Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Hát không cần micro (kỳ 1)

Anvi Hoàng/Viễn Đông Sunday, 22/04/2012 - 12:07:23

Cũng giống như ở các nước khác trên thế giới, giới trẻ Việt Nam ngày nay không mấy ai quan tâm đến âm nhạc truyền thống như chèo nữa, mặc dù biểu diễn chèo bây giờ đã dùng micro để tạo tiếng vang như người Việt ưa thích.

Anvi Hoàng/Viễn Đông

LTS: Vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan sẽ được mở màn tại trường nhạc Jacobs School of Music thuộc đại học Indiana University ở Bloomington, tiểu bang Indiana, vào đầu năm 2014. Trong loạt bài nhằm tiếp tục giới thiệu và tìm hiểu vở opera và ngành nghệ thuật sân khấu nhạc kịch này, nhật báo Viễn Đông xin giới thiệu tới quý độc giả những nghệ sĩ không thể thiếu trong một vở opera: ca sĩ opera.

Hát không cần micro kiểu Tây
Ca sĩ opera thường biểu diễn trong một vở opera hoặc hát solo trong một buổi biểu diễn độc tấu. Một điều khác biệt dễ nhận thấy so với các ca sĩ khác là ca sĩ opera hát không dùng micro. Ngày nay, chỉ trong những trường hợp khi dàn nhạc quá lớn hoặc khi họ biểu diễn trên sân khấu ngoài trời thật rộng thì mới cần hỗ trợ của micro. Đôi khi trong nhà hát, khán giả như thấy ca sĩ hát với micro trước mặt, thật ra đó là micro để thu âm chứ không phải để khuyếch đại âm thanh.


Một cảnh trong vở opera La Bohème - ảnh: IU Jacobs School of Music

Trước thế kỷ 18, các buổi biểu diễn nhạc ở Tây nói chung chỉ giới hạn trong phạm vi nhà thờ hoặc dinh thự của giới quý tộc. Nhạc cũng được soạn để phục vụ những đối tượng này. Cuối thế kỷ 19, các vở opera thời thượng của Ý đã được nhiều nhóm khán giả trên thế giới hưởng ứng. Các buổi diễn trong nhà hát opera hoàng gia thường diễn ra trong một không gian nhỏ, ấm cúng, yên tĩnh, khán giả phải ngồi yên, lắng nghe trong im lặng với những người khác. Biểu diễn ở sân khấu công cộng thì khán giả thường tập trung nghe các bản nhạc hay (aria) trong vở opera chứ các phần hát nói (recitative) và nói (speak) thì họ không để ý mấy.
Qua đến thế kỷ 20, khán giả quần chúng bắt đầu chú ý đến các buổi trình diễn opera. Những kỹ năng cần có để người ca sĩ opera biểu diễn thành công là: ít nhất giọng ca phải khá đẹp và giọng ca đó đã được huấn luyện kỹ; kỹ năng âm nhạc cao; tính cách năng động và có sức thu hút; khả năng phát âm và giao tiếp tốt; khả năng học một biết mười; phong cách biểu diễn đa dạng; cảm nhận mạnh và trí tưởng tượng cao trong âm nhạc; sức khỏe tốt. Nói tóm lại, để trở thành ca sĩ opera phải mất rất nhiều thời gian cũng như công phu tập luyện và giữ gìn giọng hát. Người Mỹ rất thích đi nghe nhạc thính phòng hát solo và xem opera vào đầu thế kỷ 20. Đó là nói chuyện trước khi có TV!
Ngày nay ở Mỹ có rất nhiều trường nhạc có chương trình thanh nhạc (voice department) mà người ta có thể theo học để được huấn luyện hát opera chuyên nghiệp. Chương trình học có thể lên tới bậc tiến sĩ. Tuy nhiên, khán giả xem opera ở Mỹ ít đi vì nhiều lý do. Giới trẻ lớn lên trong thời đại mới với TV đã quen với nhiều loại chương trình giải trí qua màn ảnh nhỏ, không còn đủ kiên nhẫn xem hát opera, mà lại hát những bài hát họ không quen thuộc, có thể bằng thứ tiếng họ không hiểu. Vì vậy, khó bắt họ ngồi yên trong 15 phút để lắng nghe thật kỹ loại nhạc này. Họ suy nghĩ: tại sao phải nghe nhạc sống trong khi cái gì cũng có băng đĩa cả rồi? Tại sao phải nghe nhạc mà không được ghi âm để bán? Nếu không được ghi âm thì liệu có hay hay không? Đây là phản ứng bình thường của những người chưa từng nghe nhạc sống mà không có khuyếch đại âm thanh. Họa chăng là họ biết đến nhạc của Beethoven hoặc Bach chỉ vì người ta hay dùng nhạc của hai nhà soạn nhạc này để kiểm tra mức độ kỹ thuật tinh vi của các thiết bị âm thanh tối tân! Thôi thì Beethoven hoặc Bach còn hơn là không.

Hát không cần micro kiểu Ta
Chuyện hát không cần micro ở Tây mất khán giả cũng không khác chuyện ở Ta là mấy. Ở Việt Nam ngày xưa cũng có những hình thức nghệ thuật và nghệ sĩ hát không cần micro đấy. Chèo, hát xẩm, hát bội, cải lương, v.v., đều bắt đầu như thế cả. Thử lấy chèo làm ví dụ vì chèo đặc biệt và mang tính văn hóa Việt Nam cao nhất. Trong khi opera xuất phát là để phục vụ giới quyền quý ở Tây, chèo xuất hiện đầu tiên ở làng quê Việt Nam khoảng thế kỷ thứ 10, do các nghệ sĩ tài tử ở quê diễn. Lời thoại và cách thể hiện nhân vật trong chèo thường mang tính trào phúng và đả phá cao, cho thấy chèo vừa là hình thức giải trí vừa thể hiện quyền lực và miêu tả đời sống tinh thần của người dân quê.
Nghệ sĩ chèo phải trải qua quá trình học hỏi rất phức tạp: học vai, học kỹ thuật hát, học múa, học điệu bộ. Tất cả chỉ qua những người rành nghề chỉ dạy lại và truyền miệng. Các nghệ sĩ chèo trong làng được yêu mến và chèo được ưa thích ở Việt Nam trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, có phổ biến và được ưa chuộng đến đâu thì đến cuối thế kỷ 19 trong thời Pháp đô hộ, chèo dần dần biến mất khỏi đời sống nông thôn Việt Nam. Sang thế kỷ 20, chèo bắt đầu phục hồi, lại cũng là lúc các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển mạnh và chiếm lĩnh thị trường giải trí. Cũng giống như ở các nước khác trên thế giới, giới trẻ Việt Nam ngày nay không mấy ai quan tâm đến âm nhạc truyền thống như chèo nữa, mặc dù biểu diễn chèo bây giờ đã dùng micro để tạo tiếng vang như người Việt ưa thích.

Để bắt kịp thế kỷ 21

Có thể nói hát opera là kiểu hát duy nhất không cần micro ngày nay. Thách thức cho opera là phải thay đổi để trở nên hấp dẫn hơn đối với khán giả trong thế kỷ 21. Là hình thức nghệ thuật mang tính thẩm mỹ và văn hóa cao, nâng cao tính giải trí trong opera không đồng nghĩa với việc hạ thấp phẩm chất của nó. Các ca sĩ với trình độ âm nhạc cao và giọng ca hay, hát cả nhạc mới, diễn xuất hay, phong cách thể hiện đẹp, thị hiếu âm nhạc cao, cộng với việc phổ biến giáo dục âm nhạc trong trường học, có thể vực dậy opera trong quần chúng.
Cũng phải nói thêm rằng việc thưởng thức opera, thay vì là nhạc pop hoặc phim hành động, đều là vấn đề thói quen, mà thói quen thì phải tập mới có. Xem opera cần nhiều kiên nhẫn hơn. Thời buổi này mấy người còn tính kiên nhẫn nữa! Nhưng nên nhớ rằng đầu tư nhiều thì hưởng lợi nhiều, có nghĩa là món quà tinh thần từ việc thưởng thức sẽ cao hơn và tương xứng với những đầu tư của người xem. Đi xem opera người ta còn có thể ăn mặc thật đẹp, để tâm trí mình thảnh thơi mà mơ tưởng và sống vài giờ trong một thế giới khác. Tất cả đều là những giá trị tinh thần để giải stress rất bổ ích trong cuộc sống hiện đại tất bật.

Phần thưởng của nhạc sống không qua micro
Ngoài ra người xem được gì nữa khi đi xem nhạc sống ư? Các băng ghi âm, ghi hình chỉ là sản phẩm đông cứng, một chiều. Ngược lại, đi xem nhạc sống là thấy được phong cách thể hiện cá nhân toàn diện của người nghệ sĩ. Cảm nhận và cảm xúc của người xem đến thẳng từ dàn nhạc và giọng ca người ca sĩ mà không qua loa phóng thanh - là một cảm xúc và kinh nghiệm thật hơn và mang tính truyền cảm cao. Kinh nghiệm thật này sẽ kéo dài hơn, con người ta sẽ cảm thấy vui vẻ, yêu đời lâu hơn. Hơn cả thuốc phiện rồi còn gì!

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT