Người Việt Khắp Nơi

Hân hoan mừng kỷ niệm Chúa Giáng Sinh 2020 năm

Monday, 23/12/2019 - 06:24:20

LITTLE SAIGON - Đêm nay, đêm 24 tháng 12, 2019 toàn thể tín đồ Kitô giáo gồm Công Giáo, Tin Lành, Anh Giáo đều long trọng cử hành Đại Lễ Vọng Giáng Sinh.



Cha xứ Phạm Ngọc Tuấn rước tượng Chúa Hài Đồng lên đặt trong máng cỏ trên cung thánh trước khi cử hành thánh lễ. (Thanh Phong/ Viễn Đông)



Bài THANH PHONG
LITTLE SAIGON - Đêm nay, đêm 24 tháng 12, 2019 toàn thể tín đồ Kitô giáo gồm Công Giáo, Tin Lành, Anh Giáo đều long trọng cử hành Đại Lễ Vọng Giáng Sinh. (Vọng có nghĩa là mong chờ, là trông đợi ngày Chúa Giáng Sinh) còn 25 tháng 12 hàng năm mới là ngày chính lễ. Riêng tín đồ Chính Thống Giáo mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày lễ Hiển Linh hay còn gọi là Lễ Ba Vua (7 tháng Giêng). Tuy khác ngày nhau nhưng tất cả tín hữu đều xác tín rằng Chúa Giêsu Giáng Sinh, chữ “Giáng” có nghĩa là Ngôi Hai Thiên Chúa từ trời cao sinh xuống trần thế.

Lễ Giáng Sinh đối với người Kitô giáo mang ý nghĩa vô cùng quan trọng vì là ngày Ngôi Hai Thiên Chúa từ trời cao hạ mình xuống trần gian, khởi đầu cho công cuộc cứu chuộc nhân loại, đem an bình và niềm vui đến cho mọi người. Thế nên đêm nay là đêm linh thiêng, đêm huyền nhiệm, trời và đất giao hòa như lời trong bản thánh ca bất hủ “Đêm Thánh Vô Cùng” của Franz Gruber, nhạc sĩ Hùng Lân dịch sang tiếng Việt: Đêm thánh vô cùng / Giây phút tưng bừng / Đất với Trời se chữ đồng / Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ / Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa / Ơn châu báu không bờ bến / Biết tìm kiếm của chi đền…”

Vì mang ý nghĩa vô cùng quan trọng như thế nên các giáo xứ nói chung và tại giáo xứ Saint Barbara nói riêng, cha xứ Phạm Ngọc Tuấn và các Cha Phó đã tạo điều kiện cho giáo dân chuẩn bị tâm hồn để xứng đáng đón mừng ngày Chúa Giáng Sinh bằng hai buỗi Tĩnh Tâm và hai buổi làm hòa với Chúa qua bí tích Giải Tội, mỗi buổi có trên 30 linh mục đến ngồi tòa.



Linh Mục Benjamin Hoàng Điệp đang cử hành thánh lễ, phía dưới bàn thờ có Máng Cỏ đơn sơ. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Ngoài ra, để tất cả giáo dân có thể tham dự thánh lễ mà không bị trở ngại về giờ giấc, cha xứ Phạm Ngọc Tuấn đã tổ chức 6 Thánh lễ Vọng Giáng Sinh trong chiều và tối 24 tháng 12: Thánh lễ đầu tiên vào lúc 3 giờ chiều, sau đó các thánh lễ vào 5 giờ chiều, 6 giờ 30 tối (một tại thánh đường, một tại hội trường), 8 giờ tối và 10 giờ đêm.

Cha xứ và ba cha phó Benjamin Hoàng Điệp, Giuse Trịnh Ngọc Danh và Ramon Cisneros đã cử hành thánh lễ với hàng ngàn giáo dân sốt sắng tham dự. Ngoài các bài Thánh Kinh, các Linh Mục đều nhắc lại sự mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh mang tin mừng cứu rỗi cho nhân loại, và nhắc nhở các tín hữu trong khi mừng kỷ niệm ngày Chúa giáng trần hãy nhớ lời các Thiên Sứ hát mừng Chúa trong Đêm Giáng Sinh “Vinh Danh Thiên Chúa Trên Trời / Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm.”

Để có được sự bình an, con người phải có tâm hồn ngay thẳng, không gian dối, lừa đảo, không vu oan giá họa cho người khác, và phải có lòng thương yêu tha nhân, nhất là những người khốn cùng trong xã hội. Tuy nhiên hiện nay, lễ Giáng Sinh không còn riêng của người Kitô giáo mà đã bị “tục hóa.” Nhiều người thay vì đón mừng Chúa ra đời họ đã lợi dụng dịp này để tổ chức tiệc tùng vui chơi, mua sắm và thậm chí nhiều người Công Giáo còn bỏ lễ đi Las Vegas để vui chơi cờ bạc!

Mừng kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh hầu hết các Linh Mục đều nhắc nhở giáo dân phải thay đổi thái độ và cách sống để có một Lễ Giáng Sinh linh thiêng, đạo đức, thánh thiện vì đây là biến cố trọng đại nhất cho mỗi người Kitô hữu.



Máng cỏ phía ngoái nhà thờ trong đêm trước Lễ Giáng Sinh. (Thanh Phong/ Viễn Đông)



Nhà văn Huy Phương, một Phật tử cao niên đã có ý nghĩ về ngày Lễ Giáng Sinh thật sâu sắc, ông viết: “Một ngày đã nhanh, một tháng, một năm, nghĩ lại vô cùng ngắn ngủi. Nhưng nếu cuộc đời không có ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, không có Ngày Mẹ, Ngày Cha, không có ngày Lễ Tạ Ơn, không có ngày Lễ Giáng Sinh thì cuộc sống này bằng phẳng, đơn điệu như một cánh đồng tuyết trắng xóa, lạnh lẽo, vô tận và buồn nản đến chừng nào! Giáng Sinh ngày nay, trên thế giới này, không còn chỉ là một ngày lễ của Thiên Chúa Giáo nữa, vì vào ngày này hình ảnh của Đức Chúa hình như cũng bị mờ nhạt, nhường chỗ cho hình ảnh của Ông Già Noel Santa Claus, và Thập Tự Giá cũng lu mờ trước ánh sáng của những ngôi sao lạ lấp lánh trên bầu trời và cả trên đường phố đêm nay. Ví như một Đấng Cứu Thế vì hạnh phúc của nhân loại, chọn sinh ra trong hình hài của một con người bình thường, tình nguyện vào đời, thì ý nghĩ của ngày lễ Giáng Sinh cũng có nghĩa là tấm lòng vị tha, nghĩ đến niềm vui và hạnh phúc của người khác. Ví như vào dịp lễ Noel, người ta ít chú ý đến bản thân mình, vào tiệm sắm một bộ cánh hay một đôi giày mới cho mình, mà đi tìm mua những món quà cho người khác, không chỉ một người thân mà nhiều người. Gần gũi thì vợ chồng, thương yêu thì dành cho con cái, rồi đến bạn bè và những người quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày, cả đến người đưa thư mỗi ngày, hay người lao công đổ rác, có khi chúng ta không biết đến tên tuổi của họ, nhưng họ có mặt trong đời sống của chúng ta hàng ngày…”

Một lời nhắc nhở rất ý nghĩa trong Mùa Giáng Sinh năm nay của một Phật tử, thật đáng cho nhiều người Công Giáo chúng ta suy gẫm.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT