Tiêu Thụ

Hiểu thế nào về những sản phẩm được quảng cáo là FDA-Approved?

Saturday, 03/01/2015 - 08:50:11

Lợi dụng cái niềm tin còn phổ quát trong đại chúng, mà ngay cả một số nhà kinh doanh dược thảo và sản phẩm tế bào gốc đã mạnh miệng tuyên bố rằng “sản phẩm đã được FDA chấp thuận.” Muốn biết những lời “cam kết” ấy có giá trị tới đâu, chúng ta cần nghe những tuyên bố chính thức của FDA.

Bài ERIC TRẦN

Theo dõi những quảng cáo về dược thảo hoặc sản phẩm tế bào gốc hiện đang rất phổ thông trên thị trường hiện nay, đôi khi chúng ta nghe nói “sản phẩm đã được FDA chấp thuận” (FDA-approved) như một lời cam kết về giá trị của sản phẩm. Vậy FDA là gì mà lại được mang ra như một bảo chứng? Và “sự bảo chứng” đó có thực không? Giá trị đến đâu? Đó là những điều mà giới tiêu thụ chắc chắn cần biết.

Nhãn hiệu này có ý nghĩa gì không?


FDA là gì?

FDA là chữ viết tắt của tên gọi đầy đủ Food and Drugs Administration (cơ quan quản trị dược phẩm thực phẩm Hoa Kỳ). Đây là một cơ quan trực thuộc Bộ Y Tế liên bang, trách nhiệm 50 tiểu bang và các vùng lãnh thổ Hoa Kỳ, với trọng trách: Kiểm tra sự an toàn của các loại dược phẩm và thực phẩm được lưu hành trên toàn quốc.
Với một trách nhiệm lớn lao như vậy, sự chấp thuận của FDA thường được các nhà sản xuất trưng dẫn như là một bảo chứng về giá trị sản phẩm của họ. Sau khi có sự “chúc lành” của FDA, sản phẩm sẽ được công chúng tin tưởng hơn, và giá cổ phiếu (stock) của nhà sản xuất trên thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ tăng lên.
Nhưng cũng chính vì cái giá trị được thừa nhận này mà từ ngữ “FDA-approved” đã bị lạm dụng khá nhiều. Thứ nhất, một số nhà nghiên cứu cho rằng, ngay cả khi có “ FDA-approved” thực sự, thì sản phẩm cũng chưa chắc có giá trị. Là vì, cách thức làm việc trong FDA bị phê bình là có nhiều khuyết điểm, khiến cho một số kết luận của FDA không có giá trị khả dĩ, chưa kể nhiều khi họ còn đưa ra những kết luận đối nghịch. Trong thực tế, nghi vấn này ít khi được dư luận để ý đến, và giới tiêu thụ phần đông vẫn tin rằng, những thứ thuốc được FDA chấp thuận là tuyệt đối an toàn và sử dụng rất hiệu quả.
Lợi dụng cái niềm tin còn phổ quát trong đại chúng, mà ngay cả một số nhà kinh doanh dược thảo và sản phẩm tế bào gốc đã mạnh miệng tuyên bố rằng “sản phẩm đã được FDA chấp thuận.” Muốn biết những lời “cam kết” ấy có giá trị tới đâu, chúng ta cần nghe những tuyên bố chính thức của FDA.

FDA nói gì về những sản phẩm được gọi là thuốc?

Về “thuốc” tế bào gốc, FDA xác định: Cho tới nay, họ mới chỉ chấp thuận một sản phẩm có tên Hemacord, là sản phẩm rút ra từ máu cuống rốn trẻ sơ sinh, mà thôi. Vì thế, khi nghe bất cứ một sản phẩm tế bào gốc nào quảng cáo là đã được “FDA approved”, chúng ta cần phải đặt ra những nghi vấn chính đáng trước khi trở thành “mồi ngon” dễ tính của các nhà kinh doanh.
Còn về các loại “thuốc” dược thảo? Thực ra những sản phẩm dược thảo mà người Việt quen gọi là “thuốc” không hề có tác dụng chữa bệnh và không bao giờ được FDA cho phép đăng ký theo danh hiệu “medicine” hoặc “drugs” (thuốc chữa bệnh). Thực chất, chúng chỉ là những chất bổ túc dinh dưỡng (dietary supplements), nói cụ thể là “thức ăn”, và vì thế, không buộc đi qua hệ thống kiểm duyệt của FDA.
Rất tiếc, tiếng Việt không có từ ngữ nào khác để diễn tả loại sản phẩm này, nên chúng ta đành chấp nhận gọi chung là “thuốc”. Hậu quả là, giới tiêu thụ gốc Việt đã trở thành nạn nhân, và trở thành một môi trường tiêu thụ dễ tính cho các loại “thuốc” dược thảo mà hiệu quả chữa bệnh được người bán tung hô lên tới tận mây xanh, cao hơn thuốc chữa bệnh đúng nghĩa đến nỗi chỉ có thể gọi là “thần dược”! Thực là một kiểu tung hô mà người tiêu thụ cần phải bình tâm đặt lại vấn đề.
Nhưng, nếu “dược thảo” chỉ có một nguồn gốc thô sơ như vậy, tại sao nhiều nhà kinh doanh lại mạnh miệng quảng cáo là có FDA-approved? Chúng ta hãy nghe giới chức FDA trả lời:
“FDA không giám sát (oversee) nội dung quảng cáo của các dược phẩm mua tự do ngoài quầy (over the counter), mà chỉ giám sát nội dung quảng cáo của những thứ thuốc bán theo toa bác sĩ (prescription) mà thôi.” (theo website chính thức của FDA tại www.fda.gov/Drugs)
Với những thứ thuốc mua tự do, như Tylenol, Advil, Aspirin…. , mà FDA còn không theo dõi, thì các sản phẩm “dietary supplements”, những thứ mà người Việt chúng ta dễ dãi gọi là “thuốc” sẽ như thế nào? Các nhà kinh doanh cứ việc tha hồ tung hoành chẳng ngại một cơ quan nào … sờ gáy. Đã vậy, những quảng cáo về “thuốc” dược thảo lại chỉ được phổ biến bằng tiếng Việt, cho cộng đồng gốc Việt, trên những phương tiện truyền thông tiếng Việt, thì còn gì an toàn hơn?
Rốt cuộc, với “thuốc dược thảo” và “sản phẩm tế bào gốc”, chúng ta - giới tiêu thụ nói chung, và giới tiêu thụ người Việt nói riêng – đành phải chủ động nắm giữ túi tiền của mình. Và còn quan trọng hơn túi tiền, nếu chúng ta thực sự quan tâm tới sức khỏe, thì không phải là cái gì cũng dồn vào trong cơ thể của mình được đâu.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT