Đời Sống Việt

Hành trình gian khổ đi “gặp” Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14

Wednesday, 22/06/2016 - 10:33:32

Rồi Ngài giải thích thêm, "Tôn giáo nào làm anh biết thương cảm hơn, biết theo lẽ phải hơn, biết từ bỏ hơn, dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, có trách nhiệm hơn, có đạo đức hơn... Đó là tôn giáo tốt nhất.”

Phượng Vũ

Cách đây hơn 1 tháng, 1 chị bạn từ sở làm gọi phone cho tôi:
- Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ đến Orange County để khánh thành chùa Điều Ngự và có 2 buổi nói chuyện (18 và 19/6/2016), chị có muốn đi không? Vô cửa miễn phí. Một người bạn cùng sở mới vừa email cho tôi biết, nên tôi gọi cho chị liền nè!
Tôi vui mừng:
- Thiệt vậy sao? Foward cái email đó cho tui liền đi, rồi tui sẽ đi kiếm vé cho bạn luôn
Sau đó tôi hỏi thăm mấy người bạn Phật tử, tưởng nhờ họ xin vé giùm. Ai dè họ “bán cái” cho tôi lãnh phần đi xin vé giùm họ luôn.Vậy là tôi phải lên internet tra địa chỉ và số phone chùa Điều Ngự để gọi hỏi thăm cách thức lấy vé và thân chinh đi lấy 10 vé giùm cho các bạn, rồi đi giao cho họ. Cái gì chứ đi nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện là tôi phải cổ vũ mọi người cùng đi nghe, càng đông càng tốt và tôi sẵn sàng phục vụ đi lấy vé giùm, vì Ngài là 1 trong số ít lãnh tụ tôn giáo mà tôi ngưỡng mộ từ lâu, dù tôi không cùng tôn giáo với Ngài. Những lời nói của Ngài luôn là bài học cho tôi suy ngẫm.

Đặc biệt là câu chuyện giữa Ngài và 1 thần học gia. Khi được hỏi: “Thưa Ngài, tôn giáo nào tốt nhất?” Tưởng Ngài sẽ nói, “Phật giáo Tây Tạng” hoặc “Các tôn giáo phương đông, lâu đời hơn Kitô giáo nhiều”, nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma trầm ngâm giây lát, mỉm cười: “Tôn giáo nào biến anh thành con người tốt hơn, chính là tôn giáo tốt nhất”. Rồi Ngài giải thích thêm, "Tôn giáo nào làm anh biết thương cảm hơn, biết theo lẽ phải hơn, biết từ bỏ hơn, dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, có trách nhiệm hơn, có đạo đức hơn... Đó là tôn giáo tốt nhất.”

Hàng phụ nữ với áo dài khăn đóng đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma



Ôi! tôi hết sức thán phục câu trả lời đầy khôn ngoan và sâu sắc của Ngài. Và tôi luôn tâm đắc với Ngài trong nhiều câu nói khác, chẳng hạn như khi đi làm từ thiện gặp gian khổ tôi nhớ lại câu Ngài nói, “Chúng ta có thể sống thiếu tôn giáo và thiền định, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu không có tình người.”

Những lúc tôi thích đi travel đây đó thì câu nói của Ngài, “Một lần mỗi năm, hãy đến một nơi nào đó mà bạn chưa từng đặt chân đến” là nguồn khuyến khích tôi trong sở thích của mình. Có lúc phải chịu đựng "chỉ trích" vì cần phải lên tiếng bênh vực lẽ phải hay nói ra một sự thật, tôi chợt nhớ lại lời khuyên của Ngài, "Hãy nhớ rằng im lặng, đôi khi, là câu trả lời tốt nhất." Ngài quả là hiện thân của từ bi và trí tuệ . Do đó tôi xem Ngài như là 1 “Sư phụ tinh thần” và tôi yêu quý, ngưỡng mộ Ngài là vì vậy.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã 80 tuổi và dù đã phải sống lưu vong từ hơn nửa thế kỷ, ngài vẫn là nhà lãnh đạo tinh thần và chính trị của Tây Tạng. Ngài là biểu tượng của sự đấu tranh giành lại chủ quyền cho đất nước hiện nay vẫn còn đang bị sát nhập vào Trung Quốc. Tôi nhớ lại lần đi biểu tình ở Palm Springs chống Tập Cận Bình, tôi đã gặp 1 nhóm người Tây Tạng và họ nói rằng, “Việt Nam và Tây Tạng là bạn của nhau, vì chúng ta có chung 1 kẻ thù là Trung Quốc”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma được cả thế giới xem như hiện thân của từ bi, trí tuệ và tranh đấu hòa bình. Ngài đã từng được tiếp kiến ở Vatican qua nhiều triều đại Giáo Hoàng và năm 1989, Đức Đạt Lai Lạt Ma được trao giải Nobel Hòa Bình. Ngài đã đến Mỹ nhiều lần và các tổng thống Mỹ từ Bill Clinton đến Barack Obama đều mời Đức Đạt Lai Đạt Ma đến Tòa Bạch Ốc. Vài hôm trước khi đến chùa Điều Ngự, Ngài cũng đã đến gặp TT Obama ở tòa Bạch Ốc, dù Trung Cộng lúc nào cũng kịch kiệt phản đối. Trung Cộng căm ghét Ngài có lẽ vì ngài đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nhất về vụ sát hại ở công trường Thiên An Môn, Ngài lên án mạnh mẽ chính quyền Trung Cộng đàn áp tàn bạo chính người dân của họ, Ngài ủng hộ vô điều kiện những người trẻ ở Công Trường Thiên an Môn. Dù là ban Tham Mưu của Ngài nhắc nhở việc làm này sẽ làm tiêu tan những cơ hội cho việc đàm phán, những việc họ đã làm cực nhọc hàng thập niên để hy vọng giành lại độc lập cho Tây Tạng. Ngài trả lời, "Nhưng nếu tôi không phát biểu bây giờ, thì tôi không có đạo đức để có thể nói đến quyền tự do và dân chủ nữa. Những người trẻ ấy đang đòi hỏi không gì hơn những gì mà tôi đã và đang đòi hỏi. Và nếu tôi không nói vì họ, tôi sẽ mãi xấu hổ khi nói về tự do và dân chủ." Ngài quả là con người vị tha, luôn biết nghĩ tới người khác, thật đáng khâm phục.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đang giảng



Loay hoay mà đã sát ngày Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Little Saigon, tôi gọi 1 chị bạn hỏi thăm, chị cho biết sẽ đi từ 6 giờ sáng, còn chị bạn hẹn đi chung với tôi thì nói, “Theo chương trình ĐĐLLM sẽ nói chuyện lúc 9 giờ, vậy mình đi 7 giờ, sớm 2 tiếng là được rồi”. Tôi thấy bạn nói cũng có lý nên o.k.. Vậy là sáng mai tôi phải thức trước 6 giờ còn loay hoay với vụ xay sinh tố uống buổi sáng kẻo trễ. Tôi cứ lo mình ngủ quên, nhưng lần nào cũng vậy, trước những sự kiện quan trọng, tôi hay bị mất ngủ, hoặc ngủ chập chờn. Kết quả là chưa tới 5 giờ tôi đã thức, nhờ vậy mà chưa tới giờ hẹn tôi đã gọi bạn giục đi và sẵn sàng chờ bạn ở điểm xe bus đón để chở tới chùa. Khi xe bus chở tới nơi, tôi ngạc nhiên thấy dòng người xếp hàng rồng rắn ở con đường bên cạnh chùa. Xuống xe bus tụi tôi vội chạy nhanh đi xếp hàng. Bạn tôi thắc mắc:
- Xếp hàng dài kiểu này không biết khi nào mới tới phiên mình vô?

- Đừng lo, lần tôi đi đón Pope Francis ở Phila còn đông hơn thế này gấp nhiều lần, nhưng cứ từ từ rồi cũng tới cổng Security và vào được bên trong.

Đúng một hồi quá lâu sao không thấy hàng nhúc nhich, tôi nói bạn đứng đó giữ chỗ để tôi chạy lên xem tình hình ra sao?. Ngay cổng rào cho vô tôi thấy ùn tắc một đám đông, hàng ngũ rối loạn vì dòng người đến từ mọi phía. Hèn gì hồi nãy đứng trong hàng ở phía sau, tôi thấy thỉnh thoảng có nhiều nhóm người đi vượt lên mà không xếp hàng. Rồi bên kia đường, ngang cổng cũng có nhiều tốp băng qua đường tới chỗ vô cổng luôn. Đó có lẽ là lý do tụi tôi đứng xếp hàng trong nắng cả giờ mà không thấy nhúc nhích. Bên cạnh đó security không kiểm soát kịp nên 1 lần chỉ cho vô 50 người. Tôi qua cổng nhỏ bên cạnh dành cho báo chí, khách mời đặc biệt, và volunteer, thấy 1 bà cụ già sửa soạn tử tế, mặc áo dài quần trắng như đi 1 ngày lễ hội đang năn nỉ xin vô, nhưng nhân viên an ninh 1 mực lắc đầu từ chối. Tôi thấy tội nghiệp cụ nhưng không biết làm sao, vì tình trạng tôi cũng không khá gì hơn cụ. Tôi trở về hàng kể lại bạn nghe với hy vọng họ sẽ có cách giải quyết nhanh hơn và mình sẽ vào kịp khi ĐĐLLM nói chuyện, chứ chẳng lẽ thức sớm, ra đây xếp hàng trời nắng cả buổi rồi về sao? Hai bạn thanh niên xếp hàng phía trước quay lại nói:

- Tụi em đi từ San Diego lúc 5 giờ sáng, mà bị về thì ức lắm!
Đứng một lúc lâu thấy 2 gót chân bị đau, tôi phải vô lề đường ngồi đỡ, lúc đầu chỉ có mình tôi, rồi dần dần cái lề đường trở nên đắt hàng hết chỗ luôn. Nắng mỗi lúc một lên cao gay gắt, mấy ngày hôm nay Cali bỗng nắng cháy nung người (trên 100 độ F) khiến cháy rừng hằng loạt. Cái nóng và sự chờ đợi quá lâu khiến ai cũng thấy mệt mỏi. Một lát sau tôi thấy 1 huynh trưởng Phật Tử đi ngang, đeo thẻ BTC, trên tay cầm 1 xấp vé vô cổng, tôi bèn hỏi thăm:

- Đợi bao lâu nữa thì mới được vô? Chứ đứng nắng quá, nhiều cụ cao niên, người ngồi xe lăn sẽ bị bệnh hết.

- Tôi cũng không biết nữa, trong đó thông báo hết chỗ rồi, nhưng lại đưa tôi 1 xấp vé kêu ra ngoài này phát?

Nhiều tiếng ồn ào chung quanh phản đối:
- Sao kỳ vậy? BTC phát vé ra là phải dự trù chỗ ngồi, chứ đâu phải phát vô tội vạ, làm việc như vậy là thiếu trách nhiệm quá...

- Nghe nói không cần vé họ vẫn cho vô, miễn chen vô là được
- Như vậy cái vé này vô giá trị sao? Vậy mà bắt chúng tôi lái xe tới tận chùa mới lấy được...
Tội nghiệp anh huynh trưởng lắc đầu than:

- Khổ quá, tôi chỉ là thứ "sai đâu, đánh đó", đâu có quyền quyết định chuyện gì đâu.
Tôi nói với anh:

-Nếu thực sự hết chỗ như anh nói, thì anh nên liên lạc với người có thẩm quyền làm ơn thông báo chính thức để người ta về, kẻo đứng dang nắng chờ hoài như thế này thì "đắc tội" lắm.
-Tôi quay qua nói với bạn:

- Không biết anh ta nói đúng không? Thôi để tôi lên xem tình hình thực hư ra sao?
Khi tôi lên chỗ cổng ra vào hỏi thăm, thì có 1 chị quen ngoắc tôi vào:

- Chị có muốn vô trong không? Chen vô đây, may ra vô được, thỉnh thoảng họ cũng cho vô lai rai, chứ đứng xếp hàng ngoài kia thì tết Congo mới vô được.

Vậy là tôi mừng húm chen vô đứng cạnh chị tự nhủ thầm:"Thôi chịu khó chen chúc chật chội mà được vô là quý rồi". Một lát sau họ hé cổng để cho vô, lập tức sự xô đẩy đến từ mọi phía, tôi bị đẩy ép vào ở giữa muốn ngộp thở. Đúng là "tiến thoái lưỡng nan". Họ bèn đóng cổng lại không cho vô nữa, và yêu cầu mọi người lui ra, xếp hàng nhưng không ai chịu lui ra. Tôi thấy nguy hiểm quá, nhưng muốn lui ra cũng không được. Tội nghiệp mọi người vẫn lo cầm chặt trên tay vé vô cửa (đã vô giá trị rồi). Mấy ông cảnh sát Mỹ làm việc không xuể với đám đông bèn gọi tiếp viện. Những người ngoại quốc chung quanh tôi bắt đầu la lớn, “It's unfair” - “They need to do that from the begining”. Sau đó 4 xe Dodge đen có gắn đèn chớp tới nơi, họ dùng xe ủi từ từ vô đám đông, vậy là mọi người phải giãn ra. Họ xua tay kêu gọi nhiều lần, “No more seat inside, come back tomorrow”. “Come back Tomorrow!” Vậy là tiêu tan niềm hy vọng! Hình như ĐĐLLM đã bắt đầu nói chuyện ở bên trong...

Tôi tiếc rẻ, nên đi vòng ra phía sau hàng rào lưới và nhìn qua lỗ cáo để xem tivi trực tiếp nơi màn hình lớn phía trong. ĐĐLLM đang nói về tình thương yêu và lòng từ bi rất quan trọng trong cuộc sống, người nào có biểu lộ tình thương yêu nhiều, người đó sẽ có nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc bản thân sẽ dẫn tới hạnh phúc xã hội. Nếu ai chỉ biết quan tâm tới sự nghiệp riêng của mình thì sẽ khó có hạnh phúc... Một ông trong BTC đứng phía sau hàng rào, chắc thấy tụi tôi đứng ngoài nắng tội nghiệp, nên đưa ra lời khuyên:

- Quý vị nên về nhà mở Ti vi đài 57.8 xem trực tiếp thoải mái hơn là đứng ở đây giữa trời nắng nóng kinh hồn.

Mọi người nghe thấy có lý nên bắt đầu rút lui. Thực ra mọi người đến đây không phải là không biết điều đó, nhưng họ muốn đến đây để bày tỏ lòng welcome ĐĐLLM đến địa phương mình và cũng muốn chia sẻ cái bầu khí nhộn nhịp vui mừng chào đón Ngài, rồi được hít thở chung bầu không khí có sự hiện diện của Ngài. Sự hiện diện đó sẽ tỏa ra ánh sáng của lòng từ bi mà ai cũng muốn gần gũi, tiếp cận, như chị bạn đi chung với tôi sáng nay. Ít khi chị tham dự những sinh hoạt cộng đồng, chị lo đi làm, đi nhà thờ rồi lo cơm nước cho chồng con. Ngoài ra còn phụ coi cháu ngoại, nên lúc nào chị cũng bận tíu tít. Vậy mà hôm nay chị "cắt xén" thời gian để tìm đến đây với Ngài là đủ biết sức hút của Ngài mạnh mẽ đến dường nào. Vậy mà tội nghiệp chị phải ra về mà không đạt được ý nguyện. Hôm nay, hàng chục ngàn người thuộc cộng đồng người Việt và các cộng đồng thuộc nhiều sắc tộc khác nhau (Tây Tạng, Miến Điện, Ấn Độ, Tích Lan, Nhật Bản, Đại Hàn) từ nhiều nơi trên thế giới và nhiều tiểu bang Hoa Kỳ về đây để có dịp tận mắt gặp gỡ vị lãnh đạo tinh thần Phật Giáo mà họ yêu mến, kính trọng. Tôi đã bắt gặp trên xe bus, lúc xếp hàng, trên những ngả đường quanh chùa, những khuôn mặt và tiếng nói của nhiều dân tộc khác nhau, nhưng cùng gặp nhau ở 1 điểm chung là lòng tôn kính đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma.
(còn tiếp 1 kỳ)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT