Đạo và Đời

Hoàn cảnh Chúa Giêsu Giáng Sinh

Wednesday, 18/12/2019 - 07:24:30

Để tiếp tục chuẩn bị tâm hồn và niềm tin chúng ta đón mừng ngày Lễ Chúa giáng trần...


Cảnh Giáng Sinh trong máng lừa với các hình nhân biểu tượng Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse, cùng mấy chú lừa, cừu. (Getty Images)



Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG

Để tiếp tục chuẩn bị tâm hồn và niềm tin chúng ta đón mừng ngày Lễ Chúa giáng trần, bài Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng tường thuật lại hoàn cảnh ra đời của Chúa Giêsu, một hoàn cảnh khá phức tạp. Ngài là con Đức Mẹ Maria, được thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần trong thời kỳ đính hôn với Thánh Giuse.
Theo tập tục của Người Do Thái, nghi lễ đính hôn là buổi gặp gỡ chính thức của hai bên gia đình, xác nhận hôn ước của con cái họ. Thời gian đính hôn thường kéo dài một năm. Trong thời gian này, hai người nam nữ chưa được phép chung sống với nhau. Người phụ nữ vẫn tiếp tục ở nhà với cha mẹ cho đến ngày người con trai tới rước nàng về nhà mình như được mô tả trong dụ ngôn Năm Cô Trinh Nữ Khôn Ngoan và Năm Cô Trinh Nữ Khờ Dại (Mt 25:1-13).

Sau khi đính hôn, hai người nam nữ, mặc dù chưa là vợ chồng, họ đã có những ràng buộc như vợ chồng. Nếu sau một năm, một trong hai người không muốn tiến tới hôn nhân, họ buộc phải qua thủ tục ly dị như đã từng là vợ chồng. Nếu một trong hai người qua đời trước ngày cưới, người còn lại sẽ trở góa phụ hay quan phu.
Chuyện xảy ra cho Mẹ Maria là đang trong thời gian đính hôn, Đức Mẹ thụ thai Chúa Giêsu do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Theo luật định của người Do Thái (Đnl 22:23-24), Thánh Giuse có quyền công khai tố cáo Đức Mẹ và hậu quả là Đức Mẹ sẽ phải bị ném đá. Với tâm hồn công chính, Thánh Giuse chỉ định tâm lìa bỏ cách kín đáo để giữ thanh danh cho Đức Mẹ và cũng để giúp Đức Mẹ và thai nhi tránh được cái chết.
Chi tiết này của câu chuyện cho chúng ta thấy ý nghĩa của cụm từ “công chính” trong văn hóa của người Do Thái còn có nghĩa là cao thượng. Vì nếu dự định lìa bỏ Đức Mẹ thành công, Thánh Giuse sẽ bị người đời nguyền rủa là một người đàn ông tồi bại, lăng loàn, và vô trách nhiệm. Mặc dù biết được hậu quả oan ức này, Thánh Giuse vẫn chấp nhận để bảo toàn cho Đức Mẹ và thai nhi. Trong khi còn đang trăn trở với dự định này, thiên thần hiện ra báo cho ngài biết thai nhi Đức Mẹ đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần và hài nhi này sẽ là Đấng Emmanuel. Mặc dù chỉ là lời báo trong giấc mộng, Thánh Giuse đã từ bỏ ý định của mình và đón nhận Đức Mẹ về nhà mình để Chúa Giêsu trở thành người con hợp pháp trong xã hội.

Xét về lời báo mộng của thiên thần, bài Tin Mừng trước hết xác nhận người con Đức Mẹ cưu mang thực sự là Con của Thiên Chúa vì được thụ thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đối với người Do Thái, bất cứ điều gì Đức Chúa Thánh Thần thực hiện đều đem đến những đổi mới đáng kể. Như vậy sự ra đời của Chúa Giêsu là khởi đầu cho một kỷ nguyên mới để đưa nhân loại vào một đời sống mới.
Một điểm đáng lưu ý khác trong lời báo mộng của thiên thần, đó là tên gọi của hài nhi. Thánh Giuse và Đức Mẹ hay bà con láng giềng không là người đặt tên cho Chúa, nhưng tên của Ngài đã được chính Thiên Chúa chọn sẵn: “Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu.” Theo tiếng Hy Lạp, Giêsu có nghĩa là Giavê cứu độ, và thiên thần cũng nói rõ thêm là tên Chúa Giêsu sẽ kiện toàn lời tiên báo của tiên tri Isaia khoảng 800 năm trước đó: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel” (Is 7:14).
Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Cả hai tên gọi “Giêsu” và “Emmanuel” là một, nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa ở thế gian này và uy quyền cứu độ của Ngài.
Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa và là ơn cứu độ từ trời ban xuống cho nhân loại. Ngài khai mở một kỷ nguyên mới hầu mọi người có thể tái sinh trong một đời sống mới.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT