Thế Giới

Hoa Kỳ: Nga và Syria tẩy rửa khu hóa học

Thursday, 19/04/2018 - 10:52:21

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói, cho dù các nhà điều tra của OPCW đến được địa điểm bị tấn công, họ có thể sẽ không tìm thấy dấu vết nào của sự việc.

Hôm thứ Năm Hoa Kỳ nói có “bằng chứng đáng tin cậy và thông tin tình báo” cho thấy Nga và Syria đang cản trở nhóm điều tra quốc tế tiến vào thị trấn Douma, khu vực bị tấn công hóa học, đồng thời, Nga và Syria cũng đang tẩy rửa khu vực và lấy đi các bằng chứng phạm tội. Cáo buộc của Hoa Kỳ được đưa ra trong bối các các chuyên gia của Tổ chức cấm vũ khí hóa học OPCW vẫn chưa đến được thị trấn Douma.
Hiện đã 12 ngày trôi qua kể từ khi vụ tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra. Ngoài việc tiêu hủy bằng chứng, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ còn cáo buộc Nga và Syria đang gây áp lực buộc các nhân chứng phải thay đổi lời khai. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói, cho dù các nhà điều tra của OPCW đến được địa điểm bị tấn công, họ có thể sẽ không tìm thấy dấu vết nào của sự việc.

Nga nghiên cứu 2 hỏa tiễn không nổ của Mỹ
MOSCOW – Các chuyên gia Nga có thể sẽ tìm cách nghiên cứu 2 hỏa tiễn hành trình chưa nổ của Hoa Kỳ, do Syria giao lại sau cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp hôm 14 tháng 4. Theo ông Viktor Murakhovsky, thành viên của Hội đồng cố vấn Ủy Ban Công Nghiệp Quân Sự Nga, hai hỏa tiễn hành trình chưa nổ được quân đội Syria tìm thấy sau cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp sẽ được chuyển cho các chuyên gia phân tích Nga.
“Những hỏa tiễn này có thể rất hữu ích với đất nước chúng ta. Các chuyên gia Nga không sao chép vũ khí phương Tây vì chúng ta có chiến lược phát triển của riêng mình. Tuy nhiên, điều thú vị là chúng ta có thể tiếp cận với các tiến bộ mới nhất của phương Tây trong lĩnh vực này. Một số hỏa tiễn, từng được sử dụng để tấn công Syria, không hề mới, nhưng cũng có một số hỏa tiễn mới được dùng lần đầu tiên,” ông Murakhovsky nói.
Hai hỏa tiễn chưa nổ của liên quân Mỹ, Anh, Pháp đã được Syria giao cho Nga hôm thứ Tư. Ông Murakhovsky nói Nga quan tâm đặc biệt tới các vũ khí này, vì đây là những hỏa tiễn khá mới. “Sẽ rất thú vị khi được nghiên cứu hỏa tiễn JASSM-ER - loại vũ khí được Hoa Kỳ sử dụng lần đầu tiên trong cuộc chiến này. Việc nghiên cứu những hỏa tiễn này sẽ giúp Nga cải thiện các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn và các hệ thống tác chiến điện tử,” ông Murakhovsky nói thêm.

Nhật, Úc tham gia tập trận cùng Mỹ, Phi
MANILA – Cuộc tập trận thường niên của Hoa Kỳ-Phi Luật Tân, với sự tham gia của hàng ngàn quân nhân, lần đầu tiên mở rộng để đón nhận thêm các quốc gia khác, với việc lực lượng Nhật và Úc được mời gia nhập cuộc diễn tập Balikatan lần thứ 34. Cuộc tập trận Balikatan, nghĩa là “vai kề vai,” được Phi Luật Tân và Hoa Kỳ tổ chức mỗi năm để kiểm tra khả năng sẵn sàng của quân đội, trong việc đối phó các mối đe dọa như thiên tai hoặc tấn công khủng bố.
Trong thông cáo ngày thứ Năm, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Manila nói, Úc và Nhật, hai đồng minh thân cận của Hoa Kỳ và cũng là đối tác chiến lược của Phi Luật Tân, sẽ tham gia cuộc tập trận Balikatan năm nay, dự kiến diễn ra ở nhiều địa điểm trên đảo Luzon, bắt đầu từ ngày 7 tháng 5. Anh quốc cũng được mời làm quan sát viên trong đợt huấn luyện khắc phục hậu quả thiên tai. Cuộc tập trận dài 2 tuần sẽ tập trung vào các nội dung gồm phòng thủ, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo, đối phó thiên tai, và giúp đỡ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng đe dọa đến an toàn công cộng.
Tòa đại sứ Hoa Kỳ cho biết, các binh sĩ từ Hoa Kỳ, Úc, Nhật, và Phi Luật Tân, hiện đang giúp sửa chữa trường học tại 4 tỉnh ở phía bắc Manila, và cung cấp dịch vụ y tế và nha khoa tại những vùng nông thôn nghèo. Phát ngôn viên quân đội Phi Luật Tân cũng thêm rằng, binh sĩ 4 quốc gia sẽ trao đổi, chia sẻ thông tin, và thực hiện các đợt huấn luyện bắn đạn thật. Cuộc tập trận Balikatan vào năm ngoái đã bị thu nhỏ quy mô, do sự coi thường của Tổng Thống Rodrigo Duterte trước liên minh quốc phòng Hoa Kỳ - Phi Luật Tân.

Moon: Bắc Hàn hứa giải trừ hạt nhân hoàn toàn
SEOUL – Tổng Thống Nam Hàn ngày thứ Năm cho biết Bắc Hàn, đã hứa sẽ hoàn toàn giải trừ hạt nhân và không đòi hỏi điều kiện gì kèm theo. Trước thông tin này, Hoa Kỳ vẫn tỏ ra thận trọng và tuyên bố sẽ duy trì áp lực tối đa đối với Bình Nhưỡng. Theo lời Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in, việc giải trừ hạt nhân, thiết lập thời kỳ hòa bình, và bình thường hóa quan hệ Hoa Kỳ - Bắc Hàn, sẽ đạt được dễ dàng thông qua hội nghị liên Triều vào tuần tới, và hội nghị dự kiến diễn ra sau đó giữa Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un và Tổng Thống Donald Trump.
Trong cuộc gặp với lãnh đạo các hãng truyền thông Nam Hàn, Tổng Thống Moon nói: “Việc giải trừ hạt nhân có ý nghĩa giống nhau đối với cả hai miền Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã bày tỏ ý muốn giải trừ hạt nhân hoàn toàn mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện gì mà Hoa Kỳ không thể chấp nhận. Mọi điều Bắc Hàn yêu cầu là việc chấm dứt thù địch đối với quốc gia này và một sự bảo đảm an ninh.”
Theo một viên chức Hoa Kỳ tiết lộ, giám đốc CIA Mike Pompeo đã gặp ông Kim trong tháng này để thảo luận về hội nghị với Tổng Thống Trump, và chủ tịch Bắc Hàn không đòi hỏi Hoa Kỳ phải rút quân để làm điều kiện cho cuộc gặp. Tuy nhiên, viên chức này thêm rằng, dù ông Kim tỏ ra sẵn sàng đàm phán giải trừ hạt nhân, nhưng khái niệm này vẫn chưa được xác định rõ ràng, và vẫn có thể là một sự lừa dối, do chưa có lịch trình cụ thể và các kế hoạch kiểm tra.

Chiến đấu cơ Iraq không kích ISIS tại Syria
BAGHDAD - Không quân Iraq đã tấn công phiến quân ISIS ở khu vực biên giới Syria, nhằm loại trừ mối đe dọa từ nhóm này với an ninh quốc gia. Chiến đấu cơ F-16 của Không quân Iraq hôm thứ Năm đã bay vào không phận Syria để tấn công phiến quân Nhà Nước Hồi Giáo, sau khi được sự đồng ý của chính quyền Tổng Thống Syria Bashar al-Assad, theo lời phát ngôn viên quân đội Iraq. "Các cuộc không kích nhắm vào ISIS trên lãnh thổ Syria được thực hiện do các mối nguy hại mà tổ chức này gây ra đối với lãnh thổ của Iraq, và cũng là bằng chứng cho thấy khả năng của quân đội Iraq,” đại diện Baghdad tuyên bố.
Hồi đầu tháng, Thủ Tướng Iraq Haider al-Abadi khẳng định "sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết nếu ISIS đe dọa đến an ninh của Iraq.” Quân đội Iraq vào tháng 12, 2017 tuyên bố đánh đuổi hoàn toàn ISIS khỏi đất nước này. Tuy nhiên, các tay súng ISIS vẫn tiếp tục mai phục, thực hiện các vụ ám sát và đánh bom trên lãnh thổ Iraq, đặc biệt tại khu vực dọc biên giới với Syria. Hiện Iraq duy trì mối quan hệ ngoại giao tốt với Iran và Nga, đồng minh thân cận của chính quyền Syria, đồng thời nhận được sự hậu thuẫn lớn của liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu.




Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT