Du Lịch

Hồ nước trong sa mạc Úc đổi màu sau mùa mưa hiếm

Tuesday, 24/07/2018 - 11:12:09

Ở thời điểm hiện tại, hồ Eyre nhìn từ trên cao trông như một chiếc kính vạn hoa, thu hút một số loài chim bao gồm cả thiên nga, bồ nông, hay những loài cá tới cư ngụ. Sự sống cũng xuất hiện bên bờ hồ với các thảm hoa dại bùng nở.

Mới đây, sau đợt mưa hiếm hoi, hồ Eyre ở tiểu bang South Australia, Úc, bỗng nhiên tràn đầy nước, mang tới sức sống cho vùng sa mạc này. Nhìn từ trên cao, nước hồ có các màu hồng, cam, xanh dương, đan xen lẫn nhau. Cảnh tượng hiếm hoi khiến nhiều du khách đổ xô tới đây để được nhìn tận mắt.
 

Nhờ hiện tượng thiên nhiên, hồ biến thành một ốc đảo kỳ diệu giữa sa mạc. (Lachlan Swan/CNN)

Là hồ nước muối lớn nhất của Úc, đồng thời là điểm thấp nhất của lục địa Úc, thấp hơn mực nước biển 15 mét, hồ Eyre luôn trong tình trạng khô cạn. Theo ước tính từ các nhà khoa học, khoảng 25 năm một lần, hồ Eyre mới tràn đầy nước từ các đợt mưa theo mùa.
 

Chất muối hòa tan trong nước, giúp cho hồ bớt mặn và nhờ đó rêu mọc, tạo những màu sắc lạc cho hồ. (Lachlan Swan/CNN)

Bởi vậy, Eyre còn được mệnh danh là hồ ẩn hiện khi lúc nước đầy, hoặc khô cạn. Do vậy, diện tích mặt nước trong hồ không cố định, phụ thuộc vào lượng mưa. Khi hồ cạn, mặt đáy hồ lộ ra lớp muối khá dày.
Trên thực tế, hồ Eyre là sự kết hợp của hai hồ nước: Hồ Eyre Bắc và hồ Eyre Nam. Hai hồ nước nối với nhau bằng kênh Goyder, dài 15 cây số. Hồ Eyre là điểm tập trung của hệ thống dẫn nước lớn thứ 2 tại Úc – Lòng chảo hồ Eyre. Hồ Eyre có một đợt ngập nhỏ (khoảng 1.5 mét nước) mỗi ba năm, một đợt ngập lớn (4 mét nước) mỗi 10 năm, và tràn đầy nước trung bình khoảng bốn lần trong mỗi thế kỷ.

Mực nước ở hồ Eyre phần lớn phụ thuộc vào lượng mưa rơi xuống vùng Queensland và Lãnh thổ phương bắc. Thông thường, nước sẽ mất từ 6 đến 8 tuần để từ Queensland và Lãnh thổ phương bắc đổ vào hồ Eyre qua mạng lưới sông ngòi. Mức nước cao nhất từng được ghi nhận ở hồ Eyre là 6 mét, đạt được vào năm 1974.
 

Nước lũ chỉ tràn vào hồ vài năm một lần, nhưng hiếm khi ngập đầy hồ, và trong 160 năm qua hồ chỉ ngập đầy có ba lần. (Lachlan Swan/CNN)

Nhờ đợt mưa lớn hiếm hoi từ hai tháng trước đây, nước hồ Eyre bỗng đổi sang màu cầu vồng đủ sắc. Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới việc hồ nước có màu sặc sỡ là do lượng muối trong hồ gặp nước mưa đã pha loãng, tạo điều kiện cho tảo phát triển.

Ở thời điểm hiện tại, hồ Eyre nhìn từ trên cao trông như một chiếc kính vạn hoa, thu hút một số loài chim bao gồm cả thiên nga, bồ nông, hay những loài cá tới cư ngụ. Sự sống cũng xuất hiện bên bờ hồ với các thảm hoa dại bùng nở.
 

Eyre Lake là hồ lâu đời nhất tại Úc Châu, vài năm mới có nước một lần. (Lachlan Swan/CNN)

Chưa ai biết hiện tượng hiếm gặp này sẽ kéo dài bao lâu, nhưng dòng du khách cùng nhiếp ảnh gia vẫn đang kéo tới đây ngày một đông, nhằm tận hưởng cơ hội hiếm hoi ngắm nhìn thảm động thực vật đa dạng xuất hiện quanh hồ. Theo người địa phương, hồ nước Eyre đổi màu đã mang lại lợi ích môi trường đáng kể, đồng thời phát triển du lịch trong khu vực.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT