Người Việt Khắp Nơi

Hãy quan tâm nhiều hơn đến Người Chăm Sóc

Sunday, 09/10/2016 - 09:29:15

Khi người nhà bệnh nhân tìm đến với trung tâm thường theo hai cách. Một là họ gọi vào trung tâm hoặc gửi email để được tư vấn thông tin cơ bản thì nhân viên của trung tâm sẽ hướng dẫn qua điện thoại hoặc trả lời email cho họ. Và cách thứ hai là làm việc trực tiếp với cả gia đình của người bệnh.

Trung Tâm Tài Nguyên Cho Người Chăm Sóc Thân Nhân Trong Quận Cam

Kỳ 1: Hãy quan tâm nhiều hơn đến Người Chăm Sóc

Bài THỦY NGÂN

Hiện nay có khoảng 15 - 21% số gia đình trên toàn nước Mỹ phải chăm sóc một người trưởng thành bị suy giảm nhận thức, do những căn bệnh như Alzheimer, Parkinson, đột quỵ, chấn thương sọ não hay mất trí, AIDS. Và trong cộng đồng người Việt của chúng ta nhất là ở Quận Cam, số người mắc những căn bệnh kể trên mỗi lúc một nhiều hơn và số người trở thành người chăm sóc cho người thân cũng tăng theo.

Cô Pauline Lê, nhân viên của Trung Tâm Tài Nguyên Cho Người Chăm Sóc Thân Nhân Trong Quận Cam, tại tòa báo Viễn Đông vào một buổi sáng cuối tháng 9, 2016. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)



Mặc dù mỗi căn bệnh có những ảnh hưởng riêng nhưng nhìn chung người bệnh đều cần được chăm sóc và giám sát liên tục 24 giờ, vì họ gặp khó khăn trong những sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, đi lại, vệ sinh cơ thể. Điều này đòi hỏi người chăm sóc phải dành toàn thời gian của mình để chăm sóc người bệnh và khi việc này kéo dài qua nhiều năm tháng, vấn đề tiếp theo sẽ phát sinh đó là người chăm sóc có thể ngã bệnh.

Bởi họ phải liên tục làm việc không ngơi nghỉ cộng với căng thẳng lớn vì trách nhiệm chăm sóc người thân của mình. Đó là chưa kể một số người còn phải hy sinh công việc với mức lương tốt để ở nhà chăm sóc cho người bệnh. Theo số liệu ước tính cho thấy từ 40 đến 70% người chăm sóc có các triệu chứng lâm sàng điển hình về trầm cảm. Một số người chăm sóc chết trước cả người bệnh. Nhưng có một thực tế đáng buồn là người chăm sóc thường ít được chú ý chỉ đến khi họ đổ gục.

Người bệnh cần được chăm sóc và người chăm sóc cũng cần được quan tâm nhiều. Chính vì vậy mà Trung Tâm Tài Nguyên Cho Người Chăm Sóc Thân Nhân đã được hình thành từ năm 1988 với mục tiêu đồng hành và giúp đỡ người chăm sóc trong việc chăm sóc thân nhân của mình.

Đến năm 1998, trung tâm phát triển thêm chi nhánh tại Quận Cam với tên gọi đầy đủ là Trung Tâm Tài Nguyên Cho Người Chăm Sóc Thân Nhân Trong Quận Cam, tại địa chỉ 130 W. Bastanchury Road, Fullerton, CA 92835, có hai nhân viên nói tiếng Việt là cô Pauline Lê và cô Tâm Hồ chuyên giúp đỡ cho những gia đình trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam.

Tại đây có nhiều dịch vụ để hỗ trợ người chăm sóc như các nhóm hỗ trợ tinh thần, các lớp học, hội thảo và có nhân viên xã hội người Việt Nam để tư vấn các gia đình đang chăm sóc cho thân nhân của mình.
Trong một buổi sáng cuối tháng 9, 2016, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với cô Pauline Lê, nhân viên của Trung Tâm Tài Nguyên Cho Người Chăm Sóc Thân Nhân Trong Quận Cam để tìm hiểu nhiều hơn về trung tâm và những gì họ đang làm để giúp đỡ cho những người chăm sóc trong cộng đồng của chúng ta.

Cô Pauline kể, “Năm 1997 khi chị làm thực tập sinh cho chương trình này, chị thấy nó rất là hay mà không có người Việt Nam nào biết hết thì chị mới dùng một năm thực tập của chị để chạy cái chương trình này. Giống như người lập chương trình cho người Việt Nam, chị dịch thuật các tài liệu để hỗ trợ người Việt Nam, có thể nói là dịch vụ đầu tiên cho người Việt tại Mỹ.”

Công việc thì nhiều vì trung tâm không chỉ phục vụ cho riêng cộng đồng Việt Nam mà còn cho cả các sắc dân khác tại quận Cam. Cô nói, “Làm chung với chị có thêm một người là cô Tâm Hồ. Trung tâm chỉ phục vụ cho cả Quận Cam nhưng chỉ có hai người nói tiếng Việt, hai người nói tiếng Tây Ban Nha, ba người nói tiếng Mỹ. Nhưng mà tụi chị cũng là người phục vụ cho hầu hết những người Á Châu khác vì trong văn phòng chị không có ai khác người Á Châu nói tiếng Anh.

“Số người Việt Nam nhận dịch vụ của văn phòng chị được khoảng 30% trên tổng dịch vụ của năm, ví dụ như 700 ca thì 30% trên đó, nhiều lắm vì ở Quận Cam này có hơn 200,000 người cao niên và người bệnh.”

Trong những năm qua, được sự giúp đỡ từ truyền thông trong cộng đồng mà nhiều người đã biết đến trung tâm, thông qua bài báo cô Pauline cũng khuyên mọi người nên chuẩn bị kế hoạch pháp lý trước khi đổ bệnh. Cô chia sẻ, “Tụi chị cũng có liên lạc với Bolsa Radio, SaigonTV, luật sư Đỗ Hữu Liêm, luật sư Nguyễn Quốc Lân, luật sư Trần Khánh Hưng. Họ cũng mời tụi chị trong những talkshow, workshop của họ, tụi chỉ nói về kế hoạch pháp lý vì khi người bệnh thường không có ai có quyền để quyết định thay cho người bệnh, không có kế hoạch lâu dài cho người bệnh, rất là tội nghiệp. Như một cô kia là mẹ đơn thân có ba đứa con mà đứa nào cũng dưới 8 tuổi. Xong rồi cô bị đột quỵ, cô có nhà cửa, cơ sở kinh doanh nhưng không để tên ai, cô chưa làm gì hết, cô nghĩ còn trẻ, tai nạn xảy ra. Nên tụi chỉ muốn giúp cộng đồng chú ý hơn về kế hoạch pháp lý này. Lúc có tai nạn xảy ra, bố mẹ cô gọi nhờ giúp đỡ thì trường hợp này phải đưa vô tòa án của liên bang, họ sẽ quyết định ai sẽ là người quản tài sản của cô ấy.”

Khi người nhà bệnh nhân tìm đến với trung tâm thường theo hai cách. Một là họ gọi vào trung tâm hoặc gửi email để được tư vấn thông tin cơ bản thì nhân viên của trung tâm sẽ hướng dẫn qua điện thoại hoặc trả lời email cho họ. Và cách thứ hai là làm việc trực tiếp với cả gia đình của người bệnh.

Cô Pauline kể, “Chị làm việc về người cao niên 17 năm rồi nên cố vấn gia đình và kế hoạch chăm sóc. Chị làm hẹn với cả gia đình, vì có nhiều gia đình có 3 – 4 người con, nếu không gặp hết mọi người thì chị phải lập lại rất mất thời gian. Chị ngồi lại cùng làm việc với họ trong cùng một lúc. Nhưng mà có nhiều gia đình không chịu ngồi lại, rất là khó. Nên chị phải tập trung với cái người chăm sóc chính, người ở cùng bệnh nhân. Nhưng với phong tục người Việt Nam của mình thì rắc rối hơn một chút là người chăm sóc thỉnh thoảng cũng không được quyền quyết định. Nhưng mà văn hóa rồi, thường thường cho người con trai lại là người quyết định. Thì những buổi tham khảo như vậy chị muốn tới nhà để gặp người bệnh để mức độ cần chăm sóc của họ như thế nào để chị có cách hỗ trợ tốt hơn.”

Cô nói tiếp, “Mục đích của tụi chị là muốn giúp cho người chăm sóc không bị quá tải, không chạy trốn (cười), khỏi mệt vì công việc này là 24/24. Người Việt Nam mình có một cái là nhiều gia đình con cái không ai ở đây hết (Quận Cam), không phải là con không muốn chăm sóc nhưng bố mẹ không chịu đi vì khí hậu ở đây. Lần cuối chị gặp là cụ bà 93 tuổi chăm sóc cho ông chồng 95 tuổi. Có nhiều ca rất khó khăn. Tụi chị phải giúp họ làm sao cho họ đỡ mệt hơn.”

Chăm sóc cho người bệnh là một hành trình lâu dài đòi hỏi người chăm sóc phải có sức bền. Nhưng để được như vậy, người chăm sóc rất cần sự giúp đỡ từ các thành viên khác trong gia đình. Họ cũng cần được nghỉ ngơi trước khi bắt đầu quay về công việc thường ngày của mình, cần được mọi người quan tâm hỏi han như cô Pauline nói, “Hãy quan tâm người chăm sóc, hãy hỏi xem họ có khỏe không, họ có mệt không.”

Vấn đề về tài chính cũng là một vấn đề rất được quan tâm, vì khi gia đình có người bệnh, phải có người nghỉ việc ở nhà chăm sóc, thu nhập cả gia đình bị giảm đi đáng kể trong khi chi phí sinh hoạt lại tăng lên. Có nhiều gia đình còn phải đóng thêm nhiều khoản tiền lớn để điều trị cho người bệnh nếu không có bảo hiểm y tế do chính phủ cấp. Vì thế Trung Tâm cũng giúp đỡ tư vấn thông tin cho các gia đình có một kế hoạch tài chính rõ ràng để người chăm sóc yên tâm lo cho người bệnh. Thí dụ như người chăm sóc có đang đi làm sẽ được nghỉ 6 tuần để chăm sóc người bệnh và hãng xưởng họ đang làm không được phép đuổi việc người chăm sóc, đó là một trong những lợi ích nằm trong luật của tiểu bang California, rất hữu ích cho nhiều gia đình nhưng ít ai biết đến. Mỗi gia đình là một hoàn cảnh khác nhau sẽ có những phương cách để hỗ trợ khác nhau.

Muốn tham gia nhóm hỗ trợ hay có thắc mắc về những dịch vụ của Trung Tâm Tài Nguyên Cho Người Chăm Sóc Thân Nhân Trong Quận Cam xin gọi (800) 543-8312 hoặc (714) 451-5120
Hoặc email về Pauline.le@stjoe.org
Hoặc vào trang www.caregiveroc.org

Được biết Trung Tâm cũng có những buổi sinh hoạt hằng tháng nhằm gặp gỡ, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm giữa những người chăm sóc vào các ngày thứ Ba của tuần thứ ba mỗi tháng lúc 5:30 – 7 chiều tại Acacia Adult Day Services địa chỉ 11391 Acacia Parkway, Garden Grove, Ca 92840. Và buổi sinh hoạt kế tiếp sẽ là chiều thứ Ba ngày 18 tháng 10, 2016.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT