Đời Sống Việt

Hành Trình Yêu Thương

Thursday, 16/10/2014 - 08:10:26

Dưới đây là tâm tình của một thiện nguyên viên trong đoàn y tế lưu động của hội SAP-VN trong chuyến công tác vào mùa hè năm 2014.

Ánh Nguyệt

Hội thiện nguyện SAP-VN sẽ tổ chức tiệc gây quỹ “Cho Em Niềm Hi Vọng” giúp trẻ em khuyết tật vào lúc 5PM ngày Chủ Nhật 19 tháng Mười, 2014 tại nhà hàng Mon Amour Banquet, số 3150 đường West Lincoln Avenue, phòng số 134, thành phố Anaheim, CA 92801. Dạ tiệc sẽ có phần văn nghệ do nhạc sĩ Diệu Hương đảm trách với các ca sĩ Thanh Hà và Anh Tuấn. Giá vé $50 và $100. Kính mời quý độc giả tham dự. Xin gọi: tiệm kính Optometry 714-418-0190, hội SAP-VN 714-901-1997 hoặc nhà sách Tự Lực 714-531-5290.
Dưới đây là tâm tình của một thiện nguyên viên trong đoàn y tế lưu động của hội SAP-VN trong chuyến công tác vào mùa hè năm 2014.

Tất bật chuẩn bị
Như hàng năm, đoàn khám bệnh lưu động SAP-VN chuẩn bị lên đường giữa mùa hè oi bức. SAP-VN là tên viết tắt của hội thiện nguyện Social Assistance Programs for Vietnam, thành lập đã trên 20 năm, với mục đích đem lại những cuộc giải phẫu chữa sứt môi và khoèo chân tay cho các em bé ở Việt Nam. Hằng năm còn có đoàn y tế lưu động về khám bệnh, khám mắt, nhổ răng cho người nghèo tại những địa điểm khác nhau. Năm nay đoàn lại làm việc ở miền Trung đất đai khô cằn, nắng cháy: vùng A Lưới.



Sân bay Phú Bài buổi trưa đầu tháng 8 ngập nắng, vừa bước ra khỏi phi trường tôi đã nhăn nhó năn nỉ ông mặt trời, có lẽ ông cũng thương tình nên “khuyến mãi” cho thêm chút gió, gió Huế cũng có “cái style” riêng, nhè nhẹ, dìu dịu và... hơi ấm, không lùa mát dịu như gió Saigon, lại càng khác xa với gió Cali. Dù sao thì cũng cảm ơn ông Trời, “có còn hơn không”
Ba mẹ con hơi ngơ ngác vì đây là lần đầu đến Huế bằng máy bay (những lần trước chỉ bay tới Đà Nẵng rồi ngồi xe tới Huế), chưa kịp định thần thì nghe có tiếng hỏi “Chị có đi xe buýt không? Xe sắp chạy rồi nờ”... Bỗng nhớ lời Diễm Thu dặn “nếu muốn tiết kiệm, từ sân bay chị đi xe buýt, bến xuống cũng gần khách sạn lắm, đi bộ thêm chút thôi”. Thế là 3 mẹ con quyết định leo lên xe.
Vừa đến khách sạn đã thấy chị Châu và một số anh chị em đang ngồi bàn luận cho công việc, mọi người nhắc 1:30pm sẽ bắt đầu buổi họp sắp xếp công việc. Đúng 1:30, mọi người kéo đến đầy đủ trong phòng họp. Sau phần chào hỏi thân mật, giản dị đôi khi rất tiếu lâm của 1 số anh chị em và phổ biến chi tiết chương trình làm việc của 4 ngày sắp tới, ngay lập tức, ai vào việc nấy!




Phòng họp trở nên chộn rộn... Mỗi ngành đều tự đi tìm kiếm những thuốc men, dụng cụ của ngành mình để tính toán, chuẩn bị cho 4 ngày làm việc sắp tới. Mới nghe tưởng rất đơn giản nhưng có chứng kiến tận mắt mới thấy lượng công việc nhiều đến thế nào. Nào là thuốc men, dụng cụ y tế, thậm chí cả những chú thú nhồi bông được đưa về từ bên kia đại dương, thứ nào cũng lên đến hàng chục thùng, làm mọi người ai cũng tất bật khiêng vác, chọn lựa, sắp xếp, công việc cứ như bất tận. Có lẽ vừa sau những chuyến bay dài đầy mệt nhọc, chưa kịp lấy lại sức nên khi sự sắp xếp tạm ổn thì ai nấy cũng rã rời, nên khi nghe thông báo ngày mai sẽ khởi hành lúc 6h sáng, nghĩa là mọi người phải đặt đồng hồ báo thức lúc 5 h, ai nấy đều cười... như mếu.

Một ngày làm việc cũng tất bật
Tưởng chừng sẽ không ai dậy nổi đúng giờ, thế mà chưa tới 6 giờ sáng mọi người đã có mặt đông đủ dưới sảnh khách sạn. Vẻ mệt mỏi và ngái ngủ hầu như vẫn còn vương đọng trên từng khuôn mặt nhưng vẫn kèm theo dấu hiệu tràn đầy sự hăng hái. Sắp xếp người lên 7 chiếc xe (chiếc xe tải chở dụng cụ, thuốc men đi đầu), tất cả lên đường!
Quãng đường đèo quanh co, có những khúc gập ghềnh đến phát sợ. Bù lại, mỗi cung đường lại có những cảnh trí thiên nhiên khá đẹp. Nhưng không biết trên những chiếc xe khác thế nào, riêng xe mình ngồi thì hình như không ai còn lòng trí thưởng ngoạn, 1 phần vì còn ngái ngủ, 1 phần vì nôn nao, mong mau đến nơi để được làm việc. Vả lại, có lẽ vì mới lần đầu gặp mặt nên ai nấy vẫn còn 1 chút bối rối, thẹn thùng.




Sau gần 2 tiếng đồng hồ vất vưởng đường trường, rốt cuộc đoàn xe cũng tới nơi, mừng cách chi là mừng. Tất cả đều tỏ vẻ rất sẵn sàng. Mọi người đều nhanh nhẹn xuống xe, ai vào việc nấy một cách rất “pro”. Ông bác sĩ trưởng trạm, theo đúng truyền thống VN, đã chờ sẵn và như cũng đã chuẩn bị chào hỏi, lễ nghi một chút, nhưng cả đoàn đều thực hiện rất nhanh phần chào hỏi để bắt tay vào công việc chính: khám bệnh và phát thuốc cho bà con. Nhất là khi nhìn thấy bà con đã có mặt ngồi chờ khá đông, thời giờ dành cho lễ nghi chắc chắn cần giảm bớt.
Sau khi quan sát nhanh 1 vòng, các phòng được phân chia đầy đủ và hợp lý (tương đối thôi, nhưng cũng là khá tốt rồi). “Tổ Nha” được “hưởng” nguyên 1 khoảng sân rộng có sẵn mái che. Những chiếc bàn bình thường đã được những bàn tay thoăn thoắt sáng tạo, phút chốc đã trở thành 1 “ghế nhổ răng”. Lần đầu tiên mình được chứng kiến 1 phòng khám mắt được che kín ánh sáng bằng những... bao nylon đen của “Tổ Mắt”. Những bác sĩ, sau khi nhận được phòng bịnh, cũng nhanh chóng sửa soạn, xếp đặt dụng cụ. Các khâu tiến hành thật nhanh nhẹn, thông suốt (đúng là tác phong Mỹ), nguyên một “clinic dã chiến” được thành lập trong nháy mắt và bắt đầu vào việc ngay lập tức, kiểu làm việc chạy đua với thời gian. Khâu nhận bệnh khởi sự đầu tiên, được các bạn trẻ phụ trách nên cũng rất nhanh. Tội nghiệp nhất là khâu “điều khiển đám đông”, cổ họng các anh luôn phải dùng hết công suất. Các em trẻ hơn được giao nhiệm vụ theo sát để hướng dẫn và giúp đỡ người bệnh (sau khi người bệnh được ghi danh, đo huyết áp phải dẫn họ tới đúng từng phòng bịnh, khám xong lại dẫn tới phòng nhận thuốc...). Thế là cứ lên lầu, xuống lầu, qua trái, qua phải..., dặn ông ngồi ghế chờ lại dẫn bà qua khâu kế tiếp. Các em cứ như con thoi nối kết với nhau thật chặt chẽ, cố gắng không để bất cứ người bệnh nào phải lớ ngớ, hoang mang. Nhìn những lưng áo đẫm mồ hôi cũng biết các em mệt đến chừng nào.
Càng lúc bệnh nhân kéo tới càng đông, người này gọi báo người khác, kể cả những người không được phát phiếu khám bệnh cũng rủ nhau tới ngồi chờ, hy vọng cuối buổi sẽ được... khám ké. Nắng mỗi lúc một lên cao, cái nắng, cái nóng hầm hập của miền Trung cũng không làm họ chùn bước. Nhìn những cụ già, em bé ngơ ngác, kiên nhẫn ngồi chờ giờ này qua giờ khác, sao lòng mình thấy nghèn nghẹn thế nào.




Theo như sắp xếp ban đầu, mình được phân công vào khâu đo huyết áp. Máy móc tương đối đầy đủ nên cũng không vất vả mấy, nếu gặp case nào có vẻ hơi “rối” lại chuyển ngay cho Phương, 1 nữ “y tá thứ thiệt”, rất nhanh nhẹn và thông minh. Bởi thế, khi vô tình lên lầu tới phòng khám nhi đồng, thấy các bé khá đông nên xuống đề nghị với Phương mình sẽ ở lại giúp 2 bác sĩ Denise và Mai Khanh, đỡ bớt cho Diễm Thu 1 mình phụ giúp tới mấy phòng bệnh, Phương cũng đồng ý liền.
Làm việc trong khâu khám nhi, thấy các bé thật dễ thương, xinh xắn, nhất là nụ cười của các bé mỗi khi được tặng thú nhồi bông (các bé cứ gọi chung là gấu bông), lòng mình thật vui. Thế nhưng khi được nghe mô tả những sự chăm sóc rất đơn giản và ngộ nghĩnh, mới thấy thương các bé quá. Ở đây có “hiện tượng” đặc biệt, là việc hầu hết các bé trai đều đã được cắt bao quy đầu (chỉ trừ những bé gia đình... chưa đủ tiền). “Ngộ” hơn nữa khi hai BS cố gắng giải thích tùy theo trường hợp của từng bé, không phải bé nào cũng cần thiết phải làm như vậy đều nhận được câu trả lời “tại thấy các bé khác (ở những gia đình khác) đã làm rồi nên cũng phải cho con (cháu) mình làm như vậy“à, quả là chẳng còn biết nói sao. Lại còn có trường hợp chẳng biết có phải vì không giữ được vệ sinh, vết thương làm độc sưng tấy, bé đau khóc đến lả, tội làm sao! Theo lời kể từ những phụ huynh, đa số những cha mẹ ở vùng này đều đi vào Saigon hay những thành phố lớn để làm việc, con cái gởi lại nhà cho ông bà chăm sóc, rồi vì không ở gần con nên cứ nghe thấy mọi người làm gì thì cũng muốn con cháu mình được làm như vậy.
Có những bà mẹ mang bịnh phụ nữ đã lâu nhưng không dám đi khám tại trạm xá (vì mắc cỡ), nay mới thủ thỉ với BS của đoàn để được khám, lập tức được chuyển sang BS Michelle chuyên khám phụ khoa.
Theo tác phong làm việc bên Mỹ thường không nghỉ trưa, nhưng bởi đây là Việt Nam, bà con đã được thông báo giờ đoàn tạm nghỉ, vả lại cả đoàn đều có vẻ chịu thua ông mặt trời nên phải ngừng tay một chút để nghỉ ngơi hầu nạp lại năng lượng.




Buổi chiều, công việc có phần nhộn nhịp hơn nữa vì bà con nghe tin kéo tới đầy nghẹt sân. Hầu như không nghỉ tay suốt 2 giờ đồng hồ, 2 BS nhi (vì mình phụ tổ nhi nên rành tổ này nhất) làm việc như máy, nhất là khi vì muốn giải bớt áp lực cho “tổ dược”, BS Mai Khanh quyết định tự phát thuốc cho các bé. Chỉ phụ trách việc dặn dò mọi người cách uống thuốc mà sao mình cũng thấy mệt đứt hơi. Có lúc thấy đã hết người xếp hàng, vừa báo tin mừng cho 2 BS tạm nghỉ thì lại một loạt các bé kéo tới, các BS, người nhăn nhó, người mỉm cười rồi... cả hai làm việc tiếp!
Ngôn ngữ cũng là vấn đề khá khôi hài trong nơi khám nhi (mình nghĩ các chỗ khác chắc cũng sẽ có). Các BS hoặc được sanh ra, hoặc đã ở Mỹ khá lâu nên tiếng Việt cũng có phần hơi yếu, lại gặp người dân A Lưới với chất giọng, thổ âm đặc biệt nên BS và bệnh nhân, đôi khi không ai hiểu ai. Thế là mình lại được may mắn trở thành thông dịch viên từ tiếng Việt qua... tiếng Việt! Mỗi lần như thế mấy chị em lại lăn ra cười. Có lẽ nhờ vậy nên buổi chiều đỡ nóng.



Rốt cuộc cũng đến giờ ngưng việc, sau khi đã cố gắng khám cho những cụ già đã ngồi chờ rất lâu, thậm chí chờ... từ sáng. Tội lắm nhưng biết làm sao được vì cái gì cũng phải có giới hạn của nó.
Xong việc, cả đoàn lại nhanh chóng thu dọn đồ đạc, dụng cụ, thuốc men để lên xe ra về, chuẩn bị cho ngày mai ở điểm dừng chân kế tiếp. Đảo mắt 1 vòng sân trạm xá, thấy 1 số người vẫn còn đang nấn ná chung quanh, nhìn theo đoàn, trong ánh mắt như vẫn còn thoáng chút ước mơ... làm lòng mình cũng vương bồi hồi.

Một chuyến đi đầy ý nghĩa
Cứ thế, công việc tiếp nối gần như triền miên không dứt qua thêm 3 ngày nữa ở 3 địa điểm khác nhau. Cũng những gương mặt đầy phong trần của cuộc sống, những em bé ngây thơ lam lũ ngồi đầy những nơi chờ đợi.
Sau những ngày miệt mài, bùi ngùi chia tay mọi người, ba mẹ con ra phi trường chuẩn bị về lại Saigon, trong lòng sao đầy ắp những vui buồn, nghĩ suy... 5 ngày, chỉ 5 ngày sao cho mình thật nhiều cung bậc cảm xúc. Nghĩ tới sự hy sinh của tất cả mọi người. Rời bỏ những công việc hàng ngày của những bác sỹ, dược sỹ , y tá. Rời bỏ tạm thời gia đình, con cái để ra đi phục vụ cộng đồng. Mọi người đã bằng lòng bay nửa vòng trái đất để đến và chăm sóc người dân ở vùng nghèo nàn, hẻo lánh này.
Cảm ơn SAPVN, các anh chị đã thầm lặng làm nên biết bao điều kỳ diệu, các anh chị đã kết hợp với nhau thật tốt đẹp để làm những điều tốt đẹp, đem lại niềm vui cho biết bao con người.
Cảm ơn những người bạn ngoại quốc, các bạn quả là 1 tấm gương phục vụ vô cùng quý báu. Cảm ơn bạn đã đến giúp đỡ và thương mến quê hương, đồng bào của chúng tôi
Cuối cùng, cảm ơn các bạn đã đến để cùng nhau trải qua một cuộc hành trình đặc biệt, cuộc hành trình của yêu thương.
Cali, ngày 17 tháng 9 năm 2014

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT