Hôn Nhân, Cuộc Sống

Hãy nghĩ đến con, trước khi ly dị

Monday, 13/08/2018 - 09:55:37

Thẳng thắn nhưng nhẹ nhàng cho con biết tình trạng không còn sống chung của cha mẹ. Nếu được giảng giải rõ ràng, trẻ nhỏ sẽ bớt đi cảm giác bị bỏ rơi, hụt hẫng khi trong hai cha mẹ thiếu mất sự chăm sóc của một người.


(Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Hôn nhân là một trong những vấn đề hệ trọng nhất của một đời người. Trong đó, con cái lại chính là một trong những điều hệ trọng nhất của những người làm cha làm mẹ. Không phải cuộc hôn nhân nào cũng giữ được bền vững. Nếu trong tình cảnh giữa đường gẫy gánh, bạn có biết tâm lý của những đứa con mình như thế nào? Và cách cư xử với chúng ra sao?

Trẻ hiền lành trở nên hung hăng

Trước khi cha mẹ chia tay nhau, Jessica, là một cô bé xinh xắn, đáng yêu, hết sức hiền lành, dịu dàng. Jessica được không chỉ các cô giáo mà cả bạn học ở lớp pre-school thương mến. Mùa hè trước khi lên lớp Một, chuyện trọng đại xảy ra ở gia đình của bé: cha mẹ ly hôn, tòa xử bé ở với mẹ, nhưng bé lại chỉ muốn sống cùng cha. Từ đó, Jessica đổi tính. Từ một cô bé hiền lành nay trở nên dữ dằn, chỉ cần một người bạn làm gì phật ý một chút cũng làm bé nổi cơn tức giận- điều mà bé chưa từng biểu lộ trước đây.
Theo các nhà tâm lý, không phải ngẫu nhiên khi sự phát triển tâm sinh lý của bất kỳ đứa trẻ nào cũng đều cần sự giáo dục mang tính cương nhu tuỳ lúc của cha mẹ (mỗi người giữ một vai trò nghiêm khắc và dỗ dành nhất định). Với những gia đình chỉ còn một cha hoặc một mẹ thì sự kiểm soát, uốn nắn này sẽ trở nên khó khăn hơn. Từ đó dẫn đến sự mất cân đối trong tiến trình phát triển tâm lý của con cái. Hệ quả dễ thấy là có những bé trở nên hung hăng, hiếu chiến, như Jessica, nhưng những bé khác có thể trở nên rụt rè và tự ti trước cuộc sống.

Học hành sa sút

Với nhiều gia đình, sự kiện cha mẹ ly dị có thể kéo theo việc bé phải chuyển chỗ ở hoặc nơi học hành. Nếu bé may mắn không phải chuyển trường và làm quen lại thầy cô, bạn bè mới thì những trêu ghẹo vô ý từ bạn cùng lứa về tình trạng thiếu cha hoặc vắng mẹ có thể làm trẻ sợ đến trường. Ngoài ra, những môn học có thể tham vấn ý kiến từ cha hoặc mẹ như trước đây cũng bị gián đoạn càng làm cho tình hình học hành của bé thêm phần nghiêm trọng. Theo thống kê của Hội Nghiên cứu Trẻ em Quốc gia của Hoa Kỳ (National Survey of Children) đối với trẻ trong các gia đình ly dị, trung bình 15% trẻ bị ức hiếp ở trường; 13% bé sẽ bỏ học giữa chừng và có đến 60% các trẻ sẽ học hành sa sút.

Trống vắng, hụt hẫng

Năm đầu tiên cha mẹ ly dị, Eric còn chưa nhận biết được nỗi bất hạnh của mình vì vẫn có sự hiện diện của cha trong nhà. Dần dà, Eric thấy cha đi làm việc hơi nhiều và ít ở nhà chơi với bé hơn. Rồi một ngày, Eric nghe mẹ nói, “Cha phải chuyển đi làm việc ở xa lắm, nên sẽ không ở với chúng ta nữa.” Những ngày không được cha đưa đi chơi công viên, không có cha làm ngựa cho cưỡi, buổi tối khi không còn được cha ru ngủ, dù người mẹ cố gắng làm mọi chuyện thay thế cha, Eric vẫn cảm thấy mình bị cha bỏ rơi.

Khi cha mẹ ly dị, đứa trẻ buộc phải sống với một trong hai người. Dù ở vào lứa tuổi nào, đứa con cũng sẽ có cảm giác mất mát và thiếu thốn về mặt chăm sóc tinh thần. Tệ hơn, bé có thể cảm thấy bị ruồng bỏ nếu người cha hoặc mẹ còn lại không thường xuyên ghé thăm, hỏi han. Những trò chơi hay thói quen trước đây với cha hoặc mẹ sẽ không còn nữa, thay vào đó sẽ là một cảm giác trống vắng và hụt hẫng trong tâm hồn non nớt của trẻ. Cảm giác này in sâu vào tâm hồn bé cho đến tuổi trưởng thành. Có trẻ sẽ làm quen được với cuộc sống mới thiếu mẹ hoặc cha, nhưng không ít trẻ in sâu cảm giác kinh khủng này cho đến tuổi trưởng thành.


Trẻ trưởng thành ảnh hưởng nặng hơn
Trong cuốn sách “The Unexpected Legacy of Divorce: A 25 Landmark Study” của tác giả Judith Wallerstein, ở đại học California cùng đồng nghiệp, cho biết hầu hết những người trưởng thành có cha mẹ ly dị khi còn nhỏ đều gặp các vấn đề nghiêm trọng như trầm cảm hay gặp khó khăn với các mối quan hệ trong cuộc sống.

Hai nhà tâm lý học Joan B. Kelly từ Corte Madera (California) và Robert E. Emery từ đại học Virginia, trong một bài báo đã đưa ra kết luận: những người trưởng thành có cha mẹ ly dị lúc nhỏ có xu hướng gặp khó khăn đối với các mối quan hệ. Ví dụ họ thường gặp khó khăn khi xây dựng và duy trì mối quan hệ thân thiết với ai đó khi còn trẻ, dễ thất vọng với hôn nhân, tỷ lệ ly hôn cao hơn và ít thân thiết với cha mẹ hơn.

Cha mẹ ly dị, con không khỏe, thiếu hạnh phúc

Một nghiên cứu mới đây làm sáng tỏ những đứa trẻ có cha mẹ ly dị sẽ chịu ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe. Hai nhà xã hội học Jason Thomas ở đại học Pennsylvania và Robin Hognas ở đại học Louisville đã sử dụng dữ liệu phân tích từ 15,000 người trưởng thành sinh năm 1958 ở Anh, Scotland và xứ Wales để nghiên cứu ảnh hưởng của việc cha mẹ ly dị lên sức khỏe của con cái họ trong cuộc sống sau này.
Nghiên cứu này xuất bản trên Tạp chí Longitudinal and Life Course Studies, cho thấy trẻ em dưới 7 tuổi trải qua thời gian cha mẹ ly dị chịu ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe hơn so với những đứa trẻ lớn hơn. Ngoài ra, việc ly dị của cha mẹ khi trẻ còn nhỏ có liên quan đến sức khỏe con cái ở tuổi 50 trở nên tệ hơn.

Việc cha mẹ ly dị sớm cũng tạo nên những hành vi không mong muốn ở trẻ khi trưởng thành gây ảnh hưởng đến sức khỏe sau này, ví dụ như trẻ hút thuốc lá. Một người có cha mẹ ly dị thường đối mặt với sự căng thẳng về tâm lý lẫn tình cảm khiến họ tìm đến việc hút thuốc.

Dù nghiên cứu này chưa có bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa các hành vi không mong muốn khi cha mẹ ly dị thì hai nhà xã hội học đã chứng minh rằng cha mẹ ly dị sớm sẽ làm giảm hạnh phúc của con cái dù là sau vài chục năm.

Hãy vì những đứa con

Phải công nhận rằng ly dị là câu trả lời tốt nhất cho trẻ em trong các trường hợp bạo lực gia đình, lạm dụng hoặc các hành vi có hại khác trên một hoặc một (hoặc cả hai) của cha mẹ.

Nếu không vì lý do trên, ly dị làm tăng đáng kể nguy cơ trẻ em có những thách thức lớn về cuộc sống, do trước quyết định của người lớn, trẻ nhỏ cũng chịu những tổn thất tinh thần nhất định. Vì lẽ đó, ly dị nên luôn là giải pháp sau cùng, khi cả hai phía không còn có cách nào khác đem lại hạnh phúc cho cả hai. Và khi đã đi đến quyết định này, người lớn cũng đừng ích kỷ, mà hãy quan tâm đến những đứa con của mình. Vậy, làm sao để giảm thiểu sự tổn thương này cho con?

Hỏi ý kiến của con muốn sống với ai và tuyệt đối tôn trọng quyết định ấy. Trường hợp bé Jessica, có thể vì bé còn nhỏ, cần sự chăm sóc của mẹ, nên tòa xử bé ở với mẹ. Tuy nhiên, nếu cảm thấy việc ly hôn của mình và việc bé không được sống cùng còn, người cha nên tránh mọi sự biến đổi về sinh hoạt hàng ngày. Hãy để mọi thứ diễn ra bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Dần dần trẻ sẽ quen bầu không khí đó. Và khi lớn hơn một chút để có thể nhận thức được, bé sẽ không bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý khiến thay đổi tính tình.

Thẳng thắn nhưng nhẹ nhàng cho con biết tình trạng không còn sống chung của cha mẹ. Nếu được giảng giải rõ ràng, trẻ nhỏ sẽ bớt đi cảm giác bị bỏ rơi, hụt hẫng khi trong hai cha mẹ thiếu mất sự chăm sóc của một người.

Tuy vậy, không có cách nào tốt hơn để tránh làm tổn thương cho trẻ nhỏ khi cha mẹ ly dị, đó chính là người không trực tiếp nuôi dưỡng con nên thường xuyên ghé thăm và chu cấp đầy đủ.
(Theo Focusonthefamily.com, Verywellfamily.com và các nguồn tổng hợp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT