Pháp Luật

Hoa Kỳ quan tâm điều gì khi phỏng vấn cấp visa đi Mỹ?

Huy Tôn phụ trách Wednesday, 28/11/2012 - 08:35:06

Không biết được những giấy tờ của mình và của người bảo lãnh có những điểm sai sót hoặc đã bị sửa lại, tẩy xóa, và lý do sửa đổi hoặc tẩy xóa có hợp lệ hay không;

Huy Tôn phụ trách

LTS: Nhật báo Viễn Đông nhận thấy rằng có nhiều độc giả quan tâm đến vấn đề bảo lãnh thân nhân sang Mỹ định cư, du học, du lịch, vì thế tòa soạn mở mục “Tương Lai Mới” nhằm cung cấp tin tức, kiến thức và kinh nghiệm thực tế để giúp độc giả và người thân hiểu thêm về việc lấy chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ.
Mục “Tương Lai Mới” này sẽ được đăng tải cách tuần và do anh Huy Tôn, giám đốc công ty SG VISA đảm trách. Anh Huy Tôn định cư tại Seattle, tiểu bang Washington, tốt nghiệp Cao Học Quản Trị Kinh Doanh (MBA), đã từng làm việc cho Bộ Phận Tái Định Cư Nhân Đạo (HRS) thuộc Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ (LSQ) tại Sài Gòn, và là người sáng lập và điều hành nhóm hoạt động từ thiện AbamaE.
Quý độc giả có thắc mắc liên quan đến việc lấy visa nhập cảnh Hoa Kỳ, xin liên lạc tòa soạn qua email: viendong@aol.com hoặc viendongdaily@yahoo.com và cc: info@sgvisa.org. Anh Huy Tôn sẽ giải đáp hầu quý độc giả.


Hoa Kỳ quan tâm điều gì khi phỏng vấn cấp visa đi Mỹ?

Theo kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Bộ Phận Tái Định Cư Nhân Đạo (HRS) thuộc Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ (LSQ) tại Việt Nam, tôi đúc kết được những kinh nghiệm sau đây dành cho những ai đang chuẩn bị phỏng vấn lấy visa nhập cảnh Mỹ.
LSQ thường quan tâm đặc biệt đối với những hồ sơ định cư và không định cư được người Việt Nam nộp vì có rất nhiều cá nhân và gia đình làm hồ sơ giả, ví dụ như:
- Dữ kiện giả - đương đơn và người bảo lãnh cung cấp những dữ kiện không trung thực, như tuổi tác, nơi sinh sống, khả năng tài chánh, học lực, v.v.
- Bằng chứng giả - gia đình cung cấp những bằng chứng, như khai sinh, hộ khẩu, sổ gia đình, hình ảnh, sổ liên lạc, học bạ, sổ ngân hàng, sao kê tài chánh, cổ đông công ty, v.v.
- Mối quan hệ giả - anh chị em ruột hoặc anh chị em họ, sau khi một người đã trở thành công dân hoặc thường trú dân thì quay về Việt Nam, làm giấy hôn thú và bảo lãnh người thân, hoặc có những cặp chưa từng quen nhau và một người chịu chi trả tiền để người kia đứng ra bảo lãnh, v.v.
- Con người giả - có những trường hợp hồ sơ và dữ kiện cá nhân của đương đơn được một người khác mua lại và sử dụng để nhập cảnh Hoa Kỳ, hoặc người dưng bỗng nhiên trở thành con ruột, v.v.
Trong quá trình tôi làm việc lại HRS thuộc LSQ, hàng năm HRS ra chiến dịch điều tra những hồ sơ bị nghi ngờ làm giả và có những năm con số hồ sơ làm giả, sau khi được điều tra, lên đến 89%. Vì quá nhiều hồ sơ không trung thực và LSQ lại không đủ nhân sự trong Đơn Vị Phòng Chống Hồ Sơ Giả ( FPU - Fraud Prevention Unit), nên lắm lúc LSQ sẽ tìm những lý do rất nhỏ để từ chối hoặc yêu cầu gia đình đương đơn bổ túc hồ sơ và bằng chứng. Vì LSQ hiểu rằng đối với một hồ sơ thật, khi bị từ chối hoặc yêu cầu cung cấp thêm dữ kiện hoặc bằng chứng, các thành viên trong hồ sơ sẽ tiếp tục khiếu nại, kháng cáo, và chờ đợi. Tuy nhiên, những hồ sơ giả thì thường sẽ rút lui không duy trì hồ sơ nữa vì họ sợ bị chính phủ khởi tố. Đây là lý do mà rất nhiều hồ sơ thật vẫn bị từ chối, chỉ vì những sơ suất trong sự chuẩn bị hồ sơ – những “con sâu giả” này làm rầu rất rất nhiều “nồi canh thật” trong cộng đồng người Việt chúng ta.
Để có được kết quả tốt cho cuộc phỏng vấn visa sắp tới, quý vị nên chuẩn bị kỹ và tránh những tình trạng sau đây:
- Lo sợ quá trước khi vào phỏng vấn - tâm lý quá căng thẳng;
- Trả lời ấp úng, không suôn sẻ, mạch lạc, nói không rõ ràng, lí nhí hoặc vấp váp;
- Nói loanh quanh nhiều, giải thích nhiều mà không đi vào mục tiêu chính của câu hỏi;
- Nói quá ít chi tiết cho những câu hỏi mở, và không diễn đạt được những điều đúng trọng tâm của câu hỏi;
- Nói nhiều mà ngay cả bản thân cũng không biết mình đang muốn diễn đạt điều gì;
- Không biết những điều cụ thể và chính xác về bản thân như giấy tờ, hồ sơ, hình ảnh và những điều đã được khai trong đơn đã nộp cho Bộ Công Dân và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS), Trung Tâm Thị Thực Quốc Gia (NVC) và LSQ;
- Không biết rõ chi tiết về người bảo lãnh;
- Không biết rõ chi tiết về mối quan hệ giữa đương đơn và người bảo lãnh, như địa chỉ, công việc, lợi tức, nơi sinh sống, những cuộc hôn nhân trước, v.v.;
- Không biết rõ những chi tiết cụ thể về mối quan hệ của đương đơn và người bảo lãnh, như bối cảnh, môi trường của lần gặp đầu và sau cùng;
- Không biết rõ về cá nhân và gia đình của người bảo lãnh, như người bảo lãnh đã qua Mỹ năm nào, theo chương trình gì, đi với ai;
- Không biết rõ chi tiết về việc làm, điều kiện tài chánh và lợi tức của người bảo lãnh và người đồng bảo trợ (joint sponsor);
- Không biết chính mình sang Mỹ sẽ ở đâu, với ai, làm gì;
- Không biết được những giấy tờ của mình và của người bảo lãnh có những điểm sai sót hoặc đã bị sửa lại, tẩy xóa, và lý do sửa đổi hoặc tẩy xóa có hợp lệ hay không;
- Không biết tên mình đã từng có trong hồ sơ xin nhập cảnh hoặc định cư Hoa Kỳ, vì người thân đã từng làm hồ sơ mà không nói cho mình biết.
Do đó, trước khi làm hồ sơ, quý vị nên biết thật rõ và chính xác những dữ kiện của mình.Để thực hiện điều này, quý vị cần làm những việc sau đây:
1. Kiểm tra tất cả chi tiết, bằng chứng và giấy tờ của mình thật kỹ trước khi điền đơn;
2. Sao y lại tất cả những đơn từ, giấy tờ và bằng chứng mình nộp cho USCIS hoặc đơn vị đại diện, mỗi thứ 2 bản, một bản cho đương đơn và một bản cho người bảo lãnh;
3. Hỏi kỹ những thân nhân của mình xem họ đã từng nộp hồ sơ xin nhập cảnh hoặc định cư có tên của quý vị;
4. Hệ thống hóa những điều về mình theo những mục sau đây:
- Giấy tờ và hình ảnh đã, đang và sẽ nộp cho USCIS;
- Dữ kiện cá nhân của bản thân và người bảo lãnh;
- Chi tiết về gia đình của bản thân và người bảo lãnh;
- Chi tiết về tài chánh, lợi tức và việc làm của bản thân và của người bảo lãnh;
- Chi tiết về hôn ước, đính hôn, hôn nhân, ly hôn của cá nhân và tất cả những người liên quan trong hồ sơ;
- Chi tiết về việc xin con nuôi;
- Chi tiết về mối quan hệ giữa mình và người bảo lãnh, như thời gian và địa điểm.
5. Ghi nhớ tất cả chi tiết trên và bằng chứng trong hồ sơ.
Thêm nữa, xin quý vị nhớ rằng mỗi hồ sơ đều có những điểm khác nhau, nên mình không thể nào cho rằng khi đi phỏng vấn, LSQ sẽ đặt một số câu hỏi giống những câu hỏi đã dành cho những người khác trước đây. Vì thế, quý vị phải am hiểu thật rõ về hồ sơ của chính mình chứ không nên so sánh với những hồ sơ khác.
Trên đây, chúng tôi trình bày những điểm chính, nếu quý độc giả có những thắc mắc khác, hay cần cố vấn chi tiết hơn về trường hợp của mình, xin hãy liên lạc với mục “Tương Lai Mới”, chúng tôi sẵn sàng giúp quý vị có được visa trong lần phỏng vấn sắp tới.

Huy Tôn & SG VISA Team
Địa Chỉ: 42/6 Nguyễn Văn Trỗi, P.15, Q. Phú Nhuận, Sài Gòn
Điện thoại: 848-2217-3680
Đường dây 24/24: 849-1910-6590
Email: info@sgvisa.org
Website: www.sgvisa.org


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT