Văn Nghệ

Hoài niệm về miền Nam qua chương trình Đờn Ca Tài Tử và Cải lương

Friday, 01/06/2018 - 07:54:59

Trích đoạn được Phương Nghi tái hiện lại lớp diễn Trọng Thủy khóc thương vợ là công chúa Mỵ Châu và Mỵ Châu hiện hồn về để gặp chồng theo khái niệm âm dương trùng phùng.

Bài BĂNG HUYỀN

Đoàn Lạc Hồng (thuộc Hội Phát Huy Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam) cùng với Câu Lạc Bộ Văn Nghệ của Viện Việt Học đã thực hiện chương trình Đờn Ca Tài Tử và Cải lương vào tối Thứ Bảy, ngày 26 tháng 5, 2018 tuần qua tại phòng hội của Viện Việt Học.


Tiết mục hòa tấu Tứ Đại Oán lớp một (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Các nghệ sĩ của Đoàn Lạc Hồng với giáo sư Nguyễn Châu (đàn cò, đàm Kìm), giáo sư Nguyễn Thị Mai (đàn Tranh), Tiến Hùng (đàn Bầu), Quốc Long (đàn Cò), Phil Trần (đàn Cò), Ngọc Quỳnh (đàn Tranh), Lê Sơn (Sáo), Ngọc Quỳnh (Tỳ Bà), Lâm Dung (đàn Kìm), Liên Tâm, Phương Nghi, Băng Tâm, Hạnh Dung, Vân Anh, Ái Liên (đàn Tranh), và các nhạc sĩ, nghệ sĩ thân hữu của đoàn Lạc Hồng, nhạc sĩ Văn Hoàng (guitar phím lõm), nghệ sĩ Thu Hồng, Minh Hùng, Thanh Vi, Hồng Quyên, Ái Liên, Bác sĩ Trương Như, đã đưa người nghe về với mảnh đất miền Tây ruộng lúa phì nhiêu phủ trắng những cánh cò, là chiếc nôi của Đờn Ca Tài Tử và nghệ thuật sân khấu Cải Lương.

Luật sư Nguyễn Hoàng Dũng là MC của chương trình đã giúp khán giả hiểu hơn về sự hình thành và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của sân khấu cải lương đã có tuổi đời 100 năm và Đờn Ca Tài Tử, là di sản văn hóa phi vật thể thứ 8 của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế. Là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ 19, bắt nguồn từ nhạc Lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian, là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của miền Nam.


Các Nhạc sĩ, nghệ sĩ, MC và đại diện ban tổ chức chào tạm biệt khán giả. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Vẻ đẹp qua từng tiết mục

Các nhạc sĩ qua tiếng đàn, tiếng sáo, các nghệ sĩ qua lời ca tiếng hát trau chuốt, nắn nót từng nốt nhạc, lời ca đã khắc sâu vào tim những người Việt ly hương bao nỗi nhớ nhung về một quê hương xa lắc. Nhưng nay qua âm nhạc lại trở nên hiện hữu gần gũi vô ngần với nét đẹp riêng qua mười ba tác phẩm.

Lắng đọng trong từng thanh âm đằm thắm ngọt ngào, bay bổng của những giai điệu âm nhạc mang âm hưởng cổ truyền Việt Nam, ấm nồng hơi thở nguồn cội, mộc mạc chân chất nhưng cũng rất giàu chất thơ.
Khán giả được thả hồn theo âm điệu trầm bổng, du hương man mác ngân nga, nao nao lòng dạ người nghe nhiều cung bậc cảm xúc qua những giọng ca, ngón đàn tài danh biểu diễn, như hòa tấu mở đầu buổi diễn, bài “Làng Tôi” (Sáng tác Chung Quân, Giáo sư Nguyễn Châu biên soạn cho phần trình tấu các nhạc cụ cổ nhạc, gồm có Tiến Hùng (đàn Bầu), Ngọc Quỳnh, Lâm Dung (Tỳ Bà, Kìm), Liên Tâm, Băng Tâm, Hạnh Dung, Vân Anh, Ái Liên (đàn Tranh), Ngọc Quỳnh, Quốc Long (đàn Nhị), Lê Sơn (Sáo).

“Tây Thi” (điệu Bắc), phần đệm với tiếng đàn Cò của Giáo sư Nguyễn Châu, Văn Hoàng (Guitar phím lõm), Tiến Hùng (đàn Bầu), Liên Tâm và Phương Nghi (đàn Tranh), giọng hát của Ái Liên.


MC Nguyễn Hoàng Dũng (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Liêu Giang” (Điệu Bắc và Nam), tiếng đàn Kìm của Giáo sư Nguyễn Châu, Tiến Hùng (đờn Bầu), Ngọc Quỳnh, Phương Nghi (đàn Tranh), Phil Trần (đàn Cò), Sơn Lê (tiêu sáo) với tiếng hát của Thanh Vi.
“Quan Âm Thị Kính” (Bài Xàng Xê 20 câu, hơi Lễ) phần đệm đàn của Giáo sư Nguyễn Châu, Văn Hoàng, Tiến Hùng, Ngọc Quỳnh, Phương Nghi, giọng ca của nghệ sĩ Thu Hồng.

“Song Phi Hồ Điệp” (Thể loại Ngũ Châu, hơi Bắc và Oán) phần hòa đờn của Giáo sư Nguyễn Châu (đàn Kìm), Tiến Hùng (đàn Bầu), Ngọc Quỳnh, Phương Nghi (đàn Tranh), Phil Trần (đàn Cò), Sơn Lê (Tiêu Sáo).
Tân cổ giao duyên “Điệu Buồn Phương Nam” qua giọng ca Thanh Vi, đệm đàn Giáo sư Nguyễn Châu, Văn Hoàng, Tiến Hùng, Sơn Lê, Phương Nghi. “Tứ Đại Oán lớp một (Hơi Oán, nhạc tài tử) với phần hòa tấu gồm đàn Kìm của Giáo sư Nguyễn Châu, Tiến Hùng (đàn Bầu), Giáo sư Nguyễn Thị Mai, Liên Tâm, Băng Tâm (đàn Tranh).
“Bạc Liêu Hoài cổ” (qua liên khúc Vọng Kim Lang, Phi Vân Điệp Khúc và Đoản Khúc Lam Giang) với giọng hát của Hồng Quyên, đệm đàn Giáo sư Nguyễn Châu, Văn Hoàng, Tiến Hùng, Phương Nghi, Liên Tâm.
“Người Tình Trên Chiến Trận” của soạn giả Mộc Linh (bài Phụng Hoàng trích trong vở cải lương cùng tên) qua giọng hát của nghệ sĩ Minh Hùng, đệm đàn Giáo sư Nguyễn Châu, Văn Hoàng, Tiến Hùng, Phương Nghi.
“Chi Hoa Trường Hận” và Vạn Huê Trường Hận (nhạc cải lương) với phần hòa tấu của Giáo sư Nguyễn Châu, Tiến Hùng, Ngọc Quỳnh, Phương Nghi, Phil Trần, Sơn Lê, v.v..

Những tác phẩm trên với tiếng đàn, tiếng sáo khi réo rắt, lúc nhấn nhá, nỉ non, uyển chuyển, dìu dặt, khi nhặt khi khoan, hòa với giọng ca khi lên bổng, lúc xuống trầm, ngân nga đầy biến hóa, thật cuốn hút, làm say đắm, thổn thức người nghe mê mẩn như bị thôi miên sống trong không gian trong mát êm đềm của những cung bậc sâu lắng, tinh tế nhưng cũng vô cùng khoáng đạt. Hình thức biểu diễn của ban nhạc khi hòa tấu hay lúc đệm đàn cho người ca với cách chơi mang đậm sắc thái phóng khoáng, tao nhã, hào hoa, vừa dân dã lại vừa cổ điển, vừa đơn giản lại vừa phức tạp, đặc biệt là về nhạc lý. Giúp người nghe thêm yêu vẻ chân thành, chất phác của những người dân miền sông nước, thêm yêu nét “tài tử” rất gần gũi, giản dị trong cách biểu diễn của các nhạc sĩ và thêm yêu những giọng hát của các nghệ sĩ luôn hết mình, tròn đầy cảm xúc qua từng câu hát đậm đà, chân phương.

Điểm nhấn tuyệt đẹp của buổi diễn

Chương trình không chỉ có những bài bản cổ, vì nếu chỉ gìn giữ vốn cổ mà không phát huy, sáng tạo cái mới thì sẽ bị bào mòn và mất dần. Hiểu rõ điều này, nên trong các chương trình của Đoàn Lạc Hồng từ trước đến nay, và với chương trình Đờn Ca Tài Tử và Cải lương lần này, luôn được Giáo Sư Nguyễn Châu xen kẽ vài bài bản mới được sáng tác trên tinh thần bảo tồn và phát huy nền âm nhạc dân tộc.

Trong buổi diễn vừa qua, khán giả đã thưởng thức tác phẩm độc tấu đàn tranh “Đất Lành Lúa Trổ” do Giáo Sư Nguyễn Châu sáng tác, là bản nhạc gợi tả những cánh đồng lúa trổ bao la cò bay thẳng cánh của miền Nam. Đây là bài số ba trong loạt ba bài độc tấu đàn Tranh ba miền, miền Bắc là Bài Ca Sông Núi với âm hưởng Quan Họ và Ca Trù, miền Trung là bài “Miền Đất Quê Hương” với âm hưởng Cung Đình Huế, và bài “Đất Lành Lúa Trổ” với âm hưởng nhạc Tài Tử miền Nam.

Phần độc tấu đàn tranh với tiếng đàn tuyệt vời của Liên Tâm, cô vốn là một nhạc sĩ piano, tốt nghiệp khoa âm nhạc tại Cal State Fullerton và có lớp dạy piano. Song song nhạc cụ Tây phương, cô còn gắn bó với đàn Tranh đã 30 năm, trước đây học tại Việt Nam, qua Mỹ thì học với giáo sư Nguyễn Châu.


Liên Tâm độc tấu đàn tranh bài “Đất Lành Lúa Trổ.” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Khi Liên Tâm đàn “Đất Lành Lúa Trổ,” cô như rót vào tai người nghe âm thanh tuyệt diệu qua đôi tay thon dài điêu luyện, mải miết trên những phím loan mỏng manh, như đưa khán giả chìm đắm trong không gian tuyệt mỹ của thứ giai điệu đặc sắc mới cũ giao hòa tuyệt đẹp. Những ngón tay của Liên Tâm lướt êm trên dây đàn, đưa người nghe thả hồn vào tiếng đàn lã lướt, nhẹ nhàng , thanh thoát.

Đặc biệt với kỹ thuật ngón rung và mổ khi đàn, khi cô nhấn dây cho cao độ lên cao, nghe “mùi mẫn” vô cùng, hay với những ngón láy, ngón rải, tha hồ bay bổng, tạo cho tiếng đàn dâng trào với cường độ mạnh mẽ đưa người nghe lên đến tột đỉnh cảm xúc đầy mới mẻ, hấp dẫn cả thị giác và thính giác. Để rồi khi bản nhạc chấm dứt, những tràng pháo tay vang dài, tiếng xuýt xoa vang lên từ các hàng ghế khán giả biểu đạt sự thích thú, ngỡ ngàng vì âm nhạc dân tộc lại có thể hay đến thế.

 


Cô Kim Ngân (đại diện của Viện Việt Học) áo dài trắng và Giáo sư Nguyễn Châu (đại diện của Đoàn Lạc Hồng), tay cầm micro gửi lời chào đến khán giả, khai mạc buổi diễn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Những giọng ca Ái Liên (hát bài “Tây Thi”), Thanh Vi (hát bài “Liêu Giang”, Tân cổ giao duyên “Điệu Buồng Phương Nam”), nghệ sĩ Thu Hồng (hát “Quan Âm Thị Kính”, vai Mỵ Châu trong trích đoạn cải lương Trọng Thủy- Mỵ Châu của Phương Nghi sáng tác), Hồng Quyên (hát “Bạc Liêu Hoài Cổ”), bác sĩ Trương Như hát “Tân cổ giao duyên Tôi Đưa Em Sang Sông), nghệ sĩ Minh Hùng (hát trích đoạn Người Tình Trên Chiến trận của soạn giả Mộc Linh, vai Trọng Thủy trong trích đoạn Trọng Thủy- Mỵ Châu), mỗi người mỗi vẻ. Họ đã xuất sắc trong từng tác phẩm mà mình thể hiện, hòa quyện tuyệt vời giữa người đàn người ca, thể hiện chất giọng một cách tự nhiên, thả hồn vào từng câu ca, nốt nhạc, lột tả được hết những cung bậc tình cảm, tâm trạng nhân vật trong từng bài ca một cách trọn vẹn nhất. 



Tiết mục hòa tấu “Làng Tôi” mở màn cho đêm diễn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Buổi diễn càng đẹp hơn, lưu lại nhiều cảm xúc cho khán giả hơn khi ban tổ chức chọn tiết mục kết thúc là màn trình diễn tuyệt vời của nghệ sĩ Minh Hùng trong vai Trọng Thủy, nghệ sĩ Thu Hồng trong vai hồn của Mỵ Châu về gặp Trọng Thủy sau khi bị vua cha chém đầu, và Ái Liên trong vai xác của Mỵ Châu gục chết để Trọng Thủy khóc thương, hối hận, qua trích đoạn cải lương “Trọng Thủy- Mỵ Châu” rất sâu sắc của Phương Nghi cũng là nhạc sĩ chuyên trình tấu đàn Tranh của đoàn Lạc Hồng.

Trích đoạn được Phương Nghi tái hiện lại lớp diễn Trọng Thủy khóc thương vợ là công chúa Mỵ Châu và Mỵ Châu hiện hồn về để gặp chồng theo khái niệm âm dương trùng phùng.

Nghệ sĩ Thu Hồng (bộ đồ trắng) trong vai hồn của Mỵ Châu, nghệ sĩ Minh Hùng (bộ đồ đỏ) trong vai Trọng Thủy, Ái Liên (bộ đồ vàng) trong vai xác của Mỵ Châu. (Băng Huyền/Viễn Đông)



Cả hai nghệ sĩ Minh Hùng và Thu Hồng ca, diễn đã chạm sâu vào trái tim người nghe nhiều cảm xúc với giọng hát ngọt lịm, mùi mẫn. Khi ca, không chỉ tròn đầy, mà cả hai còn biết rung, ngân, nhấn, vuốt, biết khoan, biết nhặt, đúng trường canh, đúng chữ đờn. Đặc biệt là nghệ sĩ Thu Hồng, cô đã diễn tả nội tâm của nàng Mỵ Châu thật tinh tế, khiến người nghe không khỏi rưng rưng rơi lệ trước bi kịch tình yêu của nàng công chúa đã đặt tình riêng lên trên đất nước, rải lông ngỗng dẫn đường quân giặc, không nhìn ra dã tâm của người đầu ấp tay gối, đã không cảnh giác trước mưu đồ xâm lược của Bắc phương, vô tình tiếp tay khiến nước mất nhà tan, dân chúng ly loạn.
Trích đoạn “Trọng Thủy- Mỵ Châu” khiến không ít khán giả trong đêm diễn không khỏi bồi hồi khi nghĩ đến hiện tình đất nước hiện nay đang bị Trung cộng Hán hóa, xâm nhập, bành trướng, chiếm đất, chiếm biển. Bài học đau thương của nàng Mỵ Châu, của vua An Dương Vương vẫn còn giá trị về lịch sử vì mất cảnh giác đã đưa đến mất cả giang sơn như cha con An Dương Vương.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT