Đời Sống Việt

Hành Trình "Hạt Bụi" gian khổ đi làm người!

Wednesday, 12/08/2015 - 11:00:56

Xin mời các bạn cùng theo dõi buổi nói chuyện của linh mục Nguyễn Thanh Sơn, giảng sư trường Y Khoa Đại Học UCI với chủ dề “Đầu Đời và Những Phương Pháp Trợ Sinh”.

Ghi lại theo buổi nói chuyện của L.M. Nguyễn Thanh Sơn)
Giảng sư trường Y khoa Đại Học UCI, ( UC Irvine Health & School of Medecine)
Tiến sĩ Thần Học Luân Lý, Tuyên Úy Bịnh viện UCI
Phượng Vũ

”Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy “(TCS)

Nhạc sĩ Trịnh công Sơn đã mở đầu như trên cho bài hát "Cát Bụi" của mình để diễn tả thân phận con người thật nhỏ bé và vô thường. Đa số chúng ta, nhất là những gia đình Việt Nam có đông con, thường có cảm tưởng việc "Hạt bụi hóa kiếp làm người" rất dễ dàng. Chẳng vậy mà người Việt Nam thường hay chúc "Đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái". Hay như trong bài thơ "Chúc Tết" nhà thơ Tú Xương cũng đã nói:
"Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non."
Nhưng thực tế cho thấy đời sống càng văn minh, càng hiện đại thì số người hiếm muộn con càng gia tăng một cách đáng kể! Thành thử "tin vui" đối với một số cặp vợ chồng mới thành hôn đôi khi là một khó khăn lớn, nhất là trong nhiều gia đình có các cụ sốt ruột muốn có cháu bồng hay để nối dõi tông đường cứ thúc bách luôn đã khiến " người phụ nữ trong cuộc" lắm phen:

"Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng "tin vui".
Một số nước trên thế giới có tỷ lệ sinh sản giảm đáng kể như ở Nhật và một số nước phương Tây, chính phủ phải xen vào để khuyến khích người ta đẻ. Nghe kể ở Nhật chính phủ chi tiền cho chương trình “Chào mừng Baby” có mục tiêu là những cặp vợ chồng trẻ trong độ tuổi từ 20- 32 nghĩa là độ tuổi sung sức nhất và dễ có con nhất. Họ sẽ được mời tham gia chương trình vacation miễn phí trong 2 tuần. Họ được ở trong những khu resort sang trọng nhất, với những tiện nghi phục vụ hạng nhất, trong một khung cảnh thiên nhiên đẹp trữ tình đầy nắng gió của biển cả hay rừng núi hùng vĩ đẹp tuyệt vời. Họ được “cưng chiều” như những ông hoàng bà chúa tha hồ ăn uống những thức ăn tuyệt hảo nhất, rồi rong chơi thoải mái cả ngày chỉ để làm một việc duy nhất “make baby”. Vậy mà tỷ lệ thành công được các cặp báo cáo sau đó lại khá thấp mới đáng buồn chứ! Vậy mới biết hành trình "hạt bụi" đi làm người nhiều lúc cũng đầy khó khăn, gian khổ chứ không dễ dàng chút nào. Xin mời các bạn cùng theo dõi buổi nói chuyện của linh mục Nguyễn Thanh Sơn, giảng sư trường Y Khoa Đại Học UCI với chủ dề “Đầu Đời và Những Phương Pháp Trợ Sinh”.
Trong cuộc sống thường người ta chỉ lo đối phó với "lão, bệnh, tử" ở phần cuối đời mà bỏ quên phần đầu đời cũng rất quan trọng là "Sinh". Có nhiều người không phải ở trong "thời kỳ sinh nở" cảm thấy không cần quan tâm tới vấn đề này nữa vì nó không ăn nhập gì tới mình, nhưng nó lại ảnh hưởng tới xã hội, tới tha nhân, nên chúng ta cũng cần phải quan tâm để có kiến thức về nó. Việc này có thể áp dụng trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, như biến cố lớn nhất mới xảy ra qua phán quyết của TCPV Mỹ (26/6/15) về việc hợp thức hóa hôn nhân đồng tính. Nó ảnh hưởng tới nhiều người và tới toàn xã hội Mỹ và có khi cả thế giới.
Bạn có biết ở Mỹ hiện nay có 2 triệu bào thai đang nằm trong phòng lab, trong đó khoảng nửa triệu có cha mẹ, số còn lại thuộc diện “mồ côi” nghĩa là không có cha mẹ. Chi phí toàn cầu dành cho việc thụ thai nhân tạo là 40 tỷ đô la, bằng với chi phí hoạt động toàn cầu của công ty Microsoft hay là bằng chi phí của nền kinh tế Việt Nam.
Trước khi nói về thụ tinh nhân tạo, chúng ta nên tìm hiểu qua về ý nghĩa của hôn nhân và việc sinh con:
- Đó là sản phẩm của tình yêu và giao hợp giữa vợ chồng ( đỉnh điểm của tình yêu).
- Con cái là món quà của Thiên Chúa ( quà thì tùy ý Chúa, muốn tặng ai, người đó nhận)
- Một đóng góp cho xã hội và giáo hội.
Điều quan trọng, đó chính là một tiến trình tâm sinh lý theo luật tự nhiên.
Những kế hoạch gia đình đối nghịch với luật tự nhiên của Chúa là ngừa thai nhân tạo, phá thai và thụ thai nhân tạo. Trong 3 điều này, tôi thấy chỉ có phá thai là “tội”, còn 2 điều còn lại không thể xem là “tội” được, bằng chứng là thiên hạ làm hà rầm, mà chẳng thấy ai áy náy gì hết , giống như đồng tính cũng không thể xem là “tội”. Luật chính của Chúa là "yêu thương" chứ đâu phải bảng "cấm", bảng "tội" treo khắp nơi như đe dọa làm người ta sợ nên "bỏ chạy" hết!

Ai là tác giả của phương pháp thụ thai nhân tạo?
Khoa học gia người Anh Robert Edwards, người từng thiết kế ra phác đồ điều trị IVF - thụ tinh nhân tạo, đã được trao giải Nobel Y Học năm 2010.
Những nỗ lực của ông trong các thập niên 1950, 1960 và 1970 đã cho ra đời em bé đầu tiên do thụ tinh nhân tạo vào tháng Bảy năm 1978. Đây là một biến cố lớn trong nền Y học thế giới. Từ đó trở đi đã có hơn 4 triệu em bé được ra đời bằng phương pháp IVF.
Vậy thụ thai nhân tạo hay người ta còn viết tắt: IVF (In Vitro Fertilization) là gì?
- Thụ tinh trong đĩa thủy tinh (IVF) là quá trình cho trứng và tinh trùng thụ tinh bên ngoài tử cung của người phụ nữ.
Trước khi TCPV chấp nhận hôn nhân đồng tính, có tới 99% các cặp đồng tính muốn có con như các gia đình bình thường khác, cho nên trước 26/6 có hằng chục ngàn cặp đồng tính đã có trứng trong đĩa thủy tinh sẵn sàng để cho con họ ra đời trong tình trạng được hợp pháp hóa. Bé sẽ có cha mẹ, và có quyền hưởng insurance từ cha mẹ, có quyền thừa kế trên giấy tờ. Nhân tiện đây nhớ lại, khi tôi viết loạt bài về đồng tính, có người thắc mắc "Mấy người đồng tính cứ yêu nhau, sống với nhau đi, tại sao lại cứ đòi hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính làm gì cho rắc rối?” - “Xin thưa đây là điều rất quan trọng, vì chỉ khi được hợp pháp hóa trên giấy hôn thú, họ mới được công nhận là “spouse” và có quyền hưởng những quyền lợi về bảo hiểm y tế, an sinh xã hội, lương hưu, thừa kế... và lỡ khi bất ngờ có tai nạn xảy ra họ mới là người được BS hỏi ý kiến về những quyết định quan trọng liên quan đến “spouse” của họ. Còn nếu chỉ xưng là “patner” thì họ sẽ bị loại ra khỏi vòng thân quyến. Nhất là ở xứ Mỹ này, xứ thượng tôn pháp luật, thì điều đó lại càng cần thiết và quan trọng hơn. Nếu không thì "quyền làm người" của họ đã bị tước đoạt đi rất nhiều! TCPV cũng dựa trên “nhân quyền” để xác định hôn nhân đồng tính là hợp pháp! Một câu nói của cha N. T. Sơn gây ấn tượng mạnh đối với tôi là: "Kết tội người khác cũng là một điều Chúa cấm" và cha cười bỏ nhỏ tiếp theo: "Và các cha thường hay vị phạm điều cấm này của Chúa." Hoan hô tinh thần cởi mở của cha Sơn!
Căn nguyên người ta dùng IVF?( cấu tạo phôi thai trong đĩa thủy tinh)
- Vô sinh nam: người đàn ông không có khả năng sinh con. Tỷ lệ vô sinh nam cách đây 20 năm là 25%, nhưng tới thời điểm bây giờ tỷ lệ đó đã lên tới 51%, và có thể còn tăng trong tương lai. Như vậy là tỷ lệ đàn ông bị hiếm muộn cao hơn phụ nữ. Vậy mà hễ cặp vợ chồng nào bị hiếm muộn thì các bà luôn bị đổ tội đầu tiên. Thiệt là tội nghiệp cho phụ nữ!
- Vô sinh nữ: do trục trặc qua việc nở trứng, thụ thai, mang thai, sinh con
- Đồng vô sinh: Cả hai đều bị vô sinh có thể do môi sinh, môi trường sống tạo nên
- Cặp đồng tính: lý do cơ thể
- Một đơn tính: có nhiều phụ nữ muốn làm mẹ, muốn có con mà không cần cha (chắc nhìn kinh nghiệm của một số phụ nữ chung quanh thấy có chồng đàng hoàng mà rồi sau cũng một mình nuôi con nên sợ quá chăng?)
- Tiện lợi: nhất là với những người có tiền thì khỏe re, khỏi phải mang bầu 9 tháng 10 ngày nặng nề, sinh con đau đớn. Có những cặp minh tinh tài tử Holywood cũng muốn có con nên xin trứng, rồi nhờ người sinh giùm, nhưng có khi đứa con chưa kịp ra đời thì cha mẹ đã ly dị. Bây giờ không biết đứa con thuộc về ai?
- Bán con: Ấn Độ là nước nghèo đông dân, nên trong dịch vụ mua bán con lên tới 2 tỷ đô la, thì Ấn Độ là nơi “bán sỉ” và khách hàng chính là Mỹ.
Khi nó trở thành dịch vụ thì khách hàng có nhiều tiền, có quyền yêu cầu theo ý mình nên giá 1 “trứng” lên tới 50.000 đô la. Trứng đó phải hội đủ những tiêu chuẩn khách hàng đặt ra: mẹ phải đẹp, khỏe, trí thức, mắt xanh, tóc vàng... và thường chủ nhân các trứng đó là các cô sinh viên đại học trẻ, khỏe, đẹp... và từ đó nảy sinh những người có học giỏi giang chuyên đi làm nghề “săn trứng” ( không phải “săn trứng” nhân lễ Easter mà các trẻ em Mỹ thường chơi đâu!) vì nghề này cũng lắm công phu để tìm cho được trứng đúng ý khách hàng. Đại học UCI đã từng một thời là trung tâm sản xuất trứng lớn nhất nước Mỹ, chỉ sau khi bị scandal lớn cách đây 11 năm bị phạt 20 triệu đô la và bị đóng cửa (do nhân viên đã xáo trộn trứng của 40 cặp và bị kiện).
-Phần tạo liên hệ và pháp luật trong IVF: nếu chỉ đơn giản là cha mẹ ruột không sinh con được rồi làm thụ tinh nhân tạo thì dễ. Nhưng trứng và tinh trùng từ những nguồn khác nhau, rồi thêm yếu tố người phụ nữ mang thai và sinh con giùm nữa. Do đó mối quan hệ tròng tréo rất phức tạp về liên hệ huyết thống, máu huyết đôi khi có cả luân lý. Nếu rảnh ngồi làm một bảng phân loại từ từ ta sẽ thấy rối mù!

Tiến trình IVF
-Trước hết là chích hormone vô người phụ nữ để kích thích trứng rụng, rồi lấy nhiều trứng từ 6- 12 trứng, chứ không phải chỉ lấy 1 trứng. Hormone rất quan trọng, thiếu nó, người ta sẽ thay đổi tính tình và sự ham thích ( vợ chán chồng, chồng lạnh nhạt với vợ..) Khi chích hormone có thể có phản ứng phụ như buồn rầu, nóng nảy, chán nản... Sau đó trứng lấy ra sẽ được lưu trữ trong lab, chi phí lưu trữ rất tốn kém.
Tiếp theo là lấy tinh trùng ra rồi đem lưu trữ. Sau cùng là cho tinh trừng phối hợp với trứng trong đĩa thủy tinh. Một lần cấu tạo thai là từ 6 -8 trứng chí phí khoảng từ 10.000 - 12.000 đô la
-Trứng thụ tinh (phôi) được đặt trong tử cung của người phụ nữ khoảng 2-3 ngày sau đó. Mang thai thành công có thể được xác nhận khoảng 2 tuần sau đó. Tỷ lệ thành công ở phương pháp này từ 30- 40%. Tỷ lệ thành công phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tuổi tác của người phụ nữ, trình độ bác sĩ, nội tiết tố... Nếu không thành công tiến trình sẽ khởi sự lại từ đầu

Những vấn nạn của thụ thai nhân tạo
Chính vị cha đẻ khám phá ra kỹ thuật thụ thai nhân tạo cũng xác nhận nó đã đi quá xa với ý muốn ban đầu của ông. Từ từ nó trở thành kỹ nghệ cấy thai và mang thai mướn dẫn tới nhiều vấn nạn cho xã hội và nhiều nguy hiểm cho phụ nữ

Vấn nạn 1:
- Phản lại ý nghĩa của hôn nhân và sinh sản. Kết quả thấp không tương xứng với chi phí bỏ ra.
- Xâm phạm và xúc phạm thân thể phụ nữ ( người phụ nữ phải chích hormone, phải tới phòng mạch của BS để lấy trứng, và thường phải đi nhiều lần). Chưa kể những nguy hiểm cho mẹ và thai nhi, có khi dẫn tới chết người.
- Loạn luân xã hội ( trứng và tinh trùng phân đi khắp nơi...)
- Đề cao ý muốn ích kỷ cá nhân, nhiều phụ nữ không muốn mang thai vì sợ ảnh hưởng sắc đẹp, vóc dáng, mất cơ hội thăng tiến sự nghiệp nên nhiều phụ nữ muốn mướn người mang thai giùm (có phim VN “đẻ mướn” cũng nêu nhiều tình tiết dở khóc, dở cười)
- Thụ thai nhân tạo thường sinh từ 2,3 đứa 1 lúc, rồi những đứa yếu sẽ chịu đau đớn và chết dần

Vấn nạn 2
- Phản lại công lý và công bằng. Kinh tế hóa trẻ thơ và tiến trình sản phụ (mua bán con nít, mua bán sản phụ)
- Có một loại hình du lịch mới ở Mỹ là “du lịch sản phụ”, họ đi tới Ấn Độ, Thái Lan để tìm người sinh con giùm. Bất công với trẻ mồ côi, vì bị mất nguồn nhận nuôi.
Điều quan trọng nhất là giảm trách nhiệm của nam giới (nhưng nhiều khi trên thực tế có nhiều ông cũng đâu có trách nhiệm gì với các con rơi của họ). Thụ thai nhân tạo đã vô hiệu hóa đàn ông ( vì không cần có các ông, phụ nữ vẫn có con được). Dẫn đến đàn ông bị mất giá trầm trọng!

Vấn nạn 3:
- Do thụ thai nhân tạo thường sinh 2,3 bé có khi lên đến 8 nên baby thường yếu ớt, sinh ra là phải vô phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Tỷ lệ tật nguyền lên đến 10%.
- Ngoài ra các bé còn dễ bị bệnh về tâm lý, bệnh truyền nhiễm. Theo thống kê từ 1975-2015 bệnh trầm cảm khá cao ở các trẻ IVF.
- Ảnh hưởng tới xã hội, trong quá trình IVF cha mẹ bỏ tiền ra, nhưng sau khi bé chào đời, nếu bé bị tật nguyền, bị bệnh về thể lý và tâm lý thì việc chữa trị phải do bảo hiểm (xã hội) chi trả. Một người đàn ông Đan Mạch mắc bệnh rối loạn gene, đã hiến tinh trùng và trở thành bố của gần 100 trẻ thụ tinh nhân tạo trên khắp thế giới.

Vấn nạn 4:
- Những gì xảy ra với trẻ thụ thai nhân tạo? Có những đứa trẻ BS khám và cho biết lớn lên trẻ sẽ bị tật nguyền (mù mắt...), bị trầm cảm...
- Người ta chưa biết làm gì với những phôi thai dư vì trong IVF thường làm 1 lần nhiều trứng, và chỉ chọn một ít.
- Hệ thống y tế sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào nếu nhiều trẻ IVF bị bệnh về thể lý, về tâm thần.
- IVF sẽ ảnh hưởng tới luân lý xã hội ra sao, về quan hệ cha mẹ - con cái, về huyết thống...
Ngoài ra một điểm quan trọng là ngày nay người ta bắt đầu dùng phôi thai dư để nghiên cứu, thí nghiệm, cắt ghép... (kỹ nghệ đen), con người trở thành vật thí nghiệm.
Như vậy xem ra khi con người copy cách “make baby” của tạo hóa vừa tốn tiền vừa gặp rất nhiều rắc rối. Do đó mới biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa tuyệt vời mà lại “tình cho không, biếu không” nữa, nên con người phải luôn tri ân Thượng Đế là vậy!

Đáp số cuối cùng:
Kỹ thuật tự nhiên Creighton Model, phương pháp này theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ để chỉnh sửa những sai lệch. Nếu cần sẽ giải phẫu và trị liệu nội khoa kết hợp với tư vấn tâm lý và tâm linh để phục hồi lại khả năng sinh sản của phụ nữ. Dĩ nhiên phương pháp Napro Technology này theo lối thụ thai tự nhiên nên được giáo hội tán đồng.
.................................................
Trong quá trình viết bài này, khi đi tìm thêm tài liệu bổ sung cho bài viết, tôi khám phá ra 2 phương cách thụ tinh nhân tạo mới, xin gửi đến các bạn đọc để tham khảo:
1 - Thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intra-uterine insemination - IUI) là phương pháp điều trị vô sinh đầu tay và được áp dụng phổ biến nhất. IUI cũng được đánh giá là kỹ thuật điều trị điều trị vô sinh hiệu quả nhất hiện nay và giá thành lại rẻ hơn IVF rất nhiều, nên được các nước nghèo hân hoan đón nhận.
2 - Phương pháp thụ tinh nhân tạo mới từ tủy xương người: Từ Infonet - Nhân dịp kỷ niệm 50 ngày sáng chế thuốc ngừa thai, nhà phát minh Carl Djerassi đã đề cập tới phương pháp mới để duy trì nòi giống, thụ thai không cần quan hệ tình dục. Những phát minh này được dự đoán sẽ tạo ra tác động lớn đối với xã hội trong 50 năm tới.
CNN từng dẫn bài viết được đăng tải trên tờ Daily Mail cho biết, một phương pháp mới có thể cho phép sinh sản mà không cần quan hệ tình dục. Thậm chí, những bước tiến về công nghệ còn cho phép các cặp đồng tính có cơ hội sinh con, mang đặc tính di truyền của cả 2 người. Nếu tế bào gốc của con người có thể tạo ra các tế bào sinh sản cộng với tử cung nhân tạo (từng được sử dụng thành công cho cá mập và nhiều loài động vật có vú), việc sinh sản có thể là nhiệm vụ của cả nam và nữ.
Quả là với những nghiên cứu và khám phá mới của các nhà khoa học, một chân trời mới với nhiều thay đổi lớn sẽ được mở ra. Hãy chờ xem!
Nhưng để đón nhận những điều mới lạ trước hết tâm bạn phải rỗng lặng hoàn toàn, không hề có một thành kiến, giả định, phỏng đoán và kết luận sẵn nào, thì bạn mới có chỗ để tiếp nhận cái mới. Xin mời bạn cùng nghe câu chuyện "Tách Trà"
“Nan in một thiền sư thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1912), tiếp một giáo sư đại học đến để hỏi về Thiền
Nan-in rót trà. Thiền sư rót đầy tách của giáo sư, và cứ tiếp tục rót.
Vị giáo sư nhìn trà tràn ra ngoài cho đến lúc ông không nhịn được nữa, “Tràn ra ngoài rồi, không thêm được nữa!”
“Như là tách trà này,” Nan-in nói, “ông đầy thành kiến và phỏng đoán. Làm sao tôi có thể chỉ Thiền cho ông nếu ông không đổ sạch tách của ông trước?”
Mong rằng sau những câu chuyện "nhức đầu" về thế tục của "hạt bụi" hóa kiếp làm người nhiều gian nan. Cầu chúc bạn:
**"Hãy cứ sống, yêu với lòng biển rộng
Nắng mai ngời.. bừng giấc mộng, thênh thang.." (TTT)**

Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT