Văn Nghệ

Hoài niệm dấu yêu trong chiều nhạc thính phòng Memory -Kỷ Niệm

Friday, 27/05/2016 - 10:42:19

Thụy Ân đã chạm đến trái tim người nghe bởi tiếng hát thiết tha, mát lành, êm ái và giàu cảm xúc của mình, người nghe cảm nhận được tình cảm đặc biệt dành cho mẹ nơi em, phần nào tạo nên cảm xúc rất hồn hậu, tha thiếtcho màn trình diễn của Thụy Ân.

Bài BĂNG HUYỀN

Buổi diễn thăng hoa với tiếng hát của Bích Vân
Ca sĩ Bích Vân đã có phần trình diễn thật thăng hoa trong chiều nhạc thính phòng “Memory -Kỷ Niệm” do chính cô tổ chức, diễn ra vào chiều ngày Chủ Nhật 22 tháng 5, 2016 tại Hội Trường Nhật Báo Người Việt. Là một ca sĩ trẻ, được học hành bài bản, Bích Vân rất thành công với những thể loại âm nhạc như nhạc kịch Broadway, opera. Tuy nhiên, lâu nay, Bích Vân vẫn rất được khán giả ái mộ với dòng nhạc trữ tình lãng mạn Việt Nam. Vì vậy trong chiều nhạc “Memory -Kỷ Niệm”, cô chỉ hát duy nhất bài Memory, bài hát trong vở nhạc kịch Những Chú Mèo (Cats), còn lại những ca khúc khác Bích Vân hát đơn ca, song ca cùng Thiên Tôn, Sean Buhr hay với bài cuối cùng kết thúc buổi diễn, hát chung với Thiên Tôn, Phạm Hà, Sean Buhr, Nguyễn Cao Nam Trân, Bích Huyền, bé Thụy Ân (học trò của Bích Vân), đều là những ca khúc trữ tình Việt Nam.

Các ca sĩ tham gia trong chương trình cùng hát ca khúc Kỷ Niệm (Phạm Duy) để kết thúc buổi diễn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Tiếng hát bay bổng, nhẹ nhàng, kỹ thuật điêu luyện nhưng cũng thật tinh tế, cảm xúc của Bích Vân như dòng suối mát, len lỏi, thấm sâu vào tâm hồn người nghe thật da diết và lãng mạn. Bằng chất giọng thánh thót, mềm như dải lụa đào óng ánh, Bích Vân vừa tự đệm dương cầm vừa hát mở đầu cho phần trình diễn của mình ca khúc “Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời” (Phạm Duy), đã làm mê đắm, xốn xang người nghe.

Mặc dù đã có nhiều ca sĩ tên tuổi thể hiện rất thành công ca khúc này, nhưng với sự sáng tạo trong cách thể hiện của mình, Bích Vân vẫn tạo được ấn tượng riêng không lẫn vào ai, đem đến cho người nghe những xúc cảm mới lạ, vừa lắng đọng vừa bay bổng phiêu diêu.

                 Thiên Tôn đầy cảm xúc khi ca “Bài ngợi ca tình yêu”. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Chiếc Lá” là tên một ca khúc mới nhất do chính Bích Vân sáng tác, lần đầu được cô giới thiệu đến khán giả trong buổi diễn lần này qua tiếng đàn guitar của Will Brahm. Đây là một ca khúc cuốn hút người nghe bởi giai điệu nhẹ nhàng, ca từ giản dị: “Chiếc lá nào mong manh cuối thu, chiếc lá nhẹ rơi sau gót em, chiếc lá nhỏ bé giữa cơn gió cuộc đời, bỗng ríu rít cười trong bão tố...” để nhắn gửi một thông điệp về sự hữu hạn của đời người, mọi người hãy sống tử tế hơn, làm những việc có ý nghĩa, như lời tâm sự của Bích Vân: “Chiếc lá nằm trên cành, cũng có một ngày rơi rụng. Vậy khi còn ở trên cành, thì hãy cứ xinh tươi đi, làm cho đời đẹp và dễ thương hơn, giống như cuộc đời của một con người, khi còn sống, hãy hát cho cuộc đời dễ thương, hát để cho đời người ấm hơn và hát để em thêm yêu đời yêu người, để em luôn vui, luôn mỉm cười...”

Khi Bích Vân thả hồn vào nỗi buồn cùng Memory (bài hát trong vở nhạc kịch Những Chú Mèo (Cats), giọng hát với cách nhấn nhá rất riêng của cô đã chạm đến sự tinh tế, bay bổng của cảm xúc, mang đến sự nồng nàn, chất chứa cả niềm tiếc nuối, trông mong và khát khao.

Nhạc đệm cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công cho Bích Vân khi thể hiện ca khúc này và trong chương trình “Memory -Kỷ Niệm”. Tiếng đàn dương cầm của nhạc sĩ Quốc Vũ, tiếng cello của Nguyễn Thị Hậu và tiếng guitar của Will Brahm như một dòng thác âm nhạc vừa êm ái, mạnh mẽ, đã nâng đỡ để tiếng hát Bích Vân mặc sức bay lượn, cuốn hút người nghe.

Không chỉ với anh Bùi Hoàng Điệp, là một khán giả trung thành của Bích Vân, sống tại Los Angeles, luôn mua vé ủng hộ những buổi diễn của Bích Vân, lần này cũng không ngoại lệ, đã đề nghị được nghe Bích Vân hát “Ngậm Ngùi” của Phạm Duy lúc mở đầu phần 2 của buổi diễn. Mà tất cả khán giả trong khán phòng hội trường nhật báo Người Việt chiều Chủ Nhật tuần qua đều hài lòng khi Bích Vân tặng thêm ca khúc “Ngậm Ngùi”. Cách hát vừa ấm, vừa mềm, vừa lên cao chót vót, vừa xuống thấp hun hút của Bích Vân đầy ắp tự tình đong đầy niềm thương nhớ khi thể hiện ca khúc này.

           Bích Vân hát ca khúc “chiếc lá” do chính Bích Vân sáng tác. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Bích Vân cùng song ca với Sean Buhr bài dân ca Quan Họ “Qua Cầu Gió Bay” với phần đệm piano của nhạc sĩ Quốc Vũ đã đem lại nhiều thích thú cho khán giả. Chất giọng “vang, rền, nền, nảy” của Bích Vân không kém gì so với các “liền chị” thứ thiệt khi khắc họa vẻ mộc mạc, vừa phảng phất hương đồng gió nội, vừa sâu lắng, ngọt ngào của làn điệu dân ca Quan họ vốn rất quen thuộc của người Việt. Với Sean Buhr dù vẫn còn vấp phải một số lỗi về cách phát âm nhưng anh đã rất cố gắng để hát ra đúng chất một bài dân ca, đã khiến nhiều người bất ngờ và cảm thấy thú vị với phần trình diễn của anh cùng Bích Vân.

                                               Bích Vân hát Memory. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Khách mời đặc biệt

Nếu phần song ca của Bích Vân và Sean Buhr đem lại nhiều tiếng cười thích thú cho khán giả khi một ca sĩ người Mỹ cố gắng hát Quan Họ, thì màn song ca của Bích Vân cùng Thiên Tôn [là ca sĩ khách mời đặc biệt, mà Bích Vân đã “bí mật” từ khi quảng bá chương trình với khán giả gần xa, với mong muốn đem đến sự bất ngờ cho khán giả] hát “Cô Đơn” của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, do Bích Vân đệm dương cầm, đã nhận được những tràng pháo tay ngợi khen như kéo dài mãi. Vì cả hai đã tặng cho khán giả một tiết mục hòa giọng quá đỗi ngọt ngào qua giai điệu nồng nàn, êm dịu, sâu lắng của ca khúc. Cả hai giọng hát đã thể hiện hoàn hảo sự tiếc nuối, chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống và hạnh phúc khắc họa rõ nét trong bài ca. Sự cháy bỏng trong giọng hát của Thiên Tôn hòa quyện với cách xử lý tinh tế trong từng câu chữ nắn nót một cách hoàn hảo của Bích Vân, từ từ len lỏi vào trái tim người nghe, khiến họ đắm say khi nghe ca khúc vốn thường được hát đơn ca này.

Có thể nói, trong chiều nhạc thính phòng “Memory -Kỷ Niệm”, ngoài thành công của tiếng hát Bích Vân, tiếng hát Thiên Tôn đã để lại dấu ấn tuyệt đẹp và nhận được sự ngợi khen nồng nhiệt nhất của các khán giả. Với ca khúc “Bài Ngợi Ca Tình Yêu” (Lời Việt của Phạm Duy dựa trên một tác phẩm của dòng nhạc Bossa Nova) đã được giọng Tenor của Thiên Tôn thể hiện thật ấn tượng, ấm áp hương vị jazz bay lượn trên nền nhạc dương cầm của Quốc Vũ và guitar của Will Brahm, mà theo lời giới thiệu của Thiên Tôn, đây là ca khúc anh đã từng hát với phần đệm của Will Brahm trong buổi lễ ra trường, khi anh và Will Brahm cùng học jazz tại trường Cal State Long Beach trước đây.

                     Bé Thụy Ân hát “Lời mẹ ru” của Trịnh Công Sơn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Qua đến ca khúc Trở Về Mái Nhà Xưa (Come Back To Sorrento - Lời Việt Phạm Duy) người nghe thật ấn tượng với chất giọng khỏe, ấm áp của Thiên Tôn. Anh luôn làm chủ giọng hát, thể hiện khá tốt những nốt cao lẫn nốt trầm, đạt đến độ tinh tế. Cách hát chân thật, không màu mè nhưng nắn nót đến từng chữ, từng ý như thể mỗi chữ bật ra khỏi bờ môi là tiếng lòng, tiếng lòng người nhạc sĩ hay chính là sự đồng cảm của chính Thiên Tôn ở chiều sâu giai điệu và ca từ, như muốn đưa người nghe đến đỉnh điểm của nỗi nhớ, những hoài niệm về chốn xưa chợt thức dậy trong lòng mọi người.

Ngoài phần song ca cùng Bích Vân, Thiên Tôn còn hát chung với Phạm Hà và Sean Buhr ca khúc “Hallelujah” được sáng tác bởi ca sĩ người Canada, Leonard Cohen. Đây là một ca khúc mang tên rất tôn giáo, nhưng nội dung lại như một bài thơ tình. Cả ba tiếng hát ấm áp, vang, khỏe thể hiện ca khúc này trên nền nhạc đệm Tây Ban Cầm của Will Brahm. Thiên Tôn, Phạm Hà và Sean Buhr với cách hát có phần nhẹ nhàng, tình cảm, đã chuyển đến người nghe nỗi buồn, chút da diết đến khắc khoải cồn cào, rất đỗi chân thành của bài ca. Phần trình diễn của Thiên Tôn cùng Phạm Hà và Sean Buhr khá thành công.


Từ trái qua phải Sean Buhr, Phạm Hà và Thiên Tôn, cùng hát ca khúc “Hallelujah" trên nền nhạc đệm Tây Ban Cầm của Will Brahm. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Những tiết mục chưa hoàn hảo
Nhưng khi giọng nam cao của Sean Buhr song ca bài It's A Man's World cùng giọng nam trung của Phạm Hà, đã không hề ăn khớp nhịp nhàng với nhau, vì Sean Buhr lấy tông quá cao, cách hát quá mạnh, đối nghịch hoàn toàn với cách hát tâm tình, nhẹ nhàng thủ thỉ của Phạm Hà.

Nếu trong chương trình, Bích Vân và Thiên Tôn đã xuất sắc tạo được dấu ấn của mình qua từng tiết mục, thì những ca sĩ khách mời còn lại chưa chinh phục hoàn toàn những khán giả khó tính. Tuy phần trình diễn chưa đặc sắc như mong muốn, phần mở đầu có chút trục trặc về kỹ thuật âm thanh, khi to khi nhỏ, khi bị tiếng hú của micro, nhưng càng về sau, âm thanh càng tốt hơn. Những tiếng hát Nguyễn Cao Nam Trân mở màn buổi diễn hát đơn ca 2 ca khúc “Kỷ Niệm” của Nguyễn Ánh 9, “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn” (thơ Du Tử Lê, nhạc Phạm Đình Chương), Lê Hồng Quang hát đơn ca “Khi Tôi Chết Hãy Mang Tôi Ra Biển” (Thơ Du Tử Lê, nhạc Phạm Đình Chương) và Granada, song ca cùng Bích Huyền ca khúc “Đố Ai” (Phạm Duy), Bích Huyền hát đơn ca “Bên cầu biên giới” (Phạm Duy), “Lá đổ muôn chiều” (Đoàn Chuẩn- Từ Linh), Sean Buhr hát đơn ca “This is The Moment”, “House Of Rising Sun”, Phạm Hà hát đơn ca 2 ca khúc “Bóng Chiều Tà” (Nhật Bằng) và bài hát nhạc Pháp kinh điển được khéo léo cách điệu trên dòng nhạc jazz và blues “La Vie En Rose” của Edith Piaf, ít nhiều vẫn tạo nên một câu chuyện âm nhạc đong đầy niềm thương, nỗi buồn phảng phất, làm lòng người nghe ngát hương hoài niệm, sống lại với thanh âm của những tháng ngày kỷ niệm xa xưa.

Nét đặc biệt của chương trình
Nhiều khán giả đến dự chương trình “Memory -Kỷ Niệm” đã rất ngạc nhiên khi biết được Bích Vân ngoài tài ca hát, cô giáo dạy ca, cô còn có tài thiết kế và thực hiện các nữ trang vòng đeo cổ, hoa tai, vòng tay làm bằng các loại đá, với các kiểu dáng, mẫu mã rất lạ, do chính Bích Vân làm bằng tay, mang tên Lụa được cô ra mắt mọi người vào Chủ Nhật tuần qua. Không chỉ trưng bày các nữ trang do mình làm, Bích Vân còn tự hào khoe với khán giả người học trò cưng được Bích Vân dạy hát khoảng hơn 1 năm nay, bé Thụy Ân (11 tuổi) dù sinh ra tại Mỹ, nhưng bé rất yêu thích hát những ca khúc Việt Nam. Phần trình diễn của Thụy Ân qua ca khúc Lời Mẹ Ru (Trịnh Công Sơn) là một điểm nhấn thật dễ thương, đem lại ngạc nhiên, thích thú cho khán giả.

Dù khi tự giới thiệu về mình và ca khúc để gửi tặng cho mẹ em cùng các người mẹ, giọng nói của Thụy Ân có đôi chút lơ lớ của những bé sinh ra tại Mỹ khi học nói tiếng Việt, vậy mà khi em hát, với phần đệm dương cầm của Bích Vân và guitar của Will Brahm, tiếng hát của em không hề lơ lớ chút nào, mà rất tròn vành, rõ chữ, đã để lại ấn tượng với vẻ đẹp mộc mạc và sâu lắng của mình.

Thụy Ân đã chạm đến trái tim người nghe bởi tiếng hát thiết tha, mát lành, êm ái và giàu cảm xúc của mình, người nghe cảm nhận được tình cảm đặc biệt dành cho mẹ nơi em, phần nào tạo nên cảm xúc rất hồn hậu, tha thiếtcho màn trình diễn của Thụy Ân.

Thụy Ân cùng cô giáo của mình, và các ca sĩ trong chương trình đã cùng nhau thể hiện khá hay ca khúc “Kỷ Niệm” của Phạm Duy như một lời chào tạm biệt khán giả để kết thúc chương trình. Tiết mục đã lưu lại nơi người nghe nỗi nhớ thương cứ hoài day dứt của hoài niệm đã thành xưa cũ nhưng mãi luôn đáng nhớ và ngập tràn những xúc cảm yêu thương, là những điều mà cố nhạc sĩ Phạm Duy đã gửi gắm vào ca khúc, đã được Bích Vân chọn làm chủ đề cho chiều nhạc thính phòng đầy xuyến xao này. (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT