Pháp Luật

Hình Luật: Những điều cơ bản

Thursday, 25/08/2011 - 08:30:03

Phần đông chúng ta biết nhiều về tội phạm và hình sự qua phim ảnh hay truyền hình.  Những điều này có giống trong thực tế hay được các đạo diễn thổi phồng để tăng thêm phần hấp dẫn? Để tìm hiểu, tuần này chúng tôi xin đề cập đến một số điều cơ bản về luật hình sự.

LS. Trần Khánh Hưng

Phần đông chúng ta biết nhiều về tội phạm và hình sự qua phim ảnh hay truyền hình.  Những điều này có giống trong thực tế hay được các đạo diễn thổi phồng để tăng thêm phần hấp dẫn? Để tìm hiểu, tuần này chúng tôi xin đề cập đến một số điều cơ bản về luật hình sự.

* Có những loại tội hình nào?
Có hai loại tội hình chính: felonies and misdemeanors. Khi một người phạm tội hình sự, điều định đoạt tội là đại hình hay tiểu hình tùy theo hình phạt. Có một số tội, gọi là wobblers, nhiều khi cùng một tội, nhưng tùy theo trường hợp bị phạt nặng nhẹ mà bị kết vào tội tiểu hình hay đại hình. Nếu hình phạt trên một năm, thì tội là đại hình (felony), nếu hình phạt dưới một năm thì là tội tiểu hình (misdemeanor). Thông thường, những tội bị phạt bằng tiền thì không phải là tội hình, chỉ là phạt vạ (infraction), chẳng hạn phạt vi cảnh, phạm luật đi đường. Tuy nhiên, có những tội tuy bị phạt bằng tiền, nhưng vẫn là tội hình, chẳng hạn tội tàng trữ ma túy (dưới 1 ounce).  Nếu số lượng tàng trữ ma túy nhiều thì tội nặng hơn, có thể là đại hình.

* Nếu là tội nhẹ như phạm luật đi đường thì có thể bị cảnh sát bắt không?

Nếu chỉ pham những tội nhẹ như vi phạm luật đi đường thì cảnh sát sẽ bắt bạn ký vào một giấy phạt. Khi ký vào giấy này, không có nghĩa là người ký nhận lỗi, mà họ chỉ hứa là họ sẽ trả tiền phạt nếu đồng ý, hay sẽ ra tòa, nếu không đồng ý với việc buộc tội của người cảnh sát. Tuy nhiên, nếu họ không chịu ký vào giấy này thì họ có thể bị bắt vì tội cản trở nhân viên công lực thi hành nhiệm vụ. Ngoài ra, nếu một người bị cảnh sát chặn lại vì vi phạm luật đi đường, nhưng khi coi giấy tờ, cảnh sát phát giác là bằng lái họ đã bị tịch thu, lái xe không bằng lái, hay đang có lệnh truy nã, thì họ có thể bị câu lưu về ty cảnh sát.

* Hình phạt cho tội đại hình và tiểu hình như thế nào?
Những tội tiểu hình có thể bị phạt tối đa là 1.000 Mỹ kim hay 1 năm tù, hay cả hai.  Những tội đại hình thì hình phạt nặng hơn nhiều, từ bị tù treo (parole) đến tù ơ ûnhiều năm, cho đến tử hình trong một số những trường hợp có án mạng nghiêm trọng.

* Thế nào là bị bắt (arrest)?
Bị lưu giữ (detained) không có nghĩa là bị bắt. Một người có thể bị lưu giữ bởi cảnh sát hay cả người thường nếu bị tình nghi phạm tội. Thí dụ nếu một người bị tình nghi là ăn cắp đồ trong tiệm, chủ tiệm có thể giữ người đó lại trong một thời gian ngắn để thẩm vấn. Mặt khác, bị bắt (arrest) nghĩa là bị giữ lại và không được tự do ra về. Trong cả hai trường hợp, người bị bắt giữ đều không bắt buộc phải trả lời những câu hỏi, ngoài việc đưa tên, địa chỉ, hoặc đưa giấy tờ ID nếu được yêu cầu.

* Những ai được quyền bắt giữ người bị tình nghi?
Tất cả những nhân viên công lực, ngay cả những điều tra viên của sở cảnh sát hay của Attorney General's office đếu được quyền bắt giữ người bị tình nghi, trong lúc họ đang làm việc, hay ngay cả khi họ không đang làm (on or off duty). Như đã đề cập ở trên, ngoài những nhân viên công lực, những người khác, chẳng hạn nhân viên an ninh có thể tạm giữ người bị tình nghi phạm tội hay có ý định phạm tội tiểu hình. Nếu là tội đại hình, việc đó phải xảy ra rồi, và người bắt giữ phải có lý do chính đáng để cho là người bị bắt đã phạm tội. Sau đó, những nhân viên này phải mang người bị bắt đến sở cảnh sát giao cho nhân viên công lực.

* Những nhân viên này có cần phải có giấy của tòa mới được bắt giữ người không?

Không nhất thiết, những nhân viên này có thể bắt giữ những người họ tình nghi là phạm tội hình sự. Nếu là tội đại hình, họ không cần phải thấy người đó phạm tội, nhưng nếu là tội tiểu hình, họ phải chứng kiến việc người đó phạm tội mới được quyền bắt giữ.

* Khi nào thì cần phải có trát tòa mới được bắt giữ người?

Thông thường muốn vào nhà của một người để bắt giữ họ, phải có trát tòa (arrest warrant). Tuy nhiên có những trường hợp bị bắt trong nhà mà không cần phải có trát tòa, trong những trường hợp phải hành xử cấp tốc để tránh việc họ tẩu thoát, phi tang bằng chứng, hay có những hành động làm nguy hiểm tính mạng những người khác hay gây thiệt hại vật chất đáng kể.

* Trát tòa để bắt người có hiệu lực bao lâu?
Trát tòa (arrest warrant) thường không có giới hạn thời gian.

* Cảnh sát có quyền lục soát nhà người bị bắt không?
Cảnh sát có quyền lục soát trong phạm vi tầm với của người bị bắt. Nếu cảnh sát chặn lại và không có trát tòa thì thông thường họ chỉ được lục soát trong xe, trừ trường hợp cảnh sát có lý do để tình nghi họ phạm những tội khác, hay khi chiếc xe bị câu lưu về ty cảnh sát, thì cảnh sát có thể khám trong cốp (trunk) xe cũa họ. Nếu họ bị bắt ở ngoài đường thì cảnh sát không có quyền lục soát nhà của họ.

* Khi nào thì người bị bắt được thả về?
Sau khi bị bắt và trước khi bị buộc tội trước tòa, nếu cảnh sát thẩm vấn và cho rằng người bị bắt vô tội, hay không có đủ bằng chứng, cảnh sát sẽ cho họ một giấy ghi là họ được thả về. Việc bị bắt chỉ là tạm giữ (detention) và sẽ không lưu lại trong lý lịch của người bị bắt.

* Tôi thường nghe quảng cáo những dịch vụ đóng tiền bail bond. Vậy bail là gì?
Bail là tiền thế chân hay những vật thế chấp mà người bị bắt về hình sự đóng cho tòa để được tại ngoại hầu tra. Nếu người này không ra tòa thì số tiền này sẽ bị mất, và tòa sẽ ra một lệnh truy nã để bắt họ lại. 
Người bị bắt có thể đóng thẳng số tiền này cho tòa, nếu họ ra hầu tòa thì họ không bị mất số tiền thế chân. Nếu không đủ tiền đóng, họ có thể đóng một số tiền nhỏ, khoảng 10% cho những dịch vụ bail bond. Những dịch vụ này sẽ đóng số tiền thế chấp cho tòa, và số tiền 10% sẽ thuộc về dịch vụ bail bond khi người bị bắt đi ra hầu tòa.

* Tiền bail được tính như thế nào?

Mỗi quận có quy định về tiền thế chân tùy theo tội hình (bail schedule). Tiền bail phần lớn được tính theo quy định này. Ngoài ra quan tòa sẽ dựa vào những yếu tố như nếu người bị bắt đã từng trốn không ra hầu tòa, ngay cả cho những vụ phạt vi cảnh, những tiền án mà họ đã có, hay những liên hệ của họ trong cộng đồng. Có những trường hợp người bị bắt được thả mà không phải đóng tiền thế chân, gọi là "O.R" (own recognization), nghĩa là họ không phải đóng tiền thế chân vì dựa theo hạnh kiểm của họ, quan tòa tin rằng họ sẽ ra hầu tòa.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về vấn đề hình luật, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA  92683.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT