Đời Sống Việt

Hát Cho Tự Do (Kỷ niệm Ngày Hoàng Sa 19/1)

Wednesday, 11/02/2015 - 07:07:13

Họ không phân biệt màu sắc chủng tộc, lãnh đạo quốc gia hay dân thường. Tất cả mọi nguoi đều nắm chặt tay nhau trong sự kiện này. Còn dân Việt Nam bao nhiêu người đã chết, đã bị bắt bớ, tra tấn..., chỉ để đòi quyền tương tự như vậy, chẳng lẽ chúng ta đành lòng làm ngơ sao?

Bảo Hy

Chúng tôi trở lại với chương trình "Hát Cho Nhau Nghe" giữa những người tù lương tâm trong nước và những "con dân Việt Nam" ở nước ngoài nhưng trái tim vẫn còn gắn bó với quê hương. Nhớ lại lời dặn dò của MC lần trước: “Xin nhớ mang thêm những người bạn mới trong lần tới, chúng ta cần nhân rộng những người yểm trợ cho phong trào đấu tranh tự do trong nước“nên tôi rủ bạn cùng đi. Nhưng bạn ngại ngần : "Về trời khuya, gió lạnh, lái xe ban đêm hơi ngán...", tôi tình nguyện tới 2 nơi để đón 2 bạn chở đi, vì chỉ đơn giản nghĩ rằng : người trong nước chấp nhận tù đày, giam cầm, ngay cả “mất mạng” với bao nhiêu gian khổ khác mà còn không ngại, huống hồ gì mình làm việc cỏn con này mà cũng ngại nữa sao? Hãy nhìn sang Paris tuần rồi, hằng trăm ngàn người đã từ các nước khác nhau cùng đổ về cuộc tuần hành quy mô lớn nhằm đòi hỏi quyền tự do ngôn luận, báo chí... Họ không phân biệt màu sắc chủng tộc, lãnh đạo quốc gia hay dân thường. Tất cả mọi nguoi đều nắm chặt tay nhau trong sự kiện này. Còn dân Việt Nam bao nhiêu người đã chết, đã bị bắt bớ, tra tấn..., chỉ để đòi quyền tương tự như vậy, chẳng lẽ chúng ta đành lòng làm ngơ sao?
Chúng tôi đến còn khá sớm, lo giữ chỗ cho bạn bè và lấy tờ chương trình để xem. Chương trình kỳ này lấy tên là “Hát Cho Tự Do” hướng về kỷ niệm ngày Hoàng Sa 19/1/1974. Ngày mà “Ngoài khơi Biển Đông đã xảy ra một trận hải chiến có tầm vóc lịch sử giữa Hải Quân VNCH và Hải Quân Trung Cộng. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dưới thời Nhà Trần đánh thắng quân Mông Cổ, Nam quân lại đụng độ với Bắc quân trên mặt biển và tuy lực lượng của kẻ thù phương Bắc mạnh hơn gấp nhiều lần, các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã noi gương tiền nhân anh hùng bất khuất, gây thiệt hại nặng nề cho phương Bắc.”




Hôm nay chúng tôi sẽ có cơ hội tiếp xúc với những tù nhân lương tâm trong nước : Anh Huỳnh Anh Trí, anh Dương Minh Đức, chị Kim Liên ( mẹ của người tù trẻ tuổi Nguyên Kha, bị xử cùng lần với Uyên Phương) và anh Điếu Cày (mới được thả tự do, qua Mỹ). Mở đầu là “lời ngỏ” của chị Quỳnh Như (đại diện PT“CTMB” ở VN). Chị cho biết những người đấu tranh trong nước sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, nhưng chúng tôi cũng rất cần sự hỗ trợ, nhất là về mặt tinh thần của người Việt Nam ở hải ngoại, hầu giúp chúng tôi thêm sức mạnh vượt qua bao nỗi sợ hãi và khó khăn, để kiên định với con đường mình đã đi.
Sau đó anh N.Minh lên ngâm bài thơ “Nếu Tổ Quốc Tôi Không Còn Biển” của Trần Mạnh Hảo:
"Mất Hòang Sa, Trường Sa
Rồng Việt Nam không còn chỗ núp
Không có lối ra
Tổ Quốc như bị giam trong ngục

Xin Ngô Quyền trở về
Xin Trần Hưng Đạo trở về
Dìm quân xâm lược
Tổ Quốc nguy nan
Mỗi người Việt Nam
Hóa thành cọc nhọn...

Nếu Tổ Quốc không còn biển
Dân tộc tôi sẽ chết đuối trên bờ
Chết đuối trên cao nguyên
Chết đuối trong bùn bô-xít".

Mọi người cùng ngậm ngùi nhớ về Hoàng Sa - Trường Sa vùng biển đảo thân yêu của tổ quốc để tưởng-niệm anh-linh các liệt-sĩ đã hy-sinh khi chiến-đấu chống kẻ xâm-lăng trên các mảnh đất xa vời của Quốc-Tổ, một số đã vĩnh-viễn nằm lại trong lòng biển Hoàng-Sa như để thêm một chứng-tích lịch-sử của chủ-quyền quốc-gia:
“Tân xuân Giáp-Dần Hoàng-Sa-chiến
Nam-ngư hải-ngoại huyết lưu hồng”
Sau đó là phần tiếp xúc với anh Huỳnh Anh Tú, bị bắt giam cùng em trai là Huỳnh Anh Trí, vào năm 1999 với cáo buộc 'khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân'. Sau 14 năm tù đày nghiệt ngã, hai anh em được thả ra. Anh Tú kể lại dù là về do mãn hạn tù, nhưng hai anh em vẫn liên tục bị nhà cầm quyền địa phương sách nhiễu, không cấp chứng minh nhân dân, không thể xin việc làm... Thậm chí, công an còn gây áp lực buộc chủ nhà trọ (là người dì) không cho hai anh em thuê nhà, mỗi người phải tan tác mỗi nơi Sau đó anh may mắn gặp được chị Bùi thị Minh Hằng sẵn lòng giúp đỡ, nhưng công an lại tiếp tục quấy nhiễu, đến nỗi anh Huỳnh Anh Trí và chị Bùi Thị Minh Hằng đã tuyên bố sẵn sàng tự thiêu trong đêm vì công an đe dọa tấn công sau khi chị Hằng đón hai anh em anh Trí về nhà cưu mang. Rồi anh ngậm ngùi :
- Con người tốt như chị Hằng hiện nay vẫn bị giam cầm, không biết bao giờ mới được về? Tôi luôn nhớ ơn chị BTMH.
Khi về đi khám bệnh, BS cho xét nghiệm máu anh Trí mới biết mình bị lây nhiễm HIV, chúng tôi nghe tin mà bàng hoàng như “sét đánh bên tai”. Anh Tú kể lại trong nỗi xúc động nghẹn ngào: “Anh em tôi bị ở tù 14 năm, ra tù nghèo đói, không có chỗ ở, sao lại còn mắc bệnh quái ác này? Chắc là do em tôi bị quản giáo trả thù bằng cách cho cùm chữ V quá nhiều...”
Chúng ta hãy nghe chị Phạm Thanh Nghiên nói về trường hợp này:
-Theo mô tả của những người đã từng nếm mùi cùm chữ V, thì đây là loại cùm đáng sợ nhất trong số những loại cùm trong nhà tù cộng sản. Người tù nếu không cử động thì sẽ rất khó chịu, cảm giác tê chân như sắp liệt. Nhưng sẽ tóe máu, rách thịt chỉ cần một cử động rất nhẹ. Cai tù thường trả thù những tù nhân chính trị bằng cách cùm chân họ bằng loại cùm chữ V, nhất là sau khi đã cùm những người nhiễm HIV vẫn còn dính máu và thịt người. Huỳnh Anh Trí có lẽ là một trong những người bị cùm chân nhiều nhất và hậu quả là anh đã bị nhiễm HIV rồi qua đời 6 tháng sau khi ra tù.

Anh Tú tiếp tục kể về đám tang của em trai mình: Em tôi mất vào lúc 13:30 ngày 5/7/2014 tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, hưởng dương 43 tuổi.Nhưng dù là chết rồi CA vẫn chưa tha, (anh nói trong tiếng nấc nghẹn). Tôi muốn đưa xác em về nhưng họ buộc tôi phải có CMND và hộ khẩu họ mới cho làm đơn đem xác về (Họ biết là tôi không có những thứ giấy tờ đó, vì họ không cấp). Sau cùng năn nỉ bà chị (ở PN) đứng ra làm đơn thì họ lại kiếm cớ phải tìm cho ra 2 giấy khai sinh để họ xét có phải chị em cùng cha, cùng mẹ không? Thật là khó khăn và mất thời gian mới tìm ra được 2 giấy khai sinh, vì mỗi người ở một nơi, và lâu quá không ai dùng tới. Tìm ra được rồi họ lại kiếm cớ khác, cuối cùng tôi phải chạy đến nhờ các cha DCCT giúp, các cha phải chạy tới can thiệp và làm việc rất lâu rồi họ mới chịu thả cho đem xác về quàn trong một xóm đạo của giáo xứ DCCT. Đúng là chưa có chế độ nào bất nhân, tàn ác và man rợ như chế độ cộng sản hiện nay, sống không tha mà chết rồi cũng chưa chịu buông!” Từ đó anh cảm thấy rất gần gũi với DCCT
Tới phần "Hát cho nhau nghe”, anh xin hát bài "Bữa cơm tù" của tuổi trẻ quốc nội sáng tác. Anh ôm cây đàn guitar thùng vừa đàn vừa hát như lời tâm sự khi nhớ tới những “bữa cơm tù” suốt 14 năm đằng đẵng mà anh đã từng trải qua:

"Bữa cơm tù ngày ngày muối trắng, cơm chua thiu
Bốn, năm thằng bạn tù chia sớt ăn chưa no.
Đêm đêm về chung một sợi xích xiềng chân
Không chăn, mùng đành chịu muỗi đốt thân lạnh tê
Tại vì chống đối tham ô,
Tại vì chống đối cộng nô
Tại vì chống đối Tàu gian
Mỉm cười tiến bước hiên ngang
Mỉm cười khí phách ngạo nghễ...
Nếu có chết, chết cho xứng danh anh hùng"
Nghe mà lòng thấy rưng rưng thương cho những người tù lương tâm trong nước Trước khi từ biệt anh xin gửi lời chào kiên định lập trường và cám ơn tất cả sự hỗ trợ tinh thần của mọi người. Hy vọng mọi người sẽ không quên các anh, những người chiến đấu trong nước.
Để thay đổi không khí, hai giọng nữ đã lên song ca bài "Đừng sợ nữa" của Phan văn Hưng, tôi đã nghe bài này nhiều lần rồi, nhưng mỗi lần nghe tôi lại cảm thấy bầu máu nóng trong huyết quản lại chảy mạnh mẽ về tim:
"Đừng sợ nữa bóng đêm đe dọa. Đừng sợ nữa khi ta sóng dâng cho nước vỡ bờ
Đừng sợ nữa, hỡi ai phẫn nộ. Đừng lùi bước, hãy tung sức bật..."
Và quan trọng hơn hết là:
"Đừng sợ nữa khi ta có ta, vòng tay nối dài khắp phương trời xa"
Phần tiếp xúc mà tôi thích nhất tối hôm nay là phần "trò chuyện" với chị Kim Liên, mẹ của Đinh Nguyên Kha hiện đang ở tù với cáo buộc là “tuyên truyền chống nhà nước” cùng với sinh viên Nguyễn Phương Uyên (đã được thả). Hình ảnh chị xuất hiện trên màn hình là hình ảnh một bà mẹ quê miền nam giản dị, hình như chị đang đứng trong vườn nhà (ở Long An). Ôi! Sao tôi vẫn còn yêu quá hình ảnh ngôi nhà 3 gian với vườn cây trái xum xuê ở miệt quê miền nam. Hình ảnh đó đối với tôi vẫn còn sức quyến rũ mãnh liệt, hơn là những tòa nhà sang trọng, ngất ngưởng ở những phố thị văn minh. Chị xuất hiện giản dị trong chiếc áo trắng trên có hàng chữ : Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam, với vóc dáng nhỏ bé, vẻ mặt khắc khổ nhưng cứng cỏi. Chị tự giới thiệu là mẹ của 2 người tù lương tâm trẻ: Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy. Sau phần ngỏ lời chào mọi người, chị đi ngay vô vấn đề, lên tiếng tố cáo nhà tù cộng sản bất nhân không cho chị đưa thuốc cho con (thuốc của bà con hải ngoại gửi về cho cháu). Chúng chỉ cho đưa những thuốc “lá,cỏ cây” VN như xuyên tâm liên. Chị nói :
"Tụi nó gian ác, tôi nói thẳng, tôi đâu sợ gì tụi nó'
Ôi, tôi yêu cách nói của chị. Nó thể hiện sự bộc trực, thẳng thắn, không quanh co màu mè, của người dân miền Nam. Chị không giấu nỗi bất bình khi đi thăm con, nhưng họ lại không cho đưa thuốc cho con. Chị cho biết chị đã từng đến Mỹ năm ngoái để lo vụ cầu cứu cho con. Tôi thật ngạc nhiên khi nghe chị kể chị đã từng hát những bài hát yêu nước trên Facebook. Thành ra khi cần cứu con, người mẹ sẵn sàng học hỏi và làm tất cả mọi việc vì con và cho con. Chị hiểu ngày nay Facebook là phương tiện truyền thông nhanh nhất, phổ biến nhất, nó là vũ khí lợi hại trong tay để chị có thể cầu cứu mọi người cho con và phổ biến những tin tức về con nhanh nhất. Nó cũng là nơi chị có thể tâm tình những nỗi niềm đắng cay của một người mẹ sau khi Nguyên Kha bị bắt, giờ đứa còn lại Đinh Nhật Uy, trụ cột kinh tế gia đình, cũng bị bắt luôn,trong khi vợ chồng chị đều mắc bệnh mãn tính. Thêm ngặt một nỗi Uy bị bắt lúc cả nhà đang chuẩn bị đám cưới cho Uy. Hãy nghe chị than thở:
“Ai có làm mẹ mới thấu hiểu nỗi đau của mình. Muốn khóc quá, mọi người ơi!"
Chị Liên ơi, tôi hiểu nỗi đau của chị vì tôi cũng là mẹ, cũng từng có những nỗi đau xé lòng khi muốn cứu con. Trên trang Facebook của chị, tôi biết thêm về những việc chị đã làm vì con:
-Đinh nhật Uy bị bắt với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” theo điều 258 của luật hình sự CSVN. Nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra “bằng chứng” là những điều ông đăng trên trang Facebook cá nhân “cổ xúy” em trai là Đinh Nguyên Kha.
-Khi cần cứu con chị K Liên đã tỏ ra xông xáo, qua trang Facebook KimLiên Mẹ Uy Kha,chị gửi thư cho chủ công ty Facebook : “Là 1 người Mẹ tôi xin thay mặt con tôi , mời ông đến dự phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án “258” của con tôi.”
Tuy mới tham gia FB nhưng có vẻ chị đã thành thạo những thao tác cơ bản. Lâm vào hoàn cảnh của chị, nhiều người có lẽ bị gục ngã. Nhưng đọc trang FB của chị ta nhận thấy ở chị một tính cách cứng cỏi, tự tin. Chị nói chuyện rất chan hòa với mọi người.
Chị tâm sự:
-Dù hoàn cảnh tưởng như không có lối thoát nhưng không có gì quật ngã được em. Em vẫn lạc quan vẫn bình tĩnh trước mọi tình huống. Có như vậy mới vực được cả nhà em sống mạnh mẽ và hy vọng một ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.
Chị Kim Liên ơi, tôi tự hào về chị, một người phụ nữ Việt Nam yêu nước kiên cường bất khuất. Các con anh hùng của chị cũng sẽ rất tự hào khi có một người mẹ xứng đáng với hào khí của các bậc anh thư nữ lưu dân tộc VN xưa:
Hãy nghe chị Liên nói, sau khi tòa án Long An tuyên án con trai chị là Đinh Nguyên Kha 8 năm tù giam: (về tội yên nước)
“Mẹ rất hãnh diện những chuyện con làm. Con đừng lo lắng, sợ sệt gì hết trơn. Con đừng suy nghĩ, tại con mà gia đình mình khổ. Mẹ có khổ thế nào mẹ cũng hãnh diện vì con.”
Ôi Chị Kim Liên, một người mẹ đáng yêu và đáng kính trọng biết chừng nào!
Trong phần "Hát cho nhau nghe", chị cho biết chị rất thích bài "Triệu con tim" của Trúc Hồ vì nó quá hay và quá đúng với hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam. Chị đã hát trước qua clip và gửi đi trước rồi, chị mặc áo xanh, đầu đội chiếc nón có hàng chữ “Quyền làm Người”, giọng chị tha thiết như tiếng nói tâm tình:
"Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam,
hãy biết đau nỗi đau người dân
Ải Nam Quan, Hoàng - Trường Sa ...
một ngàn năm giặc phương Bắc
Quê Hương mình rồi sẽ ra sao?"
Nhưng vì lý do trục trặc kỹ thuật nên bài hát không phát được trọn vẹn, chị phải hát “live”, giọng chị vang vang mạnh mẽ :
“Hãy biết yêu quê hương Việt Nam
Hãy đứng lên cháu con Rồng Tiên
Đừng thờ ơ,
Đừng làm ngơ
Triệu con tim cùng bước tới
Chúng ta là dòng giống Lạc Hồng!”

Mọi người vỗ tay nhiệt liệt và hát theo chị, khi MC hỏi :
- Chị có nghe mọi người ở đây đang vỗ tay tán thưởng chị không?
Chị gật đầu trả lời:
- Dạ, tôi có nghe và tôi rất cảm động, mọi người đã tiếp sức cho tôi rất nhiều.
Trục trặc kỹ thuật được giải quyết, vậy là chị hát “song ca” với chính mình:
"Người yêu nước trong chốn lao tù
Mẹ thương con thiêu cháy thân mình
Mẹ Việt Nam đau...
Đất nước ta nay sẽ về đâu
Người lầm than, kẻ không nhà
Người dân oan trên khắp mọi miền
Mẹ Việt Nam đau"
Bài hát đã kết thúc, nhưng dư âm của nó hình như vẫn còn trong trái tim chị, chị vẫn còn lưu luyến ở lại trên màn hình để tham dự tiếp chương trình “Hát cho Tự Do”. Chị vẫy chào mọi người và hẹn gặp lại nhau trên đất Mỹ. Mọi người ồ lên vì ngạc nhiên và đồng loạt vỗ tay hoan hô chị, một người mẹ anh hùng rất đáng yêu! Tôi yêu chị, chị Liên.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT