Thế Giới

Hoàng Tế Philip chuẩn bị giải phẫu khớp hông

Tuesday, 03/04/2018 - 07:40:28

Hoàng Tế Philip dự kiến sẽ tham dự đám cưới của Hoàng Tử Harry và cô Meghan Markle vào ngày 19 tháng 5, tại thánh đường St. George, cùng với các thành viên khác của hoàng gia.


Hoàng Tế Philip đi phía trước các hoàng tử và công nương sau một buổi lễ tại Nhà Thờ St Mary Magdalene, London cuối năm 2017. (Chris Jackson/ Getty Images)

LONDON – Hoàng Tế Philip của Anh quốc đã nhập viện tại London vào hôm thứ Ba, để chuẩn bị giải phẫu khớp hông. “Công Tước Edinburgh đã vào bệnh viện King Edward VII để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật theo lịch trình, diễn ra vào thứ Tư,” thông cáo của điện Buckingham viết. Thông báo này được đưa ra sau khi Hoàng Tế Philip, 96 tuổi, vắng mặt trong thánh lễ Phục Sinh của hoàng gia, trong khi Nữ Hoàng Elizabeth và những thành viên khác vẫn tham dự. 
Tình trạng sức khỏe của Hoàng Tế Philip được cho là không nghiêm trọng. Vào tuần trước, ông vẫn còn được nhìn thấy đang lái xe trong sân lâu đài Windsor. Công Tước Edinburgh đã rút lui khỏi các trách nhiệm hoàng gia từ mùa hè năm ngoái, nhưng vẫn xuất hiện cùng với gia đình trong các sự kiện chung. Vào thời điểm về hưu, Hoàng Tế Philip đã hoàn thành 22,219 nhiệm vụ , tính từ năm 1952. Hoàng Tế Philip dự kiến sẽ tham dự đám cưới của Hoàng Tử Harry và cô Meghan Markle vào ngày 19 tháng 5, tại thánh đường St. George, cùng với các thành viên khác của hoàng gia.

Mexico đề nghị cấp visa nhân đạo cho đoàn người di dân
OAXACA – Nhà chức trách Mexico hôm thứ Ba đã đề nghị cấp visa đặc biệt tạm thời cho một số người, trong đoàn di dân hơn 1,200 người từ Trung Mỹ đang băng qua Mexico hướng đến biên giới Hoa Kỳ. Đoàn người di dân này khởi hành ngày 25 tháng 3, tại Tapachula, gần biên giới Guatemala, vượt qua quãng đường 2,000 dặm với hy vọng sẽ đến được biên giới Hoa Kỳ. Chỉ một số ít trong nhóm di dân là có ý định nộp đơn xin tị nạn, trong khi đa số những người còn lại sẽ chỉ đơn giản là vượt biên lậu vào Hoa Kỳ. Một số người cũng nói rằng họ sẽ xin ở lại Mexico với tư cách là người tị nạn.
Viên chức di trú Mexico đã thu thập thông tin của những di dân muốn ở lại nước này, hoặc muốn tiếp tục đi đến biên giới Hoa Kỳ. Nhà chức trách cho biết, một giấy phép đặc biệt sẽ được cấp trong 3 ngày, để cho phép di dân có thể tự do di chuyển trong Mexico hoặc đi tìm việc làm. Dòng người di cư hiện đang ngừng lại ở Matias Romero, thuộc tiểu bang miền nam Oaxaca, khi chờ làm giấy tờ. Nhiều di dân đã rời khỏi đoàn người, được cho là đang tiếp tục đi lên phía bắc về hướng biên giới.

Anh chưa xác định được nguồn gốc chất độc vụ ám sát cựu điệp viên

LONDON - Quân đội Anh hôm thứ Ba cho biết họ không thể xác định được nguồn gốc của hóa chất được dùng trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal. "Chúng tôi nhận dạng được nó là Novichok, chất độc thần kinh dùng trong quân sự, nhưng không thể xác định nguồn gốc chính xác. Chúng tôi đã cung cấp dữ liệu khoa học cho chính phủ, họ sẽ sử dụng nhiều nguồn thông tin để đưa tới kết luận cho công chúng,” theo lời ông Gary Aitkenhead, giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học và công nghệ quốc phòng Anh (DSTL).
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị đầu độc tại thành phố Salisbury hôm 4 tháng 3. Ông Skripal vẫn trong tình trạng nguy kịch, nhưng con gái ông đang hồi phục, dường như đã có thể nói chuyện. DSTL tin rằng 2 nạn nhân bị nhiễm Novichok, hợp chất nguy hiểm gấp 5 đến 10 lần chất độc thần kinh thường gặp như VX hay sarin, đồng thời có thể chống lại các biện pháp chữa trị thông thường. Ông Skripal là cựu đại tá tình báo Nga, từng bị kết án tù ở Moscow vì tội chuyển tài liệu mật cho Anh. Skripal sau đó được đưa tới Anh trong một thỏa thuận trao đổi điệp viên giữa Nga và Hoa Kỳ.
Dù chưa có bằng chứng rõ ràng, London vẫn cáo buộc Moscow đứng sau vụ đầu độc và cùng hàng chục quốc gia phương Tây trục xuất 150 nhà ngoại giao Nga. Nga bác bỏ mọi cáo buộc và đáp trả bằng cách trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, đồng thời yêu cầu London cắt giảm thêm 50 nhà ngoại giao.



Thủ Tướng Lý Hiển Long và Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull tại hội nghị Singapore-Australia nhân dịp Úc mời các lãnh đạo ASEAN đến dự tại Sydney ngày 16 tháng Ba, 2018. (Dan Himbrechts-Pool/ Getty Images)

Anh em lại tranh chấp vì ngôi nhà của Lý Quang Diệu
SINGAPORE – Xung đột tiếp tục xảy ra giữa Thủ Tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) với hai người em vì cách thực hiện di chúc của cha họ, cố Thủ Tướng Lý Quang Diệu. Ngôi nhà hơn 100 năm tuổi là nơi ông Lý Quang Diệu từng sinh sống. Trong di chúc, cựu thủ tướng Singapore muốn con phá hủy ngôi nhà sau khi ông qua đời, nhằm tránh biến nó thành nơi sùng bái cá nhân. Tuy nhiên, ông Lý Hiển Dương và bà Lý Vỹ Linh, hai người em của ông Lý Hiển Long, cáo buộc Thủ Tướng Singapore ngăn cản thực hiện di chúc nhằm phục vụ mục đích chính trị.
Ủy ban chính phủ Singapore hôm thứ Hai đưa ra 3 cách giải quyết, gồm bảo tồn ngôi nhà như tượng đài quốc gia, phá hủy hoàn toàn để tái phát triển, hoặc tháo dỡ và giữ lại những phần có giá trị lịch sử. Ủy ban này tuyên bố số phận ngôi nhà sẽ được quyết định bởi chính phủ trong tương lai. Hai người em của Thủ Tướng Lý khẳng định giải pháp bảo tồn đi ngược lại với di chúc của cha họ. "
Trong khi đó, Thủ Tướng Singapore chấp nhận quyết định của ủy ban chính phủ, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc từ hai người em. Ông Lý Quang Diệu là thủ tướng đầu tiên của Singapore, điều hành nước này từ năm 1959 đến 1990. Ông được ca ngợi là người đã biến Singapore từ thuộc địa cũ nghèo của Anh thành một trong những xã hội giàu có và ổn định nhất thế giới.

Nam Phi sẽ tổ chức quốc tang cho Winnie Mandela
PRETORIA – Chính phủ Nam Phi hôm thứ Ba thông báo, nước này sẽ tổ chức quốc tang cho bà Winnie Mandela, người vợ 37 năm của ông Nelson Mandela, và cũng là một nhân vật biểu tượng trong phong trào chống kỳ thị chủng tộc. Bà Mandela qua đời tại bệnh viện hôm thứ Hai, sau khi phải nhập viện vì chứng bệnh nhiễm trùng thận tái phát. Tổng Thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết lễ quốc tang sẽ diễn ra ngày 14 tháng 4. Một lễ tưởng niệm quốc gia sẽ được tổ chức vào 3 ngày trước đó.

Phong trào dân chủ Hong Kong mất dần ảnh hưởng
HONG KONG – Phong trào ủng hộ dân chủ tại Hong Kong, một thời từng phát triển mạnh, hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về tương lai, khi những người ủng hộ phong trào này càng lúc càng bi quan trước sự đàn áp của Trung Quốc. Trong bối cảnh Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát, các đảng ủng hộ dân chủ tại Hong Kong liên tục bị quấy rối, các lãnh đạo của họ bị bắt bớ, bị hủy tư cách tranh cử, khiến các đảng này dần dần thất thế trước các đảng phái ủng hộ Trung Cộng, vốn được tổ chức tốt và có nhiều tiềm lực.
Vào tháng trước, phe ủng hộ dân chủ đã chứng kiến thất bại lớn trong một cuộc bầu cử quan trọng, khi chỉ giành được 2 trong số 3 ghế mà họ dự kiến sẽ thắng dễ dàng. Quan trọng hơn, một số người ủng hộ dân chủ đã không đi bỏ phiếu, hoặc bỏ phiếu cho ứng cử viên khác, để phản đối điều mà họ gọi là chiến thuật quá hiếu chiến của các đảng dân chủ. Một cử tri cho rằng, việc đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh không phải là chiến lược khôn ngoan, và các đảng dân chủ cần phải mềm mỏng hơn.
Sự thay đổi của cử tri đang gây lo ngại cho lãnh đạo của các đảng ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, vì sự ủng hộ của những người này là vũ khí duy nhất để chống lại sức ảnh hưởng của Bắc Kinh trong thành phố. Các lãnh đạo dân chủ tại Hong Kong hiện nay đều đồng ý rằng, họ cần ngồi lại với nhau để xem lại bài học từ sự thất bại trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, tất cả các nhóm này vẫn chưa có kế hoạch gì cho cuộc chiến chính trị trong thời gian tới.

Thái Tử Ả Rập Saudi chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran
WASHINGTON DC – Trong bài phỏng vấn vừa được công bố hôm thứ Hai, Thái Tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đã công nhận quyền lãnh thổ của Israel và chỉ trích thỏa thuận Iran của cựu Tổng Thống Barack Obama, cho thấy sự ủng hộ của Riyadh đối với chính sách Trung Đông của Tổng Thống Donald Trump. Thái Tử bin -Salman, 32 tuổi, nói rằng, cả Israel và Palestine đều có quyền có lãnh thổ riêng của họ. Đây là lời khẳng định đáng ngạc nhiên, khi nhiều nước Ả Rập, bao gồm cả Ả Rập Saudi, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Israel.
Thái Tử bin-Salman sau đó chỉ trích lãnh tụ tối cao Ali Khamenei của Iran, cho rằng ông này còn tệ hơn cả nhà độc tài Hitler, vì “Hitler chỉ muốn chinh phục châu Âu, còn Khamenei đang tìm cách chinh phục thế giới.” Thái tử Salman nói: “Tổng Thống Obama tin rằng Iran sẽ thay đổi nếu ông cho nước này cơ hội mở cửa. Tuy nhiên, chính phủ Iran xây dựng trên hệ tư tưởng Hồi giáo, và nước này sẽ không dễ dàng gì mở cửa với thế giới.”
Theo Thái Tử bin-Salman, 60% nền kinh tế Iran đang bị kiểm soát bởi lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa, do đó, lợi ích kinh tế của hiệp ước hạt nhân Iran sẽ không đến tay người dân. Thái Tử bin-Salman hiện đang có chuyến thăm Hoa Kỳ 3 tuần, nhằm cải thiện hình ảnh của Ả Rập Saudi trong mắt người dân Mỹ. Lâu nay, người Mỹ vẫn có cái nhìn khá thận trọng đối với Ả Rập Saudi, do các phong tục xã hội bảo thủ, sự đối xử bất bình đẳng với phụ nữ, và gần đây nhất là chiến dịch quân sự của nước này tại Yemen.

Malaysia phát hiện thuyền chở người Rohingya
KEDAH – Vào thứ Ba, nhà chức trách Malaysia đã phát hiện một thuyền chở 56 người tị nạn Rohingya, khởi hành từ hòn đảo Langkawi ở phía bắc Myanmar. Những người Rohingya này sau đó được Malaysia cho phép vào lãnh thổ vì lý do nhân đạo. Các tổ chức nhân quyền dự đoán, sẽ có thêm nhiều người Rohingya khác thực hiện hành trình nguy hiểm trên biển này trong thời gian tới. Con thuyền của người Rohingya trước đó đã ngừng lại một đảo ở miền nam Thái Lan vào thứ Bảy sau một cơn bão, và viên chức tại đây thông báo việc những người tị nạn này đang tìm đường đến Malaysia.
Theo cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc, con thuyền khởi hành từ bang Rakhine của Myanmar. Theo thông cáo của Cơ quan tuần duyên Malaysia, con thuyền chở 19 người đàn ông, 17 phụ nữ, và 20 trẻ em. Con thuyền được đưa vào khu vực bán đảo, và những người trên thuyền được giao cho cơ quan di trú. Theo chính sách thông thường, Malaysia lâu nay vẫn buộc các thuyền tị nạn phải quay về, trừ khi thời tiết xấu và biển động. Dù vậy, hàng ngàn người tị nạn vẫn vượt biên vào Malaysia trong những năm qua.
Cuộc khủng hoảng Rohingya tại Myanmar nổ ra vào tháng 8, 2017, và từ đó đến nay, gần 90% người Rohingya tại nước này đã trốn chạy đến các nước láng giềng. Malaysia đang có khoảng 150,000 người tị nạn, với đa số đến từ Myanmar, nhưng cũng có người Pakistan, Syria, Yemen, và Palestine. Cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã ghi danh khoảng 62,000 người tị nạn Rohingya tại Malaysia, và ước tính khoảng 30,000 đến 40,000 người khác vẫn đang sống bất hợp pháp, không được ghi danh tị nạn chính thức.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT