Thế Giới

Hoàng gia Anh công bố tên của hoàng tử bé

Friday, 27/04/2018 - 11:39:49

Hoàng Tử William và Công Nương Kate đã có hai con là Hoàng Tử George, năm nay 4 tuổi, và con gái thứ hai là Công Chúa Charlotte, sẽ tròn ba tuổi vào tháng 5.

LONDON - Con trai mới sinh của Hoàng Tử William và Công Nương Kate được đặt tên là Louis Arthur Charles, khác hẳn so với dự đoán của nhiều người. Con trai thứ ba của vợ chồng Hoàng Tử William có tước hiệu chính thức là Hoàng Tử Louis xứ Cambridge, sau khi được cha mẹ đặt tên là Louis Arthur Charles, theo thông báo hôm thứ Sáu của Cung điện Kensington. Tên gọi được Hoàng gia Anh lựa chọn cho "Hoàng tử bé" khiến nhiều người bất ngờ. Trước đó, đa số người dân Anh dự đoán cậu bé sẽ được đặt tên là Albert, Arthur, Alexander, James hoặc Philip, trong khi cái tên Louis được rất ít người nghĩ tới.
Con trai thứ ba của Hoàng Tử William chào đời tại bệnh viện St. Mary ở London ngày 23 tháng 4. Chỉ 7 tiếng sau đó, Hoàng Tử William và Công Nương Kate đã đưa con trai rời bệnh viện để trở về cung điện Kensington. Cậu bé là chắt thứ 6 của Nữ hoàng Elizabeth II và là người đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách kế vị ngai vàng của hoàng gia Anh, đẩy Hoàng Tử Harry, em trai của Hoàng Tử William, xuống vị trí thứ 6. Louis là tên thứ 4 của Hoàng Tử William, cũng là tên của ông Earl Mountbatten, bác của Hoàng Tế Philip.
Hoàng Tử William và Công Nương Kate đã có hai con là Hoàng Tử George, năm nay 4 tuổi, và con gái thứ hai là Công Chúa Charlotte, sẽ tròn ba tuổi vào tháng 5.

EU phê chuẩn lệnh cấm sử dụng thuốc trừ sâu
BRUSSELS – Vào thứ Sáu, Liên Âu (EU) đã phê chuẩn lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu, vốn được cho là mối đe dọa đối với sự sinh tồn của loài ong. Thông báo của Ủy Ban Châu Âu, 28 quốc gia thành viên EU đã bỏ phiếu ủng hộ đề nghị cấm sử dụng thuốc trừ sâu chứa chất neonicotinoid ngoài trời, nghĩa là thuốc trừ sâu hiện nay chỉ có thể sử dụng trong nhà kính để các chất độc hại không thoát ra môi trường.
Bộ Trưởng Môi Trường của EU Vytenis Andriukaitis và các nhà hoạt động vì môi trường đã ca ngợi quyết định của EU, vốn được đưa ra sau khi cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu hồi tháng 2 đã khuyến cáo rằng việc phun thuốc trừ sâu có thể gây hại cho các loài ong mật và ong rừng. Trước cuộc bỏ phiếu tại trụ sở Ủy Ban Châu Âu ở Brussels, Bỉ, nhiều nhà hoạt động vì môi trường, trong trang phục màu đen và vàng, đã tuần hành kêu gọi các nước EU bảo vệ loài ong. Trong khi đó, các tập đoàn hóa chất phản đối quyết định này, cho rằng sẽ gây thiệt hại cho các nông dân EU.
Ong giúp thụ phấn cho 90% số cây trồng trên thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng loài ong đã giảm bất thường, và thuốc trừ sâu bị cho là một trong những nguyên nhân. Thuốc trừ sâu chứa neonicotinoid bị cho là làm cho ong bị mất phương hướng, không thể tìm đường về tổ và giảm sức đề kháng với bệnh tật. Hồi năm 2013, EU cũng đã phê chuẩn lệnh cấm một phần việc sử dụng thuốc trừ sâu.

Thủ tướng Ấn mời chủ tịch Trung đến thăm 2019
VŨ HÁN - Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi đã mời Chủ Tịch Tập Cận Bình đến dự một cuộc họp không chính thức vào năm tới, khi ông đến thăm Trung Quốc vào thứ Sáu, nhằm giải quyết các xung đột với nước láng giềng. Ông Modi chỉ ở lại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc khoảng 24 tiếng đồng hồ, và nói rằng ông hy vọng các cuộc họp không chính thức kiểu này sẽ trở thành thông lệ cho cả 2 quốc gia. Ông Modi cũng cho biết, ông sẽ rất vui mừng nếu hai nước có một cuộc họp tương tự vào năm 2019 tại Ấn Độ.
Đáp lại, Chủ Tịch Tập nói rằng sức ảnh hưởng của Bắc Kinh và New Delhi đang tăng dần tại khu vực và trên toàn thế giới. Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang phát triển nhanh và sẽ có tương lai tốt đẹp. Ông Tập khẳng định, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là nguồn động lực quan trọng cho sự phát triển toàn cầu, và 2 nước là trung tâm cho việc phát triển một thế giới đa phương và toàn cầu hóa.
Một viên chức ẩn danh của Ấn Độ cho biết, cuộc họp giữa ông Modi và ông Tập ban đầu dự kiến chỉ diễn ra trong nửa giờ, nhưng sau đó đã kéo dài đến hơn 2 tiếng. Chuyến thăm bảo tàng tỉnh Hồ Bắc cũng diễn ra lâu hơn so với dự tính. Chủ Tịch Tập và Thủ Tướng Modi đã không nhắc gì đến các bất đồng giữa 2 nước trong cuộc gặp ngày thứ Sáu, như vấn đề tranh chấp biên giới hay các lo ngại liên quan đến dự án Vành đai và Con đường. Vào thứ Bảy, 2 lãnh đạo dự kiến sẽ đi dạo chung, và sẽ đi thuyền trên sông trong khoảng 1 giờ.

Đài Loan sẵn sàng gặp Tập Cận Bình để hòa đàm
ĐÀI BẮC – Vào thứ Sáu, Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố, bà sẵn sàng gặp mặt Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để tìm cách hòa giải quan hệ đôi bên, trong bối cảnh thế giới vừa chứng kiến cuộc gặp mặt lịch sử giữa các lãnh đạo Nam – Bắc Hàn. Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đã xấu đi từ sau khi bà Thái Anh Văn trở thành tổng thống vào tháng 5, 2016. Bắc Kinh vẫn coi đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ đang chờ hợp nhất, và từng đe dọa sẽ chiếm lại hòn đảo bằng vũ lực nếu cần.
Bắc Kinh luôn nghi ngờ đảng Dân Chủ Tiến Bộ của bà Thái Anh Văn, do đảng này có lập trường ủng hộ độc lập, và đã cắt các kênh liên lạc chính thức với Đài Bắc, sau khi nữ tổng thống từ chối không chấp nhận rằng hòn đảo là một phần của chính sách “Một Trung Hoa.” Trong cuộc phỏng vấn vào thứ Sáu, bà Thái nói chính phủ của bà sẵn sàng làm bất cứ điều gì có ích cho hòa bình và ổn định. Bà thêm rằng, một cuộc họp với lãnh đạo Trung Quốc là điều khả thi, nếu diễn ra một cách bình đẳng và không đòi hỏi điều kiện chính trị tiền đề nào.
Bà Thái cũng hy vọng, cuộc họp liên Triều sẽ là một bước tiến giúp củng cố sự ổn định trong khu vực. Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã gia tăng áp lực lên chính phủ Đài Bắc, bằng cách thực hiện một loạt các cuộc tập trận bắn đạn thật tại eo biển Đài Loan vào tuần trước. Trung Quốc cũng từng bước cô lập Đài Loan, bằng cách chiêu dụ dần dần các đồng minh ngoại giao ít ỏi của hòn đảo, và ngăn cản Đài Loan tham dự các sự kiện quốc tế.

Kêu gọi thủ tướng Romania từ chức vì dời tòa đại sứ tại Israel
BUCHAREST - Tổng Thống Romania hôm thứ Sáu đã kêu gọi thủ tướng nước này từ chức, sau khi bà ký phê chuẩn một thỏa thuận bí mật, cho phép dời tòa đại sứ Romania ở Israel đến Jerusalem. Đây là hành động được coi là vượt quá thẩm quyền của thủ tướng đối với chính sách ngoại giao. Theo luật Romania, Tổng Thống Klaus Iohannis không thể cách chức thủ tướng, nhưng lời kêu gọi của ông có thể dẫn đến một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tuy nhiên, nữ Thủ Tướng Viorica Dancila sẽ dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu này, nếu có, vì đảng của bà đang chiếm thế đa số áp đảo tại quốc hội.
Bất kỳ quyết định nào liên quan đến địa điểm đặt tòa đại sứ đều thuộc về tổng thống. Nhưng ông Iohannis nói, ông đã không được thông báo về vấn đề này, cũng như chuyến đi của bà Dancila đến Israel trong tuần này cùng với lãnh đạo đảng Dân Chủ Xã Hội Liviu Dragnea. Bà Dancila từng nói rằng, bản ghi nhớ mà bà phê chuẩn là hồ sơ mật và chưa thể công bố cho công chúng. Ông Iohannis, người lẽ ra được quyền có tiếng nói cuối cùng trong các vấn đề ngoại giao, cho rằng việc dời tòa đại sứ đến Jerusalem có thể sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.
Jerusalem không được nhiều nước công nhận là thủ đô của Israel, do đang còn tranh chấp chủ quyền với Palestine. Romania sẽ là nước EU đầu tiên, và là 1 trong rất ít quốc gia trên thế giới chuyển tòa đại sứ về Jerusalem, sau khi Tổng Thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel vào tháng 12 năm ngoái.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT