Phóng Sự

Hiện tượng Võ Hoàng Yên (kỳ 2)

Sunday, 07/08/2016 - 10:47:51

Nhưng không vì vậy mà đánh giá phương pháp của thầy là kém hiệu quả. Theo tôi, vẫn là hiệu quả nhất trong các phương pháp phục hồi chức năng. Và bạn phải chọn lựa.

Bài BĂNG HUYỀN

Sự thật về tài chữa bệnh của thầy thuốc Võ Hoàng Yên
Trong email “Báo động Coi Chừng Bị Lừa” mà bài viết kỳ 1 đã đăng trên nhật báo Viễn Đông thứ Hai tuần trước, đứa cháu ngoại bị bệnh tự kỷ, chậm nói của người viết email đã không được lương y Võ Hoàng Yên chữa, dù gia đình đã có ghi danh trước 3 tuần, phải đến buổi hẹn 2 ngày, chờ đợi từ sáng đến chiều và gia đình của tác giả email trên đã tự nguyện đóng góp $ 500.

Bà T. (nhân vật không muốn tiết lộ tên thật) đưa chồng bị liệt, đi lại khó khăn do tai biến mạch máu não đến gặp ông Võ Hoàng Yên để chữa trị tại khách sạn Ramada (thành phố Garden Grove) vào ngày thứ Bảy 21 tháng 5 năm 2016, đã được ông Võ Hoàng Yên chữa. Nhưng vợ chồng bà cũng phải chờ đợi từ sáng sớm đến chiều tối, dù bà đã ghi danh trước đó vài tuần và theo số thứ tự trên danh sách của ban tổ chức thì chồng bà là bệnh nhân số 15 (trong số vài trăm người) để được lương y Võ Hoàng Yên chữa.

Bà T. cho biết sở dĩ chồng bà được chữa cũng nhờ bà nhanh trí đẩy xe lăn của ông từ dãy bệnh nhân xếp hàng chờ chữa bại liệt chuyển qua dãy hàng các bệnh nhân chờ được chữa câm điếc ngay bên cạnh. Vì chồng bà sau khi đột quỵ, chỉ nói được 2 từ là “không” và “có”, nên bà muốn thử để thầy Yên chữa, xem chồng bà có nói thêm được những từ mới nào không.

Bà T. bảo nếu bà không đẩy chồng qua chữa bên dãy những bệnh nhân câm điếc, thì chồng bà chắc cũng sẽ ra về mà không được chữa như nhiều bệnh nhân hôm đó. Vì lúc ấy đã hơn 6 giờ 30 chiều rồi, mà những bệnh nhân chờ được chữa bại liệt xếp hàng trước chồng bà vẫn còn nhiều.

Theo bà T., việc chữa trị của thầy Yên cho chồng bà không hiệu quả như nhiều lời đồn thổi về tài chữa bệnh của ông. Chồng bà sau khi được lương y Võ Hoàng Yên chữa, đến nay vẫn không hề khá hơn.

Dù vậy, theo bà T, “Công tâm mà nói, ông Võ Hoàng Yên không lừa bịp chuyện chữa bệnh. Vấn đề là người bệnh không thể nào đến chữa một lần là hết bệnh ngay, trừ khi là bệnh rất nhẹ. Khi về nhà, tôi có vào trang web www.vohoangyen.com (website chính thức của Trung Tâm Phục Hồi Chức Năng và Dưỡng Sinh Võ Hoàng Yên) để đọc, thì thấy một số bài viết trong website giải thích rõ ràng là không có chuyện người bệnh chữa một lần là hết, mà phải chữa nhiều lần và phải tập thêm vật lý trị liệu.

Bà T. nhận xét, “Theo tôi ông Yên có học về bấm huyệt, có thể ông rất can đảm nên khi bấm huyệt cho bệnh nhân hay kéo chân kéo tay người bệnh, ông kéo rất mạnh, không sợ người bệnh đau. Những bệnh nhân tìm đến ông để chữa, đều phải ký giấy tờ không được kiện ông, và những trường hợp này đều là những bệnh nhân tuyệt vọng, thành ra khi chữa với ông, nếu sức khỏe khá hơn một chút cũng là mừng rồi.”
Bà T. cho rằng, “Mọi người nếu có đi gặp ông Yên để chữa bệnh, thì hãy hiểu rõ cách chữa bệnh của ông, và nếu mình và người nhà bị những bệnh mà ông không chữa được, thì đừng đi, vì sẽ chờ đợi mất công, mà chẳng được gì. Ông Yên có nói trước là những người bệnh Parkinson thì ông không chữa được, vậy mà hôm đó vẫn có mấy bệnh nhân Parkinson tìm đến. Có lẽ vì họ tuyệt vọng quá rồi, cứ đến để cầu may thôi. Khi đến phiên chữa cho những bệnh nhân này, ông đã từ chối không chữa. Hay như trường hợp hai vợ chồng người Bắc Âu, bà vợ cứ chắp tay lạy ông Yên để xin ông chữa cho cậu con trai không nói được. Tiếc thay, con trai của ông bà ấy bị bệnh tự kỷ, mà bệnh tự kỷ thì ông thầy Yên đã cho biết từ đầu là ông không thể chữa được, nhưng vì thấy bà ta năn nỉ quá, nên ông cũng chữa, nhưng đâu có hiệu quả đâu.”

Thầy Yên đang chữa cho một bệnh nhân bị tai biến đã 10 năm, có số thứ tự là 01 nhưng chờ đến 3 giờ chiều mới đuợc chữa.




Bà T. kết luận, “Ông Yên không bịp bợm về tài chữa bệnh của mình, mà luôn nói trắng ra bệnh nào ông có thể chữa được, bệnh nào không. Tôi nghĩ, khi đi gặp ông Yên để chữa, người bệnh và thân nhân cũng phải chấp nhận sự thật, như chồng tôi dù đã được ông Yên chữa, vẫn không nói được thêm từ nào ngoài hai từ mà chồng tôi nói được trước đó vì bản chất của bệnh là do phần não về chức năng nói đã bị hư hại nên sẽ không đáp ứng được với cách chữa (rất đơn giản) của ông Yên. Tôi mong những ai có ý định đi gặp thầy Yên chữa bệnh, thì hãy đọc kỹ các bài viết phổ biến trên trang nhà www.vohoangyen.com, có giải thích kỹ về cách chữa bệnh của ông và những bệnh nào ông không chữa được. Chứ đừng như tôi, sau khi đi xong rồi, về nhà mới tìm đọc.”

Phương pháp chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên
Luôn luôn có 2 luồng ý kiến đối nghịch nhau về tài chữa bệnh của ông VHY, có những ý kiến tố cáo ông dùng phương pháp chữa bệnh “phản khoa học”, gây đau đớn cho người bệnh, trong khi những ý kiến khác lại ca tụng hết lời những chiêu trị bệnh cứu người đầy “kỳ bí” của ông.

Trên trang nhà www.vohoangyen.com, có một bài viết “Những ngộ nhận và phương pháp chữa bệnh của thầy Võ Hoàng Yên” của người viết Lương Trọng Nghĩa, vốn là người tiến vận rất gần gũi của ông Yên, giải thích rất rõ cách trị bệnh của ông Võ Hoàng Yên. Chúng tôi xin phép được trích lại đầy đủ để giúp độc giả rõ hơn về cách chữa bệnh của ông:

“Nhiều người luôn luôn nghĩ thầy Võ Hoàng Yên là thần y, thánh y. Bệnh gì cũng chữa được. Thực tế là:
- Bệnh bướu cổ: Nhất là bướu ác basedow. Hiệu quả nhất. Có thể nói trên 95%. Cách chữa trị là thầy dùng tay bấm vào bướu cho nát, sau đó dùng một loại thuốc màu đen cho người bệnh bôi xức hàng ngày. Ít nhất có hơn 20 người bệnh mà tôi biết đã khỏi, trong đó có em gái tôi.

- Bệnh chữa trị là liên quan xương khớp tay chân, cột sống: là hiệu quả nhất, nhưng mức độ hiệu quả cũng chỉ khoảng chừng 70%.

- Bệnh liên quan câm điếc: Nếu câm điếc do bại não, ảnh hưởng não, thần kinh, tự kỷ, tăng động: Hiệu quả cực kỳ thấp. Có thể nói trường hợp này không chữa được. Nếu câm điếc do những dị tật từ nhỏ trong vòm họng, bộ phận phát âm, xương búa trong tai... thì hiệu quả cao hơn.

Nhưng không phải làm một lần là được. Thường làm lần đầu, thì trẻ có thể nghe. Nhưng nói thì chỉ nhìn theo khẩu hình của người hướng dẫn để nói. Đó là bình thường. Về nhà phải tập luyện nói, vì lúc này trẻ như là đứa trẻ 2 tuổi, mới biết nghe nói. Sau đó, hàng tháng phải duy trì việc chữa trị. Tưởng tượng như là một cái kèn vấn bằng lá chuối, có thể bị hở chỗ nào đó bẩm sinh, nên thổi không kêu. Thì có thể thầy Yên chỉnh lại cho kêu được. Nhưng sau một thời gian, tiếng kêu nó cũng có vấn đề, phải chỉnh nhiều lần. Và luôn luôn kết quả không bao giờ như người bình thường. Dù gì, đây cũng là kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, tôi chưa có kiểm chứng rõ ràng là bệnh nhân nào-về nhà-và bình thường. Thông thường, chữa bệnh xong người ta về nhà và thấy sau vài ngày, lại bị như cũ nên bỏ qua không tập luyện và không chữa trị tiếp. (Và thực sự cũng khó có cơ hội làm nhiều lần)
- Bệnh liên quan tai biến liệt người lớn: Do tai biến, do tại nạn chấn thương não.
Tại nơi chữa, ai cũng thấy rõ là sau khi chữa, bệnh nhân vịn đứng dậy đi được. Cái này tôi không nói thêm, hay nói quá sự thật. Tuy nhiên sau chữa trị, người bệnh phải siêng năng tập luyện để đạt được những mốc điểm tốt nhất như lúc ông Yên chữa xong. Ví dụ: trước khi chữa, tay người bệnh đưa tới cằm là hết sức. Sau khi chữa, người bệnh có thể đưa tay quá đầu (mọi người đều chứng kiến). Nhưng khi về nhà, thì có thể người bệnh chỉ đưa tay tới mắt-mũi. Tôi phân tích như sau:

- Tại thời điểm chữa xong, kinh mạch vừa thông. Máu huyết đủ (hoặc lượng adrenaline trong máu nhiều) đã kích thích người bệnh làm được những điều mà tối đa lúc đó cơ thể làm được. Vả lại lúc đó, được những tiếng vỗ tay kích thích, làm cho người bệnh hưng phấn mà làm hết sức mình. Và họ đạt được khả năng tối đa của cơ thể.

- Khi về nhà, dù cố gắng người bệnh cũng không đạt được như tại nơi chữa. Nhưng hãy coi như bình thường. Vì ít ra sau khi chữa, bạn đã hơn lúc trước chữa là điều chắc chắn.
Kinh nghiệm và lời khuyên là:

- Sau khi chữa, người nhà hãy dìu người bệnh đi càng nhiều càng tốt, vận động càng nhiều càng tốt. Trước hết là để vỏ não quen với việc điều khiển cử động (trường hợp nguyên nhân ảnh hưởng não) -thứ 2 là cho cơ khớp được vận động sẽ tiết nhiều dịch nhờn (giống dầu mỡ trong máy móc vậy) sẽ tốt cho việc vận động và cuối cùng là cơ xương cũng quen việc vận động.-Về nhà: đừng ngồi ỳ ra đó. Hãy cố gắng vận động càng nhiều càng tốt. Đừng sợ té. Vì nếu bạn chết vì té thì đã chết rồi. Đi không nổi thì kêu con cháu vịn cho đi. Đừng đầu hàng số phận.

- Nếu có cơ hội, nên hỏi ông Yên cách xoa bóp huyệt nào, để khi về nhà tự lấy dầu mà bắt con cháu làm giúp.
Hiệu quả: Phụ thuộc vào khả năng phục hồi của não bệnh nhân. Thầy Yên chỉ giúp cho người bệnh dễ dàng vận động để tập luyện. Nói chung là hiệu quả thấp.

Nhưng không vì vậy mà đánh giá phương pháp của thầy là kém hiệu quả. Theo tôi, vẫn là hiệu quả nhất trong các phương pháp phục hồi chức năng. Và bạn phải chọn lựa.

- Bệnh liên quan bại liệt do bại não của trẻ con: Bại não không có nghĩa là trẻ không biết gì. Đó chỉ là bị ảnh hưởng những chức năng đi lại, vận động tay chân... Trường hợp này, thầy Yên có chữa, nhưng phải nói rõ phương pháp chữa là:
Thầy điều chỉnh lại những xương khớp trẻ, cho đúng vị trí. Sau đó, quan trọng nhất là trẻ về nhà phải tập luyện, tập luyện thật nhiều - đều đặn. Sau một thời gian, thì những vị trí đã chỉnh sẽ bị sai trở lại. Lý do là não điều khiển vận động bị lỗi, nên kéo những cơ gân sai lệch. Và cần điều chỉnh lại cho trẻ dễ vận động. Quy trình này lặp đi, lặp lại....kéo dài hàng năm, 10 năm. Giống như bạn uốn cây vậy. KHÔNG ĐƠN GIẢN, VÀ KHÔNG BAO GIỜ LÀM 1 LẦN LÀ ĐƯỢC. Dưới đây là một ví dụ để bạn hình dung. Lấy ví dụ một cái máy xúc; nó có
1.
Người lái (là não điều khiển vận động)
2Dây điện, dây nhợ nối từ phòng lái tới cánh tay múc của máy xúc (là tế bào thần kinh vận động, chạy dọc theo tay chân, cột sống...)
3.
Các bộ phận cho gàu múc, cánh tay múc hoạt động (mô tơ, bét dầu...)
Thầy chỉ chỉnh được phần thứ (3). Vì sao?
Phần (1) và (2) là những tế bào não, tế bào thần kinh; và con nít học sinh học cũng biết một nguyên tắc là: những tế bào não, thần kinh chỉ sinh ra một lần trong đời và chết đi. Không thể chỉnh sửa hay tái tạo.

Phần (3) chỉ là những vận động, cơ xương, khớp. Điều chỉnh đúng để dễ vận động và tập luyện.

- Bệnh khác như tự kỷ trẻ con (Autism): Thầy chữa không được, xin đọc thêm để hiểu ở đây

https://vi.wikipedia.org/wiki/Bện...
http://www.webtretho.com/forum/f5/t...

- Bệnh liên quan trẻ tăng động giảm chú ý (ADHD): Thầy có chữa, nhưng nói chung cũng theo cơ sở khoa học những bài viết sau. Ai có con bệnh nên đọc kỹ và bạn có thể tự làm được.https://vi.wikipedia.org/wiki/Rối...
http://wedowegood-school.edu.vn/ky-...

http://wedowegood-school.edu.vn/ky-...

http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/19...

- Bệnh khác như Parkinson người lớn: Nói thằng là chữa không được, đừng tìm thầy mất công. Theo những youtube chữa, thì bạn thấy được. Nhưng hãy tự suy nghĩ, bệnh này y học hiện đại không chữa được, nếu thầy chữa được, chắc chắn sẽ có giải Nobel y học rồi. Do đó, đừng tin nhảm nhí.
- Các bệnh liên quan mắt: mù, cận, viễn, loạn. Đừng tìm kiếm mất công, chữa không được hoặc hiệu quả rất hạn chế
- Các bệnh khác: Tôi không biết, khỏi hỏi khỏi tìm.
Để kết luận bài viết của mình, tác giả Lương Trọng Nghĩa nhận xét: “Rốt cuộc, con người ta vẫn ưa chấp có chấp không. Hoặc là chấp có: nghĩ có một ông thần y, chữa cái gì cũng được; hoặc là chấp không: nghĩ có một ông lang băm lừa đảo, xôi thịt. Sự thật là: (1) bạn có một vấn đề là cái bệnh, (2) ông Võ Hoàng Yên có khả năng chữa bệnh, (3) nhưng chưa chắc chữa được cái bệnh mà bạn đang bị. Sự thật là, bạn cần biết rõ bạn bị cái bệnh gì, do cái nguyên nhân chính nào mà bị, và ông Võ Hoàng Yên giúp gì được cho bạn. Chứ nếu không rõ, thì chưa chắc ông Yên chữa bệnh được cho bạn; chữa xong rồi thì cũng chưa chắc là nó không tái phát lại; và vấn đề nó cứ lẩn quẩn mãi.

“Cái bạn cần là phải biết rõ về mình, bệnh mình và khả năng thực tế chữa bệnh của thầy thuốc nói chung. Có những bệnh không cần chữa. Ví dụ: Có những người già, lãng tai, nghe không rõ..., con cháu mang tới cho thầy Yên chữa bệnh. Chưa chắc rằng, chữa bệnh lãng tai xong, thì người bệnh đó hạnh phúc. Già rồi, nghe làm gì nhiều cho nó nặng đầu óc, khó thanh tịnh tâm. Lỡ con cháu nó nói nặng nhẹ, nghe thêm bực, thà điếc mà khỏe tâm. Dĩ nhiên đó cũng là một sự thật.” (ngưng trích)
(còn tiếp)
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT