Tiêu Thụ

Hàng giả xâm nhập thị trường Mỹ như thế nào?

Friday, 26/06/2015 - 10:24:19

Đến cả thuốc cũng giả mạo được với liều lượng quá thấp hoặc quá cao, đã hết hạn, hoặc phẩm chất hoàn toàn thay đổi…. Thực là một tình trạng nguy hiểm và đầy bất trắc.

Bài ERIC TRẦN


                Túi hơi (airbag) trong xe này là giả. Khi hữu sự, nó không chịu bung. (Consumer Reports)


Như chúng ta đã từng nói: Hàng Mỹ đang hồi sinh và lấy lại tiếng tăm vốn là của mình trên thị trường thế giới. Trong lúc trái đất càng lúc càng nhỏ lại, giới sản xuất ở đâu cũng muốn đem hàng vào bán cho dân Mỹ. Lại thêm sự phát triển của thương mại qua Internet nối kết người mua với người bán một cách dễ dàng, bất kể gần xa. Trong nỗ lực kiếm lời, giới con buôn không ngần ngại “qua mặt” chế độ kiểm soát tương đối có trật tự tại Hoa Kỳ để đưa vào nhiều sản phẩm giả mạo. Năm ngoái, Cơ Quan Di Trú và Quan Thuế Hoa Kỳ (US Immigration and Customs Enforcement) đã cấm cửa 29,684 websites sau khi khám phá ra họ đã bán hàng giả mạo trên mạng. Với nền doanh nghiệp chính thống tại Hoa Kỳ, hàng giả mạo đã làm thiệt hại $250 tỷ đô mỗi năm. Về phía giới tiêu thụ, khi mua phải đồ giả, chúng ta lâm vào tình trạng “tiền mất tật mang.”
Mặc dầu đã tận tình đối phó với nạn hàng giả xâm nhập biên giới, chính phủ Hoa Kỳ cũng phải thừa nhận rằng họ chỉ phanh phui ra một phần nhỏ. Nhưng chỉ cái phần nhỏ đó thôi cũng tăng lên một cách đáng kể. Theo Sở Hải Quan và Bảo Vệ Biên Giới Hoa Kỳ (CBP), trị giá của số hàng giả tịch thu được đã tăng 38.1% trong năm 2013, lên tới $1.7 tỷ so với $1.2 tỷ năm 2012, với đủ mọi mặt hàng từ thuốc men, mỹ phẩm đến các mặt hàng thời trang, giầy dép, máy móc điện tử, nhãn hiệu giả, và nhiều nhất là túi xách tay… Giới chức CBP cho biết, dược mỹ phẩm giả mạo phần lớn xuất phát từ Ấn Độ và từ Trung Hoa.
Nói riêng về thuốc men, Sở CBP cho biết, có tới 6% số hàng tịch thu được năm ngoái là dược mỹ phẩm. Đến cả thuốc cũng giả mạo được với liều lượng quá thấp hoặc quá cao, đã hết hạn, hoặc phẩm chất hoàn toàn thay đổi…. Thực là một tình trạng nguy hiểm và đầy bất trắc.

Botox


                         Thuốc bơm chống nhăn: Hàng giả (trái), hàng thật (phải) (Consumer Reports)

Cụ thể như Botox, thuốc bơm chống nếp nhăn để trẻ hóa gương mặt, chính gốc do hãng Allergen sản xuất. Nhưng tháng Tư vừa qua, cơ quan quản lý Dược Thực Phẩm FDA đã phải lên tiếng khuyến cáo sau khi phát hiện Botox giả được một đơn vị không có môn bài kinh doanh phân phối đến các bác sĩ và nhiều y viện trên toàn quốc. Số Botox này bị FDA coi là không-an-toàn do nguồn gốc bất minh.
Là người tiêu thụ, chúng ta thường tin vào ý kiến của các nhà chuyên môn. Nhưng trong trường hợp này, nhiều khi chính bác sĩ cũng bị lừa, hoặc tệ hơn nữa, các vị “lương y” này lại toa rập lường gạt thân chủ thì không biết còn tin cậy vào ai?
Cơ quan Consumer Reports nêu ra được vài điểm khác biệt giữa Botox giả và thật như sau: Hộp đựng chai Botox giả chỉ có những chữ LOT, MFG, EXP đứng chơ vơ, mà lẽ ra phải có một con số nào đó (thí dụ LOT: 52….) đi sau mới là thuốc thật. Thêm nữa, thành phần ghi trên hộp và trên chai thuốc giả là “botulinum toxin type A,” chứ không phải là “onabutulinumtoxin A” như thuốc thật. Biết vậy rồi, nhưng không hiểu trước khi bác sĩ bơm Botox vào, liệu có quí bà/quí cô nào dám thắc mắc hỏi lại, “Botox của bác sĩ có phải là hàng giả không?”

Tròng Contact Lens

Contact Lens là tròng kính đeo sát vào con ngươi, thay cho cặp mục kỉnh đeo trên sống mũi và ghệ vào 2 tai. Nếu bạn có thể mua được tròng Contact Lens mà không cần đi bác sĩ, không cần lấy toa thì chắc chắn đó là của giả. Bác sĩ Bernard Lepri, chuyên khoa mắt trong hội đồng FDA, cho hay, Contact Lens nếu không vừa khít, sẽ gây ra sự tổn hại trầm trọng đối với đôi mắt, nhẹ nhất là trầy sát tròng mắt, nặng hơn là nhiễm trùng, pickeye (đỏ tròng trắng mắt), thậm chí có thể mù…”
Thiết tưởng, đây cũng là lời cảnh giác cho những người thích về VN để …. hưởng (giá rẻ). Tròng mắt là bộ phận cực kỳ nhạy cảm, không nên vì hàng rẻ mà để lại những thiệt hại không thể nào hàn gắn được cho đôi mắt.
Túi xách tay hàng hiệu:
Nhưng nhiều nhất là túi giỏ xách tay mang những nhãn hiệu nổi tiếng, chiếm tới 40% trong tổng số hàng giả tịch thu được. Mặc dầu chỉ có giá trị trang hoàng, nhưng các túi xách hàng hiệu lại rất đắt, nên con buôn bất lương rất thích khai thác loại sản phẩm này. Giám đốc phòng chính sách và chương trình tại Sở Quan Thuế và Bảo Vệ Biên Giới (CBP), bà Therese Randazzo, nhận xét, “Một cái túi xách giả hiệu Coach bán được vài trăm đô, nhưng hiệu Hermes có thể bán ra vài ngàn đô.” Theo CBP, đa số hàng giả nhãn hiệu cao cấp đều xuất phát từ Trung Hoa lục địa.
Ngoài ra, còn vô số mặt hàng giả hiệu khác như: Đồng hồ (hạng nhì trong số hàng giả tịch thâu), đĩa nhạc CD, DVD, máy móc điện toán, giầy dép, đồ điện tử… Không thiếu thứ gì.
Phải làm gì để tránh hàng giả?
Là người tiêu thụ, chúng ta phải cẩn thận hơn khi mua hàng ở chợ trời, các cửa hàng bán đồ Discount, cửa hàng no-name…. và ngay cả những kiosque trong Malls lớn. Khi mua hàng trên mạng, chỉ nên giao dịch với các trang mạng uy tín như Amazon….. Cẩn thận với Ebay.
Không nhất thiết “của rẻ” sẽ là “của ôi”, nhưng khi gặp được một mặt hàng đặc biệt rẻ hơn tại một nơi nào đó, thì chưa hẳn đó là dấu hiệu đáng mừng, đúng hơn đó phải là dấu hiệu buộc người mua cảnh giác hơn.
Đáng tiếc, nhiều khi chúng ta biết rằng đó là của giả mà vẫn mua. Chính cái cung cách này nuôi sống bọn bất lương. Bà Sandra Bell, phụ tá Ủy Viên Phòng Giao Dịch Quốc Tế nhận xét, “Nếu giới tiêu thụ đừng mua hàng giả, chẳng ai còn muốn sản xuất hàng giả và người bán hàng giả chẳng còn chỗ tiêu thụ.”
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT