị ở lại Việt Nam vì quá nhỏ, cuối cùng cũng đoàn tụ với gia đình ở Mỹ) của hai tác giả Marsha Forchuk Skrypuch và Van Ho, và cuốn A Grain of Rice (Một Hạt Cơm) của tác giả Nhung N. Tran-Davies.

Hai cuốn tiểu thuyết đều dành cho lứa tuổi thiếu niên. Cuốn Too Young to Escape” đã phát hành vào ngày 2 tháng 11, 2018, cuốn “A Grain of Rice” sẽ phát hành vào đầu tháng Giêng 2019 nhưng có thể đặt mua trên mạng ngay từ bây giờ. Dưới đây là bài viết giới thiệu hai tác phẩm đầy tình người này được đăng trên tạp chí Quill & Esquire.
*
Trong cuốn truyện tranh năm 2016, Adrift at Sea: A Vietnamese Boy's Story of Survival (Lênh Đênh Trên Biển: Câu Chuyện Sống Còn Của Một Chú Bé Việt Nam), hai tác giả Marsha Forchuk Skrypuch và Hồ Tuấn kể câu chuyện của Tuấn, sáu tuổi, vượt biển cùng với mẹ và hai đứa em gái thoát khỏi Việt Nam vào năm 1981. Vân, em gái út của Tuấn, và bà ngoại bị bỏ lại.
 

Qua cuốn chuyện đó, nhiều độc giả đã hỏi bà Marsha Skrypuch, người đã giúp Tuấn kể lại câu chuyện trong sách, rằng, “Chuyện gì đã xảy ra với đứa bé nhỏ tuổi nhất?”

Nay, trong cuốn sách tự truyện dành cho các em trong độ tuổi từ 8 tới 12, tựa đề là Too Young to Escape: A Vietnamese Girl Waits to be Reunited with Her Family, bà Marsha Skrypuch giúp trả lời câu hỏi trên.

Skrypuch và Hồ Vân, nay đã thành người lớn, hợp tác trong cuốn truyện thuật lại cuộc đời của Vân, từ buổi sáng khi em thức dậy bỗng thấy mẹ và anh chị biến mất, cho đến lúc, bốn năm sau đó, em được đoàn tụ với gia đình ở Toronto, Canada.

Câu chuyện được kể từ nhãn quan thời thơ ấu của Vân, với ngữ vựng và tình cảm phù hợp với tuổi trẻ. Tuy nhiên, cuốn truyện có sức thu hút độc giả ở mọi lứa tuổi vì nội dung đơn giản và sống thực. “Ngay sau đó, tôi muốn hét lên và la to,” Vân nói khi em được Bà Ngoại cho biết gia đình em đã rời khỏi đất nước và để em ở lại.

“Nhưng rồi tôi hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh. Tôi không thể biểu lộ điều tôi cảm thấy. Thay vì vậy, tôi lết lên cầu thang để bắt đầu công việc buổi chiều. Tôi không chịu tin lời bà ngoại nói.”

Vân và Bà Ngoại phải sống bám vào dì và cậu của Vân, mà hai người này đã mất công việc làm ăn của họ. Vân và Bà Ngoại bị đối xử như những người đầy tớ, phải làm việc nhà triền miên. Thỉnh thoảng, dì của Vân tát em vì em làm không việc chậm chạp. Khi cảm giác bị bỏ rơi trở về, Vân phải gác nó sang một bên, có gắng quên bằng việc đi học, làm việc lặt vặt - nhận lấy những công việc mà mẹ, hai chị và anh trai để lại.

Phần lớn trong cuốn Too Young to Escape đều tập trung vào cách thức đối phó của Vân trong bốn năm kế tiếp, gắn bó với Bà Ngoại và một cô bé cùng trường đang sống trong một tình cảnh tương tự. Và đôi khi Vân vật lộn với một thực tại chính trị khó hiểu: “Các giáo viên của chúng tôi nói với chúng tôi rằng [Hồ Chí Minh] là lãnh tụ vĩ đại của chúng tôi. Nhưng ở nhà, không ai nói điều gì tốt đẹp về ông ấy. Tôi biết từ những lời thì thầm giữa Má và Bà Ngoại rằng Hồ Chí Minh là lý do khiến cho chúng tôi bị mất nhà... Nhưng khi tôi nhìn lên tấm ảnh ông ấy, tôi nghĩ rằng đôi mắt của ông có vẻ tử tế.”

Khi nhận được tin từ mẹ của Vân nói rằng họ đến Canada an toàn và muốn Vân sang đó, em không muốn đi. “Mắt tôi đẫm lệ. Cha mẹ và anh chị tôi đã phai mờ trong trí nhớ của tôi.”

Ở đây, và trong suốt cuốn sách, hai tác giả tránh lối viết lấy tình cảm và giật gân, tạo một cuốn truyện tự thuật đơn giản, trung thực về khả năng linh động và cách thức không thể đoán trước mà trẻ em hành động và phản ứng để sống còn.

A Grain of Rice

A Grain of Rice (Một Hạt Cơm) cũng kể câu chuyện về một gia đình tìm cách rời khỏi Việt Nam sau chiến tranh. Dựa một cách lỏng lẻo trên kinh nghiệm của tác giả Nhung N. Trần-Davies và gia đình cô - họ thoát khỏi Việt Nam vào cuối thập niên 1970 - cuốn tiểu thuyết là một tường thuật giả tưởng, nhằm cung cấp cho độc giả một bức tranh đầy đủ hơn về thời gian, đưa lịch sử chính trị của khu vực, những chủ đề tôn giáo và tín ngưỡng vào trong đó, và một sự mô tả sống động về những nỗi kinh hoàng liên tục mà những người vượt biển phải chịu đựng.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1978, khi Yến, 13 tuổi, mẹ cô, và hai đứa em bị mắc kẹt trong một trận bão và lũ quét - thêm một tai họa giáng xuống trong cuộc sống vốn đã khó khăn: “Mặc dù tiếng súng và tiếng bom đạn đã ngưng cách đây ba năm... chúng tôi vẫn không an toàn hay tự do hơn,” Yến nói.

“Những người bộ đội miền Bắc đã lấy mọi thứ của chúng tôi... Với trận lụt này, ai biết chúng tôi có còn gì để ăn hay không.”

Yến tỏ vẻ tức giận nhưng có sự cảm thông sâu sắc. Em không hiểu tại sao mẹ em vẫn cầu nguyện với các vị thần Phật Giáo đã từ bỏ họ, hoặc làm thế nào em hiểu biết về những người thân khá giả nhưng không muốn giúp đỡ. Tuy nhiên Yến cũng thấy người mẹ đơn thân của em chăm sóc cho những người hàng xóm, thách thức vào mặt những bộ đội, và cuối cùng dẫn con cái ra khỏi đất nước.

Cuốn truyện này bày tỏ tình thương và sự ngưỡng mộ dành cho một hình tượng người mẹ không biết mỏi mệt, người đã cung cấp một tấm gương mạnh mẽ cho con gái bà. Từ mẹ, Yến cũng biết chú ý đến sự bất hạnh của những người khác, và nhanh chóng đưa thức ăn của em cho những người cần hơn. Trong cuộc sống của những nhân vật này, “một hạt cơm có nghĩa là mọi thứ.”

Cao điểm của truyện diễn ra trong một chiếc tàu đánh cá bằng gỗ ọp ẹp, chứa cả hàng trăm người tị nạn, vượt biển sang Mã Lai Á. Khi tàu bị chết máy, các thuyền nhân phải lênh đênh nhiều ngày trên biển. Cuộc sống dưới boong tàu thật là khốn khổ, và có những lúc độc giả phải tự hỏi làm sao những người này có thể chịu đựng được như vậy. Tiền của gia đình bị cướp, họ bị bắn, và có những ngày nôn nửa, đói bụng và bị khô nước. Và sau đó là một cuộc tấn công của hải tặc.

Mặc dù cuốn truyện có nội dung chắc chắn ly kỳ, A Grain of Rice cũng làm cho người đọc phải suy nghĩ, cho họ những cái nhìn sâu hơn vào những biến cố đến nay vẫn còn ám ảnh những người Canada gốc Việt - và những nỗi gian khổ của dân tị nạn trong quá khứ và hiện tại.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT