Đời Sống Việt

Hành trình gian khổ đi “gặp” Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (kỳ 2)

Wednesday, 29/06/2016 - 08:40:32

Tội nghiệp hôn, bao nhiêu người muốn tiếp cận mà bị từ chối, giờ đây lặn lội đi tìm “Người Thương” để tiếp cận mà lại bị đuổi về! Thôi đừng buồn, để tùy duyên đi!

Phượng Vũ

Cuối cùng tôi đành ra về giữa trời nắng gắt, lòng không được vui nhưng chợt nhớ lại lời ĐĐLLM “ lòng từ bi luôn là điều cần thiết trong đời sống”. Vậy thì thôi, "Đừng trách chi , chuyện đã lỡ rồi". Một chị bạn gọi phone hỏi thăm, nghe tôi kể lại cảnh xếp hàng chờ đợi lê thê trong nắng, rồi bị chen lấn và bị cảnh sát lấy xe tới ủi mời về, chị bèn ghẹo:
- Tội nghiệp hôn, bao nhiêu người muốn tiếp cận mà bị từ chối, giờ đây lặn lội đi tìm “Người Thương” để tiếp cận mà lại bị đuổi về! Thôi đừng buồn, để tùy duyên đi!
Tôi mỉm cười:
- Tùy duyên có khi cũng do mình quyết định, sáng mai tôi sẽ đi nữa và lần này sẽ đi sớm hơn.
Lúc tôi đến bến xe bus, nhìn những người trên xe bus bước xuống mặt ai cũng vui mừng hí hửng mà thấy tội nghiệp. Chị đứng chờ bên cạnh tôi nói:
- Bây giờ mình có nói bị đuổi về chắc họ cũng không tin đâu!
- Thôi bề nào cũng công họ đến đây rồi, cho họ enjoy niềm vui thêm vài phút nữa, rồi sẽ biết sự thật ê chề cũng không muộn mà.

                                                         Đức Đạt Lai Lạt Ma thật bình dị



Cổ họng tôi cháy khô, lúc chuẩn bị đi tôi đã định đem theo chai nước, nhưng bạn tôi cản đem nước theo nặng lắm vì BTC nói sẽ lo nước uống đầy đủ cho mọi người. (Họ chỉ lo cho những người vào được bên trong). Hồi nãy tới giờ đứng dưới cái nắng nung người, đầu óc chỉ bận tâm đến việc làm sao vào được bên trong để thấy ĐĐLLM, nên quên mất vụ khát nước. Bây giờ lên xe bus ngồi, cái khát mới bộc lộ ra mãnh liệt.

Khi về tới nhà, tôi nhanh chóng mở tivi lên liền. May quá còn khúc sau, ĐĐLLM đang nói, “Lòng từ bi có lợi cho sức khỏe và đem lại sự an bình trong tâm thức. Trái lại, những cơn giận dữ sẽ ăn mòn hệ thống miễn nhiễm của cơ thể, làm cho dễ bệnh tật.” (May quá lúc nãy tôi chưa kịp nổi giận!). Nói đến đây, Đức Đạt La Lạt Ma nhìn xuống mọi người và nói: “Chúng tôi ở trên có mái che nên rất thoải mái, còn các bạn ở dưới rất nóng. Vì vậy, hãy đội mũ hoặc che dù để tránh nắng. Hoặc chúng ta thấm một ít nước vào khăn và đặt trên đầu.” Rồi Ngài còn ước phải chi mây che bớt nắng. Trời ơi! Đúng Ngài là hiện thân của lòng từ bi và vị tha nên mới đồng cảm sâu xa với cảnh khổ của những người khác, chứ có lãnh tụ nào đang ngồi nói chuyện trên cao mà lại nhớ tới cảnh khổ của quần chúng phía dưới. Nếu lúc nãy Ngài nhìn thấy cảnh chúng tôi khổ sở đứng xếp hàng trong nắng ( chứ làm gì hân hạnh có được chỗ ngồi) chắc Ngài sẽ còn thương hơn. Trong lúc đang nói chuyện, mấy người ngồi ở các bậc tam cấp trước mặt Ngài bị nhân viên an ninh mời đi chỗ khác. Thấy vậy, Ngài đưa tay chận lại và nói, “Nếu họ không gây ồn ào thì o.k. cứ để họ ở đó". Nơi Ngài không toát ra vẻ dè dặt, thận trọng như thường thấy ở những người lãnh đạo cao cấp. Ngài hoàn toàn không có cái xa cách của người xem mình là nhân vật quan trọng.

Cuối cùng khi kết thúc bài nói chuyện, ngài nói, “Tôi xin lỗi đã làm các bạn phải ngồi ngoài trời nóng.”. Chao ôi, lời xin lỗi của Ngài làm tôi mát dạ, mát gan, bao nhiêu ấm ức vì cực khổ từ sáng tới giờ đã bay đi mất. (Ước gì các vị lãnh đạo đất nước tôi có được chút xíu tinh thần của Ngài thì dân VN sẽ đỡ khổ biết bao!). Ngài xứng đáng được yêu kính, chắc chắn sáng mai dù khó khăn đến đâu, tôi cũng sẽ đi để gặp được Ngài....

Buổi tối có việc cần phải “giữ lời hứa” từ trước... nên tôi đi ngủ lúc gần 1 giờ sáng, chỉ sợ sáng ngủ quên. May quá mở mắt ra thấy 6 giờ, tôi vội thay đồ thật nhanh để đi liền. Khi tới chùa Điều Ngự thì quanh cảnh xếp hàng chỉ còn bằng 1/10 hôm qua. Chắc nhiều người ngán cảnh xếp hàng rồi bị đuổi về nên không đi nữa, hay là vì dự báo cho biết hôm nay sẽ nóng hơn hôm qua ( 106 độ). Tôi gia nhập xếp hàng và gặp chị đứng cạnh rất vui vẻ, miệng chị lúc nào cũng nói "vui quá, vui quá" rồi kể chuyện:
- Hôm qua sém chút nữa tôi được vét đồ ăn của ĐĐLLM, sau khi Ngài ăn xong!
- Rồi chị có "chấm mút" được chút gì không?

- Tui lẹ tay mà mấy bà khác còn lẹ hơn tui, tới chừng tôi rớ được tới cái đĩa thì nó láng bóng.
Câu chuyện của chị làm tôi nhớ đến vụ giới trẻ ái mộ "thần tượng" của mình. Đúng là mỗi người đều có cách riêng để bày tỏ lòng ái mộ của mình. Nghe chị kể huyên thuyên chuyện hôm qua cho tới lúc BTC mở cửa cổng cho vào. Mạnh ai nấy chạy xí chỗ ngồi, nên tôi lạc mất chị, rút kinh nghiệm bị nắng hôm qua, nên tôi tìm chỗ có mái che để ngồi. Ngồi yên chỗ rồi tôi mới để ý quan sát, có rất nhiều phụ nữ mặc áo dài, các bà trong ban tiếp tân với áo dài vàng, hay xanh dương có cả khăn vành đội đầu cùng màu rất đẹp. Rồi mấy em trong ban phục vụ mặc áo dài lam, 1 cái màu nhã nhặn dễ thương. Tôi luôn tự hào về vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam theo lối truyền thống, xin đừng cách tân quá đáng làm mất đi nét đẹp Á đông của nó. Bỗng đập vào mắt tôi là 1 cô gái trẻ ngoại quốc, dáng thon cao, xinh đẹp trong bộ áo truyền thống không biết của nước nào, mặc có vẻ thoải mái, kín đáo nhưng rất đẹp, tôi chạy tới làm quen xin chụp hình, mới biết cô là phóng viên của Pháp và bộ áo cô mặc trên người là của Ấn Độ. Như vậy là mỗi nền văn hóa đều có những nét đẹp riêng, chúng ta phải nhìn thấy cái đẹp của nền văn hóa khác, cũng như của tôn giáo khác để học hỏi và tôn trọng như lời ĐĐLLM nhắc nhở nhiều lần hôm qua, “Các tôn giáo khác nhau có những triết học khác nhau, những quan điểm, khái niệm khác nhau nhưng cùng chuyển tải một thông điệp, đó là lòng thương yêu và từ bi. Phần lớn người Việt Nam là Phật tử, các bạn hãy sống hòa hợp và học hỏi cái hay từ các tôn giáo khác dù bạn sống ở nơi nào thì hãy sống với sự hòa đồng tôn giáo vì hiện nay có nhiều người nhân danh tôn giáo để sát hại lẫn nhau, có khi cùng tôn giáo nhưng họ cũng chiến tranh và sát hại lẫn nhau."
Nắng đã bắt đầu lên cao, chị ngồi bên cạnh đi thăm dò tình hình trở lại rủ tôi:
- Đi vô trong hội trường, ngồi mát có máy lạnh, có ti vi xem trực tiếp, còn ở đây mình đâu thấy gì, chỉ thấy người ta..
Nhưng 1 chị khác lại có ý kiến:
- Vô trong đó coi tivi, thì thà ở nhà nằm coi cho khỏe.
Ý kiến nào cũng có lý hết, nên rất khó chọn. Tôi chọn ở lại bên ngoài, nhưng sắp tới giờ ĐĐLLM đến, ở đây tôi hoàn toàn không thấy gì và tôi muốn nhìn thấy ĐĐLLM, chỉ có hàng ghế dành cho VIP mới nhìn thấy Ngài thôi. Tôi bèn đi vào bên trong, may quá còn vài chỗ... Khi ĐĐLLM đến mọi người đứng dậy vỗ tay hò reo. Lúc chào cờ Ngài chắp 2 tay lại. Lần đầu tiên tôi nghe bản chào cờ Tây Tạng, nó hùng mạnh và tiềm ẩn sức quật khởi của người dân. Khi nghe Quốc Ca VNCH, tôi thấy 2 tay Ngài nhịp nhịp, chứng tỏ bản Quốc Ca của chúng ta rất hùng tráng.

 
                                                      Nữ phóng viên Pháp với chiếc áo Ấn Độ.


Trong phần phát biểu của nhiều khách mời, tôi chú ý tới lời phát biểu của TNS Janet Nguyễn, khi cô nói:
- Theo lời dạy của Đức Đạt La Lạt Ma, “Mục đích chính trong đời của chúng ta là giúp đỡ kẻ khác. Và nếu bạn không thể giúp họ, ít nhất đừng hại họ.” Hy vọng người Việt Nam mình sẽ áp dụng lời dạy này để cộng đồng Việt Nam yêu thương đoàn kết hơn.

Trong phần nói chuyện sau đó, Đức Đạt La Lạt Ma luôn nhấn mạnh đến Tình Yêu Thương, khoa học ngày hôm nay nghiên cứu cho biết bản chất của con người chúng ta là đầy tình yêu thương. Cho nên tình thương yêu đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Tôi chợt nhớ lại 1 nghiên cứu mới đây cho biết, “Tế bào ung thư sợ nhất là tình yêu, nếu cuộc sống con người có đầy đủ tình yêu thương thì bịnh ung thư sẽ mất đất sống.” Đức Đạt La Lạt Ma kêu gọi mọi người hãy sống tử tế và từ bi kể từ "hôm nay”. Vậy mà theo tin đài VOA, tivi nhà nước VN mới có 1 phóng sự “Từ Thiện để làm gì?” và họ cho là phong trào Từ Thiện đã làm mất đi bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc? Và có lẽ để cụ thể hóa chính sách đó, bản tin loan tiếp: linh mục T.V. Hùng thấy hoàn cảnh đói khổ của ngư dân vùng Vũng Áng Quảng Bình, đã tự động đứng ra quyên góp để giúp ngư dân vùng cá chết, nhưng việc làm của cha đã bị chính quyền sở tại ngăn cấm và làm khó dễ. Đâu rồi câu tục ngữ từ ngàn xưa của cha ông ta để lại "Lá lành đùm lá rách"?

Đức Đạt Lai Lạt Ma có cách nói chuyện rất giản dị dễ hiểu như khi ngài cầm cái chuông nhỏ giơ lên và chỉ cho mọi người thấy tiếng chuông rung lên là nhờ sự va chạm giữa ruột chuông và thành chuông, từ đó sẽ phát ra âm thanh. Trong cuộc sống chúng ta đừng ngại sự cọ xát hay va chạm vì nhiều khi nhờ đó mà tạo ra những hiệu quả tốt đẹp, tiếng chuông vang xa... Ở Ngài tôi còn nhìn thấy sự hiền hòa, bình dân khi thỉnh thoảng trong bài Pháp tôi nghe tiếng cười "hà... hà...hà" của Ngài, nghe sao gần gũi như tiếng cười vui vẻ hiền lành của ông ngoại khi nói chuyện thân mật với đám con cháu. Bên cạnh đó Ngài còn thể hiện đức tính khiêm tốn, khi cho rằng dù đã 80 tuổi, ngài vẫn luôn muốn học hỏi nơi Đức Phật và nơi mọi người, rồi ngài xoay qua Thượng Tọa Thích Viên Lý, cười “Chắc Ngài cũng cần có điều chi nói với tôi chứ?” (You need to say something to me?).

Sau phần thủ tục nghi lễ khánh thành chùa Điều Ngự, mọi người được các em trong gia đình Phật tử phát 1 khúc bánh tét chay và 1 hộp cơm chay. Tôi nhủ thầm khúc bánh tét chay này, tôi sẽ để dành chia với bà già neo đơn gần nhà, bà sẽ rất vui vì được “hưởng lộc chùa”. Nước thì tha hồ uống thoải mái. Lo thức ăn cho 1 số lượng lớn người như thế này là biết bao công sức của ban nhà bếp... Có lẽ lâu lắm rồi tôi mới được "ăn cơm chùa", không biết có phải vì thế mà tôi thấy rất ngon, dù là chỉ một ít cơm trắng vài miếng tàu hủ kho và chiên, vài miếngrau, nhưng ăn rất ngon. Hay là vì tôi được ăn trong không gian chùa mới khánh thành và có sự hiện diên của Đức Đạt Lai Lạt Ma ?

Xin chân thành cám ơn tất cả những người đã bỏ công sức góp phần để tạo nên một cuối tuần có nhiều ý nghĩa đặc biệt với sự có mặt quý báu của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong Cộng Đồng Người Việt tại khu phố Little Saigon
Phượng Vũ
6/2016

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT