Đời Sống Việt

Hoạt Hình Đa Ngữ

Thursday, 27/02/2014 - 09:15:26

Tôi quen Caillou khi chồng tôi mở phim hoạt hình tiếng Pháp cho các con xem. Thằng bé tự giới thiệu mình trong khúc nhạc dạo mở đầu mỗi tập phim, “Caillou, Caillou, c'est moi!” Nhìn kiểu của nó thật là Châu Âu.

Trangđài Glassey-Trầnguyễn



Cô Huyền Vy, Ban Vận Động VELI và tác giả sau khi VELI được chấp thuận. (Hình: Thanh Phong/Viễn Đông)
 
 
Tôi quen Caillou khi chồng tôi mở phim hoạt hình tiếng Pháp cho các con xem. Thằng bé tự giới thiệu mình trong khúc nhạc dạo mở đầu mỗi tập phim, “Caillou, Caillou, c'est moi!” Nhìn kiểu của nó thật là Châu Âu.

Khi đưa các cháu đi thăm Ông Bà Ngoại, tôi lại nghe điệu nhạc quen thuộc. Nhìn lên màn hình, thì đúng là Caillou, nhưng nó nói tiếng Anh. Tự dưng thấy Caillou lạ hoắc, không quen' nữa, không giống Caillou nói tiếng Pháp. Ngồi coi một hồi, thì thấy Caillou đã “Mỹ hoá" rồi.

Ít tuần sau, khi tìm phim trên Youtube cho con coi, tôi nhớ Caillou. Thấy có tiếng Tây Ban Nha, tôi bấm vào. Caillou nói tiếng Tây Ban Nha, tự nhiên trông điệu bộ lại khác hẳn. Lúc mới qua Mỹ 20 năm trước, tôi cũng học tiếng Tây Ban Nha hai năm, nên vẫn nhớ cái cảm giác của người nói ngôn ngữ này. Cái cảm giác rất riêng, đến từ sự diễn đạt của văn hoá và cấu trúc ngôn ngữ. Caillou espanol' làm tôi nhớ đến Cô giáo đã dạy tôi lớp tiếng Tây Ban Nha đầu tiên tại Golden West College gần hai thập niên trước.

Caillou là một đứa bé đa ngữ. Nó nói tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, đủ hết. Nói tiếng nào thì phong cách đó. Caillou nói tiếng Đức thì lại có phong cách Đức. Nói tiếng Anh thì phong cách Mỹ. Trẻ con ở khắp nơi trên thế giới đều thân quen với Caillou, nhưng tuỳ theo ngôn ngữ mỗi nơi mà trẻ con ở đó cảm nhận Caillou một cách hoàn toàn khác nhau. Tôi rất muốn con tôi quen một Caillou nói tiếng Việt, nhưng người ta chưa chịu cho Caillou Việt Nam ra đời. Gõ “Caillou tiếng Việt" trên Youtube thì không có kết quả.

Trong những chương trình song ngữ mà tôi thực hiện qua Dự án Việt Mỹ Vietnamese American Project (do tôi sáng lập tại Đại học Cal State Fullerton từ thập niên 1990s), nhiều tham dự viên đã nhận xét, “Cô là hai người khác nhau khi cô nói tiếng Việt và tiếng Anh.” Ngôn ngữ quả thật chất chứa văn hoá, nên vì vậy, khi chúng ta sử dụng một ngôn ngữ, chúng ta cũng mặc lấy phong cách của ngôn ngữ đó.

Cho nên, chỉ khi chúng ta thông thạo một ngôn ngữ, thì chúng ta mới hoàn toàn hoá thân vào văn hoá và ngôn ngữ đó. Có nói tiếng Việt thông thạo, thì mới là người Việt trọn vẹn được.




Tiếng Là Người



Cái nhìn Fulbright

Lúc 7 giờ chiều thứ ba ngày 18 tháng 2, 2014, Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove đã biểu quyết về việc chấp thuận lịch trình thực hiện một chương trình Song Ngữ Việt Anh - Vietnamese English Language Immersion, gọi tắt là VELI. Trong phần phát biểu của công chúng, tôi đã cùng nhiều vị khác trong cộng đồng bày tỏ quan điểm về sự cần thiết của chương trình giáo dục song ngữ này.

Tôi đã phát biểu với tư cách của một học giả Fulbright, và Giám đốc sáng lập của Dự Án về Người Việt Hải Ngoại. Tôi nhớ lại, khi nộp đơn xin vào chương trình Fulbright mười một năm trước, tôi chọn Thuỵ Điển làm nơi để nghiên cứu. Các học giả Fulbright bắt buộc phải thông thạo ngôn ngữ của quốc gia mà họ chọn.

Nhưng trong đề án cho một năm nghiên cứu tại Thuỵ Điển của tôi, tôi đã không nói là mình thông thạo tiếng Thuỵ Điển. Tôi ghi: Tiếng Việt. Tôi tự học tiếng Thuỵ Điển cả năm trước đó, nhưng tôi không dám nhận là thông thạo trong ngôn ngữ này. Tiếng Thuỵ Điển là một ngôn ngữ rất phức tạp.
Phải chăng tôi đã lầm lẫn giữa tiếng Việt và tiếng Thuỵ Điển trong đơn của tôi? Xin thưa: Không phải vậy. Uỷ Ban Fulbright của Hoa Kỳ và Thuỵ Điển biết điều này. Họ nhận ra rằng tiếng Việt là chìa khoá trong đề án nghiên cứu của tôi, và nhận ra sự cần thiết của đề án này. Nhờ vào thành tích nghiên cứu - nhất là với Dự án Việt Mỹ từ thập niên 1990s, vốn đoạt nhiều giải thưởng và là nền tảng cho đề án Fulbright của tôi - và khả năng tiếng Việt của tôi, Uỷ Ban Fulbright đã xếp đề án của tôi vào bậc tối ưu, danh dự cao nhất cho bất cứ học giả Fulbright nào.

Với cộng đồng Việt hải ngoại ngày càng mở rộng và những ngành học liên quan đến tiếng Việt trên đà nở rộ, tiếng Việt đã trở nên một ngôn ngữ quốc tế. Có khoảng 97 triệu người Việt tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Trong thời gian nhận học bổng Fulbright, tôi được mời thuyết trình tại Đại hội Fulbright ở Berlin, và được phỏng vấn nhiều lần trên đài Multi-Kulti Radio ở Berlin, đài BBC tại Luân Đôn, một đài truyền thanh ở Warsaw, và các nơi khác. Tôi đã tận dụng khả năng Việt ngữ của mình ở nhiều nơi tại Châu Âu.

Tôi đã yêu cầu Học Khu Garden Grove cung cấp những điều kiện cần thiết để giúp các thế hệ tương lai cạnh tranh trên thế giới, trở thành những người lãnh đạo toàn cầu, và trở nên những học giả có khả năng đưa những cái nhìn mới vào chương trình Fulbright. Một cách để đạt đến những mục đích này là chấp thuận và thực hiện Chương Trình Song Ngữ Việt-Anh ngay hôm nay.

VELI 100% Phiếu Thuận

Sau những phát biểu từ cộng đồng và phúc trình về lợi ích của giáo dục song ngữ, Hội Đồng Giáo Dục Garden Grove đã đồng lòng phê chuẩn cho chương trình VELI. Nhiều phụ huynh gốc Việt có mặt đã rất vui mừng vì con mình sắp được học tiếng Việt tại trường công toàn thời gian, song song với tiếng Anh.

Ban Vận Động VELI ghi nhận, “Hiện tại, có trên 50.000 học sinh đang học trong một chương trình song ngữ hai chiều ở hơn 300 trường công lập tại tiểu bang California. Tuy nhiên, vẫn chưa có một chương trình song ngữ có tiếng Việt. Hai tiểu bang Texas và Washington đã thành công phát triển hai chương trình song ngữ Việt-Anh nhưng miền Nam Cali, nơi cư ngụ đồng bào Viêt Nam hải ngoại đông nhất, vẫn chưa có một chương trình song ngữ Việt-Anh. Chúng tôi, ban vận động VELI, một tổ chức cộng đồng dẫn đầu bởi Uỷ Viên Hội Đồng Học Khu Garden Grove Nguyễn Quốc Bảo, đã miệt mài suốt gần một năm qua để thúc đẩy học khu thành lập một chương trình song ngữ Việt-Anh đầu tiên tại tiểu bang California.” Với sự chấp thuận của Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove, VELI sẽ là chương trình thứ ba tại Hoa Kỳ và đầu tiên tại Garden Grove, Quận Cam, và California.

Tại buổi hội thảo về chương trình song ngữ Việt-Anh trong buổi họp thường kỳ của Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove vào ngày 3 tháng 12 năm 2013, cô Huyền Vy, một giáo viên trung học và thành viên VELI, đã nộp thỉnh nguyện thư VELI với hơn hai ngàn chữ ký cho Học Khu. Kết quả 100% phiếu thuận của Hội Đồng đến từ nổ lực từ nhiều phía của Ban Vận Động, và sự đồng tâm trong cộng đồng.

Ba ngày sau khi VELI được chấp thuận chính là ngày Tiếng Mẹ Đẻ Quốc Tế do UNESCO đề xướng từ ngày 17 tháng 11 năm 1999. Ngày này cũng được Liên Hiệp Quốc công nhận, và Hội đồng LHQ cũng đã chọn năm 2008 là năm để xiển dương các Ngôn Ngữ Quốc. Không gì quý hơn là chúng ta quảng bá ngày Tiếng Mẹ Đẻ Quốc Tế với niềm vui và hãnh diện là Ban Vận Động VELI, do Uỷ Viên Giáo Dục Nguyễn Quốc Bảo và Cô giáo Hoàng Huyền Vy khởi xướng, đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove để thực hiện chương trình VELI Song Ngữ Hai Chiều đầu tiên tại Quận Cam.

Tương lai tiếng Việt hải ngoại sẽ tươi sáng, trường tồn! Cộng đồng chúng ta cùng mừng cho dân tộc Việt Nam, và cám ơn anh linh tiền nhân đã soi độ. (tđ)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT