Người Việt Khắp Nơi

Hàng ngàn công nhân VN biểu tình chống Trung Cộng, công ty Đài Loan bị vạ lây

Tuesday, 13/05/2014 - 10:41:05

Không khí chống nước láng giếng khổng lồ của Việt Nam đã tiếp tục sôi động và nóng hơn trong ngày thứ Ba. Tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, hàng ngàn công nhân đã đồng loạt nghỉ làm, rủ nhau xuống đường để phản đối sự việc Trung Cộng đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam



Một công ty của Trung Quốc bị các công nhân xô xập cổng ngày thứ Ba.

BÌNH DƯƠNG – Không khí chống nước láng giếng khổng lồ của Việt Nam đã tiếp tục sôi động và nóng hơn trong ngày thứ Ba. Tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, hàng ngàn công nhân đã đồng loạt nghỉ làm, rủ nhau xuống đường để phản đối sự việc Trung Cộng đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông.

Do diễn biến quá bất ngờ, cuộc biểu tình lớn chưa từng có của công nhân đã khiến toàn bộ các khu công nghiệp và hệ thống an ninh Bình Dương bị tê liệt gần như hoàn toàn.

Đến buổi trưa cùng ngày, cuộc tổng đình công và biểu tình đã lan rộng ra các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Sóng Thần, Việt Hương, v.v.. Theo các nguồn tin địa phương, bạo động đã xảy ra sau khi có một số công nhân kéo đến tấn công, đập phá nhắm vào các công ty của Trung Quốc, Đài Loan. Các nhà máy của Trung Quốc và Đài Loan đã có khoảng 10,000 nhân viên.

Các video, hình ảnh cho thấy những người biểu tình mặc áo công nhân kéo xuống tràn ngập các ngả đường, tạo nên một khung cảnh huyên náo và hỗn độn. Lực lượng công an tỏ ra khá chậm chạp trong việc giữ gìn trật tự. Quốc lộ 13 kẹt cứng hàng mấy cây số.

Từ sáng ngày 13 tháng Năm, công nhân tại các nhà máy do Trung Quốc và Đài Loan đầu tư đã đột ngột đình công để phản đối Trung Cộng đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Sau đó, đoàn biểu tình kéo sang các nhà máy khác kêu gọi công nhân cùng đình công, xuống đường biểu tình chống Trung Cộng xâm lược.

Sự hưởng ứng của công nhân đã tạo hiệu ứng dây truyền lan sang các khu công nghiệp và nhà máy hiện đang trú đóng tại Bình Dương. Đến 12 giờ trưa, gần như tất cả các nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc đã phải đóng cửa.

Do đây là cuộc biểu tình hoàn toàn mang tính tự phát, một số công nhân đã có hành động quá khích khi kéo đến đập phá nhiều nhà máy, phân xưởng của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

Các công ty có vốn đầu tư của Singapore, Nam Hàn, Nhật Bản đã phải vội vàng treo cờ của quốc gia mình lên trước công ty để tránh bị vây hãm.

Chịu thiệt hại nặng nhất trong ngày thứ Ba chủ yếu là các công ty Trung Quốc và Đài Loan. Một số người đã giật cờ Trung Quốc mang đốt, xô ngã cổng, đập phá và tháo dỡ các bảng hiệu ghi tiếng Trung Quốc. Thậm chí, một số nhà máy không phải của Trung Quốc cũng bị tấn công.

Những vụ tấn công như trên đã gây nên tình trạng hết sức hỗn loạn và có chiều hướng gia tăng trên diện rộng.

Đến 3 giờ chiều cùng ngày, lực lượng cảnh sát cơ động được huy động tại một số khu vực, tuy nhiên công nhân vẫn tiếp tục tuần hành.

Cùng ngày, công nhân các khu công nghiệp như Linh Trung, Tân Tạo và các nhà máy tại nhiều địa điểm tại Sài Gòn đã diễn ra những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc. Theo ghi nhận, cuộc biểu tình tại Sài Gòn diễn ra khá ôn hòa và chưa xảy ra điều gì đáng tiếc.

Trong những giờ cao điểm vào buổi sáng và buổi trưa, một số trang mạng tại Việt Nam có đăng hình các nhóm người cầm cờ đỏ sao vàng, đập phá bảng hiệu của các nhà máy.

Một nhân chứng có tên là Trần Thế Mỹ, làm việc tại công ty giày An Lạc thuộc Quận Bình Tân, Sài Gòn, nói với đài BBC rằng có một nhóm công nhân khoảng hơn 20 người đã vào một công ty giày da sát bên có tên là Lạc Tỷ của nhà đầu tư Trung Quốc để phản đối.

Theo lời của cô Mỹ thì trong số những người này có những người mặc áo công nhân của Công ty giày da Pou Yuen, một công ty có vốn đầu tư của Đài Loan.

Nhân chứng này cho biết nhóm người này đã vào công ty của cô trước.

"Họ đứng ở đây hò hét một tí rồi chạy sang bên kia (công ty Lạc Tỷ) xô cổng vô bảo vệ chạy vô ngăn không được," cô nói.

"Họ không có băng rôn, biểu ngữ, chỉ có cờ Việt Nam, một số cành cây và thùng để đập," cô nói thêm, "Họ chỉ hô tên Việt Nam thôi."

"Họ vô được một khúc cửa và tập trung ở bên ngoài (công ty Lạc Tỷ) tiếp tục hò hét Việt Nam, Việt Nam. Họ không có đập đồ gì hết."

Cô Mỹ còn cho biết vào sáng thứ Ba khi cô đi ngang qua công ty Pou Yuen thì thấy công nhân ra về. Cô có hỏi các công nhân thì được biết có một số người đập phá, treo cờ của Việt Nam buộc khối văn phòng phải thông báo cho công nhân đi về.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT