Người Việt Khắp Nơi

Học sinh cố gắng, cha mẹ dìu dắt

Băng Huyền/Viễn Đông Saturday, 14/01/2012 - 11:39:51

Do đó, thói quen dùng Anh ngữ, hoặc pha trộn Anh–Việt để nói chuyện trong gia đình là một điều khó tránh khỏi.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 5)

Băng Huyền/Viễn Đông



Anh Douglas Birozy (có vợ là chị Phạm Kim Ngân, giáo viên dạy lớp 3 tiếng Việt tại
Trung Tâm Hồng Bàng, cùng hai con cũng đang học lớp 1 và 2 tại trung tâm này)
đang được thầy giáo của Trung Tâm Hồng Bàng ôn lại bài học tiếng Việt 
ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Khác với hơn 30 năm trước, phụ huynh của học sinh các trung tâm, các trường Việt ngữ độc lập không còn là những người thuộc thế hệ di tản thứ nhất, mà nay là thành phần trẻ hơn, thuộc thế hệ một rưỡi, hay thế hệ thứ hai. Những người thuộc thế hệ 1,5 được sinh ra tại Việt Nam, nhưng theo chân cha mẹ trên đường di tản đến Mỹ lúc 5 đến 15 tuổi, thuộc gia đình gốc Việt, nhưng hấp thụ nền giáo dục Mỹ. Những người này, một số nói thạo tiếng Việt, nhưng viết không khá, một số khác kém tiếng Việt. Cả hai thành phần này đều xem ngôn ngữ chính là tiếng Anh. Hoặc có những phụ huynh dù biết Việt ngữ nhưng phải sử dụng Anh ngữ ở nơi làm việc và ngoài xã hội. Do đó, thói quen dùng Anh ngữ, hoặc pha trộn Anh–Việt để nói chuyện trong gia đình là một điều khó tránh khỏi.
Đôi khi vì đời sống quá bận rộn, nên nhiều phụ huynh cũng lơ là việc giữ gìn tiếng Việt cho con em mình. Hoặc không nỡ ép con học tiếng Việt, vì con không thích, như trường hợp của chị Nguyễn Hằng, cư dân thành phố Santa Ana. Chị Hằng là phụ huynh có hai con, cháu lớn 9 tuổi, cháu nhỏ 8 tuổi, đã từng cho con học tiếng Việt lớp 1 niên học 2010-2011 tại một trung tâm độc lập, chị Hằng nói với phóng viên Viễn Đông: “Ở nhà vợ chồng tôi nói chuyện với nhau luôn luôn nói bằng tiếng Việt, nên các cháu nghe thì hiểu những từ đơn giản, nhưng khi trả lời lại, thì lại nói tiếng Anh. Sau một năm học, hai cháu đã biết đọc, biết viết một chút, nhưng hai cháu không chịu đi học tiếp. Tôi đã phải thương lượng với các con nếu không đi học tiếng Việt, thì ở nhà mẹ dạy. Các cháu đã đồng ý”.


Các em học tiếng Việt tại Viện Việt Học - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Chị nói tiếp: “Vì các cháu sanh ra tại Mỹ, từ nhỏ đã đi học trường Mỹ, quen cách giáo dục của Mỹ, còn khi đi học tiếng Việt, cách dạy của giáo viên vẫn còn Việt Nam quá, nên các cháu không thích.
“Ngày xưa, khi chưa có con, tôi cũng đã từng tình nguyện đi dạy tiếng Việt tại một nhà thờ, tôi cũng biết tâm lý các em không thích học ra sao, hầu hết đều do bố mẹ bắt đi, thì mới đi, nên giờ các con tôi không thích, tôi không muốn gây áp lực cho con, nên đã không ép nữa”.
Khi được hỏi lúc đi dạy tiếng Việt, chị có cách nào để lôi cuốn học trò của mình đến lớp không, chị Nguyễn Hằng nói: “Tôi nghĩ, việc tạo không khí thích thú cho các em khi học tiếng Việt trong 2-3 tiếng mỗi tuần chỉ có một buổi học là rất khó. Còn những em nào đi học tiếng Việt một cách tự nguyện và thích thú, thì đó là những trường hợp rất đặc biệt”.
Chị Nguyễn Hằng chia sẻ: “Tôi nghĩ, với các con của tôi, khi lớn lên, nếu các cháu thấy việc học tiếng Việt cần thì tự nguyện học để biết thêm, vẫn hay hơn là ép buộc khi các cháu không thích. Vợ chồng tôi xác định, vì đã chọn nơi này sinh sống, nên văn hóa chính vẫn là văn hóa Mỹ, còn trong gia đình, vẫn dạy thêm về văn hóa Việt Nam cho các con biết nguồn gốc. Giữ được cho các con phần nào thì hay phần đó. Nhưng theo tôi, rất khó giữ lại được nhiều. Bởi vì các cháu đi học ở trường cả ngày. Đến khi lớn lên đi làm, cũng làm việc trong môi trường của xã hội Mỹ, sẽ rất khó nếu bắt các con giữ văn hóa Việt Nam. Nó sẽ không hòa nhập được vào xã hội Mỹ”.
Chị Nguyễn Hằng nói thêm: “Đứa con đầu của tôi khi cháu còn nhỏ, tôi cho cháu ở nhà với ông, phần lớn nói tiếng Việt với cháu, đến khi cháu đi học Kindergarten, cháu đã bị lẫn lộn bối rối giữa hai ngôn ngữ Anh-Việt, cháu bị chậm hơn so với bạn trong lớp. Vì vậy với đứa con thứ hai, tôi đã gửi cháu học Preschool trường Mỹ, nên không bị chậm như cháu đầu. Đó cũng là lý do tôi không cho hai con đi học tiếng Việt tại trung tâm từ sớm, mà đợi khi cháu được 7 tuổi, mới cho đi học. Vì khi đó, ngôn ngữ tiếng Anh của cháu đã hình thành vững vàng rồi, thì tôi mới cho con học thêm ngoại ngữ khác là tiếng Việt”.
Khi nghe người viết nhắc lại ý kiến này của phụ huynh, thầy Đặng Ngọc Sinh, trưởng Khối Tu Thư Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam Califorina, đã phản đối. Thầy nói: “Em nào học tiếng Việt giỏi, thì qua học trường Mỹ cũng giỏi thôi. Chứ không phải cho học thêm tiếng Việt từ nhỏ, các em sẽ chậm hơn khi vào học tiếng Anh đâu. Quan niệm như thế là sai lầm, không khoa học chút nào. Nếu từ nhỏ các em được học song song hai ngôn ngữ, sẽ giúp các em hình thành ngay từ bé khả năng thông dịch. Vì sau này, chính các em sẽ giúp cho ba mẹ, ông bà hay những đồng hương Việt Nam khi gặp những khó khăn cần thông dịch”.
Em Đan Vy, hiện đang học lớp 11 trường trung học Bolsa Grande, đã từng theo học 7 năm tiếng Việt tại Trung Tâm Hồng Bàng, và đã dạy 3 năm tiếng Việt tại trung tâm này, hiện đang dạy lớp 1A4 tại đây, cho biết, ngay từ nhỏ ở nhà ba mẹ đã dạy em nói tiếng Việt. Đến khi vào học trường Mỹ, em học tiếng Anh, em không gặp khó khăn hay bỡ ngỡ khi nói hai ngôn ngữ. Và vì ba mẹ ý thức việc giữ tiếng Việt cho em, nên đã sớm cho em đi học tiếng Việt tại trung tâm khi em còn nhỏ.
Đan Vy nói: “Sau này nếu có đi làm, nếu em biết nhiều thứ tiếng vẫn ích lợi, nhất là khi mình là người Việt Nam, thì không thể không biết nói và viết tiếng Việt. Vì vậy, khi dạy cho các em nhỏ, em luôn luôn nói với các em điều này, để dụ các em mê học tiếng Việt giống như em vậy”.
Em Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, sinh viên năm thứ nhất ngành Sinh Hóa đại học UCLA, hiện đang dạy lớp 1A4 cùng với em Đan Vy tại Trung Tâm Hồng Bàng, chia sẻ: “Em sanh ra ở Việt Nam, nhưng khi qua đây lúc 10 tuổi, em chỉ học tiếng Anh, và nói tiếng Anh, nên mấy năm sau em quên gần hết tiếng Việt. Thấy vậy, ba mẹ đã ghi danh cho em học tiếng Việt tại Trung Tâm Hồng Bàng. Vì gia đình ở Los Angeles, mỗi tuần ba mẹ đã chở em xuống đây học tiếng Việt. Sau khi học xong lớp 7, em quay lại dạy tiếng Việt tại trung tâm, vì em thích được sinh hoạt với các em nhỏ, và tiếp tục trau dồi tiếng Việt cho mình không bị quên”.

Vai trò của gia đình trong việc gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ trẻ
Anh Đặng Ngọc Trân, phụ huynh của cháu Adeline Quỳnh Ngân Hồng Đặng (9 tuổi) đang học tiếng Việt tại Viện Việt học, nói: “Tôi nghĩ, hiện giờ các em chưa tự nguyện đi học tiếng Việt, bị ba mẹ ép buộc, nhưng đến một lúc nào đó, các em không ưa thích nữa, cũng là một phần trách nhiệm của cha mẹ. Vì cha mẹ gửi con đi học Việt ngữ, xem nơi này như chỗ giữ con cho mình trong ngày cuối tuần, để mình có vài giờ đi chợ, đi cà phê với bạn bè… đứa trẻ sẽ rất khó chịu. Vì cả tuần cháu đã đi học, cuối tuần cũng bị bắt đi học. Với con tôi, những lúc cháu đến học tại Viện Việt Học, thấy tôi vẫn ngồi bên ngoài đợi, cùng chung hướng đi với cháu, cháu sẽ không cảm thấy lẻ loi, không khó chịu việc bắt cháu đi học, còn ba mẹ thì enjoy ở nhà… Tôi nghĩ, các phụ huynh nên vì con em mình, hãy dấn thân một chút, cùng chia sẻ với các em, xem con mình học ra sao, để giúp đỡ con”.
Riêng chị Tiffani Từ, phụ huynh của em Jasmine Từ (9 tuổi) đang học tại Viện Việt Học cho biết: “Tôi rời Việt Nam theo gia đình vượt biên khi mới 4 tuổi. Cũng may trong gia đình bắt nói tiếng Việt ở nhà với với bà nội, dì cậu, ba mẹ… nên tôi đã không quên được tiếng Việt. Nhưng tôi không biết đọc, biết viết tiếng Việt. Vì khi mới qua Mỹ, gia đình tôi có 9 anh em, ba mẹ phải đi làm vất vả nuôi anh em tôi, vì vậy cũng không có thời gian cho học chữ Việt hay dạy chữ Việt tại nhà… Lúc đó, tôi cũng không có cơ hội đi học tại trường dạy tiếng Việt như con tôi hiện nay. Chính vì vậy, những gì tôi bị thiếu lúc còn nhỏ, nay tôi cố gắng trao cho con tôi. Tôi cho con đi học tiếng Việt, vì muốn con biết nguồn gốc văn hóa Việt Nam, mà tôi đã bị đứt rời khi mới 4 tuổi”.
Chị Tiffani Từ nói thêm: “Trước đây tôi cho con đi học tiếng Việt trong chùa, khi con về, vợ chồng tôi không giúp con làm bài tập được, vì vợ chồng tôi đều không biết đọc và viết tiếng Việt. Niên học này, tôi cho cháu học tại Viện Việt học, nơi đây cho phép phụ huynh ở lại và vào lớp chung với con, nên tôi đã ngồi nghe, đã học được chút chút. Tuy nhiên, tôi thấy giờ mình đã lớn rồi, bận bịu đủ thứ, học lại tiếng Việt cũng khó khăn lắm. Như các con tôi còn nhỏ, các cháu học sẽ tiến bộ nhanh hơn”.
Trường hợp của gia đình chị Phạm Kim Ngân đặc biệt hơn, chị là phụ huynh có hai con đang học lớp 1 và lớp 2 tại Trung Tâm Hồng Bàng, ông xã của chị là anh Douglas Birozy (người Mỹ) đang học lớp 2 tại trường, đồng thời chị cũng là giáo viên thiện nguyện dạy lớp 3 tại đây. Chị cho biết: “Vì ông xã tôi thích tìm hiểu văn hóa Việt Nam và thích học tiếng Việt, nên tôi khuyến khích anh học. Hằng tuần, ngày Chủ Nhật, cả gia đình cùng có thời gian với nhau tại Trung Tâm Hồng Bàng, ba bố con đi học, còn tôi dạy tại trung tâm này.
“Con gái đầu khi chưa đi học Preschool, nói tiếng Việt giỏi, nhưng sau đó đi học, đã quên nhiều lắm. Con trai thì nói tiếng Việt dở hơn cô chị. Hiện giờ các con tôi đi học tiếng Việt là bị ép buộc, chứ các cháu không tự nguyện đi học. Ở nhà tôi luôn luôn nói tiếng Việt với các con, nhưng các con trả lời lại bằng tiếng Anh. Tôi biết sẽ rất khó khi muốn con trẻ sống trên đất Mỹ mà vẫn thông thạo tiếng Việt, ngay cả bố mẹ đều là người Việt Nam cũng gặp khó khăn, nói chi với gia đình mình. Nhưng tôi luôn luôn cố gắng truyền tình yêu tiếng Việt cho con. Vì mình là người Việt Nam, mình muốn gìn giữ điều đó. Dù không được một trăm phần trăm, nhưng có vẫn còn hơn là không”.
Tiếp lời vợ, anh Douglas Birozy nói với phóng viên bằng tiếng Việt lơ lớ của mình, anh cho biết anh quyết định đi học tiếng Việt, vì muốn khuyến khích các con của mình đi học, dù anh biết học rất khó. Nhất là khi nghe và nói, anh không phân biệt được dấu hỏi, dấu ngã, không quen khi viết chính tả có hai dấu này. Anh cho biết, anh muốn học tiếng Việt, vì muốn nói chuyện với mẹ của vợ bằng tiếng Việt. Hơn nữa, anh rất muốn giỏi tiếng Việt, để giúp các cụ già Việt Nam học tiếng Anh trên những “chatroom”, vì hiện nay anh đang dạy tiếng Anh trên online miễn phí cho người lớn tuổi Việt Nam. Anh còn muốn giỏi tiếng Việt để dạy cho người Mỹ học tiếng Việt, và cũng vì anh thấy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam có nhiều điều rất hay để anh tìm hiểu, học hỏi.
Còn với ông Hoàng Bảo, phụ huynh có ba con sanh tại Mỹ, đều được ông cho học tiếng Việt từ nhỏ tại Trung Tâm Hồng Bàng. Trong gia đình, vợ chồng ông luôn luôn nói tiếng Việt với các con và thường xuyên khuyến khích các con trau dồi tiếng Việt. Hiện nay, con gái lớn Hoàng Hannah đang theo học lớp 12 trường trung học La Quinta, tiếp tục học tiếng Việt tại trường trung học này.
Sau khi em đã hoàn thành lớp 7 tại trung tâm Hồng Bàng, năm học 2011-2012 này em đang phụ giảng cho lớp 1A5 tại trung tâm. Em cho biết, chính việc làm phụ giảng tại đây là cách để em học thêm tiếng Việt giỏi hơn.
Với em gái của Hoàng Hannah, là Hoàng Bảo Thy Tracey, đang học lớp 8 tại trường Irvine Intermediate, học tiếng Việt lớp 7 tại Trung Tâm Hồng Bàng, cho biết: “Lúc em mới bắt đầu đi học tiếng Việt, em bị ba mẹ bắt đi học. Ban đầu em không thích. Nhưng đến bây giờ, em không muốn quên tiếng Việt, nên em tiếp tục đi học. Em thấy những bạn Việt Nam khác hiện đang trong trường Mỹ không biết nói tiếng Việt sẽ rất thiệt thòi, vì các bạn không hiểu ông bà, ba mẹ nói gì, và cũng không nói chuyện được với các anh chị em họ tại Việt Nam. Em biết nói tiếng Việt, nên em rất hãnh diện. Em nghĩ, những bạn nào vẫn chưa học tiếng Việt, thì hãy đi học, vì vẫn chưa trễ quá, vẫn còn kịp để học, sau này lớn rồi, sợ khó có điều kiện đi học như lúc nhỏ”.
Làm sao để dòng chảy cội nguồn vẫn âm ỉ, vẫn chuyển động mãnh liệt không ngừng nơi thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại là một trăn trở với rất nhiều người Việt xa xứ.
Biển học là mênh mông. Để giỏi bất kỳ một ngôn ngữ nào con người ta cần phải học cả đời cũng chưa biết hết. Nhất là với tiếng Việt tại hải ngoại, nếu ngay từ trong gia đình, các phụ huynh không kiên trì cùng con em mình, thì việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho các em sẽ như “muối bỏ biển”.
Có bao nhiêu ngôn ngữ thì có bấy nhiêu cách biểu đạt tình cảm, nhưng có gì tuyệt vời hơn khi con trẻ lớn lên có thể chia sẻ cảm xúc của mình với người thân bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Và có gì buồn hơn khi nhìn thấy con trẻ của mình bất lực trong việc chia sẻ cảm xúc với ông, bà vì bất đồng ngôn ngữ.
Nếu các em biết đọc, biết nói tiếng Việt, các em sẽ có cơ hội tìm hiểu những tinh hoa của truyền thống văn hóa Việt qua những lời hay ý đẹp từ ca dao, tục ngữ, những bài học luân lý Việt Nam. Những triết lý sống nhân bản, hiền hòa của ca dao tục ngữ Việt Nam đã ngấm vào máu từng người theo cuộc đời, dạy con người hãy "ở hiền gặp lành", dạy con người sống tử tế với nhau, "thương người như thể thương thân". Hoặc các em đọc được những câu chuyện về lịch sử đấu tranh của dân tộc, về các anh hùng dựng nước, giữ nước, để biết thế nào là lịch sử của dân tộc bị gần 1000 năm đô hộ giặc Tàu, gần 100 năm đô hộ giặc Tây, nhưng ông cha vẫn gìn giữ được văn hóa để truyền lại cho con, cháu. Những bạn trẻ sanh ra tại hải ngoại có hiểu được lịch sử của cha ông, mới biết kiêu hãnh về nguồn cội của mình.
Cô Thụy Minh Hồng, trưởng chương trình Việt ngữ căn bản tại Viện Việt Học, cho rằng: “Nếu chúng ta không đưa con em mình vào môi trường Việt Nam từ bé, khi các em lớn lên, các em sẽ không thích người Việt Nam. Không chơi với bạn Việt Nam, không tự hào văn hóa Việt Nam. Không nhìn thấy những ưu điểm của văn hóa Việt Nam. Chúng ta phải cho các em gia nhập vào, lặn lội trong dòng văn hóa Việt từ nhỏ, thì các em mới cảm nhận được và mới yêu được văn hóa Việt.
“Phải cho các em sinh hoạt cộng đồng từ nhỏ, khi các em lớn, các em sẽ vẫn giữ nét Việt Nam lại trong con người. Chứ để các em phát triển theo văn hóa Mỹ, những tư tưởng tự do của văn hóa Mỹ sẽ đẩy hết văn hóa Việt ra khỏi con người các em, như thế sẽ rất nguy hiểm”.
Anh Ngô Thiện Đức, trung tâm trưởng Trung Tâm Tiếng Việt Minh Đức, nói: “Tôi quan niệm, khi các em còn nhỏ, mình uốn nắn các em dễ hơn là đợi các em lớn. Vì chúng ta phải nuôi dưỡng dạy dỗ các em rất lâu, mới thành người được. Khi cho các em đến học tiếng Việt tại các trung tâm, các lớp học trong nhà thờ, trong chùa, các đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, hay Gia Đình Phật Tử… không chỉ giúp các em hiểu tiếng Việt, hiểu văn hóa Việt. Mà những nơi này đều là những đoàn thể tốt, giúp các em thành người tốt, sinh hoạt trong môi trường lành mạnh, có các thầy cô chăm nom các em, có những bạn bè tốt chơi với các em.
“Nếu các phụ huynh quan niệm, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ, khi nào các em muốn thì học, không thì thôi, vô tình cho các em sinh hoạt tự do, các em sẽ có nhiều cơ hội gần bạn xấu hơn. Điều đó rất nguy hiểm”.
Để thay lời kết cho bài viết này, chúng tôi xin mượn lời chia sẻ của phụ huynh Đặng Ngọc Trân: “Tôi nghĩ, dù con em của chúng ta sanh ra tại Mỹ, nói tiếng Anh trôi chảy, nhưng màu tóc màu da Việt Nam của những người trẻ ấy không bao giờ hội nhập được hoàn toàn vào xã hội bản xứ. Mặt khác, không nói được ngôn ngữ mẹ đẻ khiến họ sẽ trở nên xa lạ với căn cước của nguồn gốc. Kết cuộc, họ sẽ rất cô đơn với cội nguồn của mình. Có rất nhiều phụ huynh chúng ta coi nhẹ cái bi kịch này của con em mình. Rồi đây, cái giá phải trả cho sự sai lầm ấy không phải là nhỏ.
“Tôi nghĩ, khi chúng ta nói ‘Tiếng Việt còn, người Việt còn’, chúng ta phải làm bằng hành động, chứ không chỉ bằng lời nói. Trách nhiệm giữ gìn ngôn ngữ không phải chỉ do cộng đồng, mà phải do từ cá nhân trong mỗi gia đình”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT