Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Họa sĩ Văn Mộch với cuộc triển lãm cổ vật và tranh tín ngưỡng dân gian

Thursday, 09/09/2010 - 06:32:26

WESTMINSTER. Vào hai cuối tuần 11,12 và 18,19-9-2010 tại Viện Việt Học, số 15355 Brookhurst St. (trong khu nhà hàng Seafood World), thành phố Westminster, ba nhà sưu tập cổ ...

Thanh Phong/Viễn Đông (thực hiện)

w-hoa-si-Van-Moch-001.jpg

Họa sĩ Văn Mộch tại thư viện nhật báo Viễn Đông – ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông


WESTMINSTER. Vào hai cuối tuần 11,12 và 18,19-9-2010 tại Viện Việt Học, số 15355 Brookhurst St. (trong khu nhà hàng Seafood World), thành phố Westminster, ba nhà sưu tập cổ vật và tranh dân gian gồm họa sĩ Văn Mộch, nhà sưu tập Ngô Sơn, Kỹ sư Trung Nam, và Tiến sĩ Phạm Hùng sẽ tổ chức triển lãm cổ vật và tranh tín ngưỡng dân gian, đồng thời có buổi hướng dẫn (workshop) thực hiện Tranh Mộc Bản.
Họa sĩ Văn Mộch, cựu Chủ tịch Hội Viet Art Society, đã từng tham dự nhiều cuộc triển lãm tranh tại nhiều Bảo Tàng Viện thuộc các tiểu bang Hoa Kỳ và Pháp. Họa sĩ Văn Mộch hiện đang dạy tranh khắc gỗ và thư pháp tại các trường Nam California. Trưa Thứ Tư, 8-9-2010, ông đã ghé thăm tòa soạn Viễn Đông và dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn.

w-hoa-si-VM-Vinh-QUY-1a[1].jpg

Tranh cổ “Vinh Quy” – ảnh do Viện Việt Học cung cấp.

Viễn Đông: Xin họa sĩ cho biết những cổ vật và tranh tín ngưỡng dân gian mà ông sắp triển lãm có nguồn gốc từ đâu?
HS. Văn Mộch: Trước đây tôi có đi tham dự các cuộc triển lãm, đấu giá ở nhiều nơi như Pháp, Luân Đôn, San Francisco, v.v., và mua được từ các nhà bán đấu gía nổi tiếng như Sotherby, Batterfield, Christie Luân Đôn và Singapore, mỗi lần mua được một hai món và góp lại. Còn tranh tín ngưỡng dân gian là do gia đình tôi ở Hà Nội, trước kia chúng tôi cũng có cúng dường và giúp đỡ các chùa trong thời gian chiến tranh, sau này những tượng thờ, câu đối và những gì xưa kia gia đình cúng dường một phần cũng hư hỏng nên nhà chùa trả lại cho gia đình và tôi mang dần qua bên này được.

Viễn Đông: Xin họa sĩ cho biết, tại sao nhà chùa không để thờ cúng mà trả lại cho gia đình họa sĩ?
HS. Văn Mộch: Vì chùa không đủ khả năng tài chánh để tu sửa, hơn nữa tiền mua sắm tượng mới rẻ hơn tiền ở bên đó họ gọi là phục chế, vì thế nhà chùa trả lại cho gia đình.

Viễn Đông: Theo chúng tôi được biết, nhà cầm quyền CSVN họ cũng cấm mang cổ vật trong nước ra hải ngoại. Làm thế nào hoạ sĩ mang được khối lượng cổ vật và tranh tín ngưỡng dân gian ra nước ngoài?
HS. Văn Mộch: Thâït ra tài sản đó không phải của người Việt mà do các quan của ta đi Sứ mang về, sau đó các vua chúa như Trịnh, Lê, Nguyễn, v.v., truyền tay nhau rồi lọt ra ngoài dân gian. Dĩ nhiên có khó khăn khi mang được sang nước ngoài.

Viễn Đông: Đối với Họa sĩ, những cổ vật và tranh dân gian mang ý nghĩa quan trọng như thế nào?
HS. Văn Mộch: Theo tôi, bây giờ giá trị nhất của các cổ vật đó là người có khả năng để mà tìm kiếm sưu tầm nó chứng minh cho một số giai đoạn lịch sử.

w-hoa-si-VM-Gom_102_0626.jpg

Đồ gốm – ảnh do Viện Việt Học cung cấp.


Viễn Đông: Họa sĩ có thể cho biết trước những cổ vật được triển lãm kỳ này bao gồm những gì?
HS. Văn Mộch: Về đồ gốm sứ, chúng tôi có:
1. Tô Đĩa Mai Hạc đề thơ Nôm của cụ Nguyễn Du:
“Nghêu ngao vui thú yên hà,
Mai là bạn cũ, Hạc là người quen”
và hai câu thơ chữ Hán cổ:
“Hàn Mai xuân tín tảo
Tiên Hạc báo tin đầu”
2. Chén đĩa trà: Tượng trưng cho ý chí quật cường của dân tộc
Chén đĩa trà Tam Hữu (Trúc-Tùng-Mai) tượng trưng tam giáo: Phật, Khổng, Lão.
3. Gốm thương mại do Lò Chu Đậu Hải Dương sản xuất vào thế kỷ XVI gồm Đĩa Đại Tam Thái hai màu xanh, trắng. Bình Bú, Bình Tỳ Ba; Bình Trà Gà 2 Đầu, 2 Đuôi và tô chén men Lam, Trà Đạo.
Về tranh tín ngưỡng dân gian có tranh thờ cúng miền núi và đình chùa Bắc Việt như tranh Thầy Tào: Sán Dìu, Thái, Hmong. Tranh A Di Đà, Bà Mụ Thiện (Phật Quán Âm), Bát Nhã, v.v..

Viễn Đông: Đây là cuộc triển lãm đầu tiên tại Nam California?
HS. Văn Mộch: Năm 1997-1999 chúng tôi đã triển lãm tại Goldenwest College và năm 2001 triển lãm tại khu thương xá Tam Đa được rất nhiều người đến thưởng lãm, kể cả người ngoại quốc, nhất là người Nhật.
Lần triển lãm tới vào tháng 3 năm 2011, chúng tôi sẽ triển lãm về điêu khắc, các tượng cổ.

Viễn Đông: Trong cuộc triển lãm, nếu có người muốn mua, họa sĩ có bán cho họ không?
HS. Văn Mộch: Tôi không quyết định được, vì còn có các anh em khác như anh biết. Nếu ai muốn mua cứ cho Viện Việt Học (Thầy Lân) và tôi  biết, rồi anh em chúng tôi họp lại quyết định. Nếu bán được, chúng tôi cũng trích một số phần trăm xung vào quỹ phát triển Viện Việt Học.

Viễn Đông: Ngoài việc triển lãm, Hoạ sĩ còn thực hiện việc hướng dẫn làm tranh Mộc Bản, đúng không?
HS. Văn Mộch: Đúng vậy, vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật ngày 19-9-2010 tôi sẽ hướng dẫn thực hiện Tranh Mộc Bản cho những ai muốn làm.

Viễn Đông: Cám ơn Họa sĩ Văn Mộch và thầy Nguyễn Minh Lân Viện Việt Học đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
HS. Văn Mộch: Xin quý đồng hương đến thưởng lãm cổ vật và tranh tín ngưỡng dân gian Phật giáo tại Viện Việt Học vào ngày giờ như trên, và xin liên lạc với chúng tôi: Văn Mộch (858)578-0340, Nguyễn Minh Lân (714) 791-8774. Hai người chúng tôi xin cám ơn Ban Giám Đốc cùng toàn thể nhân viên nhật báo Viễn Đông.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT