Hoa Kỳ

Hàng trăm người vô gia cư chết vì nắng nóng gay gắt

Monday, 20/06/2022 - 07:42:53

Hàng trăm mái lều màu xanh lam, xanh lá cây và xám được dựng lên dưới những tia nắng chói chang...


Những túp lều tránh nắng giữa thành phố. Người vô gia cư dựng lều sống tạm dọc theo một xa lộ tại thành phố Los Angeles, California trong hình chụp ngày 16 tháng Hai, 2022. Trên toàn nước Mỹ, mỗi năm vẫn có hàng trăm người vô gia cư chết vì nắng trong mùa hè. Thứ Ba hôm nay, ngày 21 tháng Sáu, là ngày đầu tiên của mùa hè năm 2022. Mặc dù mùa hè chỉ mới bắt đầu, nhưng vì hiện tượng biến đổi khí hậu trên toàn cầu khiến nhiệt độ nóng hơn trước, các viên chức của chính quyền cũng như các chuyên gia đang lo ngại số người thiệt mạng vì nắng nóng năm nay sẽ còn cao hơn so với những năm trước. (Frederic J. Brown/ AFP via Getty Images)


PHOENIX - Hàng trăm mái lều màu xanh lam, xanh lá cây và xám được dựng lên dưới những tia nắng chói chang của mặt trời ở trung tâm thành phố Phoenix,tiểu bang Arizona, một mớ bòng bong bằng vải mỏng manh và nhựa dọc theo vỉa hè đầy bụi. Ở đây, trong thành phố lớn nóng nhất ở Mỹ, hàng ngàn người vô gia cư chịu đựng sức nóng khi nhiệt độ lên tới trên 100 độ F vào mùa hè.

Con số lều đã tăng vọt trước tình trạng đuổi nhà trong thời đại đại dịch, và giá thuê tăng cao khiến thêm hàng trăm người đổ ra những con phố nóng nực yên tĩnh đến kỳ lạ khi nhiệt độ lên đến cao điểm vào giữa buổi chiều. Một đợt nắng nóng vào đầu tháng này đã khiến nhiệt độ lên tới 114 độ F (45.5 độ C) - và đó mới chỉ là tháng Sáu. Nhiệt độ cao nhất đạt 118 độ (47.7 độ C) vào năm ngoái.

Chris Medlock, một người đàn ông vô gia cư ở Phoenix, được biết đến trên đường phố với cái tên “T-Bone”, cho biết, “Vào ban đêm, rất khó tìm được chỗ đủ mát mẻ để ngủ mà không bị cảnh sát bắt." Anh ta thường cất tất cả vật dụng trong một chiếc ba lô nhỏ và thường ngủ trong một công viên hoặc một sa mạc để tránh đám đông.

Tại một phòng ăn, nơi những người vô gia cư có thể có được một chút bóng mát và một bữa ăn miễn phí, anh Medlock nói, “Nếu có người tốt bụng cung cấp một chỗ trên chiếc ghế dài trong nhà của họ thì có lẽ sẽ có nhiều người sống hơn."

Nhiệt độ quá cao gây ra nhiều trường hợp tử vong liên quan đến thời tiết ở Hoa Kỳ hơn cả bão, lũ lụt và gió lốc cộng lại. Trên khắp đất nước, nắng nóng góp phần gây thiệt mạng khoảng 1,500 người mỗi năm, trong số đó khoảng một nửa là người vô gia cư.

Nhiệt độ gần như đang tăng lên ở khắp mọi nơi do hiện tượng toàn cầu đang ấm lên, kết hợp với hạn hán tàn khốc ở một số nơi tạo ra những đợt nắng nóng gay gắt hơn, thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Mùa hè vừa qua là một trong những mùa hè nóng nhất được ghi nhận.

Chỉ trong quận hạt bao gồm Phoenix, ít nhất 130 người vô gia cư nằm trong số 339 người chết vì các nguyên nhân liên quan đến nắng nóng vào năm 2021.

Bà Kristie L. Ebi, giáo sư sức khỏe toàn cầu tại Đại Học Washington, cho biết, “Nếu 130 người vô gia cư kia chết theo bất cứ cách nào khác thì đó sẽ được coi là một sự kiện thương vong hàng loạt."

Đây là một vấn đề xảy ra khắp Hoa Kỳ và giờ đây, với nhiệt độ toàn cầu tăng cao, nắng nóng không còn là mối nguy hiểm chỉ ở những nơi như Phoenix. Theo một bản đồ theo mùa mà các nhà khí hậu học tình nguyện tạo ra cho Viện Nghiên Cứu Quốc Tế tại Đại Học Columbia, mùa hè này có thể sẽ có nhiệt độ cao trên mức bình thường.

Mùa hè năm ngoái, một đợt nắng nóng đã kéo đến vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, nơi thường có khí hậu ôn đới, khiến người dân Seattle phải ngủ trong sân và trên mái nhà của họ, hoặc tìm đến các khách sạn có máy lạnh. Trên khắp tiểu bang, một số người được cho là vô gia cư đã chết ở ngoài trời, trong đó có một người đàn ông gục sau một trạm xăng.

Tại tiểu bang Oregon, lần đầu tiên các viên chức đã mở các trung tâm mát 24 giờ. Các đội tình nguyện viên mang nước và kem đến các trại vô gia cư ở ngoại ô Portland. Một phân tích khoa học nhanh chóng kết luận đợt nắng nóng Tây Bắc Thái Bình Dương năm ngoái hầu như không thể xảy ra nếu không có sự thay đổi khí hậu do con người gây ra làm tăng thêm vài độ, vượt các kỷ lục trước đó.

Ngay cả Boston cũng đang tìm cách bảo vệ các khu dân cư đa dạng như khu phố Tàu, nơi mật độ dân số và có ít cây bóng mát khiến nhiệt độ lên tới 106 độ (41 độ C) trong những ngày hè. Thành phố lên kế hoạch tăng tán cây và các loại bóng râm khác, sử dụng vật liệu mát hơn cho mái nhà và mở rộng mạng lưới các trung tâm làm mát trong các đợt nắng nóng.

Đây không chỉ là vấn đề của Hoa Kỳ. Vào năm ngoái, một phân tích tập dữ liệu do trường khí hậu của Đại Học Columbia công bố cho thấy khả năng bị nhiệt độ khắc nghiệt đã tăng gấp ba lần và hiện ảnh hưởng đến khoảng một phần tư dân số thế giới.

Mùa xuân năm nay, một đợt nắng nóng khắc nghiệt đã bao trùm phần lớn Pakistan và Ấn Độ, nơi tình trạng vô gia cư thường thấy do sự kỳ thị và không đủ nhà ở. Nhiệt độ cao nhất ở Jacobabad, Pakistan gần biên giới với Ấn Độ đạt 122 độ F vào tháng Năm.

Tiến sĩ Dileep Mavalankar, người đứng đầu Viện Y Tế Công Cộng Ấn Độ ở thành phố Gandhinagar, miền Tây Ấn Độ, cho biết do báo cáo sơ sài nên không biết có bao nhiêu người chết trong nước vì tiếp xúc nhiệt độ cao.

Các trung tâm làm mát vào mùa hè cho người vô gia cư, người già và những người dễ bị tổn thương khác đã được mở ở một số quốc gia Âu Châu vào mùa hè kể từ khi một đợt nắng nóng giết chết 70,000 người trên khắp châu Âu vào năm 2003.

Nhân viên dịch vụ khẩn cấp đi xe đạp tuần tra các đường phố của Madrid, phân phát túi đá và nước trong những tháng nóng nực. Tuy nhiên, khoảng 1,300 người, hầu hết là người cao tuổi, tiếp tục chết ở Tây Ban Nha vào mỗi mùa hè vì các biến chứng sức khỏe trầm trọng hơn do nhiệt độ quá cao.

Tây Ban Nha và miền nam nước Pháp tuần trước đã phải trải qua thời tiết nắng nóng bất thường vào giữa tháng Sáu, với nhiệt độ lên tới 104 độ F (40 độ C) ở một số khu vực.

Nhà khoa học khí hậu David Hondula, người đứng đầu văn phòng giảm thiểu nhiệt mới tại Phoenix, nói rằng với thời tiết khắc nghiệt như hiện nay trên khắp thế giới, cần có nhiều giải pháp hơn để bảo vệ những người dễ bị tổn thương, những người vô gia cư có nguy cơ tử vong do nhiệt độ cao hơn khoảng 200 lần so với những người được trú ẩn.

“Khi nhiệt độ tiếp tục tăng trên khắp Hoa Kỳ và thế giới, các thành phố như Seattle, Minneapolis, New York hoặc Kansas City không có kinh nghiệm hoặc cơ sở hạ tầng để đối phó với nắng nóng cũng phải điều chỉnh.”
Tại Phoenix, các viên chức và những người ủng hộ hy vọng một tòa nhà bỏ trống gần đây được chuyển đổi thành nơi tạm trú với 200 giường cho người vô gia cư sẽ giúp cứu sống nhiều người trong mùa hè này.

Anh Mac Mais, 34 tuổi, là một trong những người đầu tiên chuyển đến. Mais sống vô gia cư lúc có lúc không kể từ khi còn là một thiếu niên, cho biết:

“Rất khó khăn. Tôi cố tránh vào trong nhà hoặc bất cứ nơi nào tôi có thể tìm thấy. Ở đây, tôi có thể nghỉ ngơi thực sự, điền đơn xin việc, tránh nóng.”

Tại Las Vegas, các đội phân phát nước đóng chai cho những người vô gia cư sống trong các khu trại xung quanh quận hạt và bên trong mạng lưới thoát nước mưa ngầm dưới dải Las Vegas.

Tại Ahmedabad, Ấn Độ, dân số 8.4 triệu, là thành phố Nam Á đầu tiên thiết kế kế hoạch hành động chống nóng vào năm 2013.

Thông qua hệ thống báo động, các nhóm phi chính phủ tiếp cận những người dễ bị tổn thương và gửi tin nhắn đến điện thoại di động. Các tàu chở nước được điều động đến các khu ổ chuột, trong khi các bến xe buýt, đền thờ và thư viện trở thành nơi trú ẩn cho mọi người thoát khỏi những tia nắng chói chang.
Tuy nhiên, nhiều cái chết vẫn xảy ra.

Bà Kimberly Rae Haws, một phụ nữ vô gia cư 62 tuổi, đã bị bỏng nặng vào tháng 10 năm 2020 trong khi nằm không biết bao lâu trên một chiếc mui xe cháy khét ở Phoenix. Nguyên nhân cái chết sau đó của bà không bao giờ được điều tra.

Một người đàn ông trẻ có biệt danh Twitch đã chết vì tiếp xúc với nhiệt khi anh ta ngồi trên lề đường gần nhà bếp súp Phoenix vài giờ trước khi nó mở cửa vào một ngày cuối tuần vào năm 2018. Jim Baker, người trông coi phòng ăn đó cho tổ chức từ thiện St. Vincent de Paul, cho biết, “Anh ấy đang chờ dọn vào nhà ở cố định thứ Hai tới. Mẹ anh ấy thật đau khổ."

Nhiều cái chết như vậy không bao giờ được xác nhận là liên quan đến nhiệt và không phải lúc nào cũng được chú ý vì sự kỳ thị của tình trạng vô gia cư và thiếu kết nối với gia đình.

Khi một người phụ nữ 62 tuổi bị bệnh tâm thần tên là Shawna Wright qua đời vào mùa hè năm ngoái trong một con hẻm nóng bỏng ở Salt Lake City, cái chết của bà chỉ được biết đến khi gia đình bà đăng cáo phó nói rằng hệ thống an sinh xã hội đã không bảo vệ được bà trong tháng Bảy nóng nhất, khi nhiệt độ đạt đến 100đđộ F.

Chị gái của bà, Tricia Wright, cho biết việc giúp những người vô gia cư dễ có được nhà ở lâu dài sẽ giúp bảo vệ họ khỏi nhiệt độ khắc nghiệt vào mùa hè.

“Chúng tôi luôn nghĩ rằng em ấy rất mạnh mẽ, em có thể vượt qua,” Tricia Wright nói về em gái mình. "Nhưng ai mà mạnh mẽ đủ để chịu được sức nóng ấy."
(Nguồn tin AP)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT