Đời Sống Việt

Hành Hương kính Đức Mẹ Guadalupe (Phần 1)

Wednesday, 03/02/2016 - 09:34:11

Sau đó Juan Diego đến gặp Đức Giám Mục nhắc lại lời Đức Mẹ nhắn,thì anh vấp phải sự hoài nghi . Đức Giám Mục yêu cầu một dấu chỉ chứng minh sự trung thực của Juan Diego.

Phượng Vũ

Thú thật là từ nhỏ tới lớn khi ở Việt Nam, tôi chỉ nghe danh Đức Mẹ Fatima (Spain) rồi Đức Mẹ Lộ Đức (Pháp) sau này có thêm Đức Mẹ La Vang (miền Trung Việt Nam), chứ chưa hề nghe nhắc đến tên Đức Mẹ Guadalupe. Sau này khi qua định cư ở Mỹ, rồi dọn về Cali tôi bắt đầu để ý hình như nhà thờ Công Giáo nào cũng đều có hình Đức Mẹ Guadalupe, và được dân Mễ sùng kính đặc biệt. Do đó tôi và những người Công Giáo Việt Nam ở Mỹ thường hay gọi ngắn gọn là Đức Mẹ Mễ. Có lẽ do thói quen từ nhỏ mỗi lần đi nhà thờ thường hay ra hang đá Đức Mẹ Fatima hay Lộ Đức để cầu nguyện, lâu dần tôi cảm thấy những hình ảnh này thật thân quen nên tôi thường thích chạy đến tâm tình mỗi khi có những chuyện vui buồn trong đời sống. Còn Đức Mẹ Mễ sao tôi thấy xa lạ, coi như người chưa quen, mà đã chưa quen thì làm sao nói chuyện được, chứ nói chi đến chuyện tâm tình. Do đó ít khi tôi đến bàn thờ Đức Mẹ Guadalupe để cầu nguyện, cho đến khi đám cưới con gái vào đầu tháng 12. Lúc đó nhà thờ đang chuẩn bị mừng kính Đức Mẹ Guadalupe (12/12) bổn mạng của các nước Mỹ Châu, tôi nhìn thấy cả một “vườn hoa hồng” đủ màu sắc xinh tươi tràn ngập khu vực trước bàn thờ Đức Mẹ Guadalupe. Nhờ đó mà hình lễ cưới con gái cũng tràn ngập hoa hồng, khi cô dâu chú rể qua cầu nguyện trước bàn thờ Đức Mẹ sau lễ cưới. Từ đó tôi bắt đầu quan tâm và tìm hiểu thêm về Đức Mẹ Guadalupe.



Đức Mẹ Guadalupe đã hiện ra vào năm 1531 với một người thổ dân địa phương khiêm tốn tên là Juan Diego và phép lạ trọng đại chính là tấm khăn choàng ghi dấu chân dung của Mẹ một cách mầu nhiệm. Tấm khăn choàng này vốn là tấm vải thô sơ thường khoác trên vai người thổ dân theo tục lệ địa phương, được làm từ sợi cây xương rồng. (Sau này HDV có đưa chúng tôi đến xem tận mắt, cách họ lấy sợi ra từ cây xương rồng và dệt thành khăn, áo). Theo lẽ thường tấm khăn choàng in hình Đức Mẹ sẽ tan rã trong vòng 10-20 năm, nhưng tới bây giờ trải qua gần 6 thế kỷ, tấm khăn vẫn còn nguyên vẹn. Các màu sắc trên tấm khăn vẫn còn linh động, rực rỡ như lần đầu xuất hiện khi Juan Diego mở rộng tấm khăn choàng cho đức giám mục ở Mexico xem.

Người là bổn mạng không chỉ riêng nước Mỹ mà của toàn thể Châu Mỹ. Ngoài ra một điểm nổi bật đáng nói là ở các nơi khác Đức Mẹ hiện ra là do con người kể lại cho chúng ta nghe và chúng ta tin, chứ không có "bằng chứng" gì của chính Đức Mẹ để lại và còn tồn tại đến tận hôm nay. Riêng Đức Mẹ Guadalupe thì chính Mẹ đã in hình của mình trên tấm áo choàng của Juan Diego. Bức hình đó tồn tại gần 600 năm mà vẫn còn nguyên vẹn (dù sau này đã bị cố tình phá hoại), màu sắc vẫn tươi tắn không hề phai mờ theo thời gian. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia từ nhiều nước (Mỹ, Đức, Anh..) đã cùng tham gia và dùng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại nhất, trong nhiều công trình khác nhau và kéo dài trong nhiều năm để cuối cùng đi đến kết luận: Đức Mẹ Guadalupe, một sự lạ huyền nhiệm, một thách đố đối với khoa học kỹ thuật hiện đại.

Hành hương chiêm bái Đức Mẹ Guadalupe
Phái đoàn hành hương chúng tôi đến phi trường Mexico lúc hơn 10 giờ tối. Phi trường không có bảng hướng dẫn rõ ràng như ở Mỹ, lại chỉ dùng tiếng Spanish nên chúng tôi vừa đi, vừa đoán để kiếm nơi lấy hành lý. Đa số nhân viên phi trường đều không biết tiếng Anh, nên cũng khó hỏi thăm. Sau khi lấy hành lý xong, họ bắt chúng tôi đưa biên nhận gửi hành lý và thu lại (ở Mỹ không có vụ này, có thể là vì ở đây hành lý hay bị mất trộm?). Đợi mọi người có mặt đầy đủ, chúng tôi cùng nhau ra cổng. Họ không có máy Xray để kiểm tra hành lý, trước cổng ra họ có chỗ chặn xét hành lý theo lối “tùy hứng”. Tôi đã đẩy xe đi ra khỏi cổng, nhưng nghe bạn gọi vì bị chặn xét hành lý, nên tôi đẩy xe quay vào hỗ trợ bạn. Họ lục tung vali và ba lô ra hết để khám, tội nghiệp bạn tôi lúc nào cũng lo xa cho mọi người, nên “tha” đồ ăn theo hơi nhiều vì nghe nói hôm nay phải tự túc, rồi sợ ít bữa ăn đồ Mễ không quen... Họ hỏi những thức ăn này làm từ đâu? - “Làm từ Mỹ” (Họ quên là họ đang giữ passport Mỹ của chúng tôi). Cuối cùng họ tuyên bố tịch thu hết thức ăn làm từ thịt như chả lụa, chả chiên, gà quay... vì họ sợ không an toàn thực phẩm. Ngoài ra họ tịch thu luôn trái cây (quýt, chuối, cam) và cả trái ổi tươi ngon, bạn tôi mới hái ngoài vườn trước khi đi. Những điều này Trưởng Đoàn không hề dặn trước nên "có ai biết đâu nào mà ngờ". Tôi an ủi bạn "Thôi kệ! coi như mình nhường cho họ ăn giùm” Lúc đó mọi người đã ra ngoài hết, họ không còn gì để làm (?)nên sau khi bạn tôi đóng valy lại, họ chỉ tôi đem hành lý tới cho họ khám luôn. Đúng là “ách giữa đàng mang vào cổ”, sau khi xét kỹ xong valy không thấy thức ăn, họ mới để tôi đi. Làm bao nhiêu người đợi chúng tôi ngoài cổng, không biết chuyện gì xảy ra.

Chúng tôi ra khỏi phi trường, đọi xe bus tới đón về hotel, đợi làm thủ tục nhận phòng xong, thay đồ đi ngủ thì đã hơn 12 giờ đêm. Sáng hôm sau chúng tôi, sau khi ăn sáng ở hotel, hẹn gặp nhau ở khu tiếp tân lúc 10 giờ sáng để xe bus tới chở đi viếng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Guadalupe (trọng tâm của chuyến hành hương). HDV cho biết Mexico City là thành phố thuộc loại đông dân nhất nhì thế giới (21 triệu dân). Theo thống kê 2013 dân số Mexico là 122,3 triệu, trong vòng 50 năm qua, dân số Mexico đã gia tăng 216%. Dân số Mexico City cũng gia tăng nhanh theo nhịp độ đó, vì vậy hết đất sống ở dưới, họ bắt đầu tràn lên các đồi chung quanh cất nhà để ở, chính quyền cũng chịu thua vì không biết làm sao giải quyết nhu cầu nhà ở do tăng dân số quá nhanh. Vậy thì nhà trên đồi ở Mễ không phải là niềm tự hào như nhà trên đồi của Cali. Còn cái vụ tăng dân số này, tôi đã nhìn thấy rõ nơi những gia đình Mễ ở Cali, con họ lóc nhóc cả bầy. Ở trường tôi dạy đa số học sinh là Mễ, có “phụ huynh bà ngoại” mới ngoài ba mươi tuổi, vì bà sinh con gái đầu lòng lúc 15,16 tuổi, rồi con gái bà cũng tiếp nối truyền thống đó. Ở Cali ngôn ngữ Spanish là ngôn ngữ chính song song với tiếng Anh, bất cứ nơi đâu từ trường học, bịnh viện, phi trường... tiếng Spanish được dùng rộng rãi. Cứ cái đà này, vài chục năm nữa dân Mễ sẽ chiếm đại đa số tuyệt đối ở Cali. Hồi xưa Mỹ chiếm đất họ, bây giờ họ chiếm lại bằng dân số.

Nói tới đây tôi bỗng nhớ lại chuyện người Việt Nam mình có vẻ "xem nhẹ" người Mễ? Một buổi chiều tôi và chị bạn đi bộ về gần nhà, thấy một cái bàn gỗ rất tốt bị bỏ bên đường. Tiếc của trời, hai đúa tôi hì hục khiêng về garage, chỉ cách một block đường. Ôi sao mà nó nặng quá, khiêng mỏi cả vai mà nó cứ trật vuột mãi, định bỏ cuộc. Bỗng nghe tiếng xe van thắng cái “kịt” , một bà Mễ to con bước xuống và hỏi, “Do you need help?” Mừng quá tôi vội gật đầu lẹ, “Yes, please!” Thế là bà bước tới xốc cái bàn lên và khiêng đi nhẹ nhàng đem về, để tận bên trong garage. Tôi cám ơn và hỏi chuyện, bà kể là làm lao công cho một trường học gần đây, chạy xe ngang thấy hai đứa tôi khiêng bàn vất vả quá, nên thấy cần phải xuống giúp. Thế thôi! Cách xử sự của bà Mễ lao công làm tôi cảm thấy mắc cỡ, vì có bao giờ trên đường đi dạy, tôi chịu ngừng xe lại, để xuống tự nguyện giúp đỡ người nào đó. Có thể trình độ học vấn bà không bằng tôi, nhưng cách xử sự của bà chắc cao hơn tôi một bậc. Như vậy thì tôi có tư cách gì để xem thường những người Mễ như bà?

Ngồi trên xe bus nhìn xuống đường phố thấy xe cộ đông nghẹt như nêm, họ cũng bóp kèn inh ỏi và lách nhau rất tài tình. Xe gồm đủ loại, nhưng đa số là các loai xe cũ, hỗn tạp được nhập vô từ các nước mà nó đã bị loại ra. Đường thì nhỏ, mà xe thì đông, không xảy ra tai nạn mới là chuyện tài tình. Xe bus thả chúng tôi ở một góc phố, rồi HDV đưa chúng tôi sang đường, đi bộ đến viếng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Guadalupe. Hôm nay là Chúa Nhật nên khách hành hương và dân địa phương đến viếng đền thánh rất đông. Vừa đi HDV vừa tóm tắt sự tích Đức Mẹ hiện ra với Juan Diego gồm 4 lần từ 9/12/1531 - 12/12/1531:

Ngày 9/12/ 1531, một “Đức Bà từ Trời cao” đã hiện ra với Juan Diego, một người thổ dân nghèo tại Tepeyac, trên một ngọn đồi nằm ở phía Tây Bắc Thành Phố Mexico. Đức Bà tự xưng là “Mẹ của Thiên Chúa”, và nhắn nhủ Juan Diego nói với Đức Giám Mục hãy xây dựng một ngôi Đền Thánh trên mảnh đất này: Ta muốn một ngôi Đền Thánh sẽ được nhanh chóng xây cất tại nơi này, để Ta đến đây yêu thương, an ủi, giúp đỡ, và gìn giữ bảo vệ mọi người

Sau đó Juan Diego đến gặp Đức Giám Mục nhắc lại lời Đức Mẹ nhắn,thì anh vấp phải sự hoài nghi . Đức Giám Mục yêu cầu một dấu chỉ chứng minh sự trung thực của Juan Diego.

Trong cùng ngày, Juan Diego trở về và chạy thẳng tới đỉnh đồi, gặp Đức Mẹ hiện ra, đang đứng chờ anh, cũng ngay tại nơi mà anh đã nhìn thấy lần thứ nhất. Juan Diego thưa với Đức Mẹ về sự hoài nghi của đức cha và ngài cần dấu chỉ. Đức Mẹ trả lời, "Ngày mai con hãy đi gặp Đức Giám Mục một lần nữa, và hãy cho Đức Cha biết điều mong muốn của Ta là hãy xây dựng một ngôi Đền Thánh như lời Ta truyền dạy.
Sau đó thực tế, đức cha đã nhận được không phải là một nhưng đến ba phép lạ. Đầu tiên là Hoa Hồng đã nở rộ trên đỉnh đồi Tepeyac, ngay giữa mùa đông. Đỉnh đồi này là một nơi không loại hoa nào có thể mọc nổi, vì đầy những gai góc, sỏi đá. Theo lời Đức Mẹ, Juan Diego đã chọn lấy một vài cành hoa hồng khác nhau để đem đến cho Đức Cha, nhưng trước khi đem đến cho ngài, chú của anh ngã bệnh nặng, hấp hối , gọi Juan Diego về gấp để đi mời một linh mục cho chú Nhưng trên đường Juan Diego đi, Đức Mẹ Guadalupe lại xuất hiện và Juan Diego xin lỗi vì đã không mang hoa hồng đến cho Đức Cha bởi bệnh tình của ông chú trở nặng. Đức Mẹ đã trả lời, Ta không phải là mẹ của con, để con có thể tâm sự sao? Ta chăm sóc và lo lắng cho con. Đừng lo, chú của con đã được chữa lành." Thực tế đã diễn ra đúng như lời Đức Mẹ nói, chú của anh đã được khỏi bệnh.

Ngày 12 tháng 12 năm 1531, Juan Diego dùng chiếc áo choàng của mình để gói những bông hoa hồng đã hái trên đồi Tepeyac theo lời chỉ dẫn của Đức Mẹ. Khi Juan Diego đến trước Đức Giám Mục , anh mở chiếc áo choàng của mình, những bông hoa hồng tươi thắm trong mùa đông rơi ra như một dấu chỉ cụ thể. Kỳ diệu thay Đức Mẹ Guadalupe in hình ngay trên áo “tilma” vải thô của Juan Diego và cho đến nay đã gần 6 thế kỷ trôi qua hình ảnh đó vẫn không chút hao mòn, phai nhạt. Khi Đức Giám Mục nhìn thấy Bức Ảnh, thì tất cả những người hiện diện đều sững sờ vội quỳ xuống: Đức Bà có một vẻ tuyệt vời đáng kính phục. Họ giật mình hối hận, tỏ lòng ăn năn và hết lòng thống hối về những điều trước kia họ còn hồ nghi về Lời Nhắn của Đức Mẹ qua Juan Diego

Hình ảnh trên chiếc áo choàng, miêu tả Đức Mẹ Guadalupe với mầu da ô liu và ăn mặc như một công chúa Aztec đã dẫn đến việc theo đạo Công Giáo của hàng loạt người dân bản địa Mexico. Năm 1539: Một cuộc hoán cải lớn lao nhất đã xẩy ra. Tám triệu người Aztecs trở nên người Công Giáo, đó là do hiệu quả của hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe.

Sau đó tại nơi đây, một đền Thánh lộng lẫy được xây cất dâng kính Đức Trinh Nữ và được gọi là Đền Thánh Đức Bà Guadalupe. Ngày 12 tháng 12 mỗi năm được nhận là ngày lễ kính Đức Bà Guadalupe, Quan Thầy Châu Mỹ, cách riêng Châu Mỹ Latinh. Hằng năm có hằng triệu triệu người đến hành hương tại đây cũng như Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức (Pháp), Fatima (Bồ Đào Nha) và Czestochowa (Ba lan).

Khi HDV đưa chúng tôi vào sân đền thánh, hình ảnh đập mắt đầu tiên là Tượng Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II to hơn người thật được đặt trên một bệ cao, nhìn về cửa chính của đền thánh mới. HDV cho chúng tôi biết: Tất cả đã có 24 triều đại Giáo Hoàng chính thức tôn vinh Đức Mẹ Guadalupe. ĐTC Gioan Phaolô II đã viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe 4 lần: trong dịp viếng thăm mục vụ lần thứ nhất của ngài ngoài Roma năm 1979, và rồi vào năm 1990, 1999 và 2002.

Lễ kính Đức Mẹ Guadalupe được cử hành hằng năm vào ngày 12 tháng 12. Năm 1999, ĐTC Gioan Phaolô II, trong bài giảng Thánh Lễ trọng thể tại Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe, vào dịp viếng thăm Đền Thánh lần thứ ba, đã tuyên bố ngày 12 tháng 12 là ngày lễ kính Đức Mẹ Guadalupe chính thức theo niên lịch phụng vụ cho toàn cả thế giới.

Một danh sách những phép lạ đã xảy ra, có những phép lạ chữa bệnh, có những phép lạ hoán cải tâm hồn. Hằng năm, có khoảng 10 triệu người đã đến hành hương tại Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe, và đã làm cho thành phố Mexico trở thành nơi hành hương nổi tiếng của thế giới. Và là nơi được du khách viếng thăm nhiều nhất sau Vatican.

Chúng tôi theo chân HDV chen chân đi vào đền thánh, một thánh lễ vừa chấm dút, người tuôn ra như nước chảy, mặc dù đền thánh thiết kế theo lối có rất nhiều cửa ra vào, nhưng vẫn chật ních người. Chúng tôi phải nắm tay nhau kẻo bị lạc. Một người HDV trong đền thánh dẫn chúng tôi lên lầu, nơi có nhiều khu nhỏ, có bàn thờ để những nhóm hành hương nhỏ, vài chục người, có thể dâng thánh lễ riêng theo ngôn ngữ mình. Chúng tôi được đưa đến nơi quy định và chuẩn bị dâng thánh lễ bằng tiếng Việt. Đứng ở trên lầu cao, tôi có thể quan sát toàn thể khu đền thánh khá rộng lớn, xây cất theo lối hình tròn, ít cột nên khá thoáng. Ở phía sau bàn thờ chính là Bức Ảnh Đ.M. Guadalupe đã in lên áo choàng của Juan Diego. Tôi tự nhủ lát nữa sẽ tìm mọi cách đến gần bức ảnh ấy để chiêm ngắm và chụp hình vài tấm. Phía trên bên tay trái cung thánh là nơi trưng bày hàng mấy chục lá cờ của các quốc gia tôn vinh Đức Mẹ Guadalupe là bổn mạng của họ, phía dưới không biết cơ man nào là các giỏ hoa to, rồi những vòng hoa hồng lớn của khách hành hương đem đến kính dâng Đức Mẹ. Phía bên phải là những kiệu hoa tươi với nhiều kiểu dáng khác nhau, cái nào cũng đẹp, do các giáo dân ở các địa phương dùng làm kiệu hoa rước Đức Mẹ Guadalupe tới đền thánh. Sau khi kiệu xong, họ đem các kiệu hoa tươi vào đền thờ dâng kính.
Chúng tôi chờ thánh lễ trên bàn thờ chính kết thúc, để tránh tiếng ồn và dễ dàng nghe được nhau, nhưng không dè ở đây thánh lễ diễn ra liên tục, hết thánh lễ này tới thánh lễ khác, đa số bằng tiếng Latin hay tiếng Spanish, nên cuối cùng chúng tôi phải chấp nhận tiếng ồn để dâng thánh lễ bằng tiếng Việt với nhau. Thánh lễ xong chúng tôi theo chân HDV đi xuống lầu, người đông quá, chúng tôi cứ cuốn theo họ mà đi, không còn thấy bóng dáng HDV đâu. Dòng người đưa tôi đi theo, đến một nơi có 3 cầu thang cuốn trên một mặt bằng, ai muốn đứng lại cũng không được. Nhìn lên trên cao có ảnh Đức Mẹ Guadalupe, mọi người đưa máy ảnh lên bấm lia lịa. Khi ra khỏi khu cầu thang cuốn, tôi kéo tay bạn rủ :

- Đi, tụi mình cùng nhau đi kiếm đường tới phía sau bàn thờ chính để chiêm ngắm Đức Mẹ và chụp ảnh luôn nghen!

Bạn tôi đồng ý, thế là chúng tôi nắm tay nhau đi men theo lối ra để tìm nhưng đền thánh rộng quá, đi một lát chúng tôi bị mất phương hướng không còn biết cách nào để tiếp cận với bức ảnh gốc của ĐứcMẹ được. Đi một hồi lại lạc theo lối đi ra ngoài sân. Tôi bèn nói với bạn:

- Thôi để hôm nào được tự do, mình sẽ trở lại đây một lần nữa vậy! Nãy giờ lo chạy đi kiếm Đức Mẹ mà bị lạc mất nhóm và HDV rồi làm sao đây?

Bạn tôi đòi đi WC, khi tìm ra được khu đó, thì thấy người ta xếp hàng “rồng rắn lên mây” và bảng ghi giá phải trả 3 pesos/1 người, chúng tôi lại không có tiền pesos, nên tôi bảo bạn, “Thôi nín đi cho rồi!”
- Không được, để trả tiền đô cho họ cũng được.

Vậy là tôi phải đứng chờ bạn. Sau khi xong việc, tôi tìm hướng trở lại chỗ tượng ĐTC Gioan Phaolo II để kiếm đường đi ra cổng. Bây giờ tôi mới thực sự lo lắng làm sao tìm cho ra nhóm và HDV? Theo chương trình dự định chúng tôi sẽ đi ăn trưa, chiều đi viếng hai tháp mặt trời, mặt trăng ở khá xa vài tiếng lái xe, tối về đi ăn ở nhà hàng rồi mới về hotel. Sau hai lần bị lạc ở Paris và Bắc Kinh, tôi rút được kinh nghiệm, khi đi du lịch, đến hotel nào chuyện trước tiên cần làm ngay là xin “business card” của hotel bỏ vô bóp liền cho chắc ăn, nhưng còn một điều cũng quan trọng không kém là tài xế có hiểu tiếng Anh hay không? Ở đây ngay cả ở phi trường kiếm người nói tiếng Anh cũng đã khó rồi, về mặt này thì họ thua xa VN, vì đa số giới trẻ VN đều biết tiếng Anh. Nhìn dòng người tuôn chảy đi mọi hướng mà lòng hoang mang không biết nên đi hướng nào cho đúng. Lúc này là lúc cần đến một người cố vấn tin yêu giúp đỡ, tôi chợt nhớ ra mình đang ở trong khuôn viên Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe, sao không khấn ngài giúp mình tìm ra nhóm. Vậy là chân vẫn bước đi, nhưng lòng bắt đầu cầu nguyện. Một lát sau bỗng thấy Kevin (con Trưởng Đoàn) xuất hiện giữa đám đông đưa tay vẫy, tụi tôi mừng quá cũng đưa tay vẫy lại. Thiệt là hú vía! Mọi người đã ra xe đợi từ nãy giờ, khi gặp nhau Kevin hỏi:

- Sao cô đi đâu mà lạc lâu vậy?
Tôi bèn phải thành thiệt thú tội :

- Tại cô muốn đi tìm để chiêm ngắm và chụp bức ảnh Đức Mẹ Guadalupe (original)
- Chứ cô không đi qua khu vực có 3 cầu thang cuốn rồi có Đức Mẹ trên cao sao? Đó là chỗ mọi người đi ngang để chiêm ngắm và chụp hình đó.
- Ủa vậy sao? Đâu có nghe ai nói nên đâu biết.

Thực ra tôi khờ quá, khi tôi ước muốn như vậy, thì cũng sẽ có rất nhiều người ước muốn như tôi "thế gian đâu phải một mình ta?". Chính vì vậy nên người ta đã nghiên cứu và thiết kế một khu vực đặc biệt (có 3 cầu thang cuốn) ngay phía sau bàn thờ chính, để mọi người có thể lần lượt đi ngang chiêm ngắm và chụp hình. Đúng là tôi đã được đi qua khu chiêm ngắm Đức Mẹ mà không biết, lòng còn mải mê lo tìm cách để đến với Đức Mẹ ở chỗ khác, giống như trong cuộc đời đôi khi những điều cao quý nhất đang nằm trong tầm tay ta, nhưng ta không biết để trân trọng, lai lo đi tìm nó ở một nơi nào khác xa xôi. Tương tự như một câu chuyện kể trong Phật giáo : Một người cứ lo ra ngoài ngược xuôi vất vả để tìm kiếm vị Bồ Tát khắp nơi. Sau cùng mới biết vị Bồ Tát đó chính là người mẹ già nghèo khổ ở trong căn nhà nhỏ của mình. Đường đời đôi khi có những cảnh éo le như vậy!
( Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT