Đời Sống Việt

Hành Trình Yêu Thương Quảng Nam - Huế - Quảng Bình (kỳ 1)

Tuesday, 15/04/2014 - 10:46:31

Từ lâu tôi đã hẹn lòng sẽ đi công tác từ thiện với Hội Bạn Người Nghèo, nhưng rồi cứ bị trục trặc chuyện nọ chuyện kia, nên chưa thực hiện được. Kỳ này tôi quyết tâm thực hiện cho được, tôi về Việt Nam đi hành hương rồi ở lại chờ, nhưng HBNN cứ dời ngày đi hoài thành thử tôi đã lỡ hẹn nên cứ phải ráng đợi...

Phượng Vũ
 
Hội Bạn Người Nghèo Nam California thực hiện

Từ lâu tôi đã hẹn lòng sẽ đi công tác từ thiện với Hội Bạn Người Nghèo, nhưng rồi cứ bị trục trặc chuyện nọ chuyện kia, nên chưa thực hiện được. Kỳ này tôi quyết tâm thực hiện cho được, tôi về Việt Nam đi hành hương rồi ở lại chờ, nhưng HBNN cứ dời ngày đi hoài thành thử tôi đã lỡ hẹn nên cứ phải ráng đợi... khá lâu. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi đã có thời gian dài để đi công tác từ thiện nhiều nơi, nhất là với Hội Nhân Đức. Tôi đã có dịp đi nhiều để mở rộng tầm nhìn và học hỏi được nhiều hơn về cuộc sống. Đây cũng là chuyến về Việt Nam mà tôi có dịp đi qua nhiều miền đất nước: từ Bắc vô Nam, tới tận Hà Tiên, rồi từ miền Đông qua miền Tây, lên cả tận cao nguyên để ngắm nhìn quê hương dưới nhiều góc cạnh khác nhau, phong tục văn hóa khác nhau. Nếu không nhờ những chuyến đi từ thiện này, chắc không bao giờ tôi có cơ hội đi khắp mọi miền đất nước, tới những vùng xa xôi hẻo lánh (như lần đi Trà Vinh phải qua 2 chuyến phà, chuyến phà cuối phải đợi hơn 1 giờ mới có phà qua, rồi đi xe lôi, xe kéo...) rồi đi vào những buôn làng của người sắc tộc... Tất cả góp phần làm cho những hiểu biết của tôi về con người, về quê hương mình được phong phú hơn. Tạ ơn Chúa, cho nên lúc nào tôi cũng tin rằng, “Chúa đóng cánh cửa lớn, Chúa sẽ mở cánh cửa nhỏ.”

Khi HBNN về Việt Nam tổ chức chuyến đi từ thiện từ Nam ra Bắc với điểm chính ở Quảng Bình thì sát ngày tôi về lại Mỹ, vì nếu về trễ hơn tôi sẽ bị phạt gần 600$US, (chứ tôi còn dự định ở lại để đi từ thiện tiếp với HBNN ở Sóc Trăng, Cà Mau...) Do đó tôi yêu cầu sau khi công tác từ thiện ở Quảng Bình, được về chung xe với nhóm Hội Nhân Đức, vì các BS,DS cũng cần về tới Saigon tối Chủ Nhật để sáng Thứ Hai đi làm lại, còn tôi Thứ Hai sẽ ra phi trường bay về Mỹ.

Trưa Thứ Tư khi đến điểm hẹn trước Bịnh Viện Nhân Dân Gia Định như mấy lần công tác trước, lên xe tôi thấy khá đầy đủ và xe chuẩn bị khởi hành. Một số BS, DS sẽ được rước dọc đường vì kỳ này đi xa và đi nhiều ngày. Ai muốn đi phải để dành phép, hay đổi ca cho bạn chứ không như mọi lần chỉ đi Thứ bày, Chủ Nhật thì tương đối dễ dàng hơn...

Sau khi đón người tương đối đầy đủ, chúng tôi ghé ăn tối ở quán dọc đường. Trời đã tối đen, mọi người lên xe, ai nấy chuẩn bị “lưng, mông” để ngồi cho “ê ẩm, tê cứng” hay nói văn chương như Nguyễn Du “cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời” vì đường còn rất xa (khoảng hơn 1000 km), để biết phần nào cái cực khổ của dân quê nghèo. Mọi người đề nghị nên có “văn nghệ bỏ túi” hát cho nhau nghe để vui vẻ quên đi “đường xa vạn dặm.” Đúng là giới trẻ nên mọi người hăng hái tham gia, BS H. mở đầu với bài hát “Xuân Và Tuổi Trẻ” vì dư âm mùa Xuân như vẫn còn đâu đây, rồi NS. T. lên thổi kèn harmonica bài “Hãy Yêu Nhau Đi,” sau đó là tự hát... Không khí rộn ràng vui hát lan tỏa trong xe, nên ai cũng hăng hái tự nguyện tham gia, không kể già trẻ lớn bé theo tinh thần “hát hay không bằng hay hát,” nhất là lại được sự hỗ trợ rất đắc lực của BS Phong (trưởng đoàn) với Ipad trong tay. Ai thích hát bài gì, không nhớ lời, cứ nói tên bài hát hoặc 1,2 lời trong bài hát cũng được, BS Phong sẽ gõ vô Google, vài giây sau bài hát sẽ hiện ra đầy đủ, tha hồ mà hát. Đúng như lời ca dao mới:

“Trăm năm trong cõi người ta
Cái gì không biết thì tra Google”

Sau khi nhiều người hát đơn ca, tôi bèn đề nghị hát tập thể vài bài. Thế là mọi người vừa hát vừa vỗ tay nhịp nhàng trong không khí rộn ràng hăng hái

BS Loan trẻ nhất trong nhóm, “cái gì cũng ngơ ngác không hiểu,” giơ tay tình nguyện xin hát bài “Một Đời Người, Một Rừng Cây.” Sau vài giây tra Google bài hát hiện ra:

“Khi nghĩ về một đời người / Tôi thường nghĩ về một rừng cây
Khi nghĩ về một rừng cây / Tôi thường nhớ về nhiều người”

Tới đây thì đã có nhiều giọng hát theo, đúng là các em trẻ hồn nhiên và nhiệt tình như việc các em đi công tác từ thiện hôm nay. Các em là những người cùng nhau góp sức chung tay để hỗ trợ để cùng làm việc từ thiện, dù xa xôi cách trở.

Tôi hơi ngạc nhiên vì các em (nhóm BS,NS,DS trẻ) thường chọn những bài hát xưa và có ý nghĩa để hát, chứ không phải là những bài hát “thời đại mới” của giới trẻ bây giờ, nghe “giựt giựt' hoặc gào hét, rên la thống thiết. Buổi văn nghệ bỏ túi kéo dài khá lâu, có lẽ vì hát làm cho người ta yêu đời, hăng hái quên mệt nhọc. Mọi người đua nhau hát nên chương trình tự phát mà gồm đủ mọi tiết mục: đơn ca, song ca, hợp ca, ngâm thơ, thổi khẩu cầm... Trước khi kết thúc BS Phong đề nghị hát tập thể bài “Bạch Đằng Giang,” mọi người đồng ý liền, thế là không khí văn nghệ hào hùng cất lên

“Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng
Giống Lạc Hồng, giống Anh hùng, Nam, Bắc, Trung...
Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng
Đằng Giang vẫn sáng, để cho nòi giống soi chung.”

Mọi người vỗ tay kết thúc chương trình văn nghệ bỏ túi, nhưng như đang còn dư âm hào hùng của bài hát, DS T. bỗng cất lên:

“Này công dân ơi! đứng lên đáp lời sông núi...”

Tôi bèn tiếp lời “vì tương lai quốc dân, làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.” Một số các em khác lõm bõm hát theo, hát như từ tâm thức của mình hát ra:

“Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời.

Kết thúc bài hát DS T. còn phụ đề, “Tụi mình vừa hát bài chào cờ VNCH.”

Trời đã thật khuya, hai bên đường bóng tối tràn ngập, mọi người từ từ rơi vào giấc ngủ, tôi quên đem theo gối cổ, nên cứ ngồi “nhúc nhích” hoài mà vẫn không ngủ được. Tôi ước gì được đi xe “giường nằm” (loại xe này bây giờ rất phổ biến ở Việt Nam), thì chắc sẽ dễ ngủ hơn. Nhưng thôi, đi từ thiện là chấp nhận mọi gian khổ, để “nếm mùi tân toan” chia xẻ với người nghèo. Xe ngang qua Cam Ranh, nhìn từng đợt sóng trắng xóa, lăn tăn xô vào nhau, có khi cao ngất đổ ầm ầm xuống, tôi chợt nhớ tới lời bài hát:

“Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu?”

Biết đến bao giờ con người có thể sống trung thực, ngay thẳng với nhau để khỏi phải “van xin”:

“Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Đừng cho tôi thấy hết tim người”

Chúng ta sinh ra bình đẳng (ai cũng trần truồng như nhau), khi chết cũng bình đẳng (2 tay trắng không mang theo được gì). Sao bây giờ ta không biết sống tử tế, chân thật với nhau cho đời nở “Hoa Yêu Thương”

Khi xe đến Tuy Hòa, nơi tôi đã dạy ở Trung Học Nguyễn Huệ hai năm, đón một thầy giáo về hưu, có con là “Mạnh Thường Quân” của hội. Tôi hỏi thăm thầy về tin tức những người cùng dạy ở trường xưa, nhưng tiếc là thầy công tác ở tỉnh khác. Ngồi yên chỗ, ông nói với tôi:

- Cô ơi! Mình phải đi làm từ thiện vừa làm phước, vừa thay đổi không khí cho đầu óc tỉnh táo, chứ ở nhà theo “chăn” cái đám cháu nội, cháu ngoại riết rồi mụ người hết.

Xe đi qua Qui Nhơn, Bình định, tôi nhớ trước 75 mình đã từng làm đơn xin đổi theo ông xã và đã nhận được sự vụ lệnh bổ nhiệm ra dạy Cao Đẳng Sư Phạm Qui Nhơn, nhưng giờ chót gặp trục trặc gia đình nên không ra được. Bây giờ ở các tỉnh không phải chỉ Cao Đẳng mà Đại Học cũng mở ra tràn lan khắp nơi, nhưng thành phần ban giảng huấn thiếu hụt và không có phẩm chất, nên vừa rồi báo loan tin nhà nước đã ban hành công văn rút giấy phép hoạt động của rất nhiều trường đại học trong nước.

Nhìn bên đường có những hàng quán bán thật sớm với ngọn đèn dầu leo lét, chắc dành cho những người lao động phải dậy sớm để mưu sinh, một số người thấy đói bụng, nên đoàn dừng chân tiện thể xin nước đánh răng, rửa mặt luôn. Bà bán cháo gà gặp xe chúng tôi coi như “trúng mánh” vì bán gần hết, dọn hàng về sớm, nên bà rất vui vẻ tiếp đón chuyện trò...

Xe lại tiếp tục rong ruổi hành trình, chúng tôi đến Quảng Nam khi trời đã sáng tỏ. Chúng tôi ghé Tam Kỳ, thủ phủ cũ của tỉnh Quảng Nam. Đi quanh co, tới lui mãi mới tìm được nhà thầy Hiệu Trưởng của một trường tiểu học, mà Hội Nhân Đức bảo trợ, để gửi 500 cuốn tập và một số dụng cụ học tập nhờ thầy phát lại cho các em học sinh nghèo, gia đình neo đơn (vì đoàn không có đủ giờ). Trong làng đa số chỉ còn người già và trẻ con sống lây lất qua ngày, những ai còn sức lao động thì đã đi vào các thành phố lớn để kiếm sống. Trên đường đi, BS Phong cho biết đã gửi tiền nhờ họ mua 5 con gà về nấu mì Quảng để chiêu đãi đoàn. Nghe vậy ai cũng khấp khởi trong lòng sẽ được ăn mì Quảng chính gốc do dân Quảng Nam thứ thiệt nấu chắc là ngon lắm!

Khi chúng tôi đến họ đã sẵn sàng mọi thứ, tôi vào nhà bếp để phụ, bếp là cái chái lá thấp phía sau nhà có 2 cái bếp lò nấu là 2 cái kiềng 3 chân, củi nấu là cành cây khô lượm sau nhà, trên đó có 2 nồi to: một là nồi nước lèo, chắc là nước luộc gà, mỡ gà nổi lên váng đầy, bà chủ nhà có vẽ hãnh diện khoe, “Nước lèo có mỡ gà béo lắm, lâu lâu mới có, ăn ngon lắm đó cô!” Nồi thứ 2 là gà chặt nhỏ bằng đầu ngón tay, xào lên với mắm muối gia vị. Tôi bưng tới một mâm có 7, 8 tô, mà tô nào họ cũng bỏ sẵn “mì” đầy có ngọn, cho bà chủ nhà chế vào mỗi tô một vá nước lèo đầy mỡ gà, và qua nồi bên cạnh bà múc đổ lên tô mì một muỗng nước xào có khoảng 3,4 miếng thịt gà chặt bé xíu, rồi rắc hành ngò lên. Tôi xin phép được tự làm tô mì của mình, chỉ lấy một ít mì và lấy một muỗng thịt xào, không lấy nước lèo. Tôi thích nhất là rổ rau xắt nhỏ, tươi xanh ngắt, tha hồ ăn thoải mái! Sau này nghe BS Phong kể những gia đình nghèo ở đây, ngân sách chi tiêu hằng tháng của họ chỉ khoảng hơn 400 ngàn $ VN (= 20 $US), nên họ sống tằn tiện từ chút, ăn cần no bụng, chứ không cần ngon! Hèn gì tô mì Quảng đầy ngọn, mà chỉ có vài miếng gà chặt nhỏ xíu, đối với họ như vậy là “quá đủ, quá ngon” rồi! Ôi! Sao thương quá dân tộc tôi, không biết đến bao giờ dân quê Việt Nam mới được ấm no thực sự? Ngoài kia cách đây không xa thành phố Đà Nẵng đang trên đà phá triển nhanh... trở nên một thành phố mang đẳng cấp quốc tế, đã từng có những cuộc thi đua biểu diễn bắn pháo bông quốc tế với nhiều nước trong vùng Á châu tham gia. Những cây cầu lớn trong thành phố được thiết kế hình con rồng to với những ánh đèn màu chiếu sáng lấp lánh rực rỡ ban đêm khiến nhiều du khách phải trầm trồ khen ngợi. Ngoài ra nghe nói có một đại gia đã chi hằng mấy tỷ để lập một quán café “độc đáo” có một không hai, thiết kế toàn bằng những loại gỗ quý hiếm, đắt tiền... Họ xài tiền như “giấy lộn” vì quá dư thừa không biết xài sao cho hết trong khi nơi đây (thủ phủ cũ của Quảng Nam), người dân lam lũ cực nhọc vẫn không kiếm đủ tiền để sống hằng ngày?

(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT